Hoa Kỳ vừa cho công bố dự kiến kế hoạch cắt giảm phát thải khí carbon mạnh mẽ thông qua những hình thức cụ thể.
Chính sách mới của chính phủ Hoa Kỳ
Tổng thống Obama phát biểu:
‘Đây là kế hoạch của tôi: kế hoạch cắt giảm khí carbon gây ô nhiễm, kế hoạch bảo vệ đất nước chúng ta khỏi tác động của biến đổi khí hậu, và kế hoạch dẫn đầu thế giới trong việc phối hợp giải quyết tình trạng khí hậu bị biến đổi.’
Phát biểu của tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama được đưa ra trước khi Cơ quan Bảo vệ Môi trường của Mỹ EPA vào ngày thứ hai 2 tháng 6 vừa qua chính thức thông báo kế hoạch cắt giảm phát thải khí gây hiện tượng hiệu ứng nhà kính làm cho Trái Đất ấm nóng lên.
Đây được cho là bước táo bạo nhất của chính quyền nước Mỹ nhằm giảm nguồn gây ô nhiễm lớn nhất được cho là thủ phạm của tình trạng nhiệt hóa toàn cầu- đó là phát thải khí carbon từ các nhà máy điện.
Theo luật mới do Cơ quan Bảo vệ Môi trường của Mỹ đề nghị thì mức phát thải của loại khí này đến năm 2030 ở Hoa Kỳ phải giảm 30% so với mức của năm 2005.
Người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, bà Gina McCarthy trong diễn văn công bố kế hoạch đề nghị cắt giảm mới như vừa nêu phát biểu đại ý là EPA đưa ra đề nghị về một kế hoạch năng lượng sạch mà sẽ cắt giảm khí thải carbon gây ô nhiễm từ các nhà máy điện của chúng ta thông qua việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch, giảm tiêu phí năng lượng. Bà này cho biết mặc dù Hoa Kỳ giới hạn những chất gây ô nhiễm như thủy ngân, arsenic, lưu huỳnh; nhưng hiện thời vẫn chưa có giới hạn phát thải carbon gây ô nhiễm từ các nhà máy điện. Đây là nguồn phát thải lớn nhất của Hoa Kỳ.
Bà này nêu ra lý do vì sức khỏe của các thành viên trong gia đình mỗi người và vì tương lai của con cháu nên mọi người có nghĩa vụ phải hành động cho khí hậu Trái Đất. Khi thực hiện những biện pháp như thế, các mối nguy khí hậu sẽ được chuyển thành các cơ hội cho hoạt động kinh doanh. Sáng kiến và đầu tư được thúc đẩy từ đó sẽ xây dựng được một nền kinh tế năng lượng sạch dẫn đầu thế giới.
Chính tổng thống Hoa Kỳ Barack Obma cũng cho rằng tình trạng ô nhiễm từ các nhà máy điện góp phần thêm vào nguyên nhân gây ra các chứng bệnh suyễn, và nhiều bệnh khác cho trẻ em…
Thực ra việc giảm than hiện nay Việt Nam có thuận lợi là việc khai thác được khí tự nhiên tương đối khá; thành ra những trung tâm phát điện như Phú Mỹ sử dụng khí tự nhiên nên cũng đỡ khai thác than rất nhiều. <br/> - Giáo sư Phạm Ngọc Đăng
Như đã nêu, ngành điện của Mỹ phải cắt giảm phát thải khí Co2 vào năm 2030 so với mức năm 2005. Thống kê cho thấy, ngành điện Hoa Kỳ hiện phải sử dụng than để sản xuất ra 38% tổng nguồn điện năng của nước Mỹ. Trong khi đó các máy phát điện chạy bằng khí tự nhiên sản xuất ra 30%, các lò phản ứng các nhà máy điện hạt nhân là 19%, thủy điện sản xuất ra 7% sản lượng điện và 5% do các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời…
Trong khoản thời gian từ năm 2020 đến năm 2030 lượng phát thải khí carbon dioxide mà ngành điện của Mỹ cần cắt giảm phải gấp đôi lượng phát thải của toàn ngành này trong năm 2012.
Thống kê cho thấy tại Mỹ có khoảng trên dưới 1 ngàn nhà máy điện. Số này chiếm đến gần 40% lượng phát thải khí carbon. Theo EPA thì các tiểu bang trong liên bang sẽ có những phương tiện linh hoạt để có thể đạt được mục tiêu được cho là tham vọng thế nhưng vẫn có thể đạt được đó.
Theo kế hoạch đưa ra thì các tiểu bang có nhiều chọn lựa giúp cho họ đạt được mục tiêu đề ra. Đơn cử các nhà máy điện có thể cải thiện tỷ lệ nóng, sử dụng khí tự nhiên thay cho than, tăng cường các nguồn năng lượng không carbon như năng lượng mặt trời, và biện pháp được nói đến lâu nay là tiết kiện điện. Bên cạnh đó còn có các biện pháp như hệ thống trần carbon và mua bán chứng chỉ phát thải.
Những qui định giảm phát thải do EPA đề nghị đối với các nhà máy điện chạy bằng than giúp giảm một lượng phát thải tương đương với hai phần ba tất cả các loại xe cộ đang chạy trên đường nước Mỹ.
Chi phí cho các biện pháp được thực hiện ước tính có thể lên đến 8,8 tỷ đô la mỗi năm; tuy nhiên theo EPA những lợi ích thu được từ sức khỏe tốt hơn, bớt các chứng bệnh về đường hô hấp và giảm số ca tử vong đi cùng với nhiều lợi ích khác cộng lại có giá trị tương đương hằng chục tỷ đô la sẽ vượt qua chi phí bỏ ra.
Đánh giá cho thấy hồi năm ngoái mức phát thải khí CO2 tại Mỹ giảm xuống chừng 10% so với mức năm 2005. Lý do có một số nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đã hết thời hạn hoạt động và nhiều nhà máy sử dụng khí tự nhiên thay thế cho than.
EPA dành ra thời gian năm tới để lấy ý kiến công chúng về đề nghị được đưa ra, sau đó điều chỉnh lại. Theo luật được đề nghị thì đến ngày 30 tháng 6 năm 2016, các tiểu bang phải đệ trình kế hoạch thực hiện nhằm có thể đạt được mục tiêu đề ra. Các tiểu bang nào cần thêm thời gian thì vào thời điểm vừa nêu cũng phải đệ trình kế hoạch sơ khởi và giải thích lý do phải có thêm thời gian; sau đó một hoặc hai năm cũng phải có kế hoạch cuối cùng.
Phản ứng
Công bố của EPA được dự kiến từ nhiều tháng trước; thế nhưng khi chính thức đưa ra vẫn gặp phản ứng từ ngành năng lượng. Một số nhân vật thuộc cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ từ các tiểu bang sản xuất than và dầu mỏ lên tiếng than phiền biện pháp của EPA đưa ra sẽ làm hại cho nền kinh tế và khiến cho giá điện tăng lên.

Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công, một tổ chức được cho là bảo thủ ở Mỹ nói rằng tất cả những biện pháp lớn của lập pháp và hành pháp nhằm chống lại biến đổi khí hậu đều làm mất đi công ăn việc làm, gây hại một cách bất lợi đến những người có thu nhập thấp và các cộng đồng thiểu số. Tổ chức này đưa ra 10 nguyên nhân chính hàng đầu không nên áp dụng những luật lệ và qui định mới về phát thải gây hiệu ứng ấm nóng toàn cầu.
Thượng nghị sĩ Mike Enzi lên tiếng trước khi EPA chính thức công bố rằng chính quyền của tổng thống Barack Obama đã bắt đầu triển khai giết chết năng lượng than và 800 ngàn công ăn việc làm. Riêng liên đoàn doanh nghiệp Phòng Thương Mại ước tính rằng qui định mới của EPA sẽ làm nền kinh tế thiệt hại đến 50 tỷ đô la mỗi năm.
Ngành công nghiệp năng lượng cũng từng hổ trợ cho chiến dịch tiêu tốn nhiều triệu đô la Mỹ nhằm bác lại những nghiên cứu khoa học chứng minh các tác động nhãn tiền của tình trạng khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái Đất ấm nóng lên.
Bản thân tổng thống Barack Obama nhanh chóng lên tiếng phản bác lại những lập luận chống lại chính sách giảm phát thải carbon, sử dụng các loại năng lượng sạch Nhà Trắng đưa ra.
Ông cho rằng những ý kiến như thế là vô nghĩa.
Việc làm của người đứng đầu chính phủ Hoa Kỳ được nói còn có động lực nhằm gây áp lực đối với những nền kinh tế đang trỗi dậy và phát thải lớn khiến khí hậu Trái Đất ấm nóng lên là Trung Quốc và Ấn Độ. Những quốc gia đang phát triển đều cho rằng Hoa Kỳ và các nước công nghiệp khác từng gây ô nhiễm mới có được sự giàu có như hiện nay; thế nên các nước khác đang trong quá trình phát triển cũng phải được cơ hội như thế.
Đánh giá cho thấy kế hoạch dày đến 645 trang được EPA đưa ra hồi ngày 2 tháng 6 vừa qua không quá nghiêm nhặt như nhiều người lo ngại trước đó. Kế hoạch được EPA công bố hôm ngày 2 tháng 6 vừa qua là kết quả của nhiều tháng trời mà cơ quan này và các quan chức Nhà Trắng làm việc với các nhóm lợi ích tại Mỹ.
Chuyện Việt Nam
Các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than tại Việt Nam được cho biết vào lúc cao điểm sản xuất đến 60% tổng sản lượng điện của Việt Nam. Tuy nhiên trong xu thế chung của khắp nơi và do nguồn than của Việt Nam cũng ngày càng cạn kiệt đến mức phải nhập khẩu nên số nhà máy phải chuyển sang sử dụng các nguồn nguyên liệu khác đang tăng dần lên.
Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, giám đốc Trung Tâm Kỹ thuật Môi Trường Đầu tư và Khu Công nghiệp thuộc Đại học Xây dựng Hà Nội nói về điều này:
Thực ra việc giảm than hiện nay Việt Nam có thuận lợi là việc khai thác được khí tự nhiên tương đối khá; thành ra những trung tâm phát điện như Phú Mỹ sử dụng khí tự nhiên nên cũng đỡ khai thác than rất nhiều. Còn than, trong tương lai ở Việt Nam chắc phải mua than của nước ngoài. Như thế phải giảm hướng tiêu thụ than là hướng chính và lâu dài.
Vậy không sử dụng than để phát điện, Việt Nam phải sử dụng các nguồn nào? Giáo sư Phạm Ngọc Đăng cũng cho biết:
Người ta đang cố gắng phát triển thủy điện, có thể nói đã đi đến tận cùng rồi. các thủy điện lớn bây giờ coi như cũng khai thác gần hết rồi và cũng bắt đầu làm các trạm phát điện bằng gió, năng lượng mặt trời. Ở nông thôn chủ yếu là khí sinh học. Đến năm 2020 chỉ mới được 2% năng lượng mới- năng lượng tái tạo. Ngoài ra còn có kế hoạch làm nhà máy điện nguyên tử. Hai nhà máy điện nguyên tử thì trước đây nói năm 2015 khởi công nhà máy đầu tiên, nhưng nay lùi đến năm 2017-18 gì đó. Để an toàn hơn thì phải chuẩn bị mọi cái.
Đối với việc đốt than, giáo sư Phạm Ngọc Đăng cũng nhắc lại một số những tác hại do than gây nên:
Đốt than thì thứ nhất sinh ra rất nhiều bụi, thứ hai trong than có chứa lưu huỳnh nên sinh ra SO2, mà SO2 sinh ra mưa acid. Ngoài ra các khi Co, NOX…Nói chung nguồn nhiệt điện (chạy bằng than) là gây ô nhiễm nhất tại Việt Nam cũng như nhiều nước khác.
Dù rằng Việt Nam không thể so sánh với Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nguồn lực để có thể thực hiện những kế hoạch thay thế cho những cơ sở kinh tế hiện có. Tuy nhiên nếu cứ nại ra những khó khăn mà chần chừ thực hiện những biện pháp mạnh mẽ nhằm có thể loại trừ những nguồn năng lượng bẩn thì đến lúc thiệt hại sẽ lớn hơn gấp bội phần.