Nhận định của giới chuyên môn về sự cố Sông Tranh 2

Vấn đề đập thủy điện Sông Tranh 2 tiếp tục gây quan ngại cho dân và chính quyền địa phương; cũng như khiến dư luận trong nước xôn xao về chất lượng công trình này.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2012.03.26
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp
phunutoday.vn-305.jpg Đoàn công tác của EVN xem xét đập chính thủy điện Sông Tranh 2.
Courtesy of phunutoday.vn

Cơ quan chức năng có những kết luận sơ bộ về nguyên nhân và đưa ra những biện pháp khắc phục. Trước những kết luận và biện pháp được đưa ra đó, giới chuyên môn nhận định ra sao?

Nguyên nhân

Vào ngày 23 tháng 3 vừa qua, ông Bùi Trung Dung, phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, thuộc Bộ Xây Dựng, có cuộc làm việc báo cáo với phó thủ tướng Việt Nam, Hoàng Trung Hải về tình hình nước chảy ra từ những vết nứt trên thân đập thủy điện Sông Tranh 2.

Theo ông Bùi Trung Dung thì màng thu nước của đập làm việc không tốt, do đó nước vượt qua màng thu và tràn ra ngoài theo các khe co giãn.

Biện pháp được cho biết là trước mắt Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVN, phải có biện pháp chống thấm để giảm lượng nước thấm vào thân đập. Công việc này phải hoàn thành trước mùa lũ năm nay mới cho tích nước tiếp vào hồ chứa. Để có thể chống thấm theo như đánh giá sơ bộ ban đầu như thế thì nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 hiện đang phát điện tối đa để hạ mực nước. Từ đó lấy diện tích bề mặt để dán vật liệu chống thấm, tăng cường khả năng chống thấm của lớp bê tông bên ngoài. Ông này nói rằng việc chống thấm qua bê tông cần có thời gian từ vài tháng đến cả năm trời. Ông Bùi Trung Dung cũng cho báo chí biết trước mắt phải thu nước vào trong đường hầm theo đúng thiết kế yêu cầu.

Trước những kết luận và biện pháp xử lý do ông phó cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, ông Bùi Trung Dung, phó giáo sư Lê Kim Truyền, phó chủ tịch Hội Đập Lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam tỏ ra bằng lòng và ông này có ý kiến nên bình tĩnh để khắc phục sự cố, không nên nóng vội:

"Theo tôi, kết luận mà hội đồng khoa học đưa ra hôm qua là tương đối tin tưởng được. Tuy nhiên việc báo chí nói như vừa qua làm dân chúng hoang mang, không nên. Tất nhiên phải xử lý, không thể để như thế được; nhưng chưa thể gây ra vỡ đập ngay lập tức được. Mà cần cả quá trình nữa để đánh giá dòng xói thế nào, lực xói có mạnh hay không, có làm phá vỡ được bê tông hay không.

Theo tôi thì các khe nứt có thể do các khe nhiệt mà cũng có thể do thấm của bê tông. Nếu khe nhiệt xử lý không tốt do thi công, thì tạo nên những lớp phân tầng. Các khe đó không được xử lý thì thành đường thu nước, chảy rất mạnh." 

Trong khi đó thì phó giáo sư, tiến sĩ Đặng Hữu Diệp, giám đốc Liên hiệp Địa chất Công trình, Xây dựng và Môi trường thì tỏ ra thận trọng hơn và ông này cho rằng cần phải chờ thêm một vài tuần nữa xem những biện pháp thực hiện như đề ra có hữu hiệu hay không.

Nếu xử lý dứt điểm mất thời gian lâu thì nay xử lý tạm thời. Phải xử lý từ bên trên, chứ làm như các công ty hiện nay từ dưới lên không đúng. Đa số các nhà khoa học đều nói phải xử lý từ thượng lưu.

PGS Lê Kim Truyền

"Chờ vài tuần nữa mà biện  pháp khắc phục bây giờ không có hiệu quả, mà lưu lượng nước chảy ra càng ngày càng lớn, thì chắc chắn vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng. Lúc đó phải làm theo ý kiến của các quan chức địa phương là ngưng hoạt động đập thủy điện để làm hạ nước trong hồ. Từ đó mới có thể khảo sát cẩn thận và tìm ra nguyên nhân."

Nếu những biện pháp khắc phục như vừa qua trong vài tuần tới không hữu hiệu thì phải rà soát lại nguyên nhân, sử dụng kỹ thuật siêu âm dò tìm cho rõ thêm, ông nói:

"Nếu lưu lượng nước rò rỉ quá lớn cần phải xem xét lại những khuyết tật trong thân đập. Để làm được thế phải dùng những kỹ thuật như siêu âm… Trước hết các chuyên gia có kinh nghiệm thực tế đi khảo sát thực địa, sau đó mới đưa ra kết luận và nên tìm những giải pháp kỹ thuật gì.

Biện pháp phun những chất gắn kết vào để không cho rò rỉ nữa cần phải tìm những chất gắn kết có hiệu quả. Vừa rồi báo có đăng, các chuyên gia đi khảo sát, và chưa khảo sát kỹ và họ phát biểu dùng xi măng, thì tôi thấy không có hiệu quả. Bây giờ chủ đầu tư và nhà thầu phải khẩn trương mời các nhà khoa học đến khảo sát thực tế. Một tuần vừa rồi họ có tiến hành những công việc nhưng không đạt hiệu quả gì cả."

Cách xử lý

phunutoday.vn-200.jpg
Công nhân đang khắc phục sự cố rò rỉ nước trên thân đập. Courtesy of phunutoday
Công nhân đang khắc phục sự cố rò rỉ nước trên thân đập. Courtesy of phunutoday
Phó giáo sư Lê Kim Truyền cũng có ý kiến về các biện pháp xử lý cũng như qui trình xử lý:

"Có hai cách xử lý: trước hết ưu tiên cho ngành điện cho các nơi khác xả ít đi và nhường cho Sông Tranh 2 xả cho rút đi. Nếu xử lý dứt điểm mất thời gian lâu thì nay xử lý tạm thời. Phải xử lý từ bên trên, chứ làm như các công ty hiện nay từ dưới lên không đúng. Đa số các nhà khoa học đều nói phải xử lý từ thượng lưu. Có hai phương pháp : khô và ướt… Giải quyết không có vấn đề gì lớn nếu như được quan tâm như thế này."

Tiến sĩ Đặng Hữu Diệp nhắc lại tình hình động đất tại khu vực xây dựng đập Sông Tranh 2 và những cách chức xử lý tác hại:

"Hồi tháng 11 năm ngoái có vụ động đất liên quan đến hồ chứa; theo tôi cần phải xem lại. Các nhà địa vật lý đã đến và phát biểu ý kiến như thế. Điều này cũng gây ra quan ngại cho dân chúng và cơ quan quản lý địa phương.

Động đất có hai nguyên nhân: thứ nhất là nội lực và thứ hai là ngoại lực. Nếu đới đứt gãy do nước trong hồ chứa kích hoạt gây ra thì đó là nội lực. Theo tôi chắc chắn hơn do ngoại lực. Tuy nhiên phải xem xét kỹ lưỡng."

Trong đó, cũng trong tuần qua, một chuyên gia tại Việt Nam là ông Tô Văn Trường có bài viết đưa lên mạng Internet với tựa đề ‘Nỗi lo toàn cảnh phát triển thủy điện ở nước ta’. Về vấn đề nước chảy ra bề mặt đập thủy điện Sông Tranh 2 trong suốt cả tuần qua, thì ông Tô Văn Trường cho rằng “Các chuyên gia Hội Đập lớn Việt Nam đều có chung nhận xét đối với đập bê tông đầm lăn nguyên tắc thiết kế phải có một hoặc nhiều tầng hành lang. Trong hành lang đặt các thiết bị đo các yếu tố kỹ thuật như thấm, chuyển vị, nhiệt độ. Riêng về thấm, các nhà tư vấn tính toán lưu lượng thấm cho phép toàn bộ thân đập theo các chuẩn hiện hành nhưng tuyệt nhiên không cho thấm trên mặt đập, càng không cho phép nước chảy thành dòng như ở đập sông Tranh…”

Nguy cơ vỡ đập

Kỹ sư cơ khí Lê Quốc Trinh, hôm ngày 23 tháng 3 có bài viết đăng trên blog Dân Luận nêu ra bốn nhận xét mang tính khoa học tổng quát về vụ nứt và nước chảy ra từ thân đập thủy điện Sông Tranh 2. Kỹ sư Lê Quốc Trinh cho rằng ở một vài chỗ nước phun lên thành vòi cao cả thước, chứng tỏ vết nứt nẻ đang lan dần xuống sâu. Với tính toán lượng nước chảy ra ở mức 30 lít mỗi giây, vị kỹ sư này cho rằng nguy cơ vỡ đập trong tương lai chắc không còn là một ảo tưởng nữa. Ông cũng phản biện đối với biện pháp dùng máy khoan đục lỗ tròn để chặn vết nức lan tỏa.

Một người ký tên Lê Huy Y, thuộc Liên hiệp Khoa học Địa chất và Du lịch, thuộc Tổng hội Địa chất Việt Nam có ý kiến được VietnamNet đăng lại nêu rõ ‘Chúng tôi nghi ngờ là do hiện tượng động đất liên tục vừa qua ở Trà My làm om thân đập. Và tại các nơi đập đè lên các đứt gãy đã phát sinh khe nứt lớn làm nước bị rò rỉ. Có thể nói: đập thủy điện Sông Tranh 2 không an toàn cả về nền móng, thiết kế và xây dựng”.

Các nhà tư vấn tính toán lưu lượng thấm cho phép toàn bộ thân đập theo các chuẩn hiện hành nhưng tuyệt nhiên không cho thấm trên mặt đập, càng không cho phép nước chảy thành dòng như ở đập sông Tranh…

Ô. Tô Văn Trường

Xin phép được nhắc lại công trình Thủy điện Sông Tranh 2 được xây dựng từ tháng 3 năm 2006. Nhà máy gồm hai tổ máy, tổng công suất 190 megawatt. Đến cuối năm 2010, cả hai tổ máy đều đã chính thức phát điện. Dung tích hồ chứa với 730 triệu mét khối nước được cho là thuộc loại lớn nhất tại miền trung hiện nay.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam là chủ đầu tư công trình thủy điện Sông Tranh 2.

Ông Nguyễn Văn Liên, phó chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các Công trình Xây dựng của Bộ Xây dựng cho biết công trình thủy điện Sông Tranh 2 chưa được nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng, chỉ mới nghiệm thu tích nước.

Video: Việt Nam Tuần Qua 23-03-2012

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.