Tràm chim Tam Nông
2011.07.06
Đây cũng là nơi nổi tiếng với những đàn sếu đầu đỏ quí hiếm thu hút bao khách du say mê cảnh trí thiên nhiên. Hiện nay Tràm chim Tam Nông đang trong quá trình đăng ký để trở thành khu Ramsar thứ tư của Việt Nam.
Khu Ramsar là gì?
Việt Nam hiện đã có ba khu Ramsar: một là vùng bãi bồi cửa sông ven biển Vườn Quốc gia Xuân Thủy- tỉnh Nam Định, hai là hệ ngập nước Bàu Sấu, Vườn Quốc gia Cát Tiên- tỉnh Đồng Nai, và hồ Ba Bể- tỉnh Bắc Kạn.
Trước hết tên gọi Ramsar là theo công ước liên chính phủ được thông qua hồi ngày 2 tháng 2 năm 1971 tại thành phố Ramsar của Iran. Đây là công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là những nơi cư trú của những loài chim nước. Công ước này cũng thường được biết đến với tên gọi vắn tắt là Công ước Ramsar.
Một khu đất ngập nước để được công nhận là khu Ramsar cần đáp ứng 9 tiêu chuẩn. Một số tiêu chuẩn được đề ra nêu ra vùng đất đó là nơi có những loài động thực vật quí hiếm, đặc trưng và điển hình. Đó cũng là nơi đóng vai trò hỗ trợ cho các hệ sinh thái đang bị đe dọa hay các loài có nguy cơ bị nguy hiểm hay cực kỳ nguy hiểm, hỗ trợ cho các loài động thực vật có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học tại một vùng sinh địa lý cụ thể… Nói đến những tiêu chuẩn chiếu theo Công ước Ramsar của Tràm chim Tam Nông, thuộc tỉnh Đồng Tháp, cả hai người giám đốc cũ và mới của khu này cho biết hầu như tất cả đều đạt.
Ông Nguyễn Văn Hùng, giám đốc hiện nay của Tràm Chim Tam Nông cho biết:
"Tiêu chí Ramsar có chín mà Tràm chim chúng tôi đạt 8 tiêu chí. Theo qui định của Công ước Ramsar chỉ cần đạt một tiêu chuẩn là có thể tham gia rồi. Như thế quá đủ rồi.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã gửi hồ sơ đến cho Bộ Tài Nguyên- Môi trường. Bộ này làm thủ tục tiếp theo gửi đến văn phòng chính phủ. Rồi văn phòng chính phủ đồng ý chủ trương, thì Bộ Tài nguyên- Môi trường sẽ gửi hồ sơ đến cho Văn phòng Công ước Ramsar để từng bước xét và công nhận khu Tràm chim thành khu Ramsar.
Tiêu chí Ramsar có chín mà Tràm chim chúng tôi đạt 8 tiêu chí. Theo qui định của Công ước Ramsar chỉ cần đạt một tiêu chuẩn là có thể tham gia rồi.
Ô. Nguyễn Văn Hùng
Tiêu chí cơ bản nhất là hệ sinh thái đàn chim độc đáo, chỉ có nơi này chứ không nơi nào khác có. Tràm chim nằm ở trung tâm Đồng Tháp Mười rộng bao la mênh mông với khoảng 1 triệu 200 ngàn hecta, phía Việt Nam có 700 ngàn hecta. Hệ sinh thái đa dạng giữ được nguồn thủy sản (cá tôm), hệ chim nước, cánh đồng cỏ. Việt Nam trước đây có khu đồng cỏ bao la, bát ngát nhưng nay đâu còn nơi nào rộng 100 héc ta nữa; chỉ có chỗ Tràm Chim.
Tại Tràm Chim có 32 loài quí hiếm, có giá trị bảo tồn, nhất là sếu đầu đỏ. Sếu đầu đỏ tại Tràm chim chiếm chừng 40% khu vực Đông Nam Á (Việt Nam, Kampuchia). Trước đây có 1052 con, nhưng nay giảm dần."
Và người cựu giám đốc Tràm chim Tam Nông, ông Huỳnh Thế Phiên cũng có trình bày:
"Xét các tiêu chí còn thiếu làng nghề; nhưng nay đang xây dựng một số nghề và chọn nghề nào là chính. Có một số chỉ tiêu chưa điều tra như cá thể các sinh vật…"
Bảo tồn hệ sinh thái
Thống kê cho thấy tại Tràm Chim Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp có gần 200 loài chim nước, chiếm khoảng ¼ số loài chim ở Việt Nam. Trong số này có những loài được đánh giá là quí hiếm trên toàn thế giới. Tràm chim Tam Nông là nơi cư trú của khoảng 60% quần thể sếu đầu đỏ.
Vườn Quốc gia Tràm chim Tam Nông ở tỉnh Đồng Tháp còn có rừng tràm với tuổi thọ từ 10 đến 18 năm. Thảm thực và động vật của Tràm Chim được đánh giá là phong phú với nhiều loài quí hiếm.
Với tiềm năng độc đáo mà hiếm nơi nào khác có được, hiện khu vực này cũng bị khai thác qua hình thức như du lịch sinh thái.
Ông giám đốc Vườn quốc gia Tràm chim Tam Nông, Nguyễn Văn Hùng, nói về hoạt động này như sau:
"Nói trong vườn thôi. Hoạt động tự phát đưa đến đưa đi thôi. Tuy nhiên có làm du lịch là có tác động rồi, nhiều hay ít thôi. Chúng tôi đang làm thế nào để tác động ít nhất."
Dân chúng địa phương sinh sống quanh vườn quốc gia lâu nay cũng phải vào vườn để kiếm sống, hay lấy đất canh tác cũng là một vấn đề làm tổn hại đến Vườn quốc gia Tràm chim Tam Nông. Giáo sư Phan Nguyên Hồng, một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về đất ngập nước và rừng ngập mặn nói về tình trạng đó:
"Ở những khu như Tràm chim của Đồng Tháp, dân nghèo quá phải lấn dần vườn để trồng lúa. Như thế rất khó bảo vệ khu cỏ bàng cho sếu. Cách làm là giữ rừng bao quanh để có cỏ cho sếu ăn nếu không sếu đi hết."
Ở những khu như Tràm chim của Đồng Tháp, dân nghèo quá phải lấn dần vườn để trồng lúa. Như thế rất khó bảo vệ khu cỏ bàng cho sếu. Cách làm là giữ rừng bao quanh để có cỏ cho sếu ăn nếu không sếu đi hết.
GS Phan Nguyên Hồng
Khó khăn của địa phương cũng được ông Huỳnh Thế Phiên nêu ra:
"Năng lực tại chỗ không làm được. Thiếu chuyên gia giúp xây dựng đề án hoàn chỉnh. Chuyên gia địa phương vùng sâu chủ yếu có nhiệt tình thôi. Còn những nơi khác như Cát Tiên, thế giới có giúp các công việc như phân vùng…"
Để trở thành khu Ramsar
Và thực tế công tác quản lý Vườn Quốc gia Tràm chim, nhất là đối với những khó khăn như vừa nêu thì giám đốc Vườn quốc gia Tràm chim Tam Nông, Nguyễn Văn Hùng trình bày:
"Gia nhập vào hội nào cũng phải hiểu rõ; tất nhiên có những ràng buộc của tổ chức. Mình phải cố gắng không để những chuyện không hay xảy ra. Qui định bảo vệ khu đất ngập nước, thì không thể xây dựng phá vỡ cảnh quan.
Vườn không còn bị lấn chiếm nữa vì chúng tôi xây dựng tuyến đê bao và hệ thống cột mốc rồi, dân không lấn đất nữa.
Quản lý bây giờ không như xưa tự phát, bây giờ quản lý theo Luật Bảo tồn Đa dạng Sinh học. Trước đây các vườn quốc gia cấm không cho người dân xâm nhập vào làm gì hết. Nay theo chủ trương của tỉnh, cho phép Vườn quốc gia Tràm Chim sử dụng bền vững tài nguyên với sự tham gia của cộng đồng.
Để làm được việc đó ngoài chủ trương đã có, chúng tôi cũng được các chuyên gia giúp xây dựng phương án. Cho phép chính quyền địa phương và nhân dân quanh vườn đến khảo sát, đo đạc, lập kế hoạch, lên phương án và chúng tôi duyệt. Sau đó cho họ vào khai thác sử dụng, chúng tôi canh gác. Chúng tôi làm hai năm rồi, nay đến năm thứ ba. Lúc đầu nhiều người không ủng hộ, nhưng nay chúng tôi thấy có 70% ủng hộ rồi.
Chúng tôi tạo quan hệ thân thiện với dân, không phải đối đầu mà là bạn dân, hai phía cùng nhau tham gia bảo vệ, phòng cháy chữa cháy, diệt trừ vật ngoại lai xâm hại. Nay các xã trưởng là thành viên của chúng tôi."
Việt Nam đã có ba nơi được công nhận là khu Ramsar, trong đó có Hồ Ba Bể. Nhưng vừa qua dư luận trong nước tỏ vẻ lo lắng vì nơi đó cũng đang bị xâm hại bởi tình trạng ô nhiễm bị cho là nghiêm trọng.
Giáo sư Chu Hảo, một trong những thành viên của Hội yêu Hồ Ba Bể cho biết:
Chúng tôi tạo quan hệ thân thiện với dân, không phải đối đầu mà là bạn dân, hai phía cùng nhau tham gia bảo vệ, phòng cháy chữa cháy, diệt trừ vật ngoại lai xâm hại.
Ô. Nguyễn Văn Hùng
"Chúng tôi đã đến đó và thấy hết sức lo ngại: Hồ ba Bể là hồ tự nhiên đẹp nhất của Việt Nam đang rơi vào tình trạng có thể thành một hồ cạn do tình trạng bồi lấp nhanh như hiện nay. Cách đây 20-30 năm chúng tôi đến hồ còn rất đẹp, mà với tốc độ này vài ba chục năm nữa sẽ trở thành những thửa ruộng, cánh đồng mà nhân dân có thể canh tác trên đó."
Qua phát biểu của giáo sư Chu Hảo, chúng ta có thể có thấy những khu như Hồ Ba Bể, Tràm Chim Tam Nông… là vốn quí mà thiên nhiên ban tặng cho một đất nước như Việt Nam. Chính Nhà Nước và các cơ quan chức năng phải cất công lập hồ sơ để được quốc tế công nhận.
Tuy nhiên, vấn đề là công tác bảo tồn những khu đó là việc quan trọng mà dường như vẫn là quá khó đối với nhiều nơi tại Việt Nam.