Có thể lập đoàn cải lương ở hải ngoại không?
2009.08.02
Thưa quý thính giả, đây là nỗi băn khoăn thắc mắc của nhiều nghệ sĩ cải lương đang sinh sống ở trong nước Việt Nam cũng như các nghệ sĩ cải lương đã đi định cư ở các nước Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Anh, Úc …vân vân.
Nhiều khán giả ái mộ cải lương cũng chia xẻ nổi bận tâm lo lắng nầy nên gởi điện thư hoặc gọi điện thoại hỏi Nguyễn Phương suy nghĩ sao về việc thành lập một đoàn hát cải lương ở hải ngoại.
Xin mời quý thính giả nghe câu chuyện đàm thoại của Ông Trương Văn Sáu ở Falls Church và Nguyễn Phương về vấn đề vừa kể.
Ông Trương Văn Sáu: Hello, ông Nguyễn Phương đó hả?
Nguyễn Phương: Dạ, đúng rồi, tôi, Nguyễn Phương đây.
Ông Trương Văn Sáu: Tôi tên Trương Văn Sáu ở Falls Church, Virginia đây. Tôi thường nghe chương trình cổ nhạc của ông trên Đài Á Châu Tự Do. Tôi có thắc mắc về một vài chuyện liên quan tới cải lương. Tôi muốn hỏi ông Nguyễn Phương có thể giúp tôi giải đáp thắc mắc đó không?
Nguyễn Phương: Dạ…. xin ông Sáu cho biết: ông định hỏi vấn đề gì? Nếu tôi biết thì tôi sẽ trả lời liền, nếu tôi không biết, tôi xin ghi nhận câu hỏi của ông Sáu rồi tôi sẽ hỏi lại các nghệ sĩ bạn của tôi hoặc những nhà thức giả khác để lĩnh ý của họ rồi sẽ báo lại cho ông Sáu biết sau. Dạ, vậy được hông, ông Sáu?
Ông Trương Văn Sáu: Tất nhiên rồi! … Trong dịp Tết vừa qua, nhiều nghệ sĩ cải lương ở Việt Nam qua Hoa Kỳ, hát ở miền Nam Cali nhiều suất, Nghệ sĩ cải lương hiện định cư ở Hoa Kỳ rất nhiều, nếu lâu lâu có nