Thảm họa bùn đỏ đối với môi trường

Dư luận trong giới môi trường, cũng như nhiều người quan tâm khác trên thế giới đang tập chú vào thảm họa lũ ‘bùn đỏ’ xảy ra từ hôm 4 tháng 10 vừa qua tại Hungary.

0:00 / 0:00

Gây hại cho sức khỏe ...

Trước hết xin phép được nhắc lại khái niệm ‘bùn đỏ’ qua trình bày cuả một chuyên gia khoa học, đó là tiến sĩ Mai Thanh Truyết, chủ tịch Hội Khoa học- Kỹ thuật Việt Nam tại bang California Hoa Kỳ:

"Trong quá trình khai thác bô-xít, sau khi quặng mỏ thô được quật lên, sau khâu tách rửa bằng nước phải sử dụng sud caustic. Do đó, những chất đỏ còn lại dưới nước và sud caustic còn lại gọi là ‘bùn đỏ’. Trong bùn đỏ này còn có một số kim loại nặng, độc hại như mangan, một phần arsenic còn lại…

Chất gây hại nhiều nhất là chất thừa thải của caustic. Sud caustic ở nồng độ cao khi chạm vào da làm ‘ăn da’. Nếu nồng độ cao có thể ăn vào dưới các mô. Về lâu, về dài nó có thể có những ảnh hưởng, dù không thể gây nên nguy cơ ung thư, nhưng làm thoái hóa một số bộ phận, đặc biệt là bộ phận tiêu hoá."

Ông cũng đề cập đến hai phương cách xử lý ‘bùn đỏ’ đang được áp dụng tại một số nơi trên thế giới:

"Loại ‘bùn đỏ’ này cần phải được xử lý ngay. Đơn cử như Hoa Kỳ họ xử lý bằng phương pháp sấy khô để làm gạch lót đường, hoặc trộn với hắc-ín để làm đường, hay lót dưới đường rầy xe lửa… Tại Úc châu họ giữ bùn đỏ tại những vùng sa mạc hoàn toàn không có dân, do vậy độ an toàn rất cao.

Việt Nam đang sử dụng công nghệ ướt trong khai thác bô xít. Theo công nghệ này, bùn đỏ chứa trên 70% nước, và 30% chất thải quặng. Công nghệ này rất nguy hại cho môi trường.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn

Vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ tại Hungary cho thấy dù đuợc chứa trong hồ nhưng khi xảy ra sự cố bất thình lình, thì khó có thể ngăn chặn bùn đỏ tràn xuống sống Danube. Điểm đáng lưu ý là tại Hungary, hồ chứa bùn đỏ và dòng sông có độ cao tương đối ngang nhau nên việc bùn đổ vào sông có thể mất thời gian lân hơn. Còn như trường hợp Tân Rai, và Nhân Cơ nằm trên cao nguyên hơn 3000 mét, có chênh lệch về độ cao với sông Đồng Nai; một khi có tai nạn xảy ra, bùn đỏ sẽ nhanh chóng chảy thẳng vào Sông Đồng Nai.

Trong quá trình khai thác bô-xít, muốn có một tấn quặng phải sử dụng hơn hai tấn nước, do vậy để giúp bốc hơi, cần có hồ chứa với dung tích lớn lắm. Tại những quốc gia phát triển như Hoa Kỳ… người ta sử dụng phương pháp sấy khô, sử dụng bùn đỏ sấy khô đó vào một dịch vụ khác…"

Tại Việt Nam, hiện đang có hai dự án khai thác bôxít tại Tân Rai, tỉnh Lâm Đồng, và Nhân Cơ, tỉnh Đak Nông. Và phương pháp được ứng dụng tại đó sẽ cho ra một lượng bùn đỏ và cũng được chứa trong những bể chứa như ở Hungary.

000_Par3520068-200.jpg
Mức độ của bùn đỏ trên các bức tường của một ngôi nhà tại làng Kolontar, cách Budapest 160 km về phía Tây Nam hôm 10/10/2010. AFP photo (Mức độ của bùn đỏ trên các bức tường của một ngôi nhà tại làng Kolontar, cách Budapest 160 km về phía Tây Nam hôm 10/10/2010. AFP photo)

Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, tổng giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng, một thành viên của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), trình bày thông tin liên quan phương pháp mà tập đoàn này chọn cho hai công trình tại Tân Rai và Nhân Cơ:

"Có hai loại công nghệ chính trên thế giới hiện nay trong khai thác bô xít. Thứ nhất là công nghệ ướt mà Việt Nam đang sử dụng. Theo công nghệ này, bùn đỏ chứa trên 70% nước, và 30% chất thải quặng. Công nghệ này rất nguy hại cho môi trường, vì trong 70% nước đó có chứa sud ăn da.

Thứ hai là công nghệ thải bùn đỏ khô. Theo công nghệ này, phần nước chỉ là 30% thôi; mức độ gây nguy hại sẽ hoàn toàn khác.

TKV chọn công nghệ thải bùn ướt; trong khi những nước đang phát triển như Ấn Độ cũng đang chọn công nghệ thải bùn ướt sang công nghệ thải bùn khô. Lý do TKV đưa ra để chọn công nghệ ướt vì Việt Nam mưa nhiều; thế nhưng nước mưa vô hại, còn công nghệ ướt lại chứa nhiều sud gây hại."

Một nhà khoa học trong nước là tiến sĩ Phạm Duy Hiển trước đây cũng đưa ra nhận định về lượng bùn đỏ thải ra của hai dự án khai thác bô xít của Việt Nam:

"Việc khai thác bô xít từ nay cho đến năm 2020 theo kế hoạch cũng có phần sau là luyện nhôm. Phần đó cũng có tính cách công nghiệp; tất nhiên tốn kém, tốn điện. Còn ban đầu chủ yếu đào đất lên, rồi xử lý sơ bộ, và đem bán gần phân nửa số đất lấy lên, quá một nửa là 'bùn đỏ', tích lại ở vùng Tây Nguyên."

... và hệ sinh thái

Các hãng thông tấn quốc tế hôm thứ năm vừa qua loan tin đã thấy cá chết nổi trên sông Danube sau khi ‘bùn đỏ’ từ một hồ chứa của nhà máy alumina ở Hungary bị vỡ hôm thứ hai đã tràn đến con sông thơ mộng có tiếng này cuả Châu Âu.

Tin nói bùn đỏ tràn đến một nhánh chính của dòng sông Danube vào trưa ngày thứ năm. Quan chức phụ trách giảm nhẹ thiên tai khu vực của Hungary có tên Tibor Dobson, cho biết nơi phát hiện cá chết tại hợp lưu sông nhánh Raba với sông Danube , độ pH trong mẫu nước đo được là 9.1; có nơi khác độ pH lên đến 9, 4 và 9,6. Trong khi đó để có thể cứu hệ sinh thái của dòng sông, độ pH phải ở dưới mức 8.

Một hồ chứa bùn đỏ của nhà máy alumina tại thị trấn Ajka, cách thủ đô Budapest 160 kilômét về phía tây, đã bị vỡ hôm thứ hai vừa qua khiến chừng một triệu mốt mét khối bùn đỏ tràn ra các làng mạc chung quanh nhà máy.

000_Par3515158-250.jpg
Đoạn đê bị vỡ của hồ chứa bùn đỏ thuộc nhà máy Ajkai Timfoldgyar, Kolontar, cách thủ đô Budapest của Hungary 160km, ảnh chụp ngày 08/10/2010. AFP PHOTO (Đoạn đê bị vỡ của hồ chứa bùn đỏ thuộc nhà máy Ajkai Timfoldgyar, Kolontar, cách thủ đô Budapest của Hungary 160km, ảnh chụp ngày 08/10/2010. AFP PHOTO)

Chính phủ Hungary ngay vào ngày thứ ba phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại ba tỉnh miền Tây nước này. Ông thủ tuớng Viktor Orban khi đến tại làng Kolontar hôm ngày thứ năm phát biểu là khó có lời nào để mô tả tình cảnh tại đó; nếu như vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ xảy ra vào ban đêm hẳn mọi người ở đó đã thiệt mạng.

Bùn đỏ từ làng Kolontar đã tràn vào dòng chảy có tên Torna, rồi từ đó theo dòng Marcal đi vào Raba, và rồi vào sông Danube.

Sông Danube chảy từ Hungary qua Croatia, Serbia, Bungary, Rumani, và Ukraine trước khi đổ vào Biển Đen. Do đó chính quyền tại các nước Serbia, Croatia, Rumani cho biết họ đã tăng cường biện pháp giám sát dòng sông để xem xét nguy cơ ô nhiễm nguồn nước uống cung cấp cho các thành phố dọc theo sông.

Một viên chức phụ trách Tổ chức Quỹ Thiên nhiên Hoang dã WWF tại Hungary đưa ra cảnh báo các kim loại nặng sẽ gây nguy hại về lâu về dài, và hệ sinh thái của chi lưu Marcal sau khi bị tác động bởi bùn đỏ phải mất từ ba đến năm năm mới có thể hồi phục lại.

Cảnh báo cho Việt Nam

Ngay sau khi thông tin về thảm họa bùn đỏ tại Hungary được loan đi, vào ngày 7 tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Trung, một trí thức tại Việt Nam, đã có thư ngỏ đến cho các ủy viên Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, các đại biểu quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khẩn thiết thỉnh cầu ba điều: Thứ nhất, cho ngưng ngay việc tiếp tục xây dựng nhà máy chế biến alumina ở Tân Rai, Lâm Đồng. Thứ hai, hủy dự án đang đàm phán tiếp về nhà máy Nhân Cơ ở Đắc Nông4. Thứ ba, tạm thời đình chỉ việc triển khai toàn bộ tổng dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên để tổ chức nghiên cứu tiếp một cách nghiêm túc và khoa học.

Việc khai thác bô xít từ nay cho đến năm 2020 theo kế hoạch cũng có phần sau là luyện nhôm. Còn ban đầu chủ yếu đào đất lên, rồi xử lý sơ bộ, và đem bán gần phân nửa số đất lấy lên, quá một nửa là 'bùn đỏ', tích lại ở vùng Tây Nguyên<i>.</i>

Tiến sĩ Phạm Duy Hiển

Ông Nguyễn Trung cho biết những đề nghị khẩn thiết đó xuất phát từ ý thức của một công dân trước những hiểm hoạ có thể xảy đến gây tổn hại cho đất nước:

"Người ta đã nhiều lần nói lên những nguy cơ, hiểm họa, những bài toán kinh tế mà tôi không muốn nhắc lại trong thư này nữa. Câu chuyện xảy ra mấy năm nay rồi, tuy nhiên là người quan tâm và thấy các sự kiện mới xảy ra trên thế giới, tôi là một người dân nên có trách nhiệm phải nói lên suy nghĩ của tôi."

Khi dự án khai thác bô xít tại Tây Nguyên được chính phủ Việt Nam đưa ra, rất nhiều nhà khoa học, trí thức tại Việt Nam đã lên tiếng, và trình bày hết những tác động bất lợi do việc khai thác đó gây nên. Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam vẫn cho tiến hành.

Thảm họa xảy ra tại Hungary được mọi ngươì cho là một cảnh báo rõ ràng nhất đối với Việt Nam trong việc khai thác bô xít ở Tây Nguyên.

Theo dòng thời sự: