Toàn cầu liên tiếp hứng chịu thiên tai
2010.08.23
Chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ này điểm qua những thiên tai ấy với ý kiến của một chuyên gia nghiên cứu về tình hình biến đổi khí hậu, ông Trần Việt Liễn.
Thiệt hại nặng nề
Truyền thông quốc tế tiếp tục trình chiếu hình ảnh của người dân tại khu vực tây bắc Pakistan phải chống chọi với trận lụt lịch sử tại đó. Thống kê mới nhất do Liên hiệp quốc đưa ra hôm thứ năm 19 tháng 8 vừa qua, có đến 4 triệu người dân trở nên vô gia cư do đợt lụt khởi phát hồi tháng bảy vừa qua sau những trận mưa mùa lớn kéo dài.
Số tử vong được cho biết chừng hai ngàn người. Mức độ thiệt hại do đợt lũ lụt ở vùng tây bắc Pakistan được cho biết nặng nề hơn những trận thiên tai đáng kể như trận sóng thần ở Ấn Độ Dương hồi năm 2004, trận động đất tại Kashmir hồi năm 2005, và trận động đất hồi đầu năm nay ở Haiti.
Ở Trung Quốc thì vụ lở đất hồi ngày 8 tháng 8 vừa
qua ở huyện Châu Khúc, tỉnh Cam Túc cũng khiến hơn 1700 người thiệt mạng. Vụ lở
đất được nói do mưa lớn và lụt lội gây nên. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng
đó là hậu quả gián tiếp của việc phá họai môi trường trong quá trình phát triển
lâu nay ở Hoa Lục.
Biến đổi khí hậu là yếu tố tác động tích cực vào quá trình biến đổi của thời tiết, nhưng còn kết hợp với những hiện tượng khác.
Ông Trần Việt Liễn
Cũng trong khoảng thời gian xảy ra hai vụ thiên tai ở Pakistan và Trung Quốc, thì nước Nga phải đối phó với hằng loạt vụ cháy rừng lan ra nhiều vùng khắp cả nước. Lý do của loạt cháy rừng vào mùa hè năm nay tại Nga được nói là do tình hình nắng nóng kỷ lục tại xứ này, cũng như nạn hạn hán gây nên.
Tình hình nguy kịch đến nổi tổng thống Nga Dmitri Medvedev phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại bảy vùng. Ước tính thiệt hại do loạt cháy rừng lên đến nhiều tỷ đô la.
Đến ngày thứ năm 17 tháng 8 vừa qua, cơ quan chức năng Nga cho biết họ đã dập tắt được phân nửa những đám cháy rừng bắt đầu bùng phát từ hồi cuối tháng 7 vừa qua.
Trong tuần rồi, cũng vào ngày thứ năm 17 tháng 8, chính quyền Nhật Bản cho công bố số người thiệt mạng do đợt nắng nóng tại Xứ Phù Tang lên đến hơn 130 người, và hơn 30 ngàn người phải vào bệnh viện vì bị trúng nắng.
Yếu tố con người
Giới chuyên gia cho rằng tình hình thời tiết bất thường, với những đợt thiên tai nặng nề như vừa nêu xuất phát từ một số yếu tố như biến đổi khí hậu vì môi trường trái đất bị tàn phá, và những hoạt động của con người gây nên.
Ông Trần Việt Liễn, một trong hai chuyên gia Việt Nam, từng tham gia vào công tác soạn thảo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu, IPCC, đưa ra một số nhận định về các yếu tố dẫn đến tình trạng thời tiết bất thường trên thế giới:
Biến đổi khí hậu là yếu tố tác động tích
cực vào quá trình biến đổi của thời tiết, nhưng còn kết hợp với những hiện tượng
khác. Đặc biệt những hiện tượng dị thường ở khu vực Châu Á và Đông nam Á còn
liên quan đến hiện tượng el-Nino nữa. Kết hợp của cả hai hiện tượng đó đưa đến
một ‘cực đoan’ tương đối dị thường. Tất nhiên, biến đổi khí hậu là nguyên nhân
có tác động mạnh mẽ, và lâu dài.
... những tàn phá của con người sẽ dẫn đến những tàn phá nghiêm trọng như lũ quét, sạt lở đất. Ví dụ như cháy rừng, không thể tự nhiên cháy được, mà do những tác nhân con người gây nên như đốt rừng làm nương, làm rẫy.
Ông Trần Việt Liễn
Ngoài ra còn có những hiện tượng thường niên hơn. Trước đây khi hiện tượng biến đổi khí hậu còn ít, hiện tượng el-Nino vẫn xảy ra và hạn hạn, cháy rừng ở nhiều khu vực châu Á và Đông Nam Á có liên quan đến hiện tượng el-Nino này.
Yếu tố chủ quan xuất phát từ các hoạt động của con người cũng được ông Trần Việt Liễn đề cập đến:
Dù không có biến đổi khí hậu đi nữa thì những tàn phá của con người cũng sẽ dẫn đến những tàn phá nghiêm trọng như lũ quét, sạt lở đất là rõ ràng nhất. Ví dụ như cháy rừng, nếu nóng không cũng không thể tự nhiên cháy được, mà do những tác nhân con người gây nên như đốt rừng làm nương, làm rẫy.
VN đã làm gì?
Việt Nam là quốc gia ven biển và được cảnh báo là một trong năm nước sẽ phải chịu tác động nhiều nhất của tình hình biến đổi khí hậu. Thiên tai mưa bão, lũ ống, lũ quét, lụt lội trong thời gian qua tại Việt Nam cũng có những diễn biến bất thường, gây nhiều thiệt hại về người và vật chất.
Tiến sĩ Trần Việt Liễn đề cập đến những công tác mà các quốc gia thường thực hiện để phòng tránh thiên tai:
Ngoài việc cảnh báo thì những quốc gia chịu tác động nặng nề như Việt Nam cần phải tích cực nghiên cứu những giải pháp phòng chống tích cực hơn; ví dụ như phải có giải pháp kỹ thuật để khắc phục những hiện tượng như lũ lụt, sạt lở đất…Đó là những giải pháp về dự báo, cảnh báo, giải pháp khắc phục tại chỗ…
Một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng là cần phải nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề này. Nếu người dân góp phần trong việc khắc phục thì hiệu quả sẽ tăng lên.
Đánh giá về những công tác liên quan đang được các cơ quan chức năng Việt Nam thực hiện, ông Trần Việt Liễn nói:
Một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng là cần phải nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề này. Nếu người dân góp phần trong việc khắc phục thì hiệu quả sẽ tăng lên.
Ông Trần Việt Liễn
Triển khai của Việt Nam như thế là khá tích cực; tuy nhiên những giải pháp mà Việt Nam ứng dụng mới được đưa ra lần đầu, còn cần phải nghiên cứu nhiều. Trong những năm gần đây, chính phủ Việt Nam có đầu tư nhiều cho những nghiên cứu đầu tiên, những nghiên cứu cơ bản; kể cả về mặt khoa học và giải pháp.
Như thế có thể giúp hạn chế được những thiệt hại có tính chất dài hạn. Đối với những hiện tượng thiên tai ngắn hạn tại những vùng xung yếu, chính phủ Việt Nam cũng rất quyết liệt; tuy nhiên chỉ có thể giảm tương đối, chứ không thể nào tránh khỏi được.
Một cảnh báo được nêu lên lâu nay là những lợi ích kinh tế có được so với mức phải chi ra để bù đắp vào các thiệt hại do môi trường thiên nhiên bị tàn phá bao giờ cũng không tương đương nhau. Thực tế cho thấy khoản bồi đắp thiệt hại bao giờ cũng rất lớn. Tuy nhiên, những khoản lợi trước mắt thường khiến nhiều người không thấy mối hại về lâu dài.