Chiến dịch "Connect the dots" tại Việt Nam
2012.05.07

Ứng phó biến đổi khí hậu
Từ năm 2008, thủ tướng Việt Nam đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu. Vào ngày 7 tháng 3 vừa qua, Bộ Tài Nguyên Môi trường Việt Nam cho công bố Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Vấn đề được cho biết là cấp bách và các địa phương phải xây dựng những phương án ứng phó thích hợp. Trước mắt phải tuyên truyền, giúp người dân hiểu được những tác động bất lợi do biến đổi khí hậu gây nên để rồi có những chuẩn bị, cũng như ứng phó tích cực giúp giảm thiểu những tác hại đối với hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất…
Tuy nhiên trong thực tế, đến nay người dân cũng chỉ nghe sơ qua những gì được nói trên các phương tiện thông tin truyền thông, chứ nhiều địa phương vẫn chưa thực sự tiến hành nêu vấn đề ra với người dân theo như chỉ đạo của chính phủ.
Một người dân chuyên trồng sầu riêng tại tỉnh Bến Tre cho biết những trải nghiệm sản xuất trong thời gian qua, thực tế đổi thay của thời tiết và những thông tin nhận được về hiện tượng biến đổi khí hậu tác động đến địa phương chuyên trồng cây trái và hoa cảnh quê ông:
"Mấy năm nay sâu bệnh nhiều. Xịt thuốc thì hết nhưng sau lại phát lại hoài. Nước có nhiều thì bao được, nhưng sâu bệnh nhiều hơn mấy năm trước. Thời tiết mấy năm nay thay đổi, làm bông hơi khó khăn vì nghịch. Mưa nắng thất thường. Nhiều khi làm bông vừa lú thì mưa, bị khựng lại.. Nghe Đài nói thời tiết thay đổi, mình ở trong vườn ít khi hỏi mấy ông làm việc."
Cô Hoàng Minh Hồng, người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Nam Cực, và lâu nay tích cực tham gia vào cách hoạt động môi trường tại Việt Nam như bảo tồn động vật hoang dã, tham gia tổ chức chiến dịch Giờ Trái Đất hằng năm, đưa ra nhận xét về ý thức cộng đồng về tác động của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống của họ:
Chúng tôi không muốn đây là chiến dịch ngắn mà muốn nêu bật những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu lên đời sống người dân.
Cô Hoàng Minh Hồng
"Ý thức cộng đồng là chuyện nói hoài không hết, vì khi đến các địa phương mới biết nhận thức của người dân không cao. Ngay cả người trẻ cũng vậy, không phải ai cũng có thể hiểu biến đổi khí hậu là gì, họ có thể làm gì. ‘Loanh quanh, lẩn quẩn’chỉ là vài lời nói, vài câu tuyên truyền, một số hưởng ứng các chiến dịch khá là ‘rầm rộ’ như Giờ Trái đất."
Trước thực trạng đáng ngại của hành tinh trái đất với những biến đổi về khí hậu, thời tiết mà hậu quả là do chính những hoạt động công nghiệp của con người gây nên suốt trong thời gian qua, một số nhóm, tổ chức phi chính phủ về môi trường như 350.org đang tích cực tham gia góp phần giúp giảm thiểu những tác hại đó.
Ngày 5 tháng 5 vừa qua là ngày mà nhóm 350.org chọn làm Ngày tác động biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Nâng cao nhận thức cộng đồng
"Ở thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi có một ngày gọi là ngày phát động chiến dịch ‘Connect the dots’ tại Việt Nam. Vì chúng tôi không muốn đây là chiến dịch ngắn mà muốn nêu bật những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu lên đời sống người dân trong một thời gian rất dài, nên ngày 5 chỉ là ngày khởi động mà thôi. Trong ngày đó chúng tôi có những tình nguyện viên xuống rừng ngập mặn Cần Giờ để trồng thêm cây cho rừng ngập mặn."
Lý do chọn rừng ngập mặn Cần Giờ làm nơi tiến hành những hoạt động khởi động chiến dịch giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về những tác động của tình hình biến đổi khí hậu lên đời sống con người là vì đây được xem như là một lá phổi xanh, một bức tường che chắn nhiều tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đối với khu vực thành phố Hồ Chí Minh.
Cô Hoàng Minh Hồng còn cho biết những rác thải nhặt được về, các bạn tình nguyện viên sẽ tạo thành những tác phẩm mang tính nghệ thuật với thông điệp cụ thể:
"Các tình nguyện viên sẽ đi ra biển để nhặt rác và sau đó dùng những rác đó tạo nên những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt theo trí tưởng tượng của các bạn nói đến tác động của tình trạng biến đổi khí hậu và gửi thông điệp đó đến cho toàn cầu."
Tại hai thành phố Hà Nội và Đà Nẵng, các tình nguyện viên tại chỗ trong ngày 5 tháng 5 cũng có những hoạt động tương tự như trình bày của cô Hoàng Minh Hồng:
"Ở Hà Nội, các bạn tình nguyện viên sẽ đi đến khu vực Sông Hồng. Khu vực sông này do tình hình biến đổi khí hậu nên bị cạn nước rất nhiều. Các bạn làm một phóng sự dọc theo Sông Hồng mang tên ‘Chuyến đi về nhận thức’. Các bạn đến nói chuyện với người dân sống dọc sông, cũng như đến các trường học nói chuyện với các học sinh."
Dự báo cho hay khu vực Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới khi mà mực nước biển dâng lên thì một phần lớn cũng sẽ bị ngập nước. Do đó sau ngày tác động biến đổi khí hậu, một số tình nguyện viên sẽ đến những quận bị tác động bởi triều cường trong thời gian qua để giúp người dân thấy rõ tác động đó và có những hành động cụ thể. Cô Hoàng Minh Hồng cho biết tiếp:
Ý thức cộng đồng là chuyện nói hoài không hết, vì khi đến các địa phương mới biết nhận thức của người dân không cao. Ngay cả người trẻ cũng vậy, không phải ai cũng có thể hiểu biến đổi khí hậu là gì, họ có thể làm gì.
Cô Hoàng Minh Hồng
"Những hoạt động sau đó là chúng tôi sẽ đi đến những cộng đồng như quận 12 hay Bình Thạnh, mà như anh biết trong suốt trong thời gian bốn năm qua mỗi năm lại có một mức triều cường kỷ lục cao mới. Điều đó chứng tỏ tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng đã tác động đến thành phố Hồ Chí Minh, khiến cho cuộc sống của người dân đảo lộn."
Công việc cụ thể để giúp người dân tại khu vực bị triều cường gây tác động là trồng thêm cây để gia cố đê bao cũng như vớt lục bình dày đặc trên sông gây ách tắc cho dòng chảy, khiến cho tác động của triều cường càng nặng thêm lên. Song song đó là cùng tham gia với người dân xây dựng lại những đoạn đê bao bị vỡ lâu nay.
Một tình nguyện viên sau khi tham gia trồng rừng tại khu vực sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ trong ngày 5 tháng 5, sau khi về cho chúng tôi biết lại công việc đã làm và sự thu hút của người dân cũng nhu khách du lịch khi nhìn thấy các bạn ra quân trồng cây và rồi tham gia làm một công việc rất thường nhật là nhặt rác bị vương vãi trên bãi biển. Bạn tình nguyện viên trình bày:
"Hôm nay chúng em có một mô hình nghệ thuật sắp đặt được tạo từ các vật liệu phế thải. Các bạn làm những mô hình về thành phố bị nhấn chìm hay nước biển dâng. Những mô hình này lôi kéo sự tò mò của người dân và khiến họ tham gia cùng. Họ đã theo dõi và quan tâm từ đầu đến cuối."
Nhiều khó khăn
"Một chiến dịch như Connect the Dots, nhiều người còn mơ hồ không hiểu đó là cái gì, nên khi chúng tôi đến làm việc với các phường, các địa phương gặp nhiều khó khăn."
Theo Cô Hoàng Minh Hồng, dù biết rõ chính phủ có chương trình quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu với những kịch bản cụ thể được nêu ra; tuy vậy chính phủ chưa có những chính sách cụ thể hỗ trợ cho những nhóm tình nguyện viên như 350.org.
Dẫu thế các bạn cũng muốn hoạt động một cách độc lập như trình bày sau của cô Hoàng Minh Hồng:
"Thực ra chúng tôi muốn đưa ra một mô hình mới về phong trào chống biến đổi khí hậu hay phong trào môi trường: đó là tách khỏi suy nghĩ phải dựa vào một nguồn lực nào đó, phải có một nguồn tài trợ cố định hay có một dự án lớn nào đó mới có thể bảo vệ môi trường. Thực ra chúng tôi bắt đầu từ con số không, các bạn phải tiết kiệm từng đồng để gọi điện thoại hay mua xăng chạy công việc hằng ngày.
Điều đó muốn nói rằng ai cũng có thể làm điều gì đó, chứ không phải chỉ ngồi chờ tình trạng môi trường hay việc làm cho người dân hiểu là ai cũng làm được. Chúng tôi muốn bắt đầu từ con số không rồi dần dần xây dựng nên thành những con số lớn hơn."
Theo cô Hoàng Minh Hồng chính nhờ vào lòng nhiệt tình, yêu thiên nhiên, sự nhanh nhạy của các bạn tình nguyện viên khiến họ có thể vượt qua khó khăn và thuyết phục được những giới chức chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong cộng đồng để các bạn tiến hành hoạt động.
Một chiến dịch như Connect the Dots, nhiều người còn mơ hồ không hiểu đó là cái gì, nên khi chúng tôi đến làm việc với các phường, các địa phương gặp nhiều khó khăn.
Một tình nguyện viên
Ngoài ra hiện cũng có nhiều đơn vị tham gia trong công tác bảo vệ môi trường, nên 350.org cũng cùng với họ nhằm có thể kêu gọi cộng đồng cùng chung tay giữ gìn ngôi nhà chung Trái đất. Cô Hoàng Minh Hồng cho biết:
"Chúng tôi có liên kết với rất nhiều CLB về môi trường của các bạn trẻ tại thành phố, cũng như chúng tôi không thể sống thiếu được sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ giúp chúng tôi trong các chương trình địa phương chẳng hạn như WWF ... Từ những hoạt động lớn như Giờ Trái Đất hay nhỏ họ đều cho chúng tôi những lời khuyên, hay tư vấn về mặt kỹ thuật. Họ cũng cung cấp tài liệu và những hỗ trợ khác để chúng tôi đi đúng hướng trong hoạt động của mình."
Việt Nam là một trong năm quốc gia ven biển được báo trước sẽ bị tác động nhiều nhất do tình hình biến đổi khí hậu gây nên. Nếu mọi công tác giảm thiểu những tác động được dự báo không được cấp thời tiến hành một cách cụ thể; đến khi tác động bất lợi xảy đến thì trở tay không kịp.
Những công tác của các nhóm như 350.org cần được chính phủ khuyến khích và hỗ trợ tích cực để đạt hiệu quả hơn.

Theo dòng thời sự:
- Du lịch sinh thái
- Ô nhiễm tại Hà Nội
- Thực trạng rừng ngập mặn tại Việt Nam
- "Giờ Trái đất" 2011
- Thế giới tắt đèn hưởng ứng ‘Giờ Trái Đất’
- Giờ Trái Đất
- Ngày Nước Thế Giới 2012 và an ninh lương thực Lưu Vực Sông Mekong
- Vấn đề phát triển bền vững sông Mêkông
- Cây rừng kêu cứu
- Vấn đề nguồn nước ở Việt Nam
- Nông thôn VN và ước mơ nước sạch
- Việt Nam đối mặt với nạn thiếu nước