VN khai thác – bảo tồn tài nguyên biển ra sao?

Vào ngày 25 tháng 6 vừa qua, Ban chỉ đạo Nhà Nước về điều tra cơ bản tài nguyên- môi trường Biển tiến hành hội nghị tổng kết giai đoạn 2006- 2011 và triển khai giai đoạn tiếp theo của đề án cho đến năm 2020.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2012.07.06
MG_0304-305 Bến cá Tam Tiến, Quảng Nam hôm 6-7-2011.
RFA PHOTO

Trong thực tế nguồn tài nguyên biển của Việt Nam được khai thác với ý thức bảo tồn môi trường cũng như nguồn lợi hải sản ra sao?

Mời quí vị cùng theo dõi một số đánh giá của giới chuyên gia về tình hình đó trong chuyên mục Khoa học - Môi trường kỳ này.

Thế mạnh “biển bạc”

Nhìn lên bản đồ hình chữ S của Việt Nam, bất cứ ai cũng thấy được thiên nhiên ưu đãi cho đất nước với thế mạnh ‘biển bạc’ hiển nhiên mà nhiều quốc gia nội địa không có.

Đường bờ biển dài cả 3 ngàn kilomet với những vịnh thiên nhiên kín gió, và sâu, rồi những bãi cát đẹp ven bờ; trong khi đó nhiều đảo lớn nhỏ gần bờ được đánh giá là những khu vực biển mang lại nguồn sống cho người dân tại những nơi đó.


Việc bảo tồn biển của Việt Nam có mặt ‘được’, mặt ‘mất’ nhưng thực sự chưa có sự tự giác bảo tồn cho thật nghiêm túc. Lý do vì dân trí của Việt Nam.

TS Nguyễn Hữu Đại

Nghề truyền thống ra khơi đánh bắt hải sản được truyền lại từ bao đời nay. Những ngư dân được nuôi sống bằng những sản vật biển tươi tốt trở thành những con người khỏe mạnh. Kinh nghiệm đi biển cũng dạy cho họ nhiều kỹ năng nhận biết về luồng cá, nơi có những loài sinh vật biển quí hiếm, rồi lúc nào trời sẽ có gió bão để tránh trước… Tuy nhiên, qua thời gian, hoạt động đánh bắt tự phát, thiếu kiểm soát và cơ quan quản lý cấp Nhà Nước cũng như địa phương không có những biện pháp hổ trợ, giám sát kỹ đối với hoạt động khai thác, đánh bắt; rồi bảo tồn … dẫn đến nhiều hệ lụy cho môi trường biển của Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại, nguyên trưởng phòng sinh vật biển của Viện Hải dương học Nha Trang có ý kiến về thông tin từ cơ quan chức năng đưa ra về 15 khu bảo tồn biển được xây dựng lâu nay:

“Nói chung ven biển của Việt Nam mình có nhiều khu bảo tồn nổi tiếng như Khu Bảo tồn Côn Đảo hay Hòn Mun, Cát Bà… Những khu này thường do nước ngoài tài trợ, cùng bỏ kinh phí vào làm với nhau. Từ từ kinh phí phía nước ngoài bớt đi, rồi giao cho người Việt quản lý. Việc bảo tồn biển của Việt Nam có mặt ‘được’, mặt ‘mất’ nhưng thực sự chưa có sự tự giác bảo tồn cho thật nghiêm túc. Lý do vì dân trí của Việt Nam. Ví dụ như bảo tồn san hô mà làm một vài năm thì không được, mà phải cần thời gian lâu dài.

Có thể kết luận công tác bảo tồn chậm, rất chậm. Đặc biệt là công tác chuyển đổi ngành nghề cho người dân sống chung quanh khu vực bảo tồn để họ không vào phá phách thì rất chậm.

Một ví dụ nữa là Cù Lao Chàm: Đan Mạch có nhiều dự án cho Việt Nam, tuy nhiên phá một ngày, cần cả trăm ngày để hồi phục; nên công tác bảo tồn chậm lắm, rất chậm…”

Người dân khai thác rong biển ở Nha Trang hôm 3-7-2011. RFA PHOTO.
Người dân khai thác rong biển ở Nha Trang hôm 3-7-2011. RFA PHOTO.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại cho rằng Việt Nam quá chạy theo số lượng mà không nắm bắt đúng nguyên lý về bảo tồn. Đó là có những khu bảo tồn số dân quá không và ngày càng tăng dần nên không thể tiến hành bảo tồn được. Ông cho rằng đề ra rồi không có kiểm chứng nên không thể đưa ra những số liệu chính xác được.

