Có nên xây dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6 A?
2011.09.04
Chuyên mục Khoa học - Môi trường kỳ này mời quí thính giả cùng nghe ý kiến của hai chuyên gia trong nước về vấn đề vừa nêu.
Cách đây chưa đầy một tháng, vào ngày 7 tháng 8 vừa qua, các nhà khoa học thuộc Hội Liên hiệp Khoa học - Kỷ thuật Việt Nam, VUSTA, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam - VRN, và Vườn Quốc gia Cát Tiên tại hội thảo về quản lý tổng hợp rừng đầu nguồn và lưu vực Sông Đồng Nai đưa ra kiến nghị tạm dừng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6 A của chủ đầu tư Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai sẽ triển khai trên sông Đồng Nai.
Lý do được cho biết đánh giá tác động môi trường của hai dự án này chưa đầy đủ.
Hai nhà khoa học về nguồn nước tại Việt Nam là giáo sư Ngô Đình Tuấn, chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Tài Nguyên Nước và Môi trường Đông Nam Á, và tiến sĩ Phạm Hồng Giang, chủ tịch Hội Đập Lớn và Phát triển Nguồn nước Việt Nam cũng có ý kiến tương tự về tình trạng chưa có những đánh giá đầy đủ để có thể triển khai dự án.
Cần cân nhắc - cân, đong đo đếm
Giáo sư Ngô Đình Tuấn nói về điều này, đặc biệt trong vấn đề triển khai một dự án thủy điện trên sông như Đồng Nai 6 và 6 A trên dòng Đồng Nai:
“Hiện đang làm thẩm định đánh giá tác động môi trường. Thẩm định đánh giá tác động môi trường vì trước đây không định làm nhưng giờ lại làm. Tuy nhiên có liên quan đến khu bảo tồn là Vườn Quốc gia Cát Tiên, chưa thẩm định xong.
Cần phải có cân nhắc - cân, đong đo đếm. Ví dụ như đoạn trên Sông Sêrêpok, người ta cho chen vào hai thủy điện giữa Buôn Kuốc và Đức Xuyên. Vấn đề đó đang bàn, mặc dù họ đã khởi công.
Cần cân nhắc, vì thủy điện có những ưu điểm, ưu việt nhưng cũng có những mặt gây nên rủi ro.
Cần cân nhắc, vì thủy điện có những ưu điểm, ưu việt nhưng cũng có những mặt gây nên rủi ro.
GS Ngô Đình Tuấn
Chúng ta cân nhắc vì vấn đề thiếu điện. Nếu không làm thì đến năm 2025 sẽ hết chỗ. Lúc đó chỉ còn có ‘thủy điện tích năng’ chứ không còn xây dựng những hồ để làm thủy điện nữa. Vì thế phải cân nhắc, chờ.
Việc chờ đó còn liên quan đến việc nhà nước muốn rà soát lại. Trước đây giao cho địa phương làm qui hoạch, phía trên thì giao cho EVN, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương về qui hoạch thủy điện. Nay phải rà soát lại hết.”
Tiến sĩ Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập Lớn và Phát triển Nguồn nước Việt Nam cũng có ý kiến tương tự:
“Chúng tôi chưa có những thông tin đầy đủ, nhưng qua những thông tin nhận được, chúng tôi thấy cần phải có khảo sát đầy đủ, tỉ mỉ hơn.”
Dày đặc thủy điện
Theo thống kê đưa ra thì trên lưu vực sông Đồng Nai cứ cách 30 kilômét lại có một công trình thủy điện. Mật độ như thế được cho là quá dày đặc.
Về đánh giá này thì GS Ngô Đình Tuấn có giải thích:
“Vấn đề là có quá nhiều thủy điện mà vẫn chưa đủ cung ứng nguồn điện. Tôi muốn đưa ra các ví dụ: thứ nhất nước ngày càng đổ ra biển nhiều nên cần phải giữ nước lại để sử dụng; thứ hai trên dòng Sông La Ngà đã có thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi rồi nhưng còn phải đó thủy điện La Ngâu, hồ chứa Đập Tà Pao, rồi Vỏ Xu.
Như thế nước về cho Trị An sẽ bị hụt. Rồi Phước Hoài trên Sông Bé chuyển nước sang Sông Sài Gòn với lượng 50 m3/giây- cụ thể chuyển 75m3/s nhưng người ta sử dụng 25m3/s để tưới cho những vùng chung quanh đó, còn 50m3/s chuyển sang Hồ Dầu Tiếng để vào sông Vàm Cỏ Đông để đẩy mặn đồng thời cấp nước tưới cho Tp Hồ Chí Minh.
Lý do thành phố này phát triển về phía sông Vàm Cỏ, ngoài ra cần có nước để ‘đẩy mặn’ cho Sông Sài Gòn. Vì những lý do đó phải làm những hồ thủy điện để tích nước cho các mục đích đó.
Vấn đề là có quá nhiều thủy điện mà vẫn chưa đủ cung ứng nguồn điện.
GS Ngô Đình Tuấn
Người ta cũng đang nghiên cứu việc chuyển nước thừa vào mùa lũ sang Sông Thị Vải để làm thế nào không gây ngập lụt cho thành phố Hồ Chí Minh.
Đó là những lý do phải cân nhắc - cân đong đo đếm cụ thể tính toán lợi hại như thế nào. Nếu lợi nhiều hơn hại thì làm, còn ngược lại. Không thể phát biểu một cách tùy tiện.”
Tiến sĩ Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập Lớn và Phát triển Nguồn nước Việt Nam thừa nhận:
“Đúng là số lượng thủy điện bậc thang trên Sông Đồng Nai rất là nhiều. Có đến Đồng Nai 8, Đồng Nai 9… rất nhiều dự án đã xây dựng hay trong thời kỳ chuẩn bị. Theo chúng tôi nghĩ cần phải có đánh giá một cách toàn bộ lưu vực Sông Đồng Nai, lúc đó mới có thể có ý kiến nhiều hay ít.’
Ô nhiễm môi trường trầm trọng
Một vấn đề lớn đối với lưu vực Sông Đồng Nai là tình trạng ô nhiễm trầm trọng và kéo dài lâu nay. Ngoài việc các cơ sở công nghiệp và người dân gây hại cho dòng sông, thì thủy điện có tác động thế nào? Tiến sĩ Phạm Hồng Giang thừa nhận về thực tế ô nhiễm, cũng như đánh giá của ông về tác động của thủy điện đối với môi trường dòng sông như sau:
“Theo chúng tôi biết vùng hạ du Sông Đồng Nai đang gặp những vấn đề về môi trường rất đáng quan ngại. Một số các cơ sở sản xuất tại khu vực đó, như các nhà máy đường, các nhà máy sản xuất cũng gây ra những tác động nhất định đối với môi trường.
Còn thực tế xây dựng thủy điện trên thượng nguồn sông Đồng Nai phải nói xây dựng thế nào cũng có ảnh hưởng đến môi trường. Không riêng gì thủy điện mà bất cứ công trình nào cũng có tác động đến môi trường. Tuy nhiên thủy điện tác động rộng hơn vì nó ảnh hưởng đến cả một đoạn, một dòng sông.
Nhưng hiện nay chúng tôi cũng chưa có điều kiện để đánh giá đầy đủ.”
Như đánh giá vừa nêu của giáo sư Ngô Đình Tuấn, thì nguồn nước thủy điện trong các hồ chứa có thể giúp trong việc tẩy ô nhiễm cho vùng hạ lưu sông Đồng Nai.
Theo chúng tôi biết vùng hạ du Sông Đồng Nai đang gặp những vấn đề về môi trường rất đáng quan ngại.
TS Phạm Hồng Giang
“Chính nước trên xuống như thế làm nhiệm vụ cho một khâu như sau: nếu chia đoạn sông từ Trị An đến cửa sông ra biển làm ba đoạn, thì đoạn giữa là đoạn bị ô nhiễm. Nếu muốn tẩy ô nhiễm cho đoạn giữa đó ngoài việc buộc các nhà máy xả thải ra phải đủ điều kiện cho phép theo qui chuẩn nhà nước, còn cần có nước để ‘hòa tan’ phần ô nhiễm đó, và đẩy ra biển. Muốn được thế phải có lượng nước ‘đẩy mặn’ như tôi nói.
Nguồn nước ngọt đó là từ các hồ chứa thủy điện, mùa cạn thiếu nước có thể xả ra. Nhưng mặt hại cần xem xét công trình thủy điện có phá rừng không, xâm phạm đất rừng không; nhất là vùng Cát Tiên. Rồi rủi ro vỡ đập, phải tăng độ an toàn thế nào để có thể giải quyết việc đó.”
Tiến sĩ Phạm Hồng Giang cũng có nhận định về một trong những nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm kéo dài và gia tăng tại lưu vực Sông Đồng Nai:
“Vấn đề ô nhiễm sông Đồng Nai đã được báo động nhiều rồi, nhưng việc kiểm tra, xử lý chưa được thấu đáo. Khi cho mở những nhà máy cũng không kiểm tra kỹ. Bản thân họ cũng không thực hiện đúng lời hứa. Nay nếu buộc phải dừng sản xuất sẽ ảnh hưởng đến đời sống công nhân. Ngoài ra còn có việc cương quyết giải quyết tình trạng gây ô nhiễm dưới hạ du sông Đồng Nai vẫn chưa làm đầy đủ.”
Qui trình vận hành liên hồ
Trở lại với những băn khoăn có nên xây dựng thêm các đập thủy điện trên sông Đồng Nai nói riêng và nhiều con sông khác nói chung thì hai nhà khoa học vừa nói cũng đề cập đến một số giải pháp để có thể tận dụng được nguồn thủy năng đang rất cần thiết hiện nay.
Giáo sư Ngô Đình Tuấn cho biết những công việc mà cơ quan chức năng địa phương Việt Nam đang thực hiện như công tác nghiên cứu về qui trình vận hành liên hồ chứa của các công trình thủy điện trên một dòng sông.
“Vấn đề vận hành liên hồ chứa người ta làm cho cả năm, nhưng mới làm xong cho mùa lũ. Lý do vì đối với mùa lũ điều kiện địa hình tương đối đầy đủ hơn. Không có gì vướng mắc.
Tuy nhiên đối với mùa cạn còn có những vướng mắc như địa hình dòng sông về mùa cạn. Cần phải đo trực tiếp và có những chỉnh lý lại theo bản đồ số. Việc này hiện đang làm, có thể cuối năm xong. Có một số bài báo đưa tin không chính xác. Theo đó chỉ làm cho mùa lũ mà không làm cho mùa cạn. Thực ra người ta làm cả năm, và tài liệu đầy đủ đáng tin cậy chỉ mới có cho mùa lũ.
Thứ nữa là vấn đề giải quyết dòng chảy môi trường về phía hạ lưu đập cần phải theo phương pháp luận thế nào cho thống nhất, không để bị kiện. Hiện nay đang nghiên cứu, thảo luận, có thể đến tháng sau (tháng 9) sẽ làm tiếp phần về dòng chảy mùa cạn. Đây là công việc năm nay chung cho tất cả các dòng sông - Vu Gia - Thu Bồn, Sông Ba, Sông Sêrêpok, Sông Sê san, Sông Hồng, Sông Thái Bình. Sang năm sẽ làm tiếp cho các sông khác bắt đầu Sông Mã, Sông Lam (tức sông Cả), Sông Hương. Nếu có khả năng làm nữa sẽ làm Sông Côn, Sông Trà Khúc. Nhưng đối với hai sông này thì có lẽ phải sang năm nữa mới làm.”
Về vấn đề nhân lực thực hiện các công tác nghiên cứu liên quan theo giáo sư Ngô Đình Tuấn:
“Đây không phải do bộ nào cả mà do một tổ chuyên gia từng làm công tác qui trình vận hành liên hồ chứa cho Sông Hồng, Sông Thái Bình. Tổ công tác ấy có ba người đã mất, nay bổ sung thêm. Bộ Tài Nguyên - Môi trường đứng ra chủ trì, phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo.
Trước đây người ta giao cho Bộ Công Thương làm cho riêng rẽ từng hồ. Năm 2009, mới có qui trình vận hành riêng từng hồ, nên khi lũ về chứa, khi đầy họ xả từ đó lũ chồng lên lũ. Bây giờ liên hồ chứa phải xem xét hồ nào xả trước, hồ nào sau có liên quan đến hạ lưu thế nào. Qui trình liên hồ chứa không cho phép vượt quá báo động ba. Nếu lũ về quá lớn thì đó là ‘Trời hành rồi’; lúc đó không ai có thể bảo đảm an toàn dưới hạ du mà phải bảo đảm an toàn cho công trình.”
Những mặt hạn chế
Có một số kinh nghiệm trong việc giải quyết những mặt hạn chế của thủy điện cũng được tiến sĩ Phạm Hồng Giang nêu ra:
“Trước hết về cá, người ta có làm những công trình riêng cho cá đi ngược dòng tử dưới đập lên phía trên. Tôi có đi xem một số nơi những thấy hiệu quả cũng hạn chế vì không thấy cá lên theo con đường đó. Như các đường như thế mà tôi xem ở bên Mỹ thì có hiệu quả, còn những nơi khác thì hiệu quả đó không rõ lắm.
Thứ hai đối với việc di dời dân, tổ chức cho họ có công ăn việc làm và ít nhất đời sống sau khi di dời nhường đất làm thủy điện không bị ảnh hưởng, nhiều nơi vẫn chưa làm tốt được.
TS Phạm Hồng Giang
Thứ hai đối với việc di dời dân, tổ chức cho họ có công ăn việc làm và ít nhất đời sống sau khi di dời nhường đất làm thủy điện không bị ảnh hưởng, nhiều nơi vẫn chưa làm tốt được. Lẽ ra có thể làm được nếu như có kinh phí để nghiên cứu kỹ. Tuy vậy khó bởi vì con người sống bằng nguồn lợi trên sông, nay đi nơi khác họ phải sống bằng cách gì? Dạy nghề, tạo điều kiện khác là công việc công phu, tỉ mỉ nếu như chủ đầu tư – xây dựng mà không làm đầy đủ sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân vùng hồ.”
Thực tế cho thấy còn nhiều bất cập trong công tác nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường của những dự án thủy điện tại Việt Nam. Mâu thuẫn giữa nhu cầu về điện năng với nhiệm vụ bảo vệ môi trường cần được phối hợp giải quyết một cách thấu đáo giữa phía Nhà Nước, các nhà khoa học, các nhà đầu tư- kinh doanh … trong tinh thần khẩn trương.
Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự do.
Theo dòng thời sự:
- Thực trạng của một số công trình thủy điện
- ĐB quốc hội yêu cầu ngừng xây thêm đập thủy điện
- Thủy điện lấy đất rừng
- Lợi hại của thủy điện Việt Nam
- World Bank hỗ trợ nhà máy thủy điện cho Việt Nam
- Vỡ đập thủy điện ở Lâm Đồng, 5 người thiệt mạng
- Thách thức trong lĩnh vực môi trường tại VN
- Phản đối việc xây đập thủy điện trên thượng nguồn Mêkong