Đại diện của 195 quốc gia trên toàn thế giới vào ngày thứ bảy 12 tháng 12 thông qua thỏa thuận được đánh giá là lịch sử về vấn đề khí hậu Trái Đất.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh, chuyên gia về biến đổi khí hậu trình bày một số thông tin liên quan thỏa thuận vừa đạt được qua cuộc nói chuyện với Gia Minh. Trước tiên vị chuyên gia từng tham gia vào công tác soạn thảo báo cáo thứ tư của Ủy ban Liên chinh phủ về Biến đổi Khí hậu hồi năm 2007 trình bày một số điểm đáng chú ý của thỏa thuận vừa đạt được tại COP- 21 ở Paris, Pháp:
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh: Ban đầu các nước đang phát triển cố gắng đề nghị (tăng) dưới 1,5 độc C; nhưng đây là thỏa thuận để nghị không tăng quá 2 độ C- một ngưỡng tác động rất nặng nề thế nhưng vẫn có thể chịu đựng được.
Trong vấn đề đó vẫn còn rất nhiều bất đồng chưa giải quyết được giữa các nước. Đó là vấn đề đương nhiên.
Điều thứ hai là đến năm 2020 kinh phí hỗ trợ cho Quỹ Khí hậu Xanh lên đến 100 tỷ đô la. Một điểm nữa mà Hội nghị Paris đưa ra được là các nước giàu công nghiệp đồng ý giúp đỡ các nước nghèo đang phát triển về công nghệ- kỹ thuật, tài chính, hỗ trợ để làm sao có thể thích nghi và phát triển nền kinh tế carbon thấp như các nước mong muốn.
Một điểm nữa là những nước thải nhiều CO2 nhất như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và rất nhiều nước đều có cam kết quyết tâm thực hiện thỏa thuận, Đây là điều mà các chuyên gia cho rằng sẽ là điều không tránh khỏi nếu như các nước không thực hiện thì tất cả đều phải chịu ảnh hưởng; không trừ ai. Trong bối cảnh như thế thì tất cả các nước cố gắng thỏa hiệp để đạt được thỏa thuận mà có thể nói là 'lịch sử' trong 25 năm đàm phán vừa qua.
Ban đầu các nước đang phát triển cố gắng đề nghị (tăng) dưới 1,5 độc C; nhưng đây là thỏa thuận để nghị không tăng quá 2 độ C- một ngưỡng tác động rất nặng nề thế nhưng vẫn có thể chịu đựng được. <br/> - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh
Trước hết thỏa thuận với nhau bằng văn bản như thế. Tuy vậy tất nhiên trong đó còn nhiều vấn đề vì không thể làm hài lòng tất cả các đối tác được. Lý do là mỗi nước chịu tác động của biến đổi khí hậu khác nhau. Mỗi nước có những nhu cầu, điều kiện, đề nghị khác nhau. Những cái riêng của từng nước một như thế là vấn đề.
Sở dĩ những nước có đồng bằng thấp, các nước ốc đảo, các nước chịu tác động nhiều như Việt Nam vì đồng bằng thấp; ngay cả trong tình trạng chỉ 2 độ C thôi tình trạng nước biển dâng đối với họ sẽ kinh khủng như thế nào rồi.
Vì tình trạng địa chất, điều kiện khí hậu, điều kiện địa lý khác nhau nên những yêu cầu cũng rất khác nhau. Nên việc thỏa thuận chỉ mang tính chất ban đầu và nguyên tắc thôi.
Gia Minh: Theo tiến sĩ để thực thi cho được những điểm chính yếu vừa được thông qua như thế cần phải thực hiện những điều gì?
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh: Theo đánh giá của tôi đây mới chỉ là sự khởi đầu. Ngày 12 tháng 12 chỉ là sự khởi đầu của một lộ trình mới có tham vọng rất nhiều so với trước đây. Ngay cả trong thỏa thuận có điểm là đến năm 2018 phải xem xét lại quá trình đó xem việc thực hiện được như thế nào và có cần điều chỉnh hay không. Cho nên đây là sự bắt đầu của một cuộc hành trình mới mà hành trình này là gian nan. Trước đây đàm phán để đạt được một thỏa thuận mang tinh nguyên tắc; nay đến lúc thực thi những điều ràng buộc mang tính pháp lý thì đó là điều mà từng nước một phải cam kết thực hiện. Từng nước một phải cụ thể hóa từng chỉ tiêu nhất định. Các tiêu chí của lộ trình đó tất cả các nước làm sao phải thực hiện một cách tự giác hay một cách ràng buộc. Đây là việc mà khi thỏa thuận đã khó và đến khi thực hiện còn khó hơn rất nhiều. Việc thực hiện còn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, điều kiện xã hội của mỗi nước. Có những nước chính phủ, nhà cầm quyền có thể thay đổi; nhưng có những nước mà phát triển kinh tế thay đổi buộc phải có những thay đổi riêng của họ. Như thế họ phải xem xét lại những vấn đề mà họ phải thay đổi vào năm 2018, năm 2020.
Nay bước vào con đường mới mà khó khăn hơn trước rất nhiều.

Gia Minh: Ông vừa nói đến yếu tố ràng buộc pháp lý đối với các nước theo thỏa thuận vừa đạt được, vậy phải chăng Liên Hiệp Quốc sẽ là cơ quan giám sát và buộc các nước phải thực thi?
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh: Thực ra từ trước đến nay cũng là Liên hiệp quốc điều phối chuyện đó. Liên hiệp quốc thành lập ra IPCC ( Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu) cũng như FCCC ( Công ước Khung về Biến đổi khí hậu) để thực hiện việc đó trong mấy chục năm vừa qua. Như vậy đã có 21 COP đã đi qua và đều do Liên hiệp quốc cả chứ không do ai khác. Tiếp tục Liên hiệp quốc cũng sẽ điều phối vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.
Việc Liên hiệp quốc đưa ra mang tính toàn cầu đó và việc cụ thể hóa của từng quốc gia mà trong đó còn có rất nhiều vấn đề kỹ thuật trong từng vấn đề. Thậm chí vấn đề tính toán cho phù hợp cũng là một tiêu chí phải thực hiện theo. Làm sao tất cả hài hòa và các đối tác chấp nhận được. Vấn đề nguyên tắc trong kỹ thuật phải rất cụ thể. Ví dụ sự vụ xảy ra trong nền công nghiệp ô tô là một điển hình. Vẫn có những gian lận về kỹ thuật, gian lận về thương mại. Việc trông coi vấn đề phát thải khí là một loạt về vấn đề kỹ thuật. Vấn đề công nghệ đưa ra thì có công nghệ nào được chấp nhận, vấn đề nào không được chấp nhận, và chấp nhận đến đâu.
Từng nước một phải cụ thể hóa từng chỉ tiêu nhất định. Các tiêu chí của lộ trình đó tất cả các nước làm sao phải thực hiện một cách tự giác hay một cách ràng buộc. <br/> - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh
Khi đưa ra nền công nghệ phát thải carbon thấp sẽ có một loạt vấn đề công nghệ mới. Có những công nghệ cũ mà người ta đã bỏ rất nhiều tiền đầu tư vào rồi, có phải thanh lý không. Công nghệ nào chấp nhận, công nghệ nào không chấp nhận. Vấn đề về kỹ thuật cũng đòi hỏi tính thống nhất và lại mang tính ràng buộc thì theo tôi đó là công việc khó khăn còn phải tiếp tục trao đổi.
Mục tiêu được nêu ra là đến năm 2100 tăng không quá 2 độ C nhưng trong thực tế đến nay đã tăng 1 độ C rồi. Phần xử lý carbon để không vượt quá 2 độ C thì chúng ta đã dùng 65% quota carbon rồi. Cho nên vấn đề kỹ thuật phải hết sức cụ thể và chặt chẽ.
Cần phải có lộ trình giám sát mới thành công được. Do vậy tôi đánh giá đây là một sự khởi đầu của một quá trình mới tham vọng hơn và còn nhiều khó khăn ở phía trước.
Gia Minh: Vấn đề các quốc gia phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các nước đang phát triển và nghèo triển khai những công nghệ mới không sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính theo thỏa thuận mới ra sao?
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh: Chúng ta có thể hình dung ra bức tranh hiện nay rất dễ: nếu tiền nong đổ vào những cuộc chiến tranh trên thế giới có sự tham dự của nhiều chính phủ lên đến hằng nghìn tỷ đô la mỗi năm. Thế thì 1 trăm tỷ đô la dành cho việc thích ứng biến đổi khí hậu của các nước đang phát triển là quá nhỏ. Dù thế đó là khoản tiền tối thiểu để giúp các nước nghèo, các nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Những nước này cần có những khoản nhất định để xử lý các việc tối cần thiết. Đặc biệt ngoài khoản trăm tỷ đô la giúp các nước nghèo còn có những know- how, công nghệ mà các nước phát triển có thiện chí chuyển giao cho các nước nghèo cũng phải làm sao cho hợp lý. Điều này rất quan trọng, nhiều khi hơn cả tiền. Phải giúp cho các nước có điều kiện tiếp cận công nghệ, và công nghệ phải có giá thành hợp lý giúp họ có thể triển khai nền kinh tế carbon thấp của họ.
Gia Minh: Trong quá trình các quốc gia đàm phán tiến đến đạt được thỏa thuận Paris, các tổ chức xã hội dân sự đã tham gia lên tiếng để tác động đến các chính phủ khá nhiều. Ông đánh giá ra sao về sự góp phần đó?
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh: Trong thực tế vấn đề biến đổi khí hậu là vấn đề tác động đến từng người dân, từng cộng đồng xã hội thu nhỏ. Các tổ chức xã hội dân sự hiện diện khắp nơi trên thế giới ( một nhóm nhỏ người dân có thể trở thành một tổ chức xã hội dân sự). Họ là những người phải đối mặt, phải thích nghi, phải có tiếng nói. Họ là những người phải chịu đựng và là người phải kêu gọi sự nhất trí ủng hộ.
Do đó tôi cho rằng vai trò của xã hội dân sự rất quan trọng, bởi vì các chính phủ làm về đường lối, chính sách tổng thể; nhưng 'end-users' là chính các xã hội dân sự cụ thể. Theo tôi tiếng nói của các xã hội dân sự là tiếng nói của các điểm trên toàn thế giới, tiếng nói của các điểm tại một quốc gia. Tất cả các địa phương của một quốc gia đóng góp ý kiến, đề xuất của mình về việc thực hiện ra sao. Chính sự lên tiếng đóng góp về vấn đề biến đổi khí hậu trong nhiều năm nay thì các chính phủ mới để ý đến. Chính người dân phải chịu nên phải lên tiếng nói để các chính phủ phải thay đổi chính sách cho phù hợp.
Gia Minh: Chân thành cám ơn tiến sĩ.