Các lãnh đạo thế giới kêu gọi cứu lấy Trái đất

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015.09.29
Hãy cứu lấy trái đất Hãy cứu lấy trái đất
RFA

Cần hành động ngăn chặn những tác nhân làm khí hậu Trái Đất thay đổi thêm nữa dẫn đến những nguy hại cho chính con người. Đây là kêu gọi được nhiều nhà lãnh đạo thế giới đưa ra trong suốt tuần qua.

Gia Minh tổng hợp những thông tin liên quan vấn đề này trong chuyên mục Khoa học- Môi trường hôm nay.

It seems clear to me also that climate change is a problem we can no longer be left to the future generation.

Đó là phát biểu của giáo hoàng Phan xi cô, giáo chủ giáo hội Công giáo La Mã khi được long trọng đón tiếp tại Nhà Trắng vào ngày thứ tư 23 tháng 9 vừa qua.

Đây cũng là thông điệp về môi trường mà người đứng đầu giáo hội với chừng 1 tỷ 200 triệu tín đồ trên toàn thế giới nhắc lại trong các bài phát biểu trước lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ cũng như tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc.

Trước cử tọa hơn 100 nguyên thủ quốc gia và các nhà ngoại giao các nước, giáo hoàng Phan Xi Cô vào ngày thứ sáu trong bài phát biểu ở Đại hội đồng Liên hiệp quốc rằng có thứ quyền môi trường mà con người không được vi phạm, và nhân loại cần phải hành động cấp tốc để chặn đứng việc hủy hoại công trình sáng tạo của Thượng Đế.

Giáo hoàng Phan Xi cô lên tiếng tố cáo những cường quốc trên thế giới đang thỏa mãn cơn khát ích kỷ và vô tận kiếm tiền bằng cách tàn phá tài nguyên trên hành tinh Trái Đất và bần cùng hóa những người yếu đuối, bất hạnh trong quá trình đó.

Người đứng đầu giáo hội Công giáo La Mã cho rằng bất kỳ sự gây hại nào đến môi trường đều là sự tổn hại đến con người. Giáo hoàng Phan Xi cô nói rằng vũ trụ là kết quả từ quyết định thương yêu của Đấng Tạo hóa; Người cho phép nhân loại được sử dụng một cách tôn trọng kỳ công sáng tạo vì lợi ích của đồng loại và vì vinh quang của Tạo Hóa. Con người không được phép lạm dụng chứ đừng nói chi đến việc hủy hoại công trình sáng tạo đó.

Giáo hoàng Phan Xi cô lên tiếng tố cáo những cường quốc trên thế giới đang thỏa mãn cơn khát ích kỷ và vô tận kiếm tiền bằng cách tàn phá tài nguyên trên hành tinh Trái Đất và bần cùng hóa những người yếu đuối, bất hạnh trong quá trình đó

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama là người được cho cũng có cùng quan điểm với giáo hoàng Phan Xi Cô trong vấn đề bảo vệ môi trường bằng cách giảm sử dụng các nhiên liệu hóa thạch, thay vào đó là những loại năng lượng tái tạo không phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính làm Trái Đất ấm nóng lên.

Vào ngày chủ nhật 27 tháng 9 vừa qua, người đứng đầu Nhà Trắng cũng lên tiếng tại thượng đỉnh phát triển của Liên hiệp quốc rằng tất cả các quốc gia sẽ bị tác động bởi thời tiết đang đổi thay và những con người nghèo khó nhất trên thế giới sẽ phải chịu gánh nặng lớn nhất như nước biển dâng lên, thêm những đợt hạn hán. Và tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cảnh báo sẽ có những người tỵ nạn vì biến đổi khí hậu.

Ông này cho rằng những mục tiêu chống đói nghèo sẽ gặp nguy nếu như không có hành động về biến đổi khí hậu.

Theo tổng thống Barack Obama thì cần phải thiết lập những công cụ và hỗ trợ tài chính cho những quốc gia đang phát triển sử dụng các loại năng lượng sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như bảo đảm không có lựa chọn sai giữa phát triển kinh tế và những hành xử tốt nhằm có thể cứu hành tinh Trái Đất.

Tổng thống Mỹ nhắc lại phát biểu của giáo hoàng Phan xi cô về vấn đề bảo vệ môi trường cho rằng vị giáo chủ Công giáo La Mã đã đúng đắn khi kêu gọi thế giới thực thi mệnh lệnh đạo đức như thế.

Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện là hai quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính hàng đầu thế giới. Vừa qua tổng thống Barack Obama và chủ tịch Tập Cận Bình khi gặp nhau tại Nhà Trắng cũng đã đồng ý với nhau là thỏa thuận đạt được tại Paris vào tháng 12 tới đây cần đòi hỏi các quốc gia tăng cường cam kết qua thời gian.

Nguyên thủ hai nước Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng đồng ý tại vòng đàm phán môi trường toàn cầu ở Paris từ cuối tháng 11 sang đến tháng 12 tới đây, hai phía sẽ cùng bên nhau để các mục tiêu phát thải sẽ được tăng lên theo hướng tham vọng cao hơn theo thời gian.

Trong tuyên bố chung sau thượng đỉnh Mỹ- Trung, Bắc Kinh xác nhận vào năm 2017 sẽ tiến hành chương trình buộc các đơn vị phát thải lớn ở Hoa Lục phải mua tín chỉ carbon để có thể đáp ứng mục tiêu giảm phát thải khí CO2.

Khói ô nhiễm từ một nhà máy ở Yutian, ở phía tây bắc tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc (minh họa)AFP
Khói ô nhiễm từ một nhà máy ở Yutian, ở phía tây bắc tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc (minh họa)AFP

Tuy vậy cả hai phía vẫn không đưa ra những biện pháp cụ thể mới dựa trên những các cam kết vào tháng 11 năm ngoái. Theo đó mức phát thải của Trung Quốc chỉ lên đỉnh điểm vào chừng năm 2030 mà thôi; trong khi ấy thì Hoa Kỳ có hứa đến năm 2025 sẽ cắt giảm từ 26 đến 28% lượng khí CO2 phát ra so với mức năm 2005.

Pháp lên tiếng cho rằng việc đạt được một thỏa thuận ở Paris vào cuối năm nay là cơ hội cuối cùng để cứu hành tinh Trái Đất. Tổng thống Pháp Francois Hollande cảnh báo nếu không đạt được thỏa thuận thành công thì sẽ quá muộn. Tuy nhiên theo người đứng đầu nước Pháp thì trong những tháng qua đã có được chuyển động tiến về phía trước.

Tổng thống Francois Hollande nói rõ là đã có những tuyên bố rất mạnh mẽ do các quốc gia chịu trách nhiệm lớn nhất về tình trạng ấm nóng toàn cầu… Hoa Kỳ và Trung Quốc tiến hành cam kết hướng đến giúp thay đổi tình thế.

Tuy nhiên theo giới chuyên gia về biến đổi khí hậu thì những cam kết  cắt hoặc giảm tình trạng ô nhiễm khí gây hiệu ứng nhà kính của tất cả các nước lớn, ngoại trừ Ấn Độ, cũng đang đưa Trái Đất đến mức sẽ nóng thêm 2 độ C trong thế kỷ này.

Đây là mức mà giới chuyên gia môi trường cảnh báo sẽ đưa đến những tác động sâu nặng, không thể thay đổi được cho Trái Đất. Những hiện tượng chắc chắn sẽ xảy đến bao gồm ngập lụt các thành phố ven biển và những đảo quốc, gián đoạn nguồn nước cho nông nghiệp và nước ngọt để sử dụng, bệnh tật lan tràn và sự diệt vong của nhiều loài trên Trái Đất.

Trong quá trình không phải dễ dàng, nhưng con đường tất yếu là thế giới không có sự lựa chọn nào khác. Bởi vì CO2 khi quá ngưỡng về nồng độ khí nhà kính khiến nóng lên vượt quá 2, 3 đến 4-5 độ C thì điều đó cả nhân loại phải hứng chịu sự tồn vong chứ không có riêng nước nào

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh

Theo mô hình của các nhà khoa học thì để có thể giữ ở mức dưới 2 độ C, thế giới chỉ có thể phát thải không quá 1 ngàn tỷ tấn dioxide carbon. Với tỷ lệ phát thải như hiện nay, thì ‘quĩ carbon’ đó sẽ bị chi dùng trong 3 thập niên mà thôi.

Vẫn chưa rõ chính phủ các nước sẽ tăng cường cắt giảm phát thải ra sao trước khi ‘quĩ carbon’ vừa nêu cạn. Theo nhận định thì tại những quốc gia phát triển thì phát thải bắt đầu giảm, trong khi đó tại Trung Quốc và một số quốc gia đang phát triển phát thải vẫn tăng nhanh.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh, chủ tịch Hội đồng Quản Lý Trung Tâm Nghiên cứu Giáo dục & Môi trường ( CERED), người từng tham gia soạn thảo Báo cáo thứ tư của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến Đổi khí hậu năm 2007, nói về tầm quan trọng của mốc thời gian được đưa ra như sau:

“ Bởi vì mốc 2015-2020 là mốc quyết định việc chúng ta phải thay đổi được quá trình đó; nếu như CO2 quá nhiều dẫn đến những biến đổi khí hậu trên toàn cầu thì khoa học- công nghệ (hiện nay) không thể giải quyết nổi. Mức độ thiết yếu ( critical level) được đưa ra và phải được sự thỏa hiệp của các bên.” ( 2- 2.20)

Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ vào tuần rồi tuyên bố với hãng thông tấn AP rằng thỏa thuận quốc tế nào cũng phải cho phép nước ông phát thải để tăng trưởng và chống đói nghèo. Theo bộ trưởng Bộ Tài nguyên Ấn Độ thì những nước giàu từng gây ô nhiễm cho bầu khí quyển lâu nay cần phải cắt giảm nhiều hơn nữa.

Nhóm có tên Climate Interactive, trụ sở tại Washington, Hoa Kỳ đưa ra phân tích nói rằng Trái Đất đang trên đường tăng lên 3,5 độ C trên mức thời kỳ tiền công nghiệp. Mức này theo đồng giám đốc của Climate Interactive, ông Andrew Jones, là quá cao và thế giới không thể thích nghi được

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh cho rằng để có sự đồng thuận về biện pháp phát thải sẽ rất khó thế nhưng vì sự tồn vong mà các bên phải có sự thỏa hiệp. Ông nói:

“ Trong quá trình không phải dễ dàng, nhưng con đường tất yếu là thế giới không có sự lựa chọn nào khác. Bởi vì CO2 khi quá ngưỡng về nồng độ khí nhà kính khiến nóng lên vượt quá 2, 3 đến 4-5 độ C thì điều đó cả nhân loại phải hứng chịu sự tồn vong chứ không có riêng nước nào. Theo tôi đó là con đường tất yếu, không có con đường nào khác. Tất cả phải tìm cách thỏa hiệp. Tức sẽ đến mức độ mà quota carbon trên từng quốc gia và trên từng cá nhân; và có sự phân bố giữa các nước đang phát triển và phát triển. Đây là thỏa hiệp cả gói và các bên phải đưa ra những điều mà có thể chấp nhận được.”

Nhóm có tên Climate Interactive, trụ sở tại Washington, Hoa Kỳ đưa ra phân tích nói rằng Trái Đất đang trên đường tăng lên 3,5 độ C trên mức thời kỳ tiền công nghiệp. Mức này theo đồng giám đốc của Climate Interactive, ông Andrew Jones, là quá cao và thế giới không thể thích nghi được. Tuy nhiên ông này cũng bày tỏ hy vọng vẫn có thể đạt được mục tiêu chỉ tăng thêm 2 độ C nêu như các nước giàu tiến hành kế hoạch giảm đỉnh phát thải vào năm 2020, và các quốc gia đang phát triển thực hiện một thập niên sau đó.

Một số đảo quốc đưa ra mục tiêu cao hơn là chỉ có thể tăng không quá 1,5 độ C trong thế kỷ này thôi vì nước biển dâng đang đe dọa sự tồn vong của những đảo quốc như thế.

Nguồn quĩ giúp cho các quốc gia tiến hành những biện pháp giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính, khiến Trái Đất ấm nóng lên tiếp tục là vấn đề.

Ở Mỹ, tổng thống Barack Obama yêu cầu ngân sách năm tài khóa 2016 chi ra 500 triệu đô la cho khoản cam kết góp 3 tỷ đô la của Hoa Kỳ cho Quỷ Khí hậu Xanh. Phản đối từ phía các nghị sĩ Cộng Hòa về yêu cầu này của tổng thống Barack Obama có thể khiến cho Nhà Trắng không thể thực hiện lời hứa trước khi hội nghị khí hậu toàn cầu ở Paris diễn ra.

Quỹ Khí Hậu Xanh sẽ do các quốc gia giàu đóng góp với tổng ngân khoản đến năm 2020 là 100 tỷ đô la. Đây là khoản kinh phí mà các nước đang phát triển cho rằng sẽ là điều kiện để giúp họ tham gia công tác giảm phát thải cùng toàn thế giới.

Tính đến nay chỉ mới có 57% của khoản hơn 10 tỷ được cam kết đã được thực hiện, trong khi đó phần còn lại vẫn chưa được góp vào. Tổng thống Pháp Francois Holland hồi trong tháng cảnh báo là nếu không có cam kết mạnh mẽ về tài chính thì thỏa thuận sẽ không đạt được khi mà những quốc gia ở nam bán vẫn sẽ bác bỏ.

Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.