Cây trồng biến đổi gien từng được cho là một trong những tiến bộ khoa học của công nghệ sinh học trong nông nghiệp; tuy nhiên cho đến nay vẫn có những ý kiến phản đối các loại cây biến đổi gien với lập luận sẽ dẫn đến độc quyền thống trị giống, bên cạnh đó là những tác hại có thể gây nên cho con người sau khi sử dụng những loại thực phẩm làm từ cây biến đổi gien như thế.
Thực tiễn nhận thức
Những người ủng hộ cây trồng biến đổi gien cho rằng số bác bỏ công nghệ này là những nhóm lợi ích về thuốc trừ sâu, trừ bệnh … không muốn có những sản phẩm cây trồng biến đổi gien có thể chống chọi sâu bệnh không cần phải phun thuốc trừ sâu …, và như thế sẽ rất có lợi cho con người.
Những người ủng hộ trong đó có cả những nhà nông học có tiếng như giáo sư Võ Tòng Xuân tại Việt Nam cũng cho rằng thực tế cho thấy lâu nay cả con người và những loài vật nuôi ăn các sản phẩm đậu nành, bắp… biến đổi gien nhập từ Hoa Kỳ mà vẫn không thấy có dấu hiệu tật bệnh gì.
Một nông dân tại Đồng Tháp cho biết ý kiến bản thân về cây trồng biến đổi gien như sau:
Vấn đề biến đổi gien thì các nước cũng áp dụng nhiều rồi, người ta cũng có những công trình nghiên cứu, VN cần xem những loại biến đổi gien như bắp có hại không, hại như thế nào. Nếu không hại thì mình đem về trồng chứ có gì đâu
Một nông dân
Có lần tờ Kinh tế Sài Gòn có đăng loạt bài về cây trồng biến đổi gien. Tôi có nêu câu hỏi: vấn đề biến đổi gien thì các nước cũng áp dụng nhiều rồi, người ta cũng có những công trình nghiên cứu, Việt Nam cần xem những loại biến đổi gien như bắp có hại không, hại như thế nào. Nếu không hại thì mình đem về trồng chứ có gì đâu. Hoặc trong điều kiện kinh tế của mình thì có thể ‘hy sinh mặt này để lấy mặt kia’, chứ không nhất thiết phải như các nước giàu. Mình phải chấp nhận chút đỉnh nhưng phải nằm trong giới hạn nào đó. Còn thực ra nông dân không biết gì về biến đổi gien đâu, không ai nói gì về điều đó.
Một người quan tâm đến vấn đề thực phẩm biến đổi gien được phép lưu thông tại Việt Nam và có ý kiến phản đối đưa lên các trang mạng xã hội như Facebook trình bày vấn đề và quan điểm như sau:
Tôi hay đăng trên mạng xã hội những bài của nước ngoài về thực phẩm biến đổi gien và những cảnh báo của những nước bên Mỹ, Châu Âu. Họ cảnh báo mà thậm chí còn có luật bắt phải ghi nhãn mác trên hàng hóa thực phẩn biến đổi gien.
Thế nhưng ở Việt Nam, trong năm vừa rồi, chính phủ và các bộ, ngành mới cấp phép cho mua bán, sử dụng các sản phẩm biến đổi gien. Mới được vài tháng thôi; nhưng dân chúng Việt Nam qua sự thăm dò của tôi về sự hiểu biết của họ ( đối với thực phẩm biến đổi gien) thì đa số họ chưa biết gì cả, gần như người ta chưa quan tâm đến. Ngay cả lớp trẻ, người ở thành phố người ta cũng chưa quan tâm. Đó là điều rất nguy hiểm, trong khi ở nước ngoài người ta còn cấm, còn biểu tình phản đối.
Người này nói rõ thêm về những qui định mà cơ quan chức năng tại Việt Nam đưa ra so sánh với những qui định của các nước khác về vấn đề mua bán các sản phẩm biến đổi gien:
Họ mới cấp phép nên hiện giờ chưa ra những luật gì cả. Tại các siêu thị không biết hàng nào là thực phẩm biến đổi gien vì người ta không ghi trên nhãn mác. Đó là cách quản lý của Nhà nước, còn người dân vào siêu thị thì chưa biết, cứ mua thôi
Một người dân
Họ mới cấp phép nên hiện giờ chưa ra những luật gì cả. Tại các siêu thị không biết hàng nào là thực phẩm biến đổi gien vì người ta không ghi trên nhãn mác. Đó là cách quản lý của Nhà nước, còn người dân vào siêu thị thì chưa biết, cứ mua thôi.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lang, chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long, trước hết trình bày về tình hình nghiên cứu và ứng dụng cây trồng biến đổi gien tại Việt Nam lâu nay, đặc biệt ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, như sau:
Vấn đề cây trồng biến đổi gien thực ra ở Đồng bằng sông Cửu Long chưa đưa về. Chúng tôi chỉ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, cho học sinh nghiên cứu thôi, ví dụ cây lúa, cây bông, cây đậu nành… vẫn còn trong phòng thí nghiệm chứ chưa đưa ra ngoài đồng. Còn những cây biến đổi gien mà Nhà nước thử nghiệm như cây bắp Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn chỉ đạo phía chính quyền theo dõi việc đó, thành thử ra ở Đồng bằng Sông Cửu Long chưa đưa vào giống nào chuyển mạch gien hết. Phía các nhà khoa học chúng tôi cũng chỉ nghiên cứu thôi chứ chưa đưa ra. Chỉ khi nào đã rõ ràng, được cho phép cụ thể, chính thức như thế nào chúng tôi mới đưa ra, chứ còn vướng với nhiều cơ quan pháp lý quá thì chúng tôi chưa đưa ra.
Quan ngại
Người dân phản đối việc cho nhập và buôn bán các sản phẩm biến đổi gien nêu ra những quan ngại của các sản phẩm thực phẩm biến đổi gien và yêu cầu các nhà khoa học hàng đầu tại Việt Nam phải có giải thích rõ ràng cho người dân để họ hiểu được vấn đề:
Có một số hạt giống của các loại ngô, đỗ tương theo nghiên cứu của các nhà khoa học và các tổ chức trên thế giới người ta cảnh báo có tác hại lớn. Thậm chí một số tờ báo của Việt nam cũng đăng tin về hậu quả của việc sử dụng có ảnh hưởng rất nhiều đến nòi giống con người. Ngay cả môi trường sử dụng phân bón dùng cho những giống cây ngô, đỗ tương biến đổi gien đó cũng bị ảnh hưởng rất lớn.
Không có chuyên gia đầu ngành nào trong lĩnh vực này trả lời, hướng dẫn hay cảnh báo gì cả. Trong khi đó thì Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Chính Phủ cấp phép cho nhập khẩu giống ngô, cho phép ăn, cho phép tiêu dùng
Tôi đã gọi cũng như đưa câu hỏi trên facebook hỏi thử một số giáo sư đầu ngành về sinh học như giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Tôi hỏi ông ta và cơ quan có những nghiên cứu gì chưa và có cố vấn gì cho chính phủ chưa thì ông ta không trả lời. Không có chuyên gia đầu ngành nào trong lĩnh vực này trả lời, hướng dẫn hay cảnh báo gì cả. Trong khi đó thì Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Chính Phủ cấp phép cho nhập khẩu giống ngô, cho phép ăn, cho phép tiêu dùng. Ngay cả hàng hóa cũng chưa có hướng dẫn cho dân nên rất e ngại về vấn đề đó.
Về thông tin cho rằng ăn thực phẩm từ cây trồng biến đổi gien có thể gây ung thư hay các rối loạn khác, tiến sĩ Nguyễn Thị Lang có ý kiến:
Về những điều đó cũng chỉ mới là câu hỏi nêu ra thôi, chứ các nghiên cứu chưa chứng minh được cây ( biến đổi gien) đó ăn vào bị ung thư. Người ta chỉ nghi ngờ thôi. Ví dụ khi đưa gien của con sứa vì protein của nó rất mạnh; nên khi đưa vào người ta thấy có thể làm đột biến… Cái gì hiếm, không phổ biến thì người ta đặt vấn đề thế thôi chứ thực ra không có vấn đề gì khó khăn hết.
Đối với chứng minh từng có những loài cây được biến đổi gien khi đưa vào trồng thì bị ‘nhiễm’ như trường hợp cây đu đủ biến đổi gien tại Thái Lan. Tiến sỹ Nguyễn Thị Lang cho biết cách thức giải quyết khi cây trồng biến đổi gien bị ‘nhiễm’:
Nếu bị nhiễm thì loại bỏ thôi. Ví dụ có những cây khi chuyển gien vào thì bị bệnh nặng và phát tán ra những cây khác. Kể cả những cây trồng không chuyển gien khi bị bệnh cũng phát tán ra ngoài chứ không phải nhất thiết cây chuyển gien mới phát tán. Tại Châu Âu người ta ghi rõ tên sản phẩm nào có chuyển gien và sản phẩm nào không. Ai thích sản phẩm nào thì mua sản phẩm đó.
Thông tin công nghệ bây giờ im lặng không còn nói nhiều về chuyển gien nữa, và bây giờ người ta cũng không còn đầu tư nhiều vào nghiên cứu đó nữa.
Tại Châu Âu người ta ghi rõ tên sản phẩm nào có chuyển gien và sản phẩm nào không. Ai thích sản phẩm nào thì mua sản phẩm đó
Tiến sỹ Nguyễn Thị Lang
Tiến sỹ Nguyễn thị Lang cũng lý giải lý do hiện nay vấn đề biến đổi gien không còn tạo tiếng vang như trước nữa:
Một mặt, vấn đề mà công chúng chưa rõ khi đưa ra thì phải ‘giữ’. Mặt khác do bị ràng buộc về pháp lý nhiều quá nên người ta cũng không muốn. Thứ ba nữa công nghệ không hiệu quả, tốn kém nhiều. Trong quá trình chuyển nạp, sau đó đem ra trồng một thời gian thì trở lại ban đầu chứ không phải giữ hoài như thế. Vì cơ chế tổng hợp của DNA bao giờ cũng có ‘sửa sai’. Tức lại khi bức một đoạn nào thì nó sẽ tự sửa sai bằng cách đẩy lùi đoạn gien đó ra ngoài, trở lại ban đầu. Giống như cây ‘ưu thế lai’ F1 thì cho năng suất cao nhưng qua F2, F3 thì sẽ giảm dần. Do đó tốt hơn hết là chọn dòng thuần. Cây chuyển mạch gien cũng vậy, được vài năm ban đầu còn sau đó cũng trở lại bình thường thôi.
Tranh cãi về việc trồng các giống cây biến đổi gien diễn ra suốt 2 thập niên qua. Một trong những ý kiến có thể nói chống lại công nghệ cây trồng biến đổi gien được tổ chức bảo vệ môi trường Hòa Bình Xanh- Green Peace đưa ra hồi tháng 10 năm 2013.
Tổ chức Green Peace nêu ra trường hợp giống lúa biến đổi gien được gọi là giống ‘vàng’ do ngành công nghệ sinh học tạo ra. Giống lúa này được cho là giúp bổ trợ tiền sinh tố vitamin A (beta-carotene) nhằm góp phần giải quyết tình trạng thiếu vitamin A của dân chúng ở các nước đang phát triển.
Tuy nhiên theo Green Peace, giống lúa vàng biến đổi gien không chỉ là một công cụ thiếu hữu hiệu để chống nạn thiếu vitamin A mà còn có nguy cơ gây hại cho con người, thiếu thân thiện môi trường.
Green Peace cho biết giống lúa biến đổi gien này được phát triển hơn 20 năm qua, thế nhưng đến nay vẫn chưa thể áp dụng thương mại được. Lý do phần lớn cho tính chất phức tạp của kỹ nghệ gien. Cách thức chất beta- carotene được hình thành trong cây cũng chưa được hiểu rõ, rồi tính chất phức tạp của kỹ nghệ gien còn làm tăng khả năng xảy ra những tác động không mong đợi.
Nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh chất beta-carotene trong giống lúa vàng biến đổi gien như chính xác chất gì được tạo nên, chất đó bền vững ra sao, chuyện gì sẽ xảy ra khi chất này chuyển hóa trong cơ thể con người.
Tạp chí Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới.