Để an toàn trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân
2010.05.10
Kỳ này, giáo sư Nhẫn trình bày những công tác cần tiến hành khi kiên quyết muốn xây dựng nhà máy điện hạt nhân, công tác xử lý chất thải phóng xạ.
Điều phải làm ngay
Nhân thượng đỉnh an ninh vũ khí nguyên tử diễn ra trong hai ngày 12 và 13 tháng tư vừa rồi, giáo sư Nhẫn cũng đưa ra một số nhận định về biện pháp ngăn ngừa lan tràn vũ khí nguyên tử.
Quốc hội Việt Nam khóa 12, trong kỳ họp cuối năm rồi đã thông qua nghị quyết về dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận. Chúng tôi nêu câu hỏi đối với những quốc gia mới có kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân, như Việt Nam, cần phải làm gì ngay để có thể bảo đảm an toàn. Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn trả lời.
« Câu hỏi của anh tuy khó mà dễ trả lời một cách ngắn gọn. Lý do là tôi khỏi đề cập đến vấn đề công nghệ vì việc nghiên cứu những biện pháp khoa học kỹ thuật để tăng an toàn là tùy thuộc vào những nước có công nghiệp mạnh, giàu kinh nghiệm về điện hạt nhân.
Tinh thần trách nhiệm, liêm chính và sự tôn trọng triệt để kỷ luật là cần thiết hơn cả. Muốn có an toàn và an ninh, việc tối cần là phải ban hành luật hạt nhân dựa trên kinh nghiệm của các nước như Mỹ, Pháp, Nhật.
GS. Nguyễn Khắc Nhẫn
Về nhân sự, điều quan trọng nhất là phải có chiến lược và chương trình đào tạo gấp rút ở trong nước đội ngũ tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, cán bộ chuyên môn trong nhiều ngành có liên hệ mật thiết với việc xây cất, khai thác nhà máy điện hạt nhân và các cơ sở phụ thuộc. Đồng thời cũng phải gửi gấp hàng loạt chuyên viên, sinh viên đi tu nghiệp, học hỏi ở các đại học và thực tập tại các xí nghiệp hay nhà máy điện hạt nhân ở ngoại quốc.
Tinh thần trách nhiệm, liêm chính và sự tôn trọng triệt để kỷ luật là cần thiết hơn cả. Muốn có an toàn và an ninh, việc tối cần là phải ban hành luật hạt nhân dựa trên kinh nghiệm của các nước như Mỹ, Pháp, Nhật.
Không phải nước nào cũng có đủ điều kiện để xây cất nhà máy điện hạt nhân. Các nước đang phát triển không nên đầu tư vào một lĩnh vực vô cùng nguy hiểm và không có triển vọng. Làm một nhà máy điện hạt nhân là kẹt một thế kỷ! 50 năm vận hành và 50 năm để tháo gỡ! Giá thành kWh sẽ không thể nào kinh tế vì bao nhiêu vấn đề: kỹ thuật, sự bê trễ, cơ cấu công nghiệp, tinh thần kỷ luật, nhân viên chuyên môn, kiến thức… Đó là chưa kể khâu xử lý, lưu trử chất thải phóng xạ và tháo gỡ nhà máy sau này, tốn hàng trăm tỷ đôla
Theo tôi chỉ có năng lượng tái tạo, không tốn tiền nhiên liệu, không có vấn đề kỹ thuật hay an toàn, an ninh và mỗi đôla đầu tư đem lại nhiều việc làm hơn (15 lần) cho dân chúng, là lời giải thích đáng nhất của bài toán năng lượng và hòa bình thế giới. »
Bài toán chất thải phóng xạ
Một vấn đề liên quan điện hạt nhân là chất phóng xạ, vậy theo giới khoa học giải pháp cho vấn đề này là gì? Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn cho biết:
« Nhược điểm lớn nhất của điện hạt nhân là việc xử lý nhiên liệu và lưu giữ chất thải phóng xạ. Tôi xin phép nhắc lại vài con số:
Mỗi năm, một lò PWR – 1000 MW có thể sản xuất trung bình 6 đến 7 tỷ KW/h và sinh ra khoảng 21 tấn nhiêu liệu phóng xạ. Khối lượng này gồm có 20 tấn Uranium (0,9% U235) và 200 kg Plutonium (Pu), 21 kg actinides mineurs và 1183 kg sản phẩm phân rã (produits de fission).
Nhược điểm là vì 1,1% nhiên liệu hạt nhân đã đốt có chất độc phóng xạ kéo dài hàng triệu năm và 4% có chất độc phóng xạ kéo dài 200 – 300 năm!
Lúc đầu nước Pháp xử lý nhiên liệu hạt nhân chủ yếu là để lấy Pu cho quân đội. Sau đó để sử dụng trong các lò nơtron nhanh như Phenix hay Superphenix. Một số lò PWR Pháp sử dụng nhiên liệu MOX (Mixed Oxide Fuel) do PuO2 ở nhiên liệu phóng xạ trích ra cộng với UO2.
Về phương diện kinh tế, môi trường, an toàn và an ninh, phương pháp này không được nhiều nước hưởng ứng là phải.
Nhược điểm là vì 1,1% nhiên liệu hạt nhân đã đốt có chất độc phóng xạ kéo dài hàng triệu năm và 4% có chất độc phóng xạ kéo dài 200 – 300 năm!
GS. Nguyễn Khắc Nhẫn
Đã hơn nửa thế kỷ qua, khoa học và kỹ thuật vẫn chưa tìm ra lời giải cho bài toán lưu giữ chất thải phóng xạ. Lời giải tạm thời đòi hỏi hàng chục, hàng trăm tỷ đôla để thủy tinh hóa chất thải rồi tạm chôn sâu vào lòng đất không thấm nước. Có nhiều người thiếu tinh thần trách nhiệm, nuôi hy vọng rằng các thế hệ sau tìm ra phương pháp mầu nhiệm sẽ đào chất thải lên để xử lý!
Tôi chỉ xin nêu một ví dụ cụ thể để ta đừng nhẹ dạ nghe lời ru ngủ của những nhóm có áp lực (lobby)
Dư luận nước Đức đang xôn xao vì ngày 15-1 vừa qua, các chuyên gia đã yêu cầu đào lên 126.000 thùng chất thải phóng xạ đã được lưu trữ từ 1967 ở mỏ muối Asse 2 (Basse Saxe – vùng Brunswick). Từ mấy chục năm nay, mỗi ngày có 12.000 lít nhiễm phóng xạ ít nhiều chảy rỉ rả mà dân chúng không biết. Nếu cứ để tiếp tục thì một thảm họa rất lớn sẽ diễn ra. »
An toàn hạt nhân
Trong hai ngày 12 và 13 tháng tư vừa qua, tại thủ đô Washington D.C của nước Mỹ, nguyên thủ của gần 50 quốc gia đã tham dự Hội nghị cấp cao an toàn hạt nhân. Mục tiêu là đưa ra những biện pháp giúp ngăn ngừa sự lan tràn của loại vũ khí gây chết người này. Là một chuyên gia hoạt động trong ngành năng lượng nguyên tử lâu nay, giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, có một số nhận định về sự kiện đó như sau:
« Tổng thống Obama đã mời 47 nước tham gia Hội nghị an ninh nguyên tử diễn ra ở Washington. Những nước được mời là những nước có bom nguyên tử, có nhà máy điện hạt nhân hay có lò nghiên cứu (trường hợp Việt Nam, với lò Đà Lạt). Nếu tôi không lầm thì nhiều nước có mặt nằm trên danh sách 44 nước được ghi trong hiệp ước cấm thử vũ khí nguyên tử (CTBT). Iran và Triều Tiên không được mời.
Một trong những mục tiêu chính của Hội nghị là tìm biện pháp duy trì an ninh thế nào để nhiên liệu phóng xạ Uranium làm giàu (enrichi) hay Plutonium khỏi lọt vào tay kẻ khủng bố. Ngoại trưởng Hillary Clinton đã cảnh cáo: một quả bom nguyên tử 10 kilotonnes ở Times Square có thể giết một triệu người! Trên thực tế, những vũ khí sinh học hay hóa học rẻ tiền và dễ chế tạo hơn.
Hiện nay có khoảng 1600 tấn Uranium làm giàu mức độ cao và 500 tấn Plutonium rải rác trên 40 nước, một trữ lượng đủ để chế tạo trên 120.000 bom nguyên tử! (một quả bom cần 25 kg Uranium làm giàu mức độ cao hay 7 kg Plutonium). Đó là chưa kể 23.000 đầu (têtes) nguyên tử (Mỹ: 9400, Nga: 13.000, Pháp: 300, Anh: 180, Trung Quốc từ 200 đến 500, Israel: 80 đến 100, Ấn Độ: 60 đến 80, Pakistan: 70 đến 90, Triều Tiên: 10)
Ta nên đặt câu hỏi tại sao 5 nước (Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga) đại diện thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc lại xuất khẩu 95% vũ khí trên toàn cầu, trong đó có cả công nghệ và vũ khí hạt nhân?
Vì lí do chính trị và nội bộ, Mỹ nhiều lúc phải tránh ra mặt công khai, giao dịch qua 2 nước Pháp và Đức chẳng hạn. Đó là bộ mặt lu mờ dối trá của công nghiệp hạt nhân, không riêng gì cho nước Mỹ. Đừng quên rằng Mỹ đã bán hàng chục nhà máy điện hạt nhân hay lò nghiên cứu cho nhiều nước trên thế giới.
Từ 1968 đến nay có gần 175 nước đã ký hiệp ước không cho tăng nhanh quá mức chất phóng xạ dưới sự kiểm soát của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (AIEA). Tuy nhiên, an ninh vẫn không thể nào đảm bảo vì Cơ quan này không đủ nhân viên chuyên môn để thanh tra và kiểm soát chu đáo. Xem trường hợp Triều Tiên hay Iran, Iraq, Libye. Vai trò của AIEA cũng có sự mâu thuẫn: một mặt thì khuyến khích các nước xây cất lò điện hạt nhân, mặt khác thì muốn hạn chế sự lan tràn chất phóng xạ!
Cũng vì lý do an ninh, an toàn mà Jacques Attali (nguyên Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mitterand), trong một báo cáo trình lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã đề nghị không nên khuyến khích các nước đang phát triển xây cất nhà máy điện hạt nhân. Tôi lo sợ vì Tổng thống Pháp ngày nay lại muốn xuất khẩu rộng rãi nhiều lò điện hạt nhân! Luận điệu các giới có áp lực muốn đổi CO2 lấy hạt nhân để tránh tai biến thay đổi khí hậu là thiếu tinh thần trách nhiệm với con cháu và các thế hệ mai sau.
Tôi hoàn toàn đồng ý với Jacques Attali (nguyên Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mitterand) là nếu muốn có an ninh, an toàn thì nên hạn chế số nhà máy điện hạt nhân.
GS Nguyễn Khắc Nhẫn
Hầu hết các nước có bom nguyên tử đều xây dựng nhà máy điện hạt nhân trước để học hỏi kinh nghiệm. Từ hạt nhân dân sự bước sang hạt nhân quân sự không có nhiều trở ngại lắm.
Tôi hoàn toàn đồng ý với Jacques Attali là nếu muốn có an ninh, an toàn thì nên hạn chế số nhà máy điện hạt nhân.
Không riêng gì trong nhà máy mà còn phải bảo đảm an ninh lúc các đòan xe vận tải những trăm tấn nhiên liệu hay chất thải phóng xạ đi hàng ngàn cây số (đường biển hay đường bộ) đến những cơ xưỡng xử lý ở xa như Pháp , Nga hay Trung quốc...
Tôi không tin rằng Hội nghị với mục tiêu củng cố hiệp ước không để lan tràn hạt nhân (TNP – Traité de non Prolifération Nucléaire) được tổ chức ở New York vào tháng 5 tới sẽ đem lại kết quả mong muốn vì sự bất đồng quan điểm giữa các cường quốc và các nước đang phát triển về chiến lược nguyên tử cũng như quyền lợi chính trị và kinh tế của mỗi nước.
Ngày 8-4 vừa qua hai Tổng thống Mỹ và Nga đã ký tiếp ở Prague thỏa ước START (Strategic Arms Reduction Talks) có từ năm 1991, để hạ thấp số lượng vũ khí nguyên tử. Hai cường quốc này đã gieo quá nhiều hạt nhân xấu , nay lo sợ bom nổ cũng phải thôi! »
Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, nguyên Cố vấn Nha kinh tế, dự báo, chiến lược EDF Paris, nguyên GS Viện kinh tế, chính sách năng lượng và Trường Đại học bách khoa Grenoble, trình bày về những công tác cần phải làm để bảo đảm an toàn cho nhà máy điện hạt nhân như trường hợp Việt Nam sắp bước vào lĩnh vực này khi cho xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Ninh Thuận; cũng như nhận định của ông về việc các quốc gia muốn ngăn ngừa tình trạng lan tràn vũ khí nguyên tử.
Theo dòng thời sự:
- Vấn đề an toàn nhà máy điện hạt nhân
- Hội Nghị Quốc Tế Về Hạt Nhân ở New York
- Thế giới trông chờ gì từ Thượng Đỉnh An Ninh Hạt Nhân
- Hội nghị song phương Mỹ - Trung Quốc đạt kết quả tốt
- Tổng thống Obama họp song phương với lãnh đạo các nước
- Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tại Hoa Thịnh Đốn
- Sáu cường quốc thảo luận về cấm vận mới đối với Iran
- Trung Quốc sẵn sàng đàm phán việc cấm vận Iran