Vùng đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam nằm cuối dòng Mê kong chảy qua 6 quốc gia bắt đầu từ cao nguyên Tây Tạng. Trong những năm qua, do một số đập được xây dựng trên thượng nguồn con sông khiến lượng nước về hạ du bị tác động. Từ dòng chảy thay đổi, môi sinh dọc dòng sông cũng khác đi.
Thực trạng môi trường khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long
Trong chuyên mục Khoa học- Môi trường hôm nay, mời quí vị cùng theo dõi đánh giá của một số chuyên gia hiện đang cùng thực hiện công tác đánh giá tác động môi trường khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trình bày thực trạng hiện nay tại đó.
Vùng đồng bằng Sông Cửu Long với đặc trưng được nhiều người biết đến là mùa nước nổi khi lượng nước từ thượng nguồn đổ về mang theo phù sa và giúp tẩy rửa đồng ruộng. Thế nhưng trong những năm gần đây đặc trưng đó không còn rõ nét như bấy lâu nay và những đổi thay tự nhiên được thấy rõ.
Phó giáo sư Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biến Đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, người trong những năm qua tham gia các dự án khảo sát những thay đổi tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, vào trung tuần tháng giêng vừa qua có ý kiến về tình trạng thay đổi ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long như sau:
Bấy lâu nay trong nước cũng đang nói đến chuyện tác động của những đập thủy điện lên Đồng bằng Sông Cửu Long; nhưng chúng tôi đánh giá theo dạng tổng hợp hơn, tức ảnh hưởng đến từng điều kiện ví dụ như về môi trường, về xã hội, về tài nguyên, rồi sinh kế người dân, rồi phù sa, luồng cá… Và cộng thêm yếu tố biến đổi khí hậu là một tác nhân phụ làm cho tình trạng đó nặng nề thêm.
Khi họ mở van để nước chảy qua tuốc bin thì lúc đó dưới hạ lưu mới có nước. Khi nào họ không có nhu cầu phát điện và đóng lại trữ nước trong hồ chứa thì dưới hạ lưu không có nước. Người dân hoàn toàn không biết được những kế hoạch như vậy thì họ không thể nào chủ động được trong chuyện canh tác
PTSGS Lê Anh Tuấn
Về mặt môi trường, có nhiều yếu tố về mặt này ví dụ như thay đổi chế độ dòng chảy của Dòng sông- có lúc vào mùa lũ hay mùa khô có thể thay đổi đặc điểm dòng chảy trên đó làm cho khả năng xâm nhập mặn hay ngập lũ thay đổi. Từ đó môi trường hay hệ sinh thái trong khu vực thay đổi. Kế tiếp là sự thay đổi về điều kiện thủy văn làm cho điều kiện canh tác trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long cũng thay đổi nữa. Ví dụ người nông dân không biết chắc chắn lúc nào lúc nào lũ về và lúc nào lũ sẽ xâm nhập vào; như thế sẽ khó khăn trong việc bố trí thời vụ. Rồi những tập quán canh tác hay kinh nghiệm canh tác của người dân có thể bị đảo lộn. Đơn cử việc xem con nước theo những tháng âm lịch như ngày xưa, hoặc những kinh nghiệm bị xáo trộn do sự thay đổi dòng chảy không còn tự nhiên nữa mà phụ thuộc vào quyết định của các nhà đầu tư lúc nào đóng- mở cổng để phát điện. Khi họ mở van để nước chảy qua tuốc bin thì lúc đó dưới hạ lưu mới có nước. Khi nào họ không có nhu cầu phát điện và đóng lại trữ nước trong hồ chứa thì dưới hạ lưu không có nước. Người dân hoàn toàn không biết được những kế hoạch như vậy thì họ không thể nào chủ động được trong chuyện canh tác. Mà một khi canh tác bị xáo trộn như vậy thì sinh kế của họ bị ảnh hưởng; và khi sinh kế bị ảnh hưởng thì họ phải kiếm sống bằng những nguồn tài nguyên khác. Những nguồn tài nguyên đó sẽ bị xâm hại và ảnh hưởng đến môi trường.
Tiến sĩ Huỳnh Long Vân thuộc Nhóm Nghiên cứu Đồng Nai- Cửu Long Úc Châu cũng có ghi nhận về các đổi thay tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và nguyên nhân thực sự:
Có hai hiện tượng thấy rõ nhất ở Đồng bằng Sông Cửu Long do xây dựng đập thủy điện trên thượng nguồn dòng chính Sông Mê kong. Thứ nhất mất lượng phù sa tải xuống Đồng bằng Sông Cửu Long sau khi một số đập thủy điện do Trung Quốc xây trên thượng nguồn. Cho đến bây giờ một số đập xây dựng xong rồi, số lượng phù sa chuyển xuống Đồng bằng Sông Cửu Long giảm đi 30%. Mức giảm đó khiến đất đai mất phì nhiêu, đó là chuyện đương nhiên. Thứ hai, không bồi đắp được Đồng bằng Sông Cửu Long, tức không nâng được chiều cao của Đồng bằng Sông Cửu Long để trong trường hợp nước biển dâng cao thì giúp giảm đi tác hại của nước biển dâng cao. Thứ ba Đồng bằng Sông Cửu Long không mở rộng ra được. Đó là ba điều rõ ràng. Nếu Trung Quốc tiếp tục xây thêm những đập nữa thì sẽ mất đến 50% lượng phù sa mà trước kia Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn nhận được khi không có những đập thủy điện đó.
Hiện tượng thứ hai nữa là vào mùa khô nước mặn vào sâu trong nội địa. Vào năm 2008, người dân Thái Lan biểu tình chống đối Trung Quốc vì những đập do Trung Quốc xây làm cạn nước ở khu vực hạ lưu Sông Mê kong. Nhưng qua kết quả nghiên cứu khoa học, điều đó không đúng. Tại vì sao? Vì nguồn nước Sông Mê kong là từ Tây Tạng nên nếu Trung Quốc xây đập thì chặn hết nguồn nước. Nhưng thực sự không phải vậy vì nguồn nước từ Tây Tạng chỉ cung cấp 18% nguồn nước cho Sông Cửu Long mà thôi. Phần còn lại chảy xuống hạ lưu là nước mưa ở Lào, Thái Lan, Kampuchia. Nước mưa từ ba xứ đó cọng lại thành 70%; và dưới khu vực đồng bằng Sông Cửu Long chỉ chừng 11% mà thôi. Do đó nguồn nước ở trên bị cắt vì xa lắm nên không ảnh hưởng gì cả. Năm 2008, nước biển ngập sâu là do hạn hán chứ không phải do những đập thủy điện ở bên Trung Quốc. Một bằng chứng khác nữa là sau khi những đập thủy điện trên dòng Mê Kong bên Trung Quốc được xây xong, người ta đo dòng chảy của Dòng Mê kong ở biên giới Trung Quốc với Lào và Thái Lan; người ta thấy vào mùa khô độ chảy của nó tăng lên đến 30%. Tăng mà không giảm như thế thì không có lý do gì có thể nói do những đập thủy điện trên Sông Mê kong bên Trung Quốc khiến cho nước biển dâng sâu vào Đồng bằng Sông Cửu Long hết. Chính lượng nước từ biên giới Trung Quốc chảy vào Lào và Thái Lan tăng vào mùa khô tạo điều kiện cho Lào xây những đập thủy điện mà không cần phải có hồ chứa lớn mà chỉ chạy nhờ nguồn nước thôi. Nếu không có nguồn nước tăng như vậy, mà xây đập lên thì chỉ có thể vận hành 6 tháng mà thôi, vào mùa khô không có nước để vận hành; mà nhờ những nhà máy nước thủy điện bên Trung Quốc xả nước vào mùa khô để chạy tuốc bin phát điện. Nguồn nước tăng lên khiến người ta đưa ra những kế hoạch xây dựng các đập thủy điện ở hạ lưu Sông Mê kong. Như thế lý do tại sao nước biển ngày càng dâng sâu vào nội địa? Chỉ có hai lý do: lý do thứ nhất là vì biến đổi khí hậu, nhiệt độ tăng cao khiến bốc hơi nước tăng lên và nước biển dâng cao lên. Một điểm nữa tại những kế hoạch thủy lợi của Việt Nam đào kinh cấp hai, cấp ba dẫn nước từ sông chánh vào những vùng sâu- xa để cải tạo đất phèn, đất mặn. Đồng thời nữa việc làm đê bao ngăn nước mùa ngập không tràn vào vùng trũng xa nữa. Ngày xưa nước tràn vào vùng trũng và đến mùa khô tràn trở ra lại giữ mực nước ở sông chính. Nhưng nay chính vì kế hoạch thủy lợi của Việt nam gây ra chuyện đó. Cho nên đối với vấn đề nước biển dâng sâu vào Đồng bằng Sông Cửu Long, không nên trách người, không nên trách trời trách đất mà trách chính mình.
Nhưng nay chính vì kế hoạch thủy lợi của Việt nam gây ra chuyện đó. Cho nên đối với vấn đề nước biển dâng sâu vào Đồng bằng Sông Cửu Long, không nên trách người, không nên trách trời trách đất mà trách chính mình
Tiến sĩ Huỳnh Long Vân
Một nhà nghiên cứu trẻ, tiến sĩ Nguyễn Phong Phú, từ An Giang cũng cho biết những ghi nhận thay đổi tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long suốt những năm qua như sau:
Một số đề tài của Trường Đại học An Giang thực hiện cho thấy lượng nước và phù sa về khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long giảm trong thời gian qua. Nhưng những thông tin đó chỉ gửi cho các dự án, không thể đưa ra ngoài được nên khó có thể đưa ra con số cụ thể.
Có một dự án thực hiện năm 2012 cho thấy về lượng phù sa Sông Tiền, Sông Hậu chảy về khu vực An Giang và ĐồngTháp giảm theo từng năm.
Một ảnh hưởng khiến cho những người dân làm nghề đánh bắt trên sông bị giảm nguồn thu do không còn nguồn lợi thủy sản mà từ trước đến giờ khi đánh bắt vẫn có. Bây giờ thì nguồn đó cạn kiệt khiến họ không còn nguồn thu nhập.
Đối với nguồn nước khi giảm thì họ khó có thể nuôi (cá) trong những ao gần mép bờ sông vì người ta không có nguồn nước bơm lên; rồi lượng phù sa sụt xuống thì lượng đất bám vào bờ cũng bị sạt ra nên những hầm gần bờ sông bị hạn chế.
Đối với người dân theo một khảo sát mới thực hiện thì họ cho rằng nước vẫn lên xuống bình thường chứ họ không đo theo thực tế. Họ chỉ biết năm nay nước thiếu hụt, và lượng phù sa không được bồi đắp nhiều. Những hầm sát bờ sông không có ‘chân’ nên cá thoát ra ngoài.
Đối với trồng lúa và trái cây. Nhánh Sông Tiền- Sông Hậu từ Châu Đốc đổ xuống thì không trồng nhiều trái cây, chủ yếu canh tác lúa thôi. Còn trái cây ở khoảng Lấp Vò trở xuống thì chưa có khảo sát. Chỉ mới khảo sát nhánh từ khúc Long Xuyên, Chợ Mới đảo ngược lên khúc Châu Đốc, người dân cho biết bơm nước thì bơm được nhưng khi lượng nước thiếu bơm lên cũng rất khó để tưới tiêu cho vườn cây của họ. Lượng phù sa trong nước làm chất dinh dưỡng cho cây từ nước bơm lên hiện nay cũng không còn nhiều. Nước bơm lên thấy hàm lượng bùn lắng đọng không có bao nhiêu.
Trước những thay đổi mà giới khoa học thừa nhận đang hằng ngày diễn ra tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam như thế cơ quan chức năng trong nước và chính người dân có những biện pháp ứng phó ra sao?
Đây sẽ là đề tài trong chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ tới.