Về hoạt động khai thác, đánh bắt lâu nay của ngư dân sống ven biển Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại cũng có nhận xét:

“Khai thác hiện nay tại Việt Nam, cũng như ở khu vực Đông Nam Á là khai thác triệt để, hay còn gọi là khai thác hủy diệt. Từ đó nhiều sinh vật mất đi. Công tác phục hồi chỉ có giới hạn thôi, chứ làm sao có thể phục hồi hết được.”

Thiếu tính cân bằng

Trong quá trình phát triển, cơ quan chức năng Việt Nam cũng đề ra những dự án phát triển hạ tầng cảng biển cho hoạt động vận chuyển hàng hóa, du khách trong cũng như ngoài nước. Thế nhưng tầm của những nhà hoạch định chính sách bị cho là không có khiến cho các dự án đưa ra thiếu tính cân bằng gây hại cho môi trường. Một trong những dự án đó là đề án xây dựng Vân Phong ở Khánh Hòa thành một cảng lớn của Việt Nam; nhưng hiện đang bị dở dang, trong khi môi trường thì bị tàn phá như đánh giá sau đây của hai chuyên gia trong ngành biển.

Giáo sư-tiến sĩ Lê Đức Tố, chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ biển phục vụ phát triển bền vững kinh tế- xã hội cho biết Vân Phong là vịnh rất rộng có khoảng 600 km vuông, dài 17 km. Trong đó có đầy đủ các hệ sinh thái như hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái rừng ngập mặn, và các hệ sinh thái đặc thù khác… Theo đánh giá thì trước đây đó là một khu đẹp nhất mà có đầy đủ các hệ sinh thái. Vịnh đó cũng có thuận lợi nước sâu có chỗ trên 20 mét.

Ông nói:


Hiện nay những hệ sinh thái mà chúng tôi thấy, nay không còn nữa, gần như mất hết. Hệ sinh thái rừng ngập mặn chỉ còn 1/10 tức mất đến 90%.

TS Lê Đức Tố

“Người ta cho rằng làm cảng tại đó sẽ rất có lợi về mặt kinh tế, nên có cảng trung chuyển mà trước hết là trung chuyển về dầu khí. Khi xây dựng cảng như thế sẽ có hằng loạt công trình nhỏ đi theo nữa. Hiện nay những hệ sinh thái mà chúng tôi thấy, nay không còn nữa, gần như mất hết. Hệ sinh thái rừng ngập mặn chỉ còn 1/10 tức mất đến 90%. Tại đó hiện có rất nhiều khu nuôi trồng hải sản của nông dân, rồi của nước ngoài vào đầu tư, rồi những cảng thương mại, và nay là một cảng trung chuyển lớn. Đây là mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường mà người đưa ra không có nhận định sâu sắc, không có cái nhìn về lâu dài nên một vịnh đẹp như thế nay trở thành một khu luộm thuộm, ô nhiễm môi trường, suy thoái hệ sinh thái…”

Tiếp đến là tiến sĩ công trình biển Trương Đình Hiển cũng có một số nhận xét tương tự về môi trường biển tại vịnh Vân Phong hiện nay:

“Xét về giá trị nếu đưa nó thành một thiên đàng du lịch thì nó (Vịnh Vân Phong) cũng thu lợi và đem lại đóng góp cho nền kinh tế đất nước hơn là đặt những khu đại công nghiệp và nhà máy lọc dầu tại đó. Theo tôi đó là một đánh giá khôn ngoan về môi trường cũng như về bảo vệ tự nhiên phục vụ lợi ích con người.

Nhưng có đánh giá khác sẵn sàng bạt vài chục hòn đảo đá granit cao hằng trăm mét để mở khu công nghiệp và cảng. Đây là điều khó khăn. Phá hoại môi trường rõ rồi, vì khi san lấp như vậy làm biến đổi hoàn toàn vịnh rồi, không còn như cũ nữa. Vậy có thể trả lời gì?”

Chưa hiệu quả

Biển Nha Trang hôm 3-7-2011. RFA PHOTO.
Biển Nha Trang hôm 3-7-2011. RFA PHOTO.
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng Việt Nam cũng nói đến những kế hoạch hợp tác trong khu vực cũng như quốc tế nhằm cùng nhau bảo vệ không gian và môi trường biển trong tình hình trái đất đang bị ấm nóng lên khiến cho băng tại hai cực tan chảy dẫn đến nguy cơ nước biển dâng làm ngập nhiều vùng ven biển như Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại đưa ra nhận xét về hoạt động hợp tác đó như sau:

“Ý nghĩa nhất là hợp tác xuyên biên giới Sông Mê kong, giữa Việt Nam- Kampuchia và Thái Lan. Hợp tác này cũng đặt ra nhiều vấn đề, rồi các nhà khoa học nước ngoài vào cũng làm rồi hội thảo. Rồi cũng thông báo các quốc gia cùng bảo vệ với nhau, cũng có chương trình hành động, nhưng tôi thấy không cụ thể, gắn kết và có kế hoạch hành động mạnh mẽ hơn để bảo tồn xuyên quốc gia được.

Giữa Việt Nam và Philippines cũng có những cuộc khảo sát chung với nhau. Nêu lên tầm cỡ như vậy chỉ là vấn đề đặt ra thôi chứ theo tôi để có những kết quả thật cụ thể và hiệu quả hơn thì chưa có nhiều.”

Một tình trạng được tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại cho là vòng lẩn quẩn tại Việt Nam trong hoạt động khai thác, bảo tồn các loài sinh vật biển và bảo tồn môi trường nói chung:


Theo tôi phải có chiến lược khai thác, nuôi trồng bền vững; chứ nếu không sẽ theo diễn biến sa mạc hóa vì bỏ hoang, và cần thời gian rất là dài mới có thể phục hồi.

TS Nguyễn Hữu Đại

“Nguồn lợi sinh vật biển có nhiều loài mất đi, nhiều loài cạn kiệt. Vùng đầm phá ven bờ ngày càng suy giảm, người dân ngày càng khốn khó hơn.

Hiện nay sản lượng tiêu thụ trên thị trường chủ yếu là nuôi trồng. Đánh bắt càng ngày càng giảm ghê lắm.

Nhưng nuôi trồng mà không kiểm soát sẽ bị ô nhiễm. Ô nhiễm đến một mức nào đó thì không nuôi trồng được nữa. Đây là vòng lẩn quẩn.

Cần phải có chính sách lớn, có chiến lược, phải đưa những nhà khoa học có kinh nghiệm, đúng ngành nghề nghiên cứu để đề ra những hướng đi, chiến lược để giải quyết vấn đề; nếu không cuối cùng đánh bắt không có, nuôi trồng làm hỏng hết môi trường.

Hiện nay ở miền Trung là khu vực khai thác hải sản quan trọng nhất. Nhưng tại đó tài nguyên biển ngày càng cạn kiệt, còn nuôi trồng thì diễn biến ngày càng phức tạp ra. Đầu tiên việc nuôi tôm sú rất thắng lợi. Sau đó vì dịch bệnh nên chuyển sang tôm trắng Hawaii. Cách đây 5-6 năm tôm trắng Hawaii cũng bị dịch bệnh; người ta chuyển sang con thân mềm như ốc hương, nhưng lại ăn cá tạp nên thải ra nhiều chất dơ làm ô nhiễm môi trường. Lại lẩn quẩn, lại bỏ hoang.

Theo tôi phải có chiến lược khai thác, nuôi trồng bền vững; chứ nếu không sẽ theo diễn biến sa mạc hóa vì bỏ hoang, và cần thời gian rất là dài mới có thể phục hồi.”

Hiện nay những dự án về phục hồi, bảo vệ các hệ sinh thái có đầu tư kinh phí nhiều nhưng chưa có hiệu quả gì cả. Một số dự án, chương trình làm năm ba năm lại bỏ đi. Những dự án lớn như phục hồi rừng ngập mặn Cần Giờ, Ramsar Giao thủy còn thực hiện được chứ còn những dự án nhỏ khác không có hiệu quả, không có hướng tích cực để giải quyết vấn đề ‘bền vững’. Có thể càng ngày càng diễn biến xấu đối với chất lượng của môi trường, cũng như nguồn lợi sinh vật.

Tiến sĩ Lê Đức Tố từng cho biết là dù Nhà Nước nói xem trọng biển như là một nguồn tài nguyên quí giá của đất nước; thế nhưng đầu tư cho hoạt động ngày rất khiêm tốn. Ông này cho biết là chưa hề có một chiếc tàu nghiên cứu nào được dành cho giới khoa học biển để thực hiện các nghiên cứu hải dương của họ; như thế thì làm sao có thể hiểu rõ được vùng biển của mình mà đề ra những biện pháp phù hợp trong khai thác, bảo tồn, phát triển … Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị trong chương trình kỳ tới.

Gia Minh chào tạm biệt.

 

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.