Đa dạng hóa nông nghiệp để đối phó với biến đổi khí hậu
2014.12.23
Nông nghiệp là lĩnh vực được giới chuyên gia cảnh báo sẽ chịu nhiều tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng rõ nét và mỗi lúc một trầm trọng hơn trên Trái Đất.
Vậy cần phải có những biện pháp gì để có thể giúp cho ngành này giảm thiểu những tác động bất lợi như thế và phát triển một cách bền vững.
Tác động
Đánh giá mới nhất của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu- IPCC nêu rõ ‘ Những hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ gây những tác động ngày càng tăng đối với sức khỏe con người, tình hình an ninh, sinh kế, tình hình nghèo đói với dạng thức và mức độ của những tác động khác nhau khắp nơi ở Châu Á. … Sự gia tăng của lũ lụt, hạn sẽ làm trầm trọng thêm nạn nghèo đói tại nhiều khu vực của Châu.”
Giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Thị Lang, chuyên gia về giống tại Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long, cho biết những thay đổi về thời tiết gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long như sau:
Tác động của biến đổi khí hậu đó là thay đổi thất thường so với mọi năm. Ví dụ như mực nước lên cao đột ngột, khi thì nước lên rất cao và năm nay thì lại tụt xuống… nói chung là vấn đề nước ngập.
Tác động của biến đổi khí hậu đó là thay đổi thất thường so với mọi năm. Ví dụ như mực nước lên cao đột ngột, khi thì nước lên rất cao và năm nay thì lại tụt xuống… nói chung là vấn đề nước ngập
GSTS Nguyễn Thị Lang
Thứ hai nữa là vấn đề khí hậu nóng. Thường vào tháng này ( tháng 11) nhiệt độ mát hơn nhưng nay vẫn còn nóng. Ngoài ra còn có những cơn mưa rất nặng, thường tháng 11 không còn mưa nữa nhưng bây giờ lại mưa những cơn mưa rất lớn.
Một nông dân chuyên canh tác lúa tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long cũng cho biết nhận xét về những thay đổi về thời tiết, lượng nước tại địa phương nơi người này sinh sống như sau:
Biến đổi khí hậu mà thấy rõ nhất là nước lũ trên sông Mê kong. Trước đây mấy chục năm, không có lần nào là không có lũ trên đồng; nhưng nước lũ hiện nay như năm ngoái đến cuối tháng 8, tháng 9 ( âm lịch) mới có nước được một tháng. Năm nay thì vào tháng 8 nước lên và rồi rút luôn, nước lên khoảng chưa được nửa tháng và những thửa ruộng hơi cao một chút không có nước. Mà không có nước trên đồng thì đồng ruộng không được vệ sinh, sạch cỏ nên tốn kém mà nông dân phải bỏ ra làm đất lại rất tốn.
Thời tiết ngày xưa ông bà có những thống kê như ‘tháng bảy, nước nhảy vô bờ’, nhưng bây giờ nước lên, xuống không theo qui luật nào hết.
Đa dạng hóa
Vào khi xảy ra những hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lụt lội, bão tố con người cần có một nền nông nghiệp có khả năng phục hồi nhanh chóng sau những thiên tai như thế. Tuy nhiên khó có thể dự báo trước liệu hạn hán và lụt lội có sẽ xảy ra tại những vùng trồng trọt đặc biệt nào hay không. Do vậy người nông dân cần phải đa dạng loại cây trồng của họ bằng những giống lúa hay cây lương thực có khả năng chống chịu hạn hay lụt lội.
Theo các chuyên gia thì mức độ da dạng tăng lên không chỉ giúp vượt qua được khó khăn khó dự đoán trước thời tiết mà còn giúp ngăn ngừa dịch bệnh và tăng năng suất.
Biến đổi khí hậu mà thấy rõ nhất là nước lũ trên sông Mê kong. Trước đây mấy chục năm, không có lần nào là không có lũ trên đồng; nhưng nước lũ hiện nay như năm ngoái đến cuối tháng 8, tháng 9 (âm lịch) mới có nước được một tháng.
Một nông dân ĐBSCL
Biện pháp đa canh nông nghiệp mang tính sinh thái đưa đến những giải pháp tốt nhất cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngược lại độc canh sử dụng nhiều hóa chất và sản xuất theo qui mô lớn công nghiệp lại làm giảm tính đa dạng. Tình trạng lệ thuộc vào chỉ duy nhất một loại cây trồng khiến cho người nông dân dể bị tổn thương bởi những tác động của biến đổi khí hậu.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lang, cho biết tại khu vực Đồng bắng Sông Cửu Long, lâu nay cũng có một số biện pháp đa dạng hóa cơ cấu cây trồng như sau:
Thực sự ra mấy năm nay chúng tôi cũng được Bộ Nông nghiệp đưa vào cơ cấu xen canh ngoài cây lúa còn cây màu. Chúng tôi cũng có một dự án khuyến nông đưa hai cây đậu nành và đậu phụng vào trồng chung với cây lúa tại An Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Đồng Tháp. Mô hình này phát triển rất tốt. Chúng tôi cũng có kết hợp với tỉnh để đưa cây màu xuống ruộng xây dựng một vùng nguyên liệu cho khoai lang. Hiện chúng tôi xây dựng được 12 ngàn héc ta tại Vĩnh Long. Đầu tiên chúng tôi phải chọn giống. Nếu muốn thay đổi giống cây trồng thì phải có giống phù hợp để đưa xuống ruộng. Chúng tôi chọn ra được 14 giống khoai để đưa xuống cho tỉnh và tỉnh bố trí cây trồng cho phù hợp. Về mặt kinh tế thì cây khoai lang này có hiệu quả gấp 5 đến 6 lần so với trồng lúa.
Người nông dân cũng nói lên tầm quan trọng của việc đa dạng hóa như thế:
Đa dạng thì quá tốt rồi. Cần phải hợp lý hóa việc sản xuất kinh doanh Nói về lúa, trong mùa đông xuân thì sạ giống gì cũng được, vì thời tiết rất thuận lợi. Như vậy mùa đông xuân này có thể tập trung để sản xuất các loại lúa chất lượng cao- lúa thơm. Nông dân Việt Nam có thề hoàn toàn sản xuất thoải mái thôi. Hiện nay người ta không sạ lúa thơn vì giá mua bằng với lúa thường Việc sản xuất lúa vẫn còn cần phải hợp lý hóa.
Còn đa dạng cây trồng là vấn đề bức thiết của sản xuất vì anh không thể độc canh cây lúa được. Nếu tập trung (sản xuất lúa) khiến dư thừa ra thì bị người ta ép giá. Đa dạng là yêu cầu bắt buộc
Người nông dân
Còn đa dạng cây trồng là vấn đề bức thiết của sản xuất vì anh không thể độc canh cây lúa được. Nếu tập trung ( sản xuất lúa) khiến dư thừa ra thì bị người ta ép giá. Đa dạng là yêu cầu bắt buộc. Hiện nay người ta nói chính phủ vô can, không có trách nhiệm gì trong vấn đề này hết mà là vấn đề của nông dân và doanh nghiệp. Nói như thế không đúng, vì người nông dân không biết thế giới họ mua gì. Ví dụ như cây bắp Châu Phi, nếu mình muốn sản xuất phải có yếu tố đầu tiên là chính phủ và bộ công thương phải qua bên Phi Châu xem bắp loại gì và bắp loại đó có thể trồng trên đất đồng bằng sông Cửu Long hay không. Sau khi trồng được rồi thì bộ công thương, thương nghiệp tính cho được vấn đề cơ giới hóa. Mà vấn đề cơ giới hóa người ta đã làm mấy chục năm nay rồi, nên phải làm cho được.
Phi biến đổi gien
Tổ chức Hòa Bình Xanh- Greenpeace- cho rằng việc canh tác các loại cây trồng biến đổi gien cũng sẽ làm giảm tính đa dạng trong nông nghiệp. Theo tổ chức này thì việc canh tác giống lúa biến đổi gien gọi là giống lúa vàng không thể giúp giải quyết vấn đề an ninh lương thực trong thời kỳ biến đổi khí hậu đang gây tác động như hiện nay.
