VN thực hiện tuyên bố chung với tình trạng biến đổi khí hậu thế nào?

Gia Minh, PGĐ Ban Việt Ngữ RFA
2016.05.24
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp
000_ARP4353716-622.jpg Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị COP21 về biến đổi khí hậu ở Paris, Pháp hôm 30/11/2015.
AFP

Việt Nam và Hoa Kỳ vào ngày 22 tháng 5 vừa qua tại thủ đô Washington DC ra tuyên bố chung về ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Tuyên bố chung đó có ý nghĩa thế nào đối với hoạt động ứng phó với những tác động do khí hậu thay đổi gây nên tại Việt Nam?

Đánh giá

Tuyên bố chung Việt Nam- Hoa Kỳ về ứng phó với biến đổi khí hậu nêu rõ 4 nhóm công việc mà hai phía dự tính chung nhau cùng làm trong đó có việc thực thi Thỏa thuận Paris. Bên cạnh đó hai phía cũng chung tay tiến đến thành lập quan hệ đối tác với 11 mục tiêu đề ra.

Một số mục tiêu cụ thể gồm tạo cơ sở để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trong chiến lược năng lượng tái tạo, tăng cường đầu tư vào các dạng năng lượng sạch, các nguồn năng lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính thấp, bảo vệ rừng, đa dạng sinh học…

Tôi cho rằng tuyên bố là một khẳng định về mặt lâu dài giúp cho các nhà khoa học có cơ hội ngồi lại với nhau, làm việc với nhau tốt hơn.
- Tiến sĩ Dương Văn Ni

Đối với giới chuyên gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu thì tuyên bố chung giữa Việt Nam và Hoa Kỳ như thế có tầm quan trọng cho hoạt động này giữa hai phía; nhất là đối với Việt Nam- quốc gia hiện nằm trong nhóm chịu tác động nhiều nhất bởi tình trạng biến đổi khí hậu.

Tiến sĩ Dương Văn Ni, giám đốc Trung Tâm Sinh Thái Hòa An tại Cần Thơ, có đánh giá về Tuyên bố Việt Nam- Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu như sau:

“Theo tôi nếu có sự đồng thuận cấp cao giữa hai chính phủ thì nó sẽ thúc đẩy hợp tác giữa các bộ phận bên dưới nhanh hơn. Cụ thể trong nhiều năm nay, chúng tôi và một nhóm các nhà khoa học phía bên Mỹ cũng thấy giữa đồng bằng Sông Cửu Long và đồng bằng Missisippi có nhiều điểm tương đồng và có thể bên này sẽ được hưởng lợi nhờ học tập kinh nghiệm của phía bên kia; những kinh nghiệm thành công kể cả những kinh nghiệm thất bại.

Ví dụ sông Mississippi trong nửa thế kỷ trước đã xây dựng nhiều thủy điện và xây đê để ngăn nước ngập. Nhưng sau 50 năm người ta đánh giá những cái đó không tốt như người ta nghĩ từ ban đầu. Nên chính phủ Mỹ có kế hoạch dỡ bỏ một số thủy điện cũng như một số đoạn đê để cho nước tràn trở lại đồng bằng Mississippi.

Tôi cho rằng đó là kinh nghiệm quí giá bởi vì ở đồng bằng Sông Cửu Long cũng như trong thượng nguồn sông Mê Kong cũng đang xảy ra hiện tượng đắp nhiều đập thủy điện, đắp nhiều đê ngăn không cho nước lũ tràn vào đồng bằng.

Điều thứ hai là đồng bằng Mississippi sau bão Katrina người ta phát hiện ra những vùng trước đây gia cố bê tông là chắc ăn, và làm cho người dân di cư dần ra phía biển nhiều quá do vậy khi bão Katrina ập đến, chính phủ Mỹ đã trở tay không kịp.

Tôi cho rằng những kinh nghiệm đó rất quí báu để đồng bằng Sông Cửu Long học tập.

Ngược lại ở khía cạnh khác, ở đồng bằng sông Cửu Long mặc dù người dân áp dụng những mô hình sản xuất nhỏ , nhưng khả năng ứng phó với thiên tai linh hoạt, nhanh nhẹn hơn. Trong khi ở Mississippi mô hình rộng lớn với cả vài ngàn héc ta do đó khi ‘xoay chuyển’ tương đối chậm hơn.

Nói tóm lại hai bên bổ sung lẫn nhau rất tốt trong việc chia sẻ, học tập kinh nghiệm nghiên cứu trong giới khoa học. Tôi cho rằng tuyên bố là một khẳng định về mặt lâu dài giúp cho các nhà khoa học có cơ hội ngồi lại với nhau, làm việc với nhau tốt hơn.”

Ông Vũ Trung Kiên, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Ứng phó Biến đổi Khí hậu từ Hà Nội cũng có nhận định về tuyên bố vừa nêu như sau:

“Tôi thấy trong thời gian vừa qua, Hoa Kỳ đã ủng hộ, giúp đỡ cho Việt Nam rất nhiều chương trình. Cụ thể những chương trình lớn như về đồng bằng Mê Kong, và USAID tài trợ cho dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam (VFD-Vietnam Forest & Delta) và dự án LEAF.”

Tôi nghĩ với việc tổng thống Obama đến thăm Việt Nam thì sẽ có nhiều hỗ trợ lớn hơn của Hoa Kỳ cả về kỹ thuật lẫn nội dung. Trong đó tôi mong muốn có một cái về thị trường carbon mà hiện nay chưa có. Có thể chưa có trong chương trình nghị sự ngay nhưng cái đó rất cần thiết cho Việt Nam.”

Thực trạng & tác động

Đối với những chuyên gia trong ngành thì thực trạng những tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam lâu nay ra sao?

Tiến sĩ Dương Văn Ni đánh giá về thực trạng tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, nơi ông sinh sống và nghiên cứu:

Một nông dân khoan giếng để lấy nước vào ruộng lúa bị hạn hán. Ảnh chụp ngày 2 tháng 3 năm 2016.
Một nông dân khoan giếng để lấy nước vào ruộng lúa bị hạn hán. Ảnh chụp ngày 2 tháng 3 năm 2016.
AFP PHOTO

“Tôi theo dõi nhiều ở đồng bằng Sông Cửu Long thì đồng bằng này nếu nói về mức độ tổn thương thì nó xếp và nhóm số 1, nghĩa là rất dễ bị tổn thương. Lý do dễ bị tổn thương chúng ta có thể chia ra làm mấy nhóm. Nhóm thứ nhất là do những hoạt động tại chỗ do chính con người, do người dân tại chỗ. Nhóm thứ hai là do những nước lân cận ví dụ như Kampuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc… Nhóm thứ ba là nhóm bị ảnh hưởng toàn cầu ví dụ như vấn đề biến đổi khí hậu. Trong ba nhóm đó, chúng ta cần nhìn cụ thể từng nơi, từng chỗ để kết luận. Có những cái do hoạt động tại chỗ của con người làm cho thiên tai trầm trọng hơn, có những cái do những nước láng giềng ở thượng nguồn làm cho thiên tai trầm trọng hơn, có những cái do thay đổi toàn cầu làm trầm trọng hơn.”

Còn ý kiến của ông Vũ Trung Kiên như sau:

“Mọi người cũng có nhận định là biến đổi khí hậu ngày càng có tác động đến nhiều mặt trong cuộc sống. Nếu phân loại thì chúng ta có thể chia ra thành những tác động trực tiếp và những tác động gián tiếp. Ngoài ra còn có cái gọi là ‘tác dụng phụ’ nữa.

Tác động trực tiếp là những tác động có thể thấy trong cuộc sống của người dân, rồi về nhiệt độ, hạn hán, ngập lụt, và các điều kiện sống của người dân đều bị ảnh hưởng.

Thế nhưng tác động gián tiếp thì nguy hại và sâu xa hơn. Đó là tác động đến nguồn năng lượng, tác động đến thực phẩm do hạn hán, ngập lụt, giá cả tăng cao… Rồi tác động đến sức khỏe người dân.

Tác dụng phụ là tác dụng thứ cấp của việc ứng phó mà không qui hoạch. Khi ứng phó mà không có tầm nhìn, không tới hoặc sai hướng, hoặc do lợi ích nhóm và do việc đầu tư bị sai lầm thì hậu quả rất lớn.

Thành ra khi ứng phó với biến đối khí hậu phải xem tác động trực tiếp, tác động gián tiếp và tác dụng phụ của những hành động ứng phó nữa.”

Biện pháp ứng phó

Bởi là quốc gia ven biển được cảnh báo nằm trong nhóm chịu tác động lớn nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, chính phủ Hà Nội từng đề ra  chương trình quốc gia ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Ông Vũ Trung Kiên cho biết những biện pháp của nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực này như sau:

“Tôi nghĩ chính phủ Việt Nam rất tích cực trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Bản thân chính phủ trung ương cũng có nhiều chính sách sát theo những hướng của thế giới.

