Giới trẻ trên toàn thế giới bàn về biến đổi khí hậu

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015.11.24
Ngày khai mạc Hội nghị One Young World ( Một Thế giới Trẻ) năm 2015 diễn ra ngày 18 tháng 11 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan Ngày khai mạc Hội nghị One Young World ( Một Thế giới Trẻ) năm 2015 diễn ra ngày 18 tháng 11 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan
oneyoungworld.com

Hội nghị One Young World ( Một Thế giới Trẻ) năm 2015 diễn ra từ ngày 18 đến 21 tháng 11 vừa qua tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Đây là diễn đàn qui tụ hơn 1350 thanh niên từ 196 quốc gia trên thế giới.

Một nội dung quan trọng của hội nghị năm nay là những đại biểu trẻ cùng nhau bàn bạc cách thức làm sao góp phần vào mục tiêu giới hạn nhiệt độ Trái Đất đến cuối thế kỷ này không nóng thêm quá 2 độ C. Ý kiến của các bạn sẽ được chuyển đến hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu sẽ diễn ra trong thời gian tới tại thủ đô Paris, Pháp- COP 21.

Các chuyên gia tư vấn hàng đầu kêu gọi

Cảnh báo được giới khoa học đưa ra là nếu con người không có hành động ngay lúc này trong việc giảm và đi đến loại trừ các loại khí gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái Đất nóng thêm lên, thì vô số tác động bất lợi không lường trước sẽ xảy đến cho nhân loại.

Tại hội nghị One Young World năm 2015, những chuyên gia tư vấn đến nói chuyện với các đại biểu trẻ đều nhắc đến cảnh báo đó và kêu gọi những người trẻ tham dự tích cực lên tiếng và có hành động thiết thực để thế giới có thể đạt được mục tiêu đề ra cho COP-21.

Ông Kofi Annan, chủ tịch Sáng hội mang tên ông đồng thời là vị tổng thư ký thứ 7 của Liên hiệp quốc, trong bài phát biểu mở đầu lễ khai mạc One Young World 2015 nói rõ:

Đại ý ông khuyến khích các đại biểu trẻ tham dự hãy đồng thanh lên tiếng mạnh mẽ và rõ ràng là không có mục tiêu nào là quá tham vọng không thể nào đạt được và không có trở ngại nà là không thể vượt qua. Những người trẻ hiện nay sẽ trở thành những lãnh đạo trong thời gian tương lai sắp tới cần phải hành động cho sự thành công trong những mục tiêu đề ra nhằm bảo đảm sự an toàn cho hành tinh Trái Đất...

Một nhà tư vấn cao cấp là giáo sư Muhammad Yunus người nổi tiếng với chương trình tín dụng nhỏ dành cho những phụ nữ nghèo Bangladesh, cũng kêu gọi những đại biểu trẻ về trách nhiệm của họ trong thế giới hiện nay khi được thụ hưởng những tiến bộ khoa học mới nhất:

Nhạc sĩ và cũng là nhà hoạt động Bob Geldof nhắc nhở các đại biểu tham dự về việc phải có ý kiến với lãnh đạo quốc gia khi trở về từ hội nghị

Nhóm bạn trẻ Việt Nam tham dự

Trong hơn 1350 đại biểu trẻ từ độ tuổi từ 18 đến 30 tham gia hội nghị năm nay ở Bangkok có bốn bạn Việt Nam. Đó là các bạn Hải Ly, Tâm, Tuấn và Minh hiện đang làm việc cho hãng Unilever tại Việt Nam.

Họ cho biết việc tham dự hội nghị One Young World cũng như những hoạt động thực hiện vừa qua và trong thời gian tới:

“ Hải Ly: Chúng tôi cũng chuẩn bị một vài thứ: trước hết là hiểu biết về chương trình phát triển bền vững của Unilever để chia sẻ với các bạn bè thế giới ở đây. Thứ hai là Tâm và tôi có lới kêu gọi đối với COP-21.

Hội nghị One Young World ( Một Thế giới Trẻ) năm 2015
Hội nghị One Young World ( Một Thế giới Trẻ) năm 2015

Gia Minh: Đây là vấn đề lớn và cả thế giới đang nói về vấn đề này. Tại Việt Nam các bạn nhận thấy có những thay đổi gì về khí hậu?

Hải Ly: Cá nhân tôi thấy về tình trạng biến đổi khí hậu ở Việt Nam đã có những hậu quả rõ ràng như tại đồng bằng Sông Hồng, đồng bằng Sông Cửu Long, mực nước dâng cao... Theo tôi đối với Việt Nam điều cần làm tốt hơn nữa là nâng cao hiểu biết của cộng đồng, quần chúng về vấn đề đó. Hiện nay chỉ mới dừng lại ở một số đối tượng và địa phương thôi nên cần phải có chính sách mở rộng hơn nữa.

Tuấn: Biến đổi khí hậu thì diễn ra ở khắp nơi, nước nào cũng có. Riêng tại Việt Nam tôi thấy nhiệt độ thay đổi và không thể dự báo điều gì sẽ xảy ra. Ví dụ năm nay nhiệt độ thay đổi không theo qui luật nào cả và như thế ảnh hưởng đến kinh tế của đất nước. Chúng tôi sẽ trao đổi vấn đề này tại hội nghị và khi về có đóng góp với chính quyền những biện pháp để hạn chế sự biến đổi của khí hậu.

Tâm: Như mọi người vừa nói vấn đề biến đổi khí hậu không phải vấn đề của một quốc gia mà là vấn đề toàn cầu. Không phải một quốc gia có thể làm gì để thay đổi tình hình này mà tất cả các nước phải hợp tác lại với nhau làm từ việc nhỏ đến việc lớn. Thực ra ở Việt Nam cũng có những chính sách về bảo vệ môi trường qua hoạt động sống và kinh doanh. Chúng tôi cũng chia sẽ những gì Việt Nam đã làm và sẽ làm cho hội nghị.

Gia Minh: Những hoạt động đã làm mà các bạn thấy có tác dụng rồi là gì?

Tâm: Ví dụ có những chương trình rất hay như biogas được Việt Nam phổ biến rất rộng rãi ở nông thôn và có kết quả rất tốt. Ví dụ khi có chương trình mỗi năm giảm được 750 ngàn tấn khí carbon thải vào môi trường. Tuy nhiên chương trình đó chỉ mới ở nông thôn chứ chưa được phát triển rộng; nhưng theo tôi đó cũng là một chương trình hứa hẹn trong tương lai.

Minh: Hiện nay ở Việt Nam có những thay đổi về khí hậu mà ai cũng nhận thấy rõ ràng. Đó là chưa bao giờ mà đến tháng 11 vẫn còn mưa to như hiện nay ( tại miền nam), cũng như có những ngày lạnh xuống 15-16 độ ở miền nam.  Còn điều tôi muốn chia sẻ là Việt Nam dần hoàn thiện chương trình ‘vườn-ao-chuồng’ trên toàn quốc. Đây là những đặc điểm quen thuộc của nông nghiệp và làm thế nào tạo thành vòng tận dụng hết mọi chất phế thải. Riêng công ty chúng tôi cũng có những chương trình giảm thiểu các chất thải ra môi trường.

Hải Ly: Trong chương trình ‘Call on COP’ có lời kêu gọi của những bạn trẻ gửi đến chính phủ thì tôi và Tâm có bài viết chừng 3 phuát kêu gọi gửi đến chủ tịch nước và thủ tướng chính phủ Việt Nam.

Gia Minh: Nội dung chính của kêu gọi gửi đi là gì?

Hải Ly: Tôi kêu gọi đại diện Việt Nam tham gia COP-21 không chỉ đến tham dự, lắng nghe thôi mà phải có hành động, cam kết cụ thể.

Tâm: Bài của tôi thì thực tiễn hơn, tôi kêu gọi mình phải nâng cấp, nhân rộng lên các chương trình thử nghiệm tốt ở qui mô nhỏ.

Gia Minh: Khi về các bạn có kế hoạch gì?

Hải Ly: Bản thân tôi sẽ có cảm hứng từ hội nghị này và sẽ tham gia nhiều hơn vào các chương trình lớn hơn.

Tâm: Thực ra khi đến hội nghị tôi đã thấy vấn đề trước khi đến và tại đây xem vấn đề được giải quyết thế nào để về cũng làm như thế.

Minh: Tôi là đại diện và là người làm cho một công ty sản xuất hàng tiêu dùng nên có cơ hội tiếp xúc với hằng triệu người Việt Nam trên toàn quốc. Mong ước của tôi khi đến hội nghị One Young World là có thể sử dụng ‘sức mạnh’ của mình để cải thiện cuộc sống cho những người mà mình có cơ hội tiếp xúc.”

Về ‘One Young World’

Xin được nhắc lại ‘One Young World’ được thành lập từ năm 2009. Hội nghị các đại biểu ‘One Young World’ bắt đầu được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2010 tại London, Anh Quốc. Sau đó lần lượt diễn ra tại Zurich, Thụy Sĩ, Pittsburg, Hoa Kỳ, Johannesburg- Nam Phi, Dublin- Ireland. Năm nay lần đầu tiên hội nghị One Young World được tổ chức tại một thành phố Châu Á là Bangkok, Thái Lan.

Thông kê cho thấy những dự án được triển khai bởi những đại biểu trẻ One Young World tác động đến chừng 6 triệu 600 ngàn người trên khắp thế giới.

Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.