Du lịch sinh thái
2012.04.30

Một lý do khiến loại hình du lịch này được nhiều người tìm đến vì môi trường thiên nhiên với không gian cây xanh, non nước… bị thu hẹp; nhất là đối với cư dân đô thị luôn phải sống trong khung cảnh ngột ngạt của thành phố ngày càng trở nên chật hẹp như hiện nay.
Nền sinh thái nông nghiệp
Có thể nói từ sinh thái đang được nhiều công ty phát triển nhà ở tận dụng hầu có thể thu hút khách hàng có tiền sẵn sàng muốn tìm một chút không gian thiên nhiên để sống sau những giờ làm việc mệt nhọc. Đối với nhiều cư dân thành phố khác thì những dịp lễ dài ngày hay cuối tuần cũng mong muốn tìm đến với thiên nhiên để hít thở không khí trong lành nơi chốn đồng quê chưa bị đô thị hóa.
Để đáp ứng cho nhu cầu đó từ nhiều vùng miền trên cả nước xuất hiện nhiều khu được mệnh danh là ‘khu du lịch sinh thái’.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, người đang thực hiện mô hình du lịch nông nghiệp- đồng quê tại Ba Vì thì cần phải phân biệt hai khái niệm đó. Theo bà dạng du lịch sinh thái đang bị ‘lạm dụng’ vì người ta thường phá hủy thiên nhiên để triển khai những khu kinh doanh của họ. Trong khi đó điều kiện của Việt Nam là đất nước nông nghiệp thì nên khai thác vốn quí đã có qua thời gian của Việt Nam. Bà giải thích:
"‘Sinh thái’ không thì mọi người hay lấy đất rừng để làm, tàn phá thiên nhiên thì không đúng theo như cách nghĩ của chúng tôi. Các nước, đặc biệt là những nước Đông Nam Á có nền sinh thái- thiên nhiên rất đa dạng. Thế thì trên nền sinh thái - thiên nhiên đa dạng đó, với sức lao động và trí tuệ của người dân, qua thời gian lịch sử khá dài đã tạo ra sản vật rất phong phú. Khi con người tác động lên nền sinh thái thiên nhiên để làm ra những sản vật từ thiên nhiên, chúng tôi gọi đã tạo ra được nền sinh thái nông nghiệp.
Sản vật tức là những sản phẩm, đồ dùng trong sinh hoạt; rồi tạo ra những thức ăn truyền thống, hoặc văn hóa truyền thống của nông nghiệp đi theo các làng xã truyền thống. Tại Việt Nam, chúng tôi gọi những làng nghề truyền thống là nơi có một nghề gì đó từ 5-10 năm trở lên và được cộng đồng dân cư cùng tham gia, cùng tạo ra sản phẩm hàng hóa.
Khi con người tác động lên nền sinh thái thiên nhiên để làm ra những sản vật từ thiên nhiên, chúng tôi gọi đã tạo ra được nền sinh thái nông nghiệp.
TS. Ngô Kiều Oanh
Vì sao làm du lịch được? Vì trên những sản vật đó có thời gian, có văn hóa, có lịch sử hình thành, có trở thành hàng hóa, có tính thương mại hóa… nên có thể trở thành sản phẩm phục vụ cho du khách. Mà trong thời đại hiện nay, với sự tấn công của hóa chất rất lớn trong tất cả công nghiệp thực phẩm; và con người đi xa dần với thiên nhiên, những sản phẩm thiên nhiên thuần túy khiến tác động đến sức khỏe rất lớn.
Cho nên nhu cầu nối kết giữa những người thành phố với nông thôn rất là lớn, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở những nước phát triển cũng vậy. Với mô hình này chúng tôi muốn sao cho hài hòa lợi ích của những người sống trong đô thị mà không có cách gì bảo vệ sức khỏe của mình, với đầu ra của những người làm ra sản phẩm nông nghiệp.
Ý tưởng này chỉ làm thế nào để thích hợp tại Việt Nam thôi; nhưng làm sao gắn kết được như thế là một câu chuyện dài…."
Kết nối thành thị - nông thôn
"Vì làm khoa học nên tôi cũng định xây dựng một số tiêu chí dựa trên mô hình cụ thể mà mình đang làm. Nhưng tôi nghĩ mới đi được 30% của con đường thôi. Tôi không dám có nhận xét gì lớn cả. Nhưng tôi có đi nghiên cứu ở miền nam: chẳng hạn miền Tây, Hội An… hay ở Sa Pa miền Bắc, thì hiện nay ngành du lịch gọi đó là du lịch cộng đồng. Tức là sử dụng nhà dân cho dạng ‘homestay’, cũng đưa sản phẩm của nhà dân phục vụ cho du khách. Thế nhưng ‘bà đỡ’ để thành sản phẩm hàng hóa còn rất ít ỏi. Và chưa có tính xuyên suốt, tính hệ thống và tính liên kết.
Thực ra hiện nay tôi đang rất muốn làm một chiến lược phát triển du lịch nông nghiệp - thực sự là một sản phẩm mang tên gọi du lịch nông nghiệp; nhưng theo tôi nghĩ Tổng Cục Du lịch Việt Nam chưa công nhận, mà ghép vào gọi là ‘du lịch sinh thái’.
Một chủ nhân khu du lịch sinh thái tại tỉnh Tiền Giang, ông Phan Văn Đức, cho biết thực tế và chương trình đón khách đến xem nhà cổ cũng như vườn cây ăn trái của gia đình ông từ năm 1993 đến nay:
"Tùy theo các loại khách: khách ăn trưa, khách ngủ đêm hay khách tham quan. Khách tham quan đến tham quan nhà cổ, vườn cây. Khách ăn trưa cũng tham quan nhà cổ, vườn cây rồi ra ăn trưa ngoài vườn; khách nghỉ đêm tại các phòng cho ‘homestay’ còn có thêm các chương trình như câu cá, ca nhạc, ‘cooking class’…"
Việc đón khách đến tham quan ngôi nhà cổ từ thế kỷ thứ 19, cũng như vườn cây ăn trái rộng chừng 3 héc ta rồi nghỉ qua đêm ở 16 căn phòng hay ăn trưa tại đó với một số sinh hoạt khác như câu cá, nghe ca nhạc tài tử… đều được kết hợp với các công ty du lịch. Theo ông này thì không biết các công ty bán tour cho khách bao nhiêu, ông chỉ thu mỗi khách 10 ngàn đồng Việt Nam khi đến tham quan nhà và vườn cây. Mỗi bữa ăn trưa giá từ 7 đến 10 đô la tùy theo khách đặt. Nghỉ qua đêm tại một phòng nhà ông là 44 đô la.
Một hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam cho biết về một tour du lịch sinh thái ở miệt vườn sông nước Cửu Long như sau:
"Tour gồm chuyến tàu đưa khách đi tham quan cuộc sống người dân, hoạt động sản xuất như làm kẹo dừa, rồi đi thăm vườn cây trái, ăn trái cây .. Nếu ở lại nhà dân thì ăn uống, vui chơi, và có những lớp nấu ăn…"
Tôi thấy bây giờ Nhà Nước cho làm tự do, ai có khả năng kinh doanh thì kinh doanh thôi. Nhà Nước sẵn sàng cấp giấy phép; còn yểm trợ vốn thì không có.
Ông Phan Văn Đức
Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh chỉ ra những chính ưu thế từ nền nông nghiệp mà Việt Nam đang có để có thể triển khai loại hình du lịch đồng quê - nông nghiệp:
"Vùng tôi đang làm là ‘cái nôi’ của vùng văn minh lúa nước Sông Hồng, bắt đầu từ hạt lúa cổ Hòa Bình xuống tại đó. Người Mường từ những thềm sông cổ lan dần ra những cánh đồng lớn, đồng bằng lớn hai bên bờ Sông Hồng và Sông Đà - tức hệ thống sông Hồng; rồi đi theo nền văn hóa, theo những đời vua đầu tiên được hình thành …
Quanh chỗ tôi làm dự án có làng cổ Đường Lâm, có làng thảo dược của người Dao chỉ cách vài kilomet thôi. Họ làm những bài thuốc nam rất tuyệt vời. Họ chỉ sống bằng những loại cây thuốc hoàn toàn tự nhiên thôi, không sử dụng tí hóa chất nào. Rồi có những làng chè mấy trăm héc ta… Tôi nghĩ tôi có may mắn làm trên một môi trường đậm nét về văn hóa và lịch sử của nông nghiệp và tính liên kết khá lớn."
Mạnh ai nấy làm
"Đầu tiên phải có chính sách coi trọng nông nghiệp; trong đó coi trọng những thực phẩm sạch, an toàn, thực phẩm từ gốc thiên nhiên. Việt Nam là đất nước nông nghiệp, nhưng để trở thành nhà cung cấp thực phẩm toàn cầu thì chính sách chưa sâu sắc, triệt để, quán triệt. Để làm được du lịch, để có chân đứng trong thị trường về thực phẩm còn nhiều việc phải làm nữa. Để thu hút được khách du lịch với những sản phẩm ngon lành, và hoàn toàn là đặc sản của địa phương theo tôi nghĩ còn rất nhiều việc phải làm."
Ông Phan Văn Đức thì cho rằng do làm ăn nhỏ lẻ như hiện nay, ông vẫn chưa gặp vấn đề gì lớn. Ông trình bày:
"Tôi thấy bây giờ Nhà Nước cho làm tự do, ai có khả năng kinh doanh thì kinh doanh thôi. Nhà Nước sẵn sàng cấp giấy phép; còn yểm trợ vốn thì không có. Mình có bao nhiêu làm bấy nhiêu: làm từ cấp nhỏ, cấp thấp rồi từ từ gom được chút nào thì làm thêm chút nấy; vậy thôi."
Trong tình hình phát triển hiện nay, nếu không kịp thời có những chính sách như tiến sĩ Ngô Kiều Oanh đề ra, thì tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp- đồng quê của Việt Nam khó có thể được khai thác hiệu quả. Ngược lại có thể nhiều cơ sở sẵn có sẽ bị mất đi.
