Sài Gòn còn phải chịu ngập đến bao giờ?

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2014.08.26
Nước ngập lút yên xe khiến phụ huynh vất vả đón con. Nước ngập gần đến yên xe khiến phụ huynh vất vả đón con.
Photo: Minh Quan/tinmoitruong

Thành phố Hồ Chí Minh lại bị ngập nặng sau mưa lớn hồi trung tuần tháng 8 vừa qua. Tình trạng người dân thành phố phải bì bõm trong nước khi mưa lớn hay triều cường suốt nhiều năm qua vẫn chưa thể được giải quyết dù rằng Nhà Nước chi rất nhiều tiền ngân sách cho các dự án chống ngập.

Vì sao tình trạng vẫn không giảm và cần phải làm gì khác nữa?

Đây là đề tài trong chuyên mục Khoa học- Môi trường hôm nay.

Dự án đang triển khai

Một người từng làm việc trong ban chống ngập thành phố Hồ Chí Minh, nay là giám đốc Trung tâm Biến đổi Khí hậu thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ông Hồ Long Phi, cho biết một số thông tin về các dự án chống ngập được triển khai trong thời gian chục năm qua tại thành phố này như sau:

Hiện nay trong số những dự án triển khai có một dự án đã hoàn thành rồi là dự án cho khu vực nội thành, Thị Nghè. Dự án thứ hai là dự án Bến Nghé cũng coi như là xong, giải quyết được cho hai khu vực đó. Dự án thứ ba còn vướng lại khá trầm trọng là do giải tỏa đền bù. Đó là dự án Tân Hóa- Lò Gốm, hiện nơi đó đang ngập rất dữ. Lần nào xảy ra mà báo chí đưa tin là ở dự án bị kêu đó. Tất cả những điểm ngập đều nằm ở dự án đó. Hy vọng vào mùa mưa năm tới sẽ hết ngập tại đó. Nhưng những dự án ngoại thành còn lại thì gần như chưa triển khai được bao nhiêu vì ngoại thành bây giờ cũng phát triển đô thị mới dữ lắm, nhưng kinh phí thì chưa thấy. Thành ra trong những năm tới sợ tình hình như người ta nói ‘từ bên trong dời ra bên ngoài’. Thực ra không phải dời nhưng do đô thị hóa mà hệ thống cấp thoát nước không đồng bộ đi theo.

Nhưng những dự án ngoại thành còn lại thì gần như chưa triển khai được bao nhiêu ....nhưng kinh phí thì chưa thấy. Thành ra trong những năm tới sợ tình hình như người ta nói ‘từ bên trong dời ra bên ngoài’. Thực ra không phải dời nhưng do đô thị hóa mà hệ thống cấp thoát nước không đồng bộ đi theo

ông Hồ Long Phi

Lý giải cho tình trạng mưa lớn và triều cường tiếp tục gây ngập tại nhiều khu vực trong thành phố, ông Hồ Long Phi liệt kê một số nguyên nhân như sau:

Thực ra vấn đề ngập tại thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có nguyên nhân khí hậu và phi khí hậu. Như tôi vừa nói, nguyên nhân phi khí hậu là do chúng ta chủ yếu phát triển đô thị nhanh quá về hạ tầng đô thị nói chung; tức là tăng mặt phủ không thấm nước chiếm những không gian của nước trước đây mà lại không có hệ thống thoát nước đi theo. Đó là nguyên nhân chủ yếu hiện nay.

Nhưng nguyên nhân có tính chất khí hậu cũng rất quan trọng. Những dự án trước đây mình làm cũng tiêu tốn khá nhiều, khoảng 1 tỷ đô la rồi, nhưng những thông số thiết kế lại dựa vào dữ liệu cũ, thành ra không đáp ứng kịp với tình trạng biến đổi khí hậu. Những mong muốn, kỳ vọng của mình sau khi hệ thống đó hoạt động xong cho đến nay có thể thấy không đạt. Ví dụ lượng mưa trong thiết kế trước đây là 85mm trong 3 giờ, nhưng vừa rồi chúng ta chứng kiến trận mưa 80mm trong vòng chưa tới 40 phút. Những hiện tượng cực đoan như thế làm cho hệ thống thoát nước không thể nào ứng phó nổi.

Theo tôi nghĩ cần phải có những giải pháp mềm phụ trợ, chứ để như hiện nay thì bài toán ngập không thể nào giải quyết được.

Phê phán cách làm

Trong khi đó một kiến trúc sư giảng dạy lâu năm tại Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Tài My thì cho rằng cách làm của đơn vị chức năng chống ngập cơ bản là không đúng. Ông trình bày:

Em tan trường về....(Songmoi.vn)
Em tan trường về....(Songmoi.vn)

Nói về hệ thống chống ngập mà cứ quan niệm giải quyết theo kiểu gọi là bao nhiêu chỗ. Ví dụ lâu rồi trên báo SGP nói rằng năm nay giải quyết được 14 hay 17 chỗ ngập. Nhưng trong đó có khoảng 4 hoặc 5 chỗ ngập lại. Họ giải quyết sai trên căn bản là mấy chỗ ngập chứ không phải trên hệ thống toàn thể thành phố

ông Nguyễn Tài My

Xem như không biết cách giải quyết thành giải quyết không đúng. Nói về hệ thống chống ngập mà cứ quan niệm giải quyết theo kiểu gọi là bao nhiêu chỗ. Ví dụ lâu rồi trên báo Sài Gòn Giải Phóng nói rằng năm nay giải quyết được 14 hay 17 chỗ ngập. Nhưng trong đó có khoảng 4 hoặc 5 chỗ ngập lại. Họ giải quyết sai trên căn bản là mấy chỗ ngập chứ không phải trên hệ thống toàn thể thành phố.

Thứ hai toàn thể thành phố chưa có hệ thống mang trên là ‘cao độ đất’, chưa có nền của đất. Tây có để lại một ít ở chỗ đường Minh Mạng… chứ không làm được hệ thống qui mô của thành phố thành ra không thể giải quyết chuyện thoát nước của thành phố. Bên cạnh đó còn có triều cường nữa nên có nhiều rắc rối.

Thừa nhận hạn chế

Sài Gòn hình thành cách đây hơn 300 năm và sau đó thành phố được người Pháp xây dựng, hệ thống cống rãnh từ thời đó đến nay bị xuống cấp trầm trọng và không thể đáp ứng như cầu của một thành phố khi mới có nửa triệu người và tăng nhanh đến cả chục triệu như hiện nay.

Còn theo ông Hồ Long Phi, trong quá trình phát triển đô thị gần đây, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong khu vực và thành phố không có. Ông trình bày:

Đó là một điểm yếu của chúng ta hiện nay. Ví dụ khi nói về ngập còn một nguyên nhân nữa là lũ ở thượng nguồn. mà lũ thượng nguồn do hệ thống các hồ chứa xả ra. Để điều phối chuyện xả lũ trên lưu vực đòi hỏi sự phối hợp của nhiều ngành và giữa thượng lưu và hạ lưu. Tuy rằng có một ban chỉ đạo như vậy thật, nhưng theo tôi hoạt động còn hạn chế lắm. Cuối cùng, quanh đi quanh lại vẫn là mạnh ai nấy làm. Đó là một nhược điểm cần phải khắc phục. Nếu có những giải pháp dựa trên sự điều phối hợp lý về nguồn lực cũng như sự phối hợp ăn ý về năng lực, thì sẽ có những giải pháp rẻ hơn, sáng tạo hơn và đơn giản hơn nhiều. Nhưng trong cuộc sống không phải giải pháp hiệu quả nhất lại là khả thi nhất. Thành ra đó là một câu hỏi mở, chưa nói đến vấn đề thứ hai là sự phối hợp giữa Nhà nước và cộng đồng, cần phối hợp cao hơn nữa vì hiện nay có tư tưởng đó là chuyện của Nhà nước, không phải chuyện của mình. Thành ra không phải đơn giản để thay đổi tư tưởng đó.

Giải pháp phù hợp

Theo ông Hồ Long Phi thì cần phải thay đổi quan điểm có thể chống ngập vì thành phố Hồ Chí Minh nằm trên một vùng đất thấp và trong khu vực chịu tác động bởi triều cường. Điều này cũng được trình bày với những người lãnh đạo thành phố và họ cũng đã có những cách nhìn theo hướng đó thông qua những quyết định phù hợp. Ông Hồ Long Phi cho biết:

Giải pháp mà chúng tôi đang nghiên cứu hiện nay là hoàn trả không gian lại cho nước. Nói nôm na, chỗ đó trước đây của nước, mình chiếm chỗ của nó thì nay phải trả lại. Nếu có cách hoàn trả hợp lý thì nước có chỗ của nước, mình có chổ của mình, hai bên không xâm phạm nhau

Ông Hồ Long Phi

Giải pháp mềm nhắm vào giảm nhẹ thiệt hại do ngập hoặc giảm nguyên nhân gâp nhập chứ không phải chống ngập. Khác biệt ở chổ đó. Đa số hiện nay chúng ta ngăn cản không cho xảy ra ngập, điều đó đúng rồi nhưng nguyên nhân gây ra ngập phải điều chỉnh lại. Đồng thời nếu xảy ra ngập thì thiệt hại không đáng kể. Đó là giải pháp mềm phụ trợ. Ví dụ cống thoát nước quá tải do mưa lớn hơn theo trù tính trước đây, hay mức độ nước dâng cao hơn so mức độ dự trù thiết kế trước đây. Giải pháp khắc phục không phải làm cho đê cao hơn hay gắn máy bơm… vì chúng ta không thể nào chạy đua mãi như vậy được.

Giải pháp mà chúng tôi đang nghiên cứu hiện nay là hoàn trả không gian lại cho nước. Nói nôm na, chỗ đó trước đây của nước, mình chiếm chỗ của nó thì nay phải trả lại. Nếu có cách hoàn trả hợp lý thì nước có chỗ của nước, mình có chổ của mình, hai bên không xâm phạm nhau. Kế hoạch đó đang được chuẩn bị để trình cho thành phố để xem xét phê duyệt. Lồng ghép với kế hoạch đó là kế hoạch từ cộng đồng đi lên. Vì không gian dành cho nước thỉ có nhiều dạng khác nhau. Đừng cứ hình dung đó là một cái hồ lớn thì không có đất mà làm. Nhưng nếu có những tháp từ qui mô hộ gia đình, đến qui công cộng cho đến từng dự án phát triển dân cư, dự án công nghiệp thì hoàn toàn khả thi. Chúng ta có một lộ trình để lồng ghép vào, và chúng ta có cách hoàn trả một cách hợp lý không gian dành cho nước.

Vấn đề thứ hai việc ngập do triều thì vì đơn giản chúng ta ở chỗ thấp mà nước thì ở chỗ thấp mà chúng ta giành chổ của nước nên phải ở sao cho an toàn như khuyến cáo không nên phát triển qui hoạch tại vùng thấp. Mà cụ thể tại thành phố Hồ Chí Minh là phát triển về phía nam. Đó là những giài pháp ngăn chặn nguy cơ ngập ngay từ đầu. Nếu chúng ta không ở đó thì ngập không gây ra thiệt hại, và không có thiệt hại thì chẳng việc gì phải tránh. Phương châm quan trọng nhất là không phải chống ngập mà là giảm nhẹ thiệt hại do ngập.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy không bao giờ chống ngập được, kể cả những nước rất giàu như Mỹ, Châu Âu vẫn có thể xảy ra ngập khi bão xảy ra vượt quá thiết kế khiến ngập thôi. Vì vậy chúng ta phải có cách ứng xử thông minh hơn.

Những ý tưởng này không mới, chúng tôi đã có báo cáo với thành phố, cơ quan chức năng cách đây một hai năm rồi, và cũng lồng ghép vào một vài qui hoạch được phê duyệt rồi. Tôi cho rằng có chuyển biến. Ví dụ trước đây, Thành phố có chủ trương tiến về phía biển, nhưng sau khi nghiên cứu các chuyên gia kết luận không nên tiến về phía biển. Gần đây chính phủ đã phê duyệt chủ trương đó. Như thế là có chuyển biến rất lớn về nhận thức, tạo điều kiện cho những hành động đi theo. Và  thành phố chấp thuận qui hoạch không gian dành cho nước, dù rằng qui hoạch như thế chưa có tiền lệ tại Việt Nam, đó là kinh nghiệm của thế giới.

Từ chuyển biến về nhận thức sang hành động còn một bước nữa, đó là bước nâng cao nhận thức cộng đồng. Nếu sử dụng biện pháp cứng đơn giản chỉ cần nguồn lực Nhà nước: tiền và công nghệ; nhưng nếu sử dụng giải pháp mềm cần có sự đồng thuận của cộng đồng vì động chạm đến nếp nghĩ trước đây, đụng chạm đến sinh hoạt, sinh kế… Nhưng tôi cho rằng đang sơ khởi đi theo hướng đó của thế giới là thích ứng chứ không chống chọi.

Kiến trúc sư Nguyễn Tài My thì cho rằng cần phải cơ cấu lại đô thị, xây dựng lại hệ thống ống cống theo mô hình thống nhất chứ không để tình trạng cày xới như hiện nay.

Còn ông Hồ Long Phi thì nêu ra biện pháp phải có sự phối hợp giữa nhà nước và người dân trong việc triển khai các giải pháp mềm phụ trợ cho những giải pháp cứng mà Nhà Nước triển khai.

Theo ông Hồ Long Phi thì phần giải pháp cứng chiến từ 70 đến 80% , còn giải pháp mềm phụ trợ là phần còn lại. Thời gian để các giải pháp cứng có thể hoàn thành nhiệm vụ là khoảng từ 10 đến 20 năm; tuy nhiên để các giải pháp mềm phát huy được tác dụng của nó phải mất cả một thế hệ người dân.

Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.