Tiến sĩ Janet Cotter, khoa học gia cấp cao thuộc đơn vị nghiên cứu khoa học quốc tế của Greenpeace, vào cuối tháng 10 vừa qua, khi phát biểu tại Hội nghị Lúa gạo Quốc tế lần thứ tư diễn ra ở Bangkok, cho rằng có rất nhiều phát hiện về giống lúa chịu hạn và cho năng suất cao được phát triển thông qua hoạt động tạo giống truyền thống. Điều cần thiết hiện nay là phải đưa những giống này vào cho các nền nông nghiệp thích hợp để bảo đảm được tính bền vững, gia tăng tính thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chuyên gia Kingkorn Narintarakul thuộc Tổ chức Bio Thai Foundation lên tiếng cho rằng Xứ Chùa vàng sẽ phải chịu nhiều thiệt hại về mặt kinh tế nếu như chính phủ hiện nay cho phép trồng thử nghiệm đại trà các vụ mùa biến đổi gien. Chuyên gia này lên tiếng phải bảo vệ đa dạng các giống lúa và quyền của người nông dân Xứ Thái trước tình trạng giống bị độc quyền bởi những tập đoàn công ty lớn. Theo Bio Thai Foundation thì nước này cần phải duy trì lợi thế như là một quốc gia xuất khẩu những sản phẩm lương thực không từ các loại cây trồng biến đổi gien.
Có rất nhiều phát hiện về giống lúa chịu hạn và cho năng suất cao được phát triển thông qua hoạt động tạo giống truyền thống. Điều cần thiết hiện nay là phải đưa những giống này vào cho các nền nông nghiệp thích hợp để bảo đảm được tính bền vững, gia tăng tính thích ứng với biến đổi khí hậu
Tiến sĩ Janet Cotter
Theo IPCC thì hiện vẫn có nhiều biện pháp để có thể thích ứng với biến đổi khí hậu. Đó là những công nghệ thích ứng từ công tác thủy lợi và tạo màu mỡ cho đất hiệu quả hơn, tạo giống cây chịu hạn hơn, điều chỉnh trồng trọt theo năng suất dự báo cho đến việc chuyển giao các công nghệ truyền thống như các ‘vườn treo’ trước đây. IPCC cho rằng giải pháp công nghệ thích ứng biến đổi khí hậu phải bao gồm cả những công nghệ cứng và mềm, rồi không chỉ có những công nghệ mới mà còn phải sử dụng những công nghệ bản địa, phù hợp của địa phương.
Chuyên gia vận động cho nông nghiệp sinh thái của tổ chức Greenpeace tại khu vực Đông Nam Á, ông Daniel Ocampo, cũng thừa nhận là những giải pháp đối phó với tình trạng mất an ninh lương thực và thiếu dinh dưỡng vẫn có nhiều. Đó là những biện pháp như bổ sung thực phẩm, bổ sung Vitamin A, đa dạng thức ăn từ hoạt động nông nghiệp sinh thái. Ông này cũng không tán thành với hoạt động phát triển các loại cây trồng biến đổi gien mà theo ông thì các chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho các biện pháp nông nghiệp sinh thái vì khi trồng những giống cây biến đổi gien chỉ khiến cho những giải pháp có sẵn bị loại trừ đi.
Một phụ nữ đến từ tổ chức phi chính phủ có tên Sarilaya ở Philippines, bà Lacanilao, thông qua kinh nghiệm từ một nông dân chuyên canh tác lúa thương phẩm để bán chuyển sang một người trồng lúa sinh thái, nêu rõ những tác động bất lợi của phân bón tổng hợp và hóa chất đối với môi trường và sức khỏe người nông dân. Bà này cho rằng một khi đất đã bị canh tác bằng phân bón và xử lý bằng thuốc trừ sâu thì phải tốn tiền và thời gian mới có thể trở lại tình trạng như cũ. Tuy nhiên, sau khi từ bỏ lối canh tác mới trở về với phương pháp sinh thái, nay bà thấy nổ lực được đền bù.
Tổ chức Greenpeace cho rằng con người hiện đang sống trong một thế giới phát triển với những loại thức ăn nhanh và lương thực chế biến chứa đầy chất phụ gia, mùi vị nhân tạo, thuốc trừ sâu và hóa chất có hại.
Tuy nhiên vẫn còn may mắn là hoạt động nông nghiệp sinh thái có thể giúp giải quyết tình trạng đó. Đây là một hệ thống canh tác hài hòa với thiên nhiên. Nó có thể giúp cho người nông dân trong thời kỳ biến đổi khí hậu như hiện nay và hoàn toàn có lợi cho môi trường Trái Đất.
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới.