An Giang tham gia cứu sông Mê Kông

Ngày 24 tháng 8 vừa qua, tờ Sài gòn Giải phóng loan tin, tỉnh An Giang vừa triển khai cuộc vận động người dân tham gia chiến dịch mang tên ‘Hãy Cứu Sông Mêkông’.
Gia Minh, phóng viên RFA
2009.08.31

Tình hình dòng Mê Kông nguy hại ra sao khiến tỉnh An Giang của Việt Nam theo gương những nơi khác tiến hành cuộc vận động vừa nói? Hoạt động này sẽ mang lại những lợi ích thế nào?

Đây là chủ đề chuyên mục Khoa học - Môi trường kỳ này...

Sông Mêkông kêu cứu

Trong thời gian qua, giới khoa học nhiều lần lên tiếng cảnh báo về tình trạng dòng sông Mêkông đang bị suy thoái do việc khai thác quá mức của các quốc gia thượng nguồn, nhất là Trung Quốc.

Theo các nhà khoa học, chính những con đập xây trên dòng Mê kông sinh ra những hệ lụy khác như lượng phù sa về xuôi ít đi và môi trường sống của các loài thủy sản trên con sông này bị tác động.

Theo các nhà khoa học, chính những con đập xây trên dòng Mê kông sinh ra những hệ lụy khác như lượng phù sa về xuôi ít đi và môi trường sống của các loài thủy sản trên con sông này bị tác động.

Riêng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, nằm cuối dòng Mêkông trước khi đổ ra biển được cho rằng sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Trong thực tế, những tác động tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long đã được nhìn nhận như trình bày của kỹ sư Kỷ Quang Vinh, trưởng trạm quan trắc Cần Thơ:

Nước về trong thời gian gần đây có suy giảm, không chỉ suy giảm trong mùa khô gây thiếu nước trong sản xuất nông nghiệp mà còn suy giảm trong mùa lũ. Trước đây vào mùa lũ, lưu lượng đổ về vùng đồng bằng là 40.000 m3/giây, tài liệu xưa để lại như thế nhưng những đo đạc gần đây thì chỉ còn khoảng 28.000 m3/giây thôi. Mùa lũ cũng mất đi một lượng nước khá lớn.

Còn đo chất rắn lơ lửng (phù sa) ở sông Hậu thì thấy là 10 năm trước, có thời điểm lên tới 300mg chất rắn lơ lửng trong một lít nước, hiện nay số liệu này chỉ còn khoảng 120mg- 150mg/lít vào thời điểm cao nhất, còn mức độ trung bình thì ở khoảng từ 80mg đến 100mg/lít thôi.

Mùa khô hiện nay là vấn đề lớn của đồng bằng, theo tính toán của mình thì lượng nước sẽ thiếu chỉ riêng cho vụ lúa Đông Xuân. Ngoài ra còn nước sử dụng cho sinh hoạt, thiếu nước sẽ ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân. 

Giáo sư Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội Đồng Khoa học Viện Tài nguyên Nước và Môi trường Đông Nam Á, trình bày thêm về tác động do những con đập trên thượng nguồn đối với khu vực hạ nguồn, nhất là vùng đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam:

Nay thì thấy nhiều nhưng cái hại chưa đến nỗi. Ví dụ ngay vấn đề xả, trận lũ tháng giêng năm 2003 là rất đột ngột chưa bao giờ có trên lịch sử Sông Hồng, Sông Đà cả. Tháng ấy thì vọt lên 4.500 m3/ giây,  so với trước đây chỉ có 2000 trở xuống thôi. Bởi không đoán trước được nên không tìm cách phòng ngừa được.

Trước đây vào mùa lũ, lưu lượng đổ về vùng đồng bằng là 40.000 m3/giây, tài liệu xưa để lại như thế nhưng những đo đạc gần đây thì chỉ còn khoảng 28.000 m3/giây thôi. Mùa lũ cũng mất đi một lượng nước khá lớn.

Còn cạn thì có những năm cạn khô, cạn kiệt vào tháng giêng ,tháng hai, tháng ba… Lý do được bảo là do điều hành các hồ chứa nhưng cũng còn lý do nữa là do bên Trung Quốc lấy nước để sử dụng.

Còn đồng bằng Sông Cửu Long thì mấy năm nay thường xuyên không có lũ lớn, trong khi nơi đó cần lũ để có phù sa để bồi đắp cho cánh đồng, cũng như nguồn lợi cá. Từ năm 2000 đến nay lũ không lớn nữa và đấy là hiệu ứng mà chúng ta đã thấy.

Cứu thế nào?

Trước những tác động bất lợi mà các nhà khoa học nêu ra, tỉnh An Giang đã đi đầu trong việc triển khai cuộc vận động ‘Hãy Cứu Sông Mêkông’.  Phó giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh An Giang, ông Trần Anh Thư, cho biết một số thông tin về hoạt động đó: An Giang  là tỉnh đầu tiên bắt đầu vận động trên tinh thần tự nguyện của cộng đồng, của mỗi người dân.

Dĩ nhiên vấn đề này do tính khoa học, hàn lâm của nó về môi trường, có thể người dân không hiểu, nên phải làm cho người dân hiểu những ảnh hưởng của nó thế nào. Trên cơ sở đó thì người dân tự nguyện tham gia vào chương trình trên website.

Tuy nhiên riêng tỉnh An Giang thôi thì không đủ sức thuyết phục nên sắp tới đây sẽ có những cuộc hội nghị cho các tỉnh ĐBSCL để có tiếng nói chung. Bên cạnh đó chúng tôi sẽ tìm những cách để có những phản ánh chính thức, trực tiếp bằng văn bản đến những ngân hàng cung cấp vốn cho những dự án (thủy điện). Xin được nói lại là không phải tỉnh An Giang phản đối tất cả các dự án thủy điện nhưng mà dự án nằm trên dòng chính thì tác động của nó sẽ ảnh hưởng nhiều.

Chữ ký về mặt nào đó nó không có tác động mạnh, trực tiếp là người ta ngắt hoàn toàn công việc, chặn đứng những tai họa nhưng làm cho thế giới thấy có cảnh báo mà ủng hộ. Điều ấy cũng làm cho những nước gây ra tai họa  cũng ngần ngừ, chần chừ, không còn làm mạnh như trước đây

Giáo sư Ngô Đình Tuấn

Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu mà cả thế giới đang lo ngại, cộng thêm với tác hại của thủy điện thì ảnh hưởng của nó sẽ rất lớn đối với 13 triệu dân của đồng bằng.

Tôi nghĩ những nước như Thái Lan, Campuchia, Lào cần liên kết để có tiếng nói chung.     

Vậy cuộc vận động sẽ mang lại những tác động gì theo như tên gọi là ‘Hãy cứu Sông Mêkông’?

Giáo sư Ngô Đình Tuấn nhận định: Thực ra những chữ ký về mặt nào đó nó không có tác động mạnh, trực tiếp là người ta ngắt hoàn toàn công việc, chặn đứng những tai họa nhưng làm cho thế giới thấy có cảnh báo mà đồng tình ủng hộ. Điều ấy cũng làm cho những nước gây ra tai họa người ta cũng ngần ngừ, chần chừ, không còn làm mạnh như trước đây. Vì dụ do việc lên án như vậy trên báo chí, các nước cũng rà soát lại những dự án đập thủy điện trên những dòng sông lớn, sông chính, sông nhánh của Campuchia, Lào và Thái Lan.

Đấy là một trong những giải pháp hòa bình thôi nhưng chúng ta phải có những lý lẽ, những chứng minh cụ thể thì nó có sức thuyết phục hơn. Các nhà khoa học cần phải chứng minh bằng số liệu cụ thể mới được, chứ không thì những tiếng nói ấy chỉ là phong trào, hạn chế.  

Kỹ sư Kỷ Quang Vinh nêu thêm ý kiến: Có những phong trào như vậy thì có tiếng nói bắt buộc những nước trên thượng nguồn phải có hợp tác với các nước dưới hạ nguồn, để cùng chia sẻ nguồn nước phục vụ sự phát triển bền vững của khu vực.

Nội dung thỉnh nguyện thư kêu gọi các vị đứng đầu chính phủ bốn nước cho hủy bỏ kế hoạch xây dựng 11 con đập trên Sông Mê kông thuộc phần lãnh thổ của họ.

Hồi trung tuần tháng sáu vừa qua, Tổ chức ‘Save the Mekong’ thu thập được hơn 15 ngàn chữ ký vào thỉnh nguyện thư gửi cho thủ tướng bốn quốc gia thuộc hạ lưu Sông Mê Kông gồm: Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Những người ký tên thuộc các nước trong khu vực Sông Mê Kông, cũng như ở khắp nơi trên thế giới.

Nội dung thỉnh nguyện thư kêu gọi các vị đứng đầu chính phủ bốn nước cho hủy bỏ kế hoạch xây dựng 11 con đập trên Sông Mê kông thuộc phần lãnh thổ của họ.

Các chuyên gia môi trường quan ngại những đập thủy điện dự kiến được xây, sẽ gây ảnh hưởng cho nghề cá, nuôi sống chừng 60 triệu người dân sống trong lưu vực. Sông Mêkông là môi trường sinh sống của chừng 1200 loài cá. Đây là nơi có mật độ các loài thủy sản đứng hàng thứ nhì thế giới, chỉ sau sông Amazon bên Nam Mỹ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.