Việc đối nội đối ngoại dịp Tết của phụ nữ Việt
2016.01.24
Mùa xuân đang về trên đất Việt. Trong không khí se lạnh, với mưa xuân và đất trời rực rỡ sắc đào. Trên các đường phố, rất dễ bắt gặp những người phụ nữ duyên dáng trong các bộ váy mới, tất bật, rộn rã, lo toan, căng thẳng với đào, quất và các lễ vật ngày tết.
Họ đang thực hiện nghĩa vụ gì và có cảm giác thế nào trong những tuần lễ đặc biệt này, trước tết nguyên đán!?
Báo chí, truyền thông, các hội nhóm tư vấn… vào những dịp tết đến rất “đắt khách” với những chuyên mục đặc biệt về “tuyệt chiêu đối nội, đối ngoại ngày tết”. Những bài viết được nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại nhiều lần về tư cách của người viết: Là một phụ nữ, đã làm dâu nhiều năm và luôn được gia đình chồng yêu mến… Những bài nhận được nhiều lượt xem và bình luận nhất thường có các tiêu đề như “điểm cộng cho các bạn gái mới cưới trong dịp tết”, “biếu tết nhà nội phải bằng hai nhà ngoại là đúng”…
Vai trò, vị thế và cách thể hiện vai trò, vị thế của một nàng dâu trong nhà chồng được khắc họa một cách rõ nét, với từng đường đi nước bước, cách hành động... làm sao cho các chị đảm bảo giữ được tiếng thơm “vợ hiền, dâu thảo” đã được thể hiện trong từng tiêu đề bài viết. Chỉ cần nhớ lại vị thế “xuất giá tòng phu” của người phụ nữ, bạn hoàn toàn có thể hình dung ra cuộc sống của những cô gái Việt sau khi lấy chồng, là hoàn toàn quên đi gia đình của mình và những người ruột thịt đã gắn bó với mình từ lúc lọt lòng để chu toàn cho một gia đình mới, hoàn toàn xa lạ trong những năm đầu sau hôn nhân. Vào những dịp tết, là thời gian sum họp gia đình, các chị cũng không được chăm nom, săn sóc gia đình nhà mình và trả hiếu cho bố mẹ đã mang nặng đẻ đau và dày công nuôi dưỡng hay sử dụng quãng thời gian nghỉ phép ngắn ngủi để chăm sóc cho bản thân mình mà phải ưu tiên thực hiện vai trò “dâu thảo” bằng cách dùng trọn vẹn thời gian cũng như tiền bạc cho việc thể hiện sự hiếu thuận của mình với gia đình, họ hàng nhà chồng.
Các lý lẽ được đưa ra cho những “chuyên mục tư vấn” này là việc “giữ đạo làm dâu”, việc “giữ thể diện cho chồng trước bà con cô bác”, việc “giúp chồng báo hiếu”, “làm gương cho con cái”... cá biệt, có nhiều quan điểm cho rằng, làm dâu thế nào phải giữ “để nhà chồng không điện thoại về trách móc gì nhà ngoại thì đó là niềm hạnh phúc”.
Trong khi đó, trong các diễn đàn, hội nhóm kín giành cho phụ nữ, các chị em (với nick ảo) thoải mái chia sẻ với nhau về những cảm nhận thực của họ vào dịp tết. Các chủ đề liên quan đến ngày tết thu hút được nhiều sự quan tâm của các chị em như “sôi máu vì thưởng tết 500 ngàn, mẹ chồng đòi biếu 10 triệu”; “Bức xúc vì chồng nhất bên trọng nhất bên khinh”; “biếu tết nội ngoại, đòi công bằng, chồng ném xấp tiền vào mặt vợ”…
Trước khi kể câu chuyện của mình, các chị luôn bắt đầu bằng những lời thanh mình, đại loại như “Tôi nói như vậy, có thể nhiều người sẽ nghĩ rằng, có 10 triệu thôi, đáng gì so với công bố mẹ nuôi dưỡng chồng mình khôn lớn trưởng thành mà phải tức giận và lên đây nói xấu bố mẹ chồng”; “Không phải em quá khắt khe nhưng mà…”
Những tâm sự này, thường nhận được rất nhiều hưởng ứng của các chị em “cùng cảnh ngộ”. Họ giống như tìm được một nguồn động viên, một môi trường tốt để xả các bức xúc của mình. Cũng có rất nhiều chị em đưa ra những lời khuyên cứng rắn từ kinh nghiệm của mình, “phải giữ được vị thế của mình”, “phải đấu tranh cho sự công bằng”...
Chị Lan nói về việc mua quà nội ngoại trong gia đình:
“Phong bì. Hoặc nhà nào thiếu cái gì thì mua cái đấy. Bên nội thì thực ra là phải hơn một tí. Vì ví dụ như xây lăng mộ này kia thì cũng phải hơn một tí chứ không thể hoàn toàn bằng nhau. Tớ thì cũng chẳng quan trọng vấn đề đó. Nhưng cũng đừng có quá mức. Bởi vì mình cũng không cầu kỳ và bố mẹ mình thì cũng không cần. Tiền mình cho thì rồi ông bà cũng tìm cách cho lại mình hết ấy mà. Nhưng nếu chênh lệch quá mức thì tớ cũng nghĩ ngợi. Còn nếu mà nó chỉ là lệch một chút thôi thì mình cũng chẳng gọi là đong đo làm gì cái chuyện đấy.”
Chị Minh giải thích về việc “phải chấp nhận” sự sắp đặt của chồng và việc “nhất bên trọng, nhất bên khinh”:
“Công việc, nghĩa vụ thì cứ phải thế thôi chứ. Không thích thì cũng phải mua. Đấy là chồng kiếm được tiền còn như nếu mình kiếm được thì tự mình mình chia sẻ, tự san sẻ ra, mình tự cân đối. Còn nếu như quá phụ thuộc vào chồng chẳng có lấy mà mua đồ cho nhà ngoại, chồng biết được lại… những người khéo léo thì chẳng làm sao, còn những người gần như không làm được cái gì, không kiếm được đồng nào, phụ thuộc tất cả vào nhà chồng, lại không có tiếng nói thì chồng lo hết. Cho nên khi không thể san sẻ trong gia đình nhà ngoại thì cũng ấm ức. Còn những người kiếm được thì cũng chẳng vấn đề gì.”
Có thể nói, sự độc lập về mặt tài chính là một trong những yếu tố then chốt giúp các chị trở nên độc lập trong mọi quyết định của bản thân cũng như trong gia đình.
Chị Ngọc nói về việc sắp xếp đối nội – ngoại trong gia đình chị:
“Bằng nhau chứ còn gì nữa. Bình thường thì tôi hai nhà như nhau, tự quyết – tự chi luôn. Không, ông ấy chả ý kiến gì. Ví dụ như thời điểm này thì ông ấy bảo chuẩn bị quà tết cho ông bà thế nào. Tôi bảo “đấy, anh tự chuẩn bị đi” thế rồi ông ấy bảo “thôi, em xem ông bà cần gì thì em mua rồi biếu ông bà”. Thế là tôi tự xử thôi.”
Chị Hoa còn thoải mái hơn trong việc này:
“Quà gì mà quà, phong bì thôi chứ. Còn tùy, cuối năm thưởng nhiều hay ít nữa chứ. Hai bên bằng nhau. Nói chung chỉ mừng tuổi thôi còn bên nội tết mình phải về lo tết, chợ búa, gà bò đủ cả chứ. Ông bà nội cũng thoải mái, mình muốn làm gì thì làm, muốn cho ăn gì thì ăn. Ông bà cũng thoải mái, với lại ông bà cũng xác định là chúng nó có ở nhà đâu. Nó về nó không thoải mái, sau nó lại không về. Ông bà lúc nào cũng nghĩ thế. Tết xong ra, hai tuần sau lại về ăn họ rồi giỗ chạp gì cũng phải về suốt. Hè về xong ra xong lại có giỗ bà nội, ông nội nhà chồng lại về. Mình cũng thích về quê.”
Báo chí, truyền thông và các văn phòng tư vấn ra sức khuyên can các chị giữ gìn nề nếp truyền thống, đã khiến cho nhiều phụ nữ Việt ấm ức với những bất công mà mình bắt buộc phải chịu. Nhiều bà mẹ chồng, bởi thấy con dâu đã nhượng bộ, thường trở nên tai quái như một lẽ thường ai cũng sẽ mạnh dạn hơn trong việc bắt nạt kẻ khác, nếu đối phương đã tự đặt mình vào vị thế thấp hơn.
Những người phụ nữ được Hạ Vũ phỏng vấn trong chuyên mục kỳ này, đều đã ngoài 30 tuổi, từ các vùng quê khác nhau lên Hà Nội lập nghiệp. Tự họ, cùng với chồng đã xây dựng nên sự nghiệp, họ có sự bình đẳng với chồng cả về tài chính lẫn địa vị xã hội. Do đó, họ có quyền tự định đoạt mọi hoạt động chi tiêu trong gia đình cũng như biết bỏ qua những tranh chấp nhỏ nhặt, có thể làm ảnh hưởng đến gia đình mình.
Có thể nói, sự độc lập về mặt tài chính là một trong những yếu tố then chốt giúp các chị trở nên độc lập trong mọi quyết định của bản thân cũng như trong gia đình. Việc đối nội – đối ngoại hay những công việc khác, cho dù có là một nghĩa vụ cũng được thực hiện một cách công bằng, dễ chịu hơn đối với các chị. Nhất là trong điều kiện, các chị không phải ở cùng nhà và dựa dẫm vào bố mẹ chồng.
Giữ gìn truyền thống gia đình, tỏ lòng hiếu kính cha mẹ trong những dịp lễ tết là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt. Việc giữ gìn truyền thống đó, nếu không kèm theo những yêu sách nặng nề đối với phụ nữ như việc phải “giữ đạo làm dâu”, phải “xuất giá tòng phu”, “giữ thể diện cho chồng”... mà hy sinh cơ hội trả hiếu với bố mẹ mình cũng như quyền bình đẳng trong việc quyết định các vấn đề đối nội – đối ngoại ngày tết, sẽ không chỉ giúp truyền thống đó ngày một được vun đắp cho trở nên tốt đẹp hơn, mà còn thực sự đem lại hạnh phúc và củng cố tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình, bao gồm cả những cô con gái “không phải là máu mủ ruột rà”.
Mọi ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ email: havu082008@gmail.com.