Cơ quan chức năng có chương trình trồng mới 5 triệu héc ta rừng để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc do hậu quả của một thời chiến tranh cũng như tình trạng khai thác bừa bãi trước đây. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều khu rừng tại Việt Nam vẫn đang bị tàn phá mà cơ quan chức năng không thể ngăn chặn.
Phá rừng để trồng cao su, tiêu
Một người dân tại Tây Nguyên, thừa nhận tình trạng phá rừng để trồng cây phục vụ cho cuộc sống con người dù rằng họ biết làm như thế là trái pháp luật:
“Giá cà phê và tiêu cao nên người nông dân chạy theo. Họ phá rừng để mở rộng diện tích dù cơ quan chức năng có phạt, nhưng rồi cũng không xuể. Nông dân thì đến đâu hay đến đấy mà bắt trồng lại rừng thì đâu có kịp.”
Báo chí Việt Nam luôn có những bài nói về tình trạng phá rừng vẫn diễn ra lâu nay.
Thống kê mà Tờ Tiền Phong Online số ra ngày 6 tháng 6 vừa qua cho thấy trong năm 2007, tại huyện EaSúp tỉnh Daklak có 2,7 héc ta rừng bị phá được phát hiện. Trong bốn tháng đầu năm nay thì con số đó tăng lên gấp gần 70 lần, tức gần 190 héc ta.
Lý do của tình trạng xảy ra ở huyện Easúp được cho biết là nguời ta đua nhau phá rừng để trồng cao su bởi giá cao su lên đến hơn 50 triệu đồng một tấn từ đầu năm cho đến tháng sáu vừa qua.
Tờ báo cho biết, chính chủ tịch UBND xã Cư M'lanh thuộc huyện Easúp bao chiếm hơn 7 héc ta đất lâm nghiệp để bán cho những người từ Đồng Nai lên mua trồng cao su.
Trong khi đó thì chính huyện Easúp cũng đã chấp thuận cho 38 doanh nghịêp với gần 30 ngàn héc ta rừng khảo sát lập kế họach chuyển đổi sang trồng cây cao su.
Đó là chuyện biến đất rừng thành đồn điền cao su. Cũng ngay ở tỉnh Daklak thì Dak Sin là nơi đất rừng nhường chỗ cho cây tiêu. Tác giả Hoàng Thiên Nga mở đầu bài viết với câu “Lần đầu tiên tôi đến dak Sin, ngỡ ngàng nhìn đồi cao lũng thấp tua tủa cọc tiêu chới với in lên nền trời như hàng triệu cánh tay rừng kêu cứu…” Theo tác giả thì hơn ba mươi năm trước, đây là nơi bạt ngàn rừng thẳm.
Dù đã có chủ trương đóng cửa rừng từ nhiều năm nay; thế nhưng mức độ tàn phá rừng dưới nhiều hình thức vẫn diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở các địa bàn miền núi.<br/> <i>ông Nguyễn Thanh Quang, GĐ Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam</i>
Sang đến Lâm Đồng, thông tin mới nhất từ Ban Chỉ huy Bảo vệ Rừng tỉnh này cho biết từ đầu năm đến nay cơ quan này phát hịên hơn 330 vụ phá rừng trái phép, với diện tích rừng bị phá lên đến chừng 100 héc ta. Mục tiêu là phá rừng để làm rẫy cà phê, dù Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Việt Nam chỉ đạo không được phát triển thêm diện tích cà phê.
Xuôi xuống đồng bằng, đến Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Cú, thuộc huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, chính Ban Quản lý khu này trong thời gian qua đã cho cày ủi hơn 80 héc ta đất rừng đặc chủng thuộc phân khu phục hồi sinh thái để trồng khoai mì. Phóng viên Báo Tiền Phong trong số ra ngày 7 tháng 5 thuật lại khi họ đến khu vực đó họ nhìn thấy là hàng mấy chục héc ta đất bị cày ủi phẳng phiu, và cạnh đó là những đống hom sắn để sẵn chuẩn bị trồng. Đi sâu vào rừng họ chứng kiến hằng trăm gốc cây rừng đường kính từ 20 cm trở lên bị vạt vỏ quanh gốc, đốt quanh gốc rồi.
Vụ việc vừa nêu có được cơ quan cấp trên biết và ứng phó ra sao để duy trì Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Cú? Một viên chức thuộc Hạt Kiểm Lâm Hàm Thuận Nam, cho biết:
“Đang điều tra và khởi tố vụ án.”
Lâm tặc phá rừng
Cũng tại miền Trung, ở tỉnh Quảng Nam, mạng Vietnamnet cũng có loạt ba bài nói về cuộc đấu tranh giữ rừng ở đó. Huyện Đại Lộc, nơi được xem là tâm điểm tập kết gỗ lậu. Hạt kiểm lâm Đại Lộc báo cáo trong tháng tư vừa qua lực lượng liên ngành bắt giữ gần 150 vụ vi phạm lâm luật, thu gần 300 m3 gỗ các lọai.
Theo ông Nguyễn Thanh Quang, giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam thì “dù đã có chủ trương đóng cửa rừng từ nhiều năm nay; thế nhưng mức độ tàn phá rừng dưới nhiều hình thức vẫn diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở các địa bàn miền núi.”
Lên đến Nghệ An, tại khu vực Khe Bô, điểm đến đầu tiên của huyện miền núi Tương Dương, hàng loạt ngọn núi nay cũng được nhóm phóng viên Báo mạng Tiền Phong gọi là “bị cạo trọc đầu”.
Khi có báo cáo vụ việc nghiêm trọng thì Cục đến chỉ đạo giải quyết vụ việc nhưng với nguyên tắc là tìm hiểu vì sao lại xảy ra vấn đề, tuyên truyền hơn là ngăn cấm. Cốt lõi là vì chưa đảm bảo được cuộc sống cho đồng bào làm cho họ mất đất sản xuất nên việc nhìn thấy trước mắt mà không thấy lâu dài là việc đương nhiên phải xảy ra.<br/> <i>Cục phó Cục Kiểm Lâm</i>
Người dân tại bản Cánh Toong, xã Yên Hòa, huyện Tương Duơng cho biết dân không đốt rừng thì lấy gì mà sống, và nạn chặt phá rừng ở đó là chuyện thường.
Tại tỉnh Thanh Hóa, rừng phòng hộ ở xã Xuân Quỳ cũng đang kêu cứu. Thông tin trên Tờ Tổ Quốc cho biết trên núi Bù Mùn, xã Xuân Quỳ có lâm tặc đang tàn phá rừng cấm, lấy gỗ đưa đi tiêu thụ nhiều nơi. Tại xã đó hiện có hơn một ngàn héc ta rừng, trong đó rừng sản xuất hơn 230 héc ta, rừng phòng hộ đầu nguồn gần 350 héc ta.
Cũng ở một khu rừng đầu nguồn thuộc tỉnh Phú Thọ, rừng Thượng Cửu ở huyện Thanh Sơn đang là nơi mà lâm tặc lộng hành. Báo Dân Trí có bài về tình hình phá rừng đầu nguồn Thượng Cửu trình bày rằng tại nơi “khai trường” của lâm tặc có những cây gỗ đường kính từ 1 mét rưỡi đến hai mét vết cắt còn mới nguyên.
Giải quyết nạn phá rừng từ gốc rễ
Một viên chức kiểm lâm tại huyện Cư Jút thuộc tỉnh Dak Nông, Tây Nguyên, cho biết ý thức của người dân về tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống của họ:
“Dân ổn định tại chỗ thì có ý thức hơn về môi trường sinh thái và giá trị cây rừng, còn lại vẫn có những người thiếu ý thức và phá rừng.”
Ông này cũng đề cập đến tình trạng tại huyện ông, và những biện pháp đang được thực hiện để có thể duy trì, phát triển rừng ở đó:
“Tại đây việc trồng rừng trong ba năm trở lại tốc độ khá nhanh, đến nay gần 400 héc ta vì giao đất cho dân rồi hỗ trợ cây giống và kỹ thuật. Nguồn thu sau này thì cho họ hưởng và sau này nếu theo cơ chế nông lâm kết hợp thì thể trao sổ đỏ cho họ. Việc trồng rừng thì theo chỉ thị 661 của chính phủ đâu cũng làm như thế, nhưng ở Cư Jút làm khá tốt.”
Ở cấp trung ương, Cục phó Cục Kiểm Lâm cũng cho biết những công tác đang được thực hiện trong việc bảo vệ, phát trỉên rừng ở Việt Nam:
“Khi có báo cáo vụ việc nghiêm trọng thì Cục đến chỉ đạo giải quyết vụ việc nhưng với nguyên tắc là tìm hiểu vì sao lại xảy ra vấn đề, tuyên truyền hơn là ngăn cấm. Cốt lõi là vì chưa đảm bảo được cuộc sống cho đồng bào làm cho họ mất đất sản xuất nên việc nhìn thấy trước mắt mà không thấy lâu dài là việc đương nhiên phải xảy ra.”
Nguy cơ mất rừng cao ở Châu Á
Giới chuyên gia rừng vừa qua lên tiếng cảnh báo cho cả khu vực Châu Á là nhu cầu gia tăng về gỗ, thế rồi giá cả lương thực, năng lượng và những mặt hàng tiêu dùng khác tăng cao kỷ lục như hiện nay là nguy cơ dẫn đến tình trạng mất rừng một cách nhanh chóng tại lục địa này. Theo giới này thì họat động khai thác gỗ lậu, ngay cả việc trồng cây cọ để chế tạo nhiên liệu sinh học, trồng cây cao su khiến thu hẹp các khu đa dạng sinh học; từ đó làm cho tình trạng ấm nóng toàn cầu nặng thêm.
Tại Hội thảo Tuần lễ Rừng Châu Á- Thái Bình Dương diễn ra ở Hà Nội hồi tháng tư vừa qua, giáo sư Norman Myers từ Đại học Oxford cho biết tình trạng hủy hoại rừng nhiệt đới là một siêu khủng hoảng mà chúng ta đang phải đối diện. Theo giáo sư Norman Myers thì đó là một trong những khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ lúc con người ra khỏi cuộc sống hang động cách đây 10 ngàn năm.
Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO có phúc trình rằng tình trạng mất rừng còn ở tốc độ cao như ở các quốc gia như Indonesia, Kampuchia, Miến Điện, Australia, Papua Tân Ghinê cùng một số nước khác.
Phúc trình của FAO cho thấy tình trạng khai thác gỗ lậu tràn lan tại Châu Á nơi mà gần 80% rừng là do nhà nước quản lý và thường được giao cho quân đội kiểm soát, chứ không phải do người dân sinh sống trong hay gần khu vực rừng. Ví dụ được nêu ra như ở Kampuchia, Miến Điện, Philippines.
Việt Nam bị nêu tên là quốc gia nhập gỗ lậu từ Lào về.