Riêng về thị trường carbon thì có vẻ chưa được chú trọng lắm.

Ngoài ra việc kêu gọi các nguồn tài trợ quốc tế mà gần đây là của Hoa Kỳ, đó là những nỗ lực mà chính phủ Việt Nam đang thực hiện.

Nhà nước ngại những hành động xuống đường biểu tình bất kỳ lý do gì: vì môi trường hay vì minh bạch.
- Ông Vũ Trung Kiên

Tại các tỉnh cũng triển khai nhiều chương trình ví dụ như chương trình thí điểm về REDD- bảo vệ rừng. Đây là chương trình giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng. Hoặc những chương trình hạ tầng như bảo vệ nguồn nước thì chính phủ Việt Nam cũng khá chủ động.”

Và ý kiến của tiến sĩ Dương Văn Ni về các hoạt động liên quan:

“Tôi nghĩ mỗi quốc gia cần phải có chiến lược ứng phó cho riêng mình. Riêng ở đồng bằng Sông Cửu Long, giữa các tỉnh ví dụ tỉnh duyên hải gần bờ biển, phải có kế hoạch ứng phó khác với tỉnh nằm ở bên trong, ở những vùng ngập sâu. Mỗi tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch ứng phó cho mình. Trong thời gian qua điều này phần nào cũng đã phát huy được tác dụng; nhưng nói có đạt được tác dụng như đề ra thì tôi đánh giá là chưa.

Tại vì điều đó lâu nay lệ thuộc vào nhận thức của xã hội. Trước đây khi nói đến biến đổi khí hậu thì lắm người không tin. Bây giờ người ta bắt đầu tin rồi; tin rằng trong tương lai tốc độ thích nghi sẽ tốt hơn so với trước đây.

Riêng đồng bằng Sông Cửu Long để đánh giá, so sánh với những đồng bằng khác tôi thấy mức độ (từ những nhà lãnh đạo cho đến người dân) người ta bắt đầu tin chuyện biến đổi có thật, đã xảy ra, tác hại thật sự rồi. Chỗ này có vấn đề tôi muốn nêu là khi từ chỗ không tin chuyển qua tin, có một điểm không hay ở chỗ người ta không thật sự tỉnh táo để tách bạch ra cái nào là nguyên nhân do con người, cái nào do nguyên nhân khu vực…

Có một xu hướng là đôi khi người ta khỏa lấp khuyết điểm của con người- những cái quản lý hằng ngày; đổ thừa hết cho Trời đất, cho biến đổi khí hậu. Tôi cho rằng như thế là cực đoan; điều đó cũng đang xảy ra. Ví dụ như chuyện một cơn mưa không lớn lắm làm cho thành phố ngập lụt… thì người ta dễ dàng đổ thừa đó là do biến đổi khí hậu. Nhưng tôi nghĩ đó là do con người lâu nay làm hệ thống thoát nước không tốt, hay san lấp hết các kênh rạch tự nhiên làm cho khả năng trữ nước mưa, nước tràn không đủ… Do đó không đủ tỉnh táo để coi lại những chuyện đó mà lại đổ cho Ông Trời, điều này hiện nay cũng bị lạm dụng ở một số nơi.”

Ông Vũ Trung Kiên cho biết trước đây Trung tâm Hỗ trợ Ứng phó Biến đổi Khí hậu từng tổ chức những sự kiện đường phố để giúp tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng trong công tác này. Tuy nhiên chừng một tháng trở lại đây, khi một số người dân xuống đường biểu tình kêu gọi bảo vệ môi trường biển, minh bạch nguyên nhân cá chết hằng loạt dọc theo biển các tỉnh Bắc Trung bộ thì cơ quan chức năng không còn hoan nghênh những hoạt động cộng đồng về môi trường như thế nữa.

“Từ những năm trước, tiếng nói từ cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ được lắng nghe khá nhiều và người dân bắt đầu chủ động lên rất nhiều; nhưng gần đây với những sự việc xảy ra ví dụ như người dân biểu tình để phản đối Formosa gây ô nhiễm biển chẳng hạn, thì dường như nhà nước ngại những hành động xuống đường biểu tình bất kỳ lý do gì: vì môi trường hay vì minh bạch.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.