"Keep Hanoi Clean" và ý thức của người dân

Gia Minh, PGĐ ban Việt Ngữ
2016.07.12
000_HKG2004010964718.jpg Một nhân viên kiểm dịch động vật bỏ gà chết vì nhiễm bệnh vào thùng rác. Ảnh chụp tháng 1/2004.
AFP photo

Keep Hanoi Clean’- Xanh Lên là chương trình dọn vệ sinh vào mỗi cuối tuần do một giáo viên tiếng Anh người nước ngoài khởi xướng.

Người nước ngoài dọn rác Việt Nam

Vấn đề nhặt rác thải vương vãi không bỏ đúng nơi, đúng chỗ là chuyện bình thường đối với những người có ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Nhất là những người được giáo dục và sống ở các nước Phương Tây.

Vào tháng 5 vừa qua, tại Việt Nam rộ lên tin một ông Tây nhặt rác, dọn mương thối ở Hà Nội. Trước đó là tin ông Tây chăm chỉ nhặt rác ở Hồ Gươm. Hay tin ông Tây nhặt rác ở bãi biển Nha Trang…

Ông Tây dọn mương thối và khởi xướng chương trình Keep Hanoi Clean có tên James Joseph Kendall. Anh này là một người Mỹ sang Việt Nam giảng dạy tiếng Anh tại một trường tiểu học ở Hà Nội.

Sau một buổi dọn rác vào sáng chủ nhật trên tuyến phố Xuân Diệu cùng với chừng mấy mươi tình nguyện viên cả người nước ngoài và Việt Nam, anh James Kendall cho biết bản thân muốn duy trì hoạt động dọn rác tại Hà Nội như là một dự án dài lâu của anh và nhóm tại Việt Nam.

Việc làm được cho là có ích và rất đỗi bình thường của anh James Kendall và bạn bè như thế ngay từ lúc đầu không được suông sẻ vì phường nơi có đoạn mương thối mà anh này đến dọn dẹp vệ sinh lên tiếng đòi phải có phép mới được làm.

Truyền thông trong nước trích phát biểu của chủ tịch Ủy ban Nhân dân Phường Yên Hòa, ông Hoàng Trung Kiên, rằng ‘việc ông Tây tự ý dọn cống thối là tốt nhưng cần phải xin phép chính quyền địa phương trước’.

Lý do có phát biểu của ông chủ tịch Phường Yên Hòa như vừa nêu là vì đoạn cống thối nằm ở cuối ngõ 381/55/4 đường Nguyễn Khang thuộc địa bàn phường này. Hình ảnh ông Tây dọn cống thối đó được đưa lên trang mạng xã hội và được nhiều ý kiến phản hồi tích cực.

Tuy nhiên cán bộ của Ủy ban Nhân dân Phường cho rằng làm như thế là mất mặt địa phương.

Vụ việc cuối cùng cũng ổn thỏa và chính chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, công khai khen ông Tây Jmaes Kendall về việc làm vì môi trường như thế.

Bản thân anh James Kendall thì cho rằng do có hiểu nhầm nên Ủy ban Nhân dân Phường mới lên tiếng như thế. Anh này thừa nhận đối với vấn đề môi trường tại Việt Nam cần phải làm thật nhiều mới có thể đạt được yêu cầu.

Một trong những đề xuất của anh James Kendall là cơ quan chuyên trách của Việt Nam phải thay đổi luật lệ, qui định hiện hành trong công tác bảo vệ môi trường.

Tác động

Anh Jason, một ông Tây khác tham gia chương trình Keep Hanoi Clean cùng với anh James Kendall cho biết việc làm của bản thân là một đóng góp nhỏ. Theo anh này thì cứ một người một chút như thế cũng sẽ có tác động là giúp cách nghĩ của người khác trong việc xả rác và ý thức gìn giữ môi trường sạch; đặc biệt đối với những cháu nhỏ.

Một nữ tình nguyện viên Việt Nam trong chương trình Keep Hanoi Clean có cuộc nói chuyện với chúng tôi sau buổi dọn rác hôm sáng 12 tháng 6 vừa rồi. Trước hết là cơ duyên đến với nhóm để tham gia dọn rác, giữ gìn vệ sinh cho thủ đô Hà Nội:

“Tôi tham gia nhóm anh James vì tôi biết nhóm của anh từ trên facebook. Sau đó tôi tìm đến nhóm và tham gia kể từ đó.

Chúng tôi đi tìm địa điểm: những khu vực có nhiều rác để dọn. Tiếp đến có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người dân chung quanh và các tình nguyện viên khác nữa. Mọi người muốn tham gia bảo vệ môi trường và giữ cho Hà Nội xanh, sạch, đẹp hơn!

Hôm nay có (sự tham gia) của Bệnh Viện Thu Cúc và một số tình nguyện viên của các nhóm khác. Chúng tôi nhận được hỗ trợ gồm cuốc, xẻng, dao; và rác dọn được thì có xe chở rác đến lấy đi.

Đầu tiên chúng tôi dọn tại hồ ở đường Nguyễn Sang, ở Nguyễn Hoàng Tôn và bây giờ đang ở chỗ số 5 Xuân Diệu. Tại (những) nơi đó dân vứt rác ra khiến ô nhiễm và mất mỹ quan. Nhóm chúng tôi đến dọn, mong muốn mọi người không vứt rác ra đó nữa; để cho khu đó đẹp hơn.”

Một con rùa đại dương với mảnh bao plastic trong miệng. Photo courtesy of onegreenplanet.org
Một con rùa đại dương với mảnh bao plastic trong miệng. Photo courtesy of onegreenplanet.org
Một con rùa đại dương với mảnh bao plastic trong miệng. Photo courtesy of onegreenplanet.org

Bạn gái trẻ tình nguyện này cũng có nhận xét về ý thức của người dân thủ đô trong việc giữ gìn vệ sinh công cộng:

“Tất nhiên cũng còn có một số trường hợp vứt rác ra khu vực đó. Hiện nay môi trường đang bị tàn phá và nói về ‘ý thức’ thì ai cũng có nhưng việc bảo vệ môi trường cần phải hành động, mọi người phải chung tay nhiều hơn. Một số người có ý thức, trong khi đó những người không có ý thức vẫn còn nên rác vứt ra bừa bãi và thường xuyên.

Việc làm của chúng tôi là dọn rác để đánh động vào ý thức của người dân và người chung quanh. Hành động của chúng tôi có thể khiến họ xấu hổ không vứt rác ra nữa. Chúng tôi làm chỉ để truyền thông chứ không thể dọn tất cả những nơi ô nhiễm của Việt Nam. Một hành động nhỏ có thể lan ra thôi.”

Cô nói về mặt luật pháp của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và hành xử của công chức nhà nước:

Theo tôi luật pháp Việt Nam hơi ‘lằng nhằng’ về mặt giấy tờ. Thủ tục thì rất ‘lan man’. Luật pháp trong bảo vệ môi trường cần thay đổi và chính quyền ngoài việc nói cần hành động.
- Một bạn trẻ

“Theo tôi luật pháp Việt Nam hơi ‘lằng nhằng’ về mặt giấy tờ. Thủ tục thì rất ‘lan man’. Luật pháp trong bảo vệ môi trường cần thay đổi và chính quyền ngoài việc nói cần hành động.”

Và cuối cùng là một số mong muốn của bản thân khi tham gia công tác xã hội không công như đi dọn những rác rưởi mà người khác xả ra một cách vô ý thức:

“Tôi muốn được sự ủng hộ hết mình của các cơ quan chức năng. Tôi đề xuất trồng cây và có những ủng hộ về mặt tài chính, tinh thần đầy đủ!”

Anh Jason nhấn mạnh đến công tác giáo dục ý thức môi trường không chỉ cho viên chức chính quyền mà còn đến tận người dân địa phương về giá trị của một môi trường sạch sẽ.

Ngày càng có nhiều nhóm thuộc các đoàn thể Nhà nước, hay những nhóm tự phát như Keep Hanoi Clean tham gia hoạt động nhặt rác, dọn vệ sinh những nơi công cộng không chỉ ở hai thành phố lớn Hà Nội, Sài Gòn mà còn tại nhiều tỉnh thành khác nữa của Việt Nam.

Vào trung tuần tháng 6 vừa qua, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế phối hợp với Công ty Du Thuyền Âu Cơ, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tiến hành chương trỉnh dọn rác trên các đảo thuộc khu di sản thiên nhiên thế giới- Vịnh Hạ Long.

Chương trình có tên ‘Hành động vì Hạ Long xanh’ thuộc Sáng kiến Liên minh Hạ Long- Cát Bà do Cơ quan Hợp tác Phát triển Hoa Kỳ- USAID tài trợ.

Rác thải

Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đưa ra thống kê cho thấy trên đại dương của hành tinh Trái Đất hiện có hơn 5 triệu tỷ mảnh rác nhựa; tổng trọng lượng của số này lên đến gần 270 ngàn tấn.

Tình trạng ô nhiễm đó khiến cho nhiều sinh vật biển chết; cụ thể hằng năm có hơn 100 ngàn cá thể rùa biển chết do ăn nhầm túi ny lông hay bị mắc vào loại vật thải này.

Riêng tại thủ đô Hà Nội, thống kê chính thức nêu rõ rõ mỗi ngày trong khu vực nội thành có chừng 5500 tấn rác thải ra; thời gian cao điểm lên đến 7000 tấn. Truy nhiên chí có chửng 70% số thải ra đó được thug om xử lý mà thôi.

Thành phố Hồ Chí Minh hằng ngày có hơn 7000 tấn rác thải sinh hoạt, 300 tấn chất thải nguy hại và hơn 46 tấn chất thải y tế.

Rác thải tại các thành phố của Việt Nam đến nay chủ yếu xử lý theo qui trình chôn lấp mà thôi do đó cần phải có đất rộng; trong khi ấy đất đang ngày càng khan hiếm.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.