Không thể bảo tồn các thú quý hiếm ở VN?

Mọi nỗ lực nhằm giúp bảo tồn các loài thú quý hiếm sắp bị tuyệt chủng tại Việt Nam dường như đang bị thị hiếu muốn được ăn những thứ thịt lạ của một số đối tượng làm vô hiệu.

0:00 / 0:00

Hầu như những người muốn bảo vệ các loài động vật cấp cao có nguy cơ bị diệt chủng tại Việt Nam đang tỏ ra hết sức bi quan về tình trạng hiện nay trong lĩnh vực đó.

Đây là đề tài của chuyên mục Khoa học - Môi trường kỳ này.

Thị hiếu ăn thịt hiếm quý

Dù theo thuyết tiến hóa của Darwin, con người xuất phát từ loài khỉ mà thành. Thế nhưng đến nay vẫn còn rất nhiều loài khỉ sống trong thiên nhiên rừng núi, còn con người thì sống trong nhà cửa từ thành thị cho đến nông thôn. Và con người bấy lâu nay không chỉ hủy hoại môi trường sống của các loài động vật cấp cao như khỉ mà còn săn bắt chúng để làm vật nuôi vui chơi trong nhà hay có người ăn thịt khỉ.

Hẳn những người đọc sử thời Từ Hy Thái hậu ở Trung Hoa đều nhớ chuyện kể về bữa tiệc mà bà này chiêu đãi những thượng khách Phương Tây có món óc khỉ được ăn một cách man rợ là chém hộp sọ để múc óc ra ăn, trong cảnh hương trầm nghi ngút.

Tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh hồi ngày 13 tháng 6 vừa rồi trong mục ý kiến dư luận có ghi nhận trình bày của độc giả ký tên Trần Kiêm Hạ kể chuyện sau khi nhìn bức ảnh đăng trên trang nhất tờ báo này. Đó là ảnh một con khỉ mặt đỏ bị trói nằm trên đất. Tứ chi con khỉ bị trói bằng dây điện siết chặt khiến bị sưng lên. Con khỉ mở đôi mắt trừng trừng và theo tác giả hẳn nó phải trải qua những giây phút hãi hùng.

Ông Tilo Nadler và con Voọc đầu vàng, một trong những loài linh trưởng đang bị tuyệt chủng ở Việt Nam. Photo courtesy of Transcend.
Ông Tilo Nadler và con Voọc đầu vàng, một trong những loài linh trưởng đang bị tuyệt chủng ở Việt Nam. Photo courtesy of Transcend.

Trước cảnh tượng mà độc giả Trần Kiêm Hạ cho là sững sờ như thế, người này nhắc lại chuyện ông từng đến tại Trung Tâm Cứu hộ Linh trưởng tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình. Ở đó ông chứng kiến cảnh một người Đức là lãnh đạo trung tâm phải vội vàng rời đoàn đến tham quan lo đi cứu chữa một con vọc chà vá bị trọng thương được đưa từ Nghệ An ra. Cảnh chăm sóc con vật không may một cách trìu mến, đầy lòng thương xót của ông giám đốc Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng khiến ông Trần Kiêm hạ cảm kích. Đặc biệt khi thấy sự đau buồn của người Đức ấy sau một đêm dài không cứu được con vật bị tay thợ săn nào gây hại đó.

Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng tại Vườn Quốc gia Cúc Phương ,tỉnh Ninh Bình được báo chí loan tải tin tức nên những người quan tâm có thể biết đến. Có thể nói trung tâm này ăn theo Vườn Quốc gia Cúc Phương vì đây được cho là khu rừng nguyên sinh hầu như còn nguyên vẹn nhất của Việt Nam.

Một chuyên gia về môi trường, từng làm việc tại tổ chức bảo vệ thiên nhiên quốc tế IUCN, tiến sĩ Vũ Văn Triệu, đưa ra đánh giá về Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng do người giám đốc Tilo Nadler phụ trách:

“Chỗ ông Tilo phải nói là một trong những người có tâm huyết trong việc cứu hộ các giống loài. Ông đã xây dựng ra Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng ở Cúc Phương.

Các nhà khoa học đều có đánh giá tích cực hoạt động của Tilo về trung tâm cứu hộ linh trưởng. Nhưng suy cho cùng, người ta chỉ cứu hộ được một số cá thể nhất định thôi. Chỉ có khi biết thì mới có thể cứu, còn bọn săn bắt lậu mà không biết được thì đành chịu thôi.”

Blogger Phan Ba hồi tháng 6 vừa qua đăng bản dịch hai bài tường thuật của tác giả Thilo Thielke người Đức trên báo mạng Spiegel. Hai bài báo nói đến nỗ lực mà tác giả cho là tuyệt vọng của ông Tilo Nadler, giám đốc Trung Tâm Cứu hộ Linh trưởng tại Vườn Quốc gia Cúc Phương.

TS Vũ Văn Triệu

Tác giả cho biết Ông Tilo Nadler là người tốt nghiệp đại học về kỹ thuật điện lạnh ở Dresden, Đức. Ông từng có hai năm sống tại Nam Cực, và từng đến nhiều nơi trên thế giới.

Từ năm 1993, ông Tilo Nadler đến sống ở ven rừng quốc gia Cúc Phương. Ông xây dựng trạm cứu hộ và đào tạo nhân viên của rừng với mục đích giúp bảo vệ những con vọc Delacour cuối cùng khỏi bị tuyệt chủng.

Theo tác giả bài báo thì đội ngũ của ông Tilo Nadler nuôi dưỡng được 150 con khỉ thuộc 15 phân loài. Trong số này có 6 loài chỉ còn tại Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng do ông Nadler làm giám đốc mà thôi.

Phần lớn bài tường thuật của tác giả Thilo Thielke dành để nói đến tình trạng nhiều người đang sử dụng thịt khỉ như một món hàng đặc sản tại Việt Nam.

Một số người giả dạng làm người đi mua thịt khỉ được đưa vào tận nơi giết mổ đã lén chụp lại được hình ảnh khỉ đang bị phanh thây để lấy thịt và mọi bộ phận cung cấp cho các nhà hàng đặc sản thú rừng.

Cảnh ăn nhậu thịt khỉ cũng được tường thuật trong bài báo qua sự chứng kiến của một nữ bác sĩ thú y người Đức ở Việt Nam. Và để có thể bắt được một chú khỉ trong rừng, những tay thợ săn thừa nhận có lúc phải giết cả đàn chừng 20 con.

Tác giả Thilo Thielke trích dẫn hai từ ‘vô vọng’ của chính ông Tilo Nadler. Tác giả cho rằng ông Tilo Nadler không còn ảo tưởng có thể giúp bảo tồn những loài khỉ tại Việt Nam khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Phải đánh vào giới tiêu thụ

Một quán bán thịt rừng ở Hà Nội. RFA photo.
Một quán bán thịt rừng ở Hà Nội. RFA photo.

Tiến sĩ Vũ Văn Triệu cho biết những khó khăn trong công tác bảo tồn các loài động vật quí hiếm, sắp tuyệt chủng tại Việt Nam:

“Thực ra rất khó ở chỗ người tiêu thụ không phải là người dân nghèo, mà người tiêu thụ là những thương gia, có thể có cả một số công chức người ta đãi đằng nhau, người ta dùng nguồn tiền nào đó rất dồi dào. Những người đi săn bắn, đặt bẫy là những người nghèo.Nếu bắt được họ rồi phạt tù, hay tịch thu các phương tiện cũng chỉ làm giảm được mức độ nào thôi. Như thế chưa đáng được vào tận gốc.

Chế tài mạnh hơn đúng ra phải đánh vào người tiêu thụ, tức những người có cầu thì cung mới tiếp tục xảy ra.

Nhà Nước vừa rồi bên cạnh cảnh sát môi trường, có lực lượng kiểm lâm mà lâu nay có cũng có công trong việc bảo vệ các khu vườn quốc gia, rừng đặc dụng, rồi những loài động vật quí hiếm ở đó; tuy nhiên mức độ chỉ là xử phạt, răn đe thôi chứ không mạnh như cảnh sát được; nên Nhà Nước đang suy nghĩ xem có nên hình thành lực lượng như là cảnh sát kiểm lâm thì tiếng nói mạnh hơn, chế tài mạnh hơn.”

Bạn trẻ Nguyễn Thành Hưng, người phụ trách Tổ chức Hành Động vì Động vật Hoang dã, AWO, tại khu vực phía nam cũng cho biết một khó khăn khi nhóm của bạn khi đến các nơi như nhà hàng đặc sản để phát hiện các trường hợp vi phạm nuôi nhốt khỉ để giết lấy thịt và các bộ phận khác trong cơ thể của loài linh trưởng này cho mục tiêu kinh doanh:

TS Vũ Văn Triệu

“Tất cả các loài khỉ Việt Nam đều nằm trong nhóm 2B gồm khỉ đuôi dài, khỉ mặt lợn, khỉ móc… và một số loài linh trưởng khác đều nằm trong nhóm 2B. tại Việt Nam, nhóm 2B là nhóm hạn chế khai thác vì mục đích thương mại. Nhưng ở Việt Nam hiện tại không có cơ sở nào tiếp nhận các loài khỉ nữa; không có nơi nào có thể cứu hộ các loài khỉ nên khi phát hiện vi phạm cũng để cho người dân nuôi. Không có cách nào để xử lý nữa.

Ở Việt Nam luật rất hay nhưng khi triển khai xuống dưới rất hạn chế.”

Chúng tôi cũng liên lạc với một người quản lý một nhà hàng chuyên bán thịt thú rừng hoang dã và được xác nhận về nguồn cung cầu trong lĩnh vực này như sau:

“Khu ẩm thực này thì chuyên các đồ rừng: như con don, con dúi, kỳ đà, nhím, rồi rắn, các thứ đại khái như thế…có rất nhiều ‘đồ rừng’ và nhà hàng chuyên rồi. Cho nên về chất lượng… khách hàng rất tín nhiệm nhà hàng.
Khi khách đến mới làm thịt vì mình nuôi trong chuồng mà.

Ở Việt Nam tùy người: có người thích ăn đồ biển, có người ăn đồ rừng. Về đồ rừng thì có người thích ăn nhím, có người thích ăn don, có người thích ăn nhím, người thích ăn rắn; còn phụ thuộc vào người mình tiếp nữa.”

Người này cũng cho biết thực tế thi hành các qui định luật pháp về bảo vệ động vật hoang dã:

“Hiện người ta chỉ bắt những người vận chuyển thôi, còn tiêu dùng thì không việc gì hết.”

Trách nhiệm cấp bách của Nhà Nước

Tiến sĩ Vũ Văn Triệu, người từng theo dõi tình hình bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam lâu nay tiếp tục đưa ra đánh giá về hiệu quả chế tài của những biện pháp được chính Nhà Nước ban hành:

“Có thể nói gần đây ở VN sau khi luật về đa dạng sinh học ra đời, rồi các kế hoạch hành động bảo vệ đa dạng sinh học nói chung cũng có biến chuyển nhất định trong xã hội, rồi người ta cũng tổ chức những cuộc nâng cao nhận thức của ‘dân trí’ và nói đùa là của cả ‘quan trí’ nữa, làm thế nào để mọi người nói ‘không’ hoặc không dùng các sản phẩm hay các loài động- thực vật quí hiếm thì cũng trở thành phong trào như chiến dịch làm quảng cáo, rồi đi kiểm tra các nhà hàng…

TS Vũ Văn Triệu

Tất nhiên có những tác động như thế cũng giảm bớt được; ngăn bớt được việc các động vật quí hiếm bị tiếp tục sử dụng. Nhưng để cho rằng đạt được hiệu quả chưa, thì tôi cho là chưa. Tức các loài động vật quí hiếm vẫn tiếp tục bị suy giảm; nếu có hoạt động tích cực thì suy giảm chậm lại thôi, chứ chưa phải là chặn đứng được.”

Sự vô vọng của một người đầy tâm huyết đối với các loài linh trưởng tại Việt Nam như tiến sĩ người Đức Tilo Nadler và đánh giá về chiều hướng không mấy sáng sủa của tiến sĩ Vũ Văn Triệu, cũng như của người bạn trẻ Nguyễn Thành Hưng, cho thấy rõ trách nhiệm cấp bách hiện thuộc cơ quan chức năng Nhà Nước.

Nếu chỉ nói mà không thực hiện đến nơi đến chốn như lâu nay theo trình bày của những người quan tâm mà quí thính giả vừa nghe trong chương trình, thì những loài động vật hoang dã quí hiếm tại Việt Nam sẽ chẳng mấy chốc sẽ tuyệt chủng hết. Đến lúc đó thì những đối tượng muốn sử dụng các loại đặc sản ‘độc’ nhằm thể hiện đẳng cấp hay để đãi đằng cấp trên và ‘đối tác’ làm ăn không biết sẽ nhắm đến loài gì nữa…

Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này, trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.

Theo dòng thời sự: