Đa dạng sinh học
Đa dạng sinh học là gì, đánh giá của các cơ quan khoa học về tình trạng đa dạng sinh học của Việt Nam, cùng những chương trình bảo vệ đa dạng sinh học đang được thực hiện tại Việt Nam hiện nay ra sao?
Theo Công ước Đa dạng Sinh học thì ‘đa dạng sinh học’ là “sự khác nhau giữa các sinh vật sống ở tất cả mọi nơi, gồm các hệ sinh thái trên cạn, trong đại dương, và các hệ sinh thái thủy vực khác nhau, cũng như các phức hệ sinh thái mà các sinh vật là một thành phần,… thuật ngữ này bao hàm sự khác nhau trong một loài, giữa các loài và giữa hệ sinh thái”.
Tiến sĩ Vũ Văn Triệu, trưởng đại diện Liên minh Bảo tồn Thiên Nhiên Quốc tế IUCN tại Việt Nam, đưa ra đánh giá về đa đạng sinh học của Việt Nam:
“Việt Nam được Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đánh giá là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất của toàn cầu.
Việt Nam là nơi hiện nay vẫn có thể tiếp tục tìm ra được những loài mới, trong thập kỷ qua có một số loài được tìm ra ở Việt Nam. Đặc biệt vào thập kỷ trước đó có tìm ra một số loài thú lớn rất hiếm trên thế giới.
IUCN cũng có đánh giá cập nhật: Việt Nam là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề bởi biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng; điều này đe dọa nhiều đến tính đa dạng sinh học của Việt Nam.
Việt Nam được nằm trong vùng lưu vực Sông Mê Kông. Đây là vùng có đa dạng sinh học rất đặc biệt vì Sông Mê Kông là một trong những sông lớn trên thế giới.
Ô. Lê Khắc Côi
Trận lũ lịch sử trong năm qua chứng tỏ nhiều rừng đầu nguồn tại Việt Nam bị tàn phá, nhiều rừng bị chặt phá để làm thủy điện, để trồng cây công nghiệp, cộng với nạn phá rừng bừa bãi … Những hoạt động đó chắc chắn ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.”
Đa dạng sinh học của Việt Nam cũng được đánh giá theo một tổ chức khác chuyên về tình hình môi trường trên Trái Đất là Quỹ Quốc tế Bảo Tồn Thiên nhiên hay Quỹ Động vật Hoang Dã Thế giới, WWF. Ông Lê Khắc Côi, thuộc WWF ở Việt Nam cho biết:
“WWF quan niệm có những vùng sinh thái cần đặc biệt quan tâm bảo vệ. Vùng Sông Mê Kông là một trong sáu vùng sinh thái cần đặc biệt bảo vệ của thế giới.
WWF phân loại trên thế giới có chừng 200 vùng sinh thái cần quan tâm bảo vệ; nhưng đặc biệt có sáu vùng gồm: lưu vực Sông Amazon, đảo Borneo và Sumatra, lưu vực Sông Amua- Hắc Long Giang, lưu vực Sông Congo, nam Chilê và lưu vực Sông Mê Kông.
Việt Nam được nằm trong vùng lưu vực Sông Mê Kông. Đây là vùng có đa dạng sinh học rất đặc biệt vì Sông Mê Kông là một trong những sông lớn trên thế giới. Chiều dài của Sông Mê Kông được xếp hạng thứ 11, và lưu vực đứng hàng thứ tám thế giới với trên 800 ngàn kilômét vuông. Vùng này có những loài vật đặc hữu như cá, đặc biệt ở Vùng Biển Hồ Kampuchia.
Hiện việc sử dụng nguồn nước của Sông Mê Kông cũng là một vấn đề rất lớn vì có nhiều đập thủy điện được dự kiến xây dựng trên sông Mê Kông. WWF quan tâm việc bảo vệ Sông Mê Kông, nguồn nước và đa dạng sinh học tại đó.”
Bảo vệ đa dạng sinh học
Thực tế lâu nay, môi trường sinh thái tại Việt Nam có nhiều suy thoái, biến đổi do tác động khách quan từ thiên nhiên, đồng thời cũng do chính những hoạt động của con người gây nên. Các tổ chức như IUCN, WWF và cơ quan chức năng Việt Nam tiến hành những chương trình khác nhau để có thể ngăn không để tình trạng gây hại tiếp tục, đồng thời có những kế hoạch phục hồi các hệ sinh thái đa dạng trên cả nước.
Trạm Đa dạng Sinh học, thuộc Viện Sinh Thái Tài Nguyên Sinh vật của Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam, một cơ quan chuyên trách như tên gọi được đặt cho nó đang thực hiện những gì để duy trì và phát triển tính đa dạng sinh học của Việt Nam? Ông Trạm trưởng Lê Đồng Tấn cho biết:
“Trạm hiện chủ yếu là công tác bảo tồn. Trước hết chúng tôi đang xây dựng một bộ sưu tập sống về các loài động- thực vật nhiệt đới ở Việt Nam. Chúng tôi hiện thực hiện những đánh giá cho các khu bảo tồn, đánh giá các hệ sinh thái đặc trưng như hệ sinh thái vùng cát ven biển, các hệ sinh thái rừng nhiệt đới.
Vừa rồi chúng tôi đánh giá đa dạng sinh học, nhu cầu bảo tồn tại Vườn Quốc gia Kim Sơn, Khu bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ. Viện thì thực hiện công tác bảo tồn ở các khu như Pù Mát, Cát Tiên…
Theo nghiên cứu của chúng tôi thì tính đa dạng sinh thái của Việt Nam đang suy giảm. Nguyên nhân chính do tác động của con người mà ra.”
Trước tình hình trái đất nóng lên, nhiệm vụ chính của các tổ chức chuyên bảo vệ thiên nhiên cũng theo chiều hướng giảm thiểu và ứng phó với những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.
WWF cũng có những chương trình bảo vệ đa dạng sinh học tại Việt Nam trong thời gian qua như trình bày của ông Lê Khắc Côi sau đây:
“Chúng tôi tiếp tục chương trình phục hồi Chương trình Hành Lang Đa dạng Sinh học Việt Nam. Mục tiêu là nối liền các vùng rừng bị chia cắt trước đây, giúp cho các loài động vật có thể di chuyển trong hành lang đó.”
Tiến sĩ Vũ Văn Triệu thuộc IUCN nói về các công việc trong lĩnh vực bảo vệ đa dạng sinh học tại Việt Nam:
“Cuối năm 2008 chính phủ báo cáo và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Luật Bảo vệ Đa dạng Sinh học. Luật là công cụ quan trọng để các cấp chính quyền có thể thực thi những biện pháp giáo dục nhân dân, ngăn chặn, phòng ngừa xâm hại những loài động- thực vật quí hiếm và có ích cho cuộc sống con người.
Năm 2007, thủ tướng Việt Nam cũng phê duyệt chương trình quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học.
Tuy vậy luật và chính sách chỉ có thể đi vào cuộc sống khi cán bộ hoạt động tích cực, các phương tiện truyền thông phải luôn nhắc nhở. Bên cạnh biện pháp xử phạt thì việc nâng cao nhận thức cho người dân rất quan trọng, và phải tạo được sinh kế bền vững cho người dân.
Tổ chức USAID của Hoa Kỳ có dự án bảo vệ đa dạng sinh học ở lưu vực Sông Đồng Nai, theo dự án này thì cán bộ đi đến các vùng thôn- bản thực hiện tuyên truyền về đa dạng sinh học ở địa phương, sự liên quan đến cuộc sống, trồng mới những khoảng rừng bị thoái hóa lâu nay, hoặc trồng thêm vào những nơi quá thưa. Ngoài ra có hoạt động tạo sinh kế cho người dân từ những loại sản phẩm trồng được.
Bên cạnh USAID, còn có SIDA của Thụy Điển, DANIDA của Đan Mạch tham gia vào các hoạt động giúp người dân có sinh kế bảo đảm cuộc sống bền vững hơn để họ góp phần bảo vệ đa dạng sinh học với các cơ quan quản lý.”
Chúng tôi tiếp tục chương trình phục hồi Chương trình Hành Lang Đa dạng Sinh học Việt Nam. Mục tiêu là nối liền các vùng rừng bị chia cắt trước đây, giúp cho các loài động vật có thể di chuyển trong hành lang đó.
Ô. Lê Khắc Côi
Ngoài những công tác thường xuyên lâu nay; trước tình hình trái đất nóng lên do các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các hoạt động sản xuất của con người phát ra, trong năm nay, nhiệm vụ chính của các tổ chức chuyên bảo vệ thiên nhiên cũng theo chiều hướng giảm thiểu và ứng phó với những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.
Ông Lê Khắc Côi thuộc WWF cho biết:
“Chúng tôi sẽ tham gia nhiều vào việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Chúng tôi sẽ đưa ra nhiều tài liệu về hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu. Chúng tôi có hệ thống mạng lưới chuyên gia, thông tin, nghiên cứu cơ bản về các vùng sinh thái của Việt Nam như rừng ngập mặn, rừng trên núi cao…
Từ những cơ sở đó, chúng tôi có thể đóng góp vào các chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu: trồng rừng ngập mặn kết hợp với nuôi tôm, nuôi trồng thủy sản…”
Trưởng đại diện của ICUN tại Việt Nam, tiến sĩ Vũ Văn Triệu cũng trình bày những kế hoạch hoạt động của tổ chức này năm nay:
“Năm nay IUCN tập trung hơn về vấn đề biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng ác liệt; đặc biệt là nước biển dân. IUCN khuyến khích các cấp chính quyền và các cấp trồng mới các rừng ngập mặn.
Lưu ý cho các khu bảo tồn ven biển về tình trạng nước biển dâng. Khi nhiệt độ tăng lên, đa dạng sinh học sẽ thay đổi theo vùng miền, từ đó các địa phương phải có kế hoạch dài hơi hơn, chứ khi nước biển dâng lên rồi, bão lũ mạnh lên rồi, việc chống chọi không kịp.”
Liên hiệp quốc cho hay Năm quốc tế Đa dạng Sinh học sẽ được mở đầu với Hội nghị chính sách về đa dạng sinh học diễn ra ở Paris trong tháng này.
Trong những tháng tới, các nhà khoa nêu rõ tình trạng suy giảm các loài và hệ sinh thái trên thế giới để kêu gọi hành động tích cực bảo vệ.
Xin được nhắc lại Công ước về Đa Dạng Sinh học được ký kết tại Hội nghị Thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển Bền Vững ở Rio de Janeiro, Brazil hồi năm 1992, và có hiệu lực một năm sau đó. Việt Nam tham gia công ước này vào năm 1994.