Ô nhiễm tại Hà Nội

Hà Nội, thủ đô của Việt Nam, từng được nhiều người biết đến như một thành phố có nhiều hồ nước, cây xanh nằm bên Sông Hồng. Tuy nhiên, gần đây có những thông tin nói đến tình hình ô nhiễm của Hà Nội với mức độ nhất khu vực Đông Nam Á.

0:00 / 0:00

Ô nhiễm cao nhất ĐNA

Đánh giá cho rằng Hà Nội hiện có mức ô nhiễm cao nhất khu vực Đông Nam Á được truyền thông trong nước trích dẫn từ hội thảo ‘Cải thiện chất lượng không khí và giao thông đô thị’, diễn ra hồi ngày 21 tháng 3 vừa qua tại Hà Nội.

Đánh giá của Trung tâm Quan trắc Môi trường, thuộc Tổng Cục Môi trường thì tình trạng ô nhiễm bụi gia tăng tại Hà Nội. Kết quả quan trắc trong thời gian gần đây cho thấy nồng độ bụi, khí NO2, CO tại nhiều nút giao thông của Hà Nội đều vượt mức cho phép.

Đánh giá về tình trạng đó, người dân Hà Nội và các chuyên gia đều dễ dàng nêu ra nguyên nhân mà họ cho là vì Hà Nội đang trong quá trình xây dựng, ngoài ra còn do lượng xe giao thông nhiều. Thống kê nói có chừng bốn triệu phương tiện giao thông tại đó.

Anh Trần Xuân Việt, một thành viên của chương trình Hành trình Xanh, Go Green, đưa ra nhận định của cá nhân về tình hình ô nhiễm ở Hà Nội, thành phố anh đang sinh sống và làm việc:

"Theo bản thân tôi, người tham gia giao thông hằng ngày, thì việc đánh giá ô nhiễm tại Hà Nội là đúng. Nhất hay không thì tôi không thể chủ quan đánh giá, nhưng ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tham gia giao thông, những người sống hai bên đường. Tình trạng này do việc xây dựng và các phương tiện giao thông. Khi xây dựng, người ta chuyên chở gạch, vữa, đất, đá, xi măng không che đậy cẩn thận, khi xây cũng không che nên gây ra ô nhiễm. Thứ hai các phương tiện giao thông cũ, và ai cũng sử dụng nên gây ra khí thải. Ở Tp Hồ Chí Minh do cơ sở hạ tầng xây hết rồi nên không còn bụi bẩn nữa như Hà Nội hiện nay."

Một người từng học tập tại Hà Nội, nay trở về quê hương miền núi Kom Tum, cũng nhớ lại tình trạng ô nhiễm tại đó:

"Hà Nội quá dơ chứ không phải bẩn. Hà Nội bẩn hơn so với Sài Gòn vì ý thức người dân tại đó không như ở Sài Gòn. Cũng là dân tứ xứ nhưng ở Sài Gòn còn biết bảo vệ môi trường. Khi vui chơi giải trí, ở Sài Gòn có ý thức hơn một chút, dù chưa thể đánh giá cao như ở Đà Nẵng. Cây xanh ở Hà Nội nhiều nhưng vứt rác thải, và lưu lượng xe quá nhiều nên không thể hấp thụ hết được."

Giáo sư Tiến sĩ Phạm Ngọc Đăng nêu ra những yếu tố dẫn đến tình trạng ô nhiễm tại Hà Nội như sau:

"Có nhiều nguyên nhân: đường phố Hà Nội không vệ sinh, việc xây dựng- sửa chữa không bảo vệ môi trường, đường xá nay đào mai lấp, đất đá phơi bày, mưa trải ra khiến đất bụi bay lên, ô tô đi qua bay lên, chở vật liệu xây dựng rơi vãi, nhiều trường hợp gia đình vứt rác thải ra đường, vệ sinh đường phố kém. Ô nhiễm khí cơ bản do giao thông, nói chung mức độ xe lưu thông, cường độ lưu thông trong một giờ so với nhiều thành phố khác chưa phải ‘ghê gớm’, nhưng do tổ chức giao thông kém nên xảy ra tắc nghẽn cục bộ tại một số điểm và nơi đó xảy ra khí thải."

Dù nguyên nhân rõ ràng như thế, nhưng vẫn chưa thể nào khắc phục. Lý giải cho điều này, giáo sư Phạm Ngọc Đăng cho biết:

Hà Nội bẩn hơn so với Sài Gòn vì ý thức người dân tại đó không như ở Sài Gòn. Khi vui chơi giải trí, ở Sài Gòn có ý thức hơn một chút, dù chưa thể đánh giá cao như ở Đà Nẵng.

Một người dân Kontum

"Kiểm tra và xử phạt chưa được nghiêm minh. Ví dụ cấm đổ những chất thải xây dựng ra những chỗ không xây dựng, có qui định rồi, nhưng người ta lựa lúc không có công an, không có người để đổ bậy, đổ bạ. Hay cấm chở quá tải, để rò rỉ đất cát, xe ra khỏi công trình phải rửa; nhưng không phải lúc nào người kiểm tra có mặt. Do ý thức người dân và người sản xuất kém nên khi không có người cảnh giới, bảo vệ thì sẵn sàng hành động gây hại cho môi trường."

Do nhiều nguyên nhân

Giao-thong-HN-112211-250.jpg
Lượng cây xanh ở Hà Nội nhiều nhưng cũng không thể hấp thụ hết khói bụi của thành phố. RFA photo (Lượng cây xanh ở Hà Nội nhiều nhưng cũng không thể hấp thụ hết khói bụi của thành phố. RFA photo)

Giáo sư Phạm Duy Hiển, người từng nghiên cứu về tình hình ô nhiễm không khí tại Việt Nam trong nhiều năm qua, thì cho rằng vì cách làm không theo khoa học, thiếu tính minh bạch của các cơ quan chức năng nên dẫn đến hậu quả như hiện nay. Ông đánh giá:

"Tôi nghiên cứu vấn đề này do lý do nghề nghiệp- điện hạt nhân- trong 20 năm nay, chất lượng không khí tại Việt Nam, đặc biệt Hà Nội. Tôi thấy có nhiều hiện tượng, nói chung có thể phổ biến ra, nhưng có điều là không đến tận người dân, cũng như các cấp chính quyền. Cho nên có mặt hạn chế về nghiên cứu khoa học.
Nói Hà Nội ô nhiễm nhất ở vùng Đông Nam Á là đúng. Nhưng phải nói ô nhiễm cái gì, ở đâu ô nhiễm nhiều, khi nào ô nhiễm nhiều? Đó là nhiệm vụ của những người quản lý phải biết rõ. Ở Việt Nam đôi khi người ta chỉ nói chung chung vậy thôi, không ai đi sâu kỹ về vấn đề này. Muốn như vậy phải có khoa học, phải nghiên cứu, quan trắc, phân tích cho đủ các thứ."

Giáo sư Phạm Duy Hiển cùng có đánh giá tương tự về hai nguyên nhân chính dẫn đến tình hình ô nhiễm tại Việt Nam như những ý kiến khác; tuy nhiên ông có những phân tích cụ thể hơn:

"Thực ra nguồn ô nhiễm chính ở Hà Nội có hai. Thứ nhất là xe máy, ô tô mà xe máy là chính. Xe máy trước đây dạng động cơ không hiện đại nên phát ra nhiều khí độc. Lượng xe máy theo thống kê có khi đến 3 triệu xe lưu hành một ngày, trong khu vực. Khi đó thì đường sá rất chật chội, kẹt xe xảy ra thường xuyên. Thứ hai, người dân Hà Nội và các xí nghiệp nhỏ tại đó vẫn dùng than chất lượng không tốt để phát nhiệt.

Khi nói đến ô nhiễm không khí người ta cũng chia ra nhiều tiêu chí, nhiều chất trong đó. Ô nhiễm nặng nhất là về bụi, đặc biệt những loại bụi kích thước rất bé dưới 2,5 micron, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Sau đó đến những chất khác như ozone, SO2, NO2… Điểm nữa là ô nhiễm nặng nhất ở những nút giao thông thường xảy ra kẹt xe. Trong các quận nội và ngoại thành thì mấy quận ‘cổ’ như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng là ô nhiễm nặng nhất. Mà nặng nhất là khí NO2, tức là khí do xe cộ phát ra. Những khu nhiều xí nghiệp, đặc biệt khu Thanh Xuân, ô nhiễm nặng về khí SO2, tức khí phát ra do lưu huỳnh có trong than.

Vấn đề nữa là khi nào ô nhiễm nặng. Chúng ta có thể thấy những ngày mưa nhiều, nhất là vào mùa hè thì ít ô nhiễm. Nhưng về mùa đông, đặc biệt vào những tháng 10 đến tháng 12, sang tháng giêng ô nhiễm rất nặng. Thường vào mùa đông, mùa khô ô nhiễm rất nặng. Thường ô nhiễm cao hơn gấp năm – sáu lần vào các tháng 7, tháng 8 mưa rất nhiều. Vào mùa khô có hiện tượng đặc biệt là ‘nghịch nhiệt’ vào ban đêm."

Đối với biện pháp giải quyết tình trạng hiện nay, thì theo giáo sư Phạm Ngọc Đăng, cũng như anh Trần Xuân Việt, cần phải tăng cường mức phạt đối với những người vi phạm. Rồi biện pháp chế tài phải hiệu quả hơn.

Ô nhiễm nặng nhất là về bụi, đặc biệt những loại bụi kích thước rất bé dưới 2,5 micron, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Sau đó đến những chất khác như ozone, SO2, NO2…

Giáo sư Phạm Duy Hiển

Đối với giáo sư Phạm Duy Hiển thì không nên thực hiện những biện pháp giảm thiểu ô nhiễm cho Hà Nội một cách dàn trải như hiện nay. Các cơ quan chức năng phải giải quyết vấn đề dựa trên các luận chứng khoa học, phải hết sức khách quan chứ không chủ quan. Một điều quan trọng nữa là những dữ liệu về môi trường không khí mà có thể có được qua những máy quan trắc phải được công khai trên các trang mạng của cơ quan chức năng để những người muốn nghiên cứu đều có thể có được.

Mạng Tiền phong trích dẫn phát biểu của ông Jacques Moussafir, thuộc công ty Pháp ARIA Technologies, rằng nếu không có biện pháp thì đến năm 2020, nồng độ phát thải bụi hằng năm tại Hà Nội sẽ đến mức 200mg/m3. Mức đó gấp 10 lần khuyến cáo do Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra.

Chúng tôi có liên lạc với các cơ quan chức năng như Sở Tài nguyên- Môi trường của Hà Nội để hỏi thăm về những thông tin liên quan biện pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm ở đó, nhưng các viên chức đều thoái thác vì bận họp.

Theo dòng thời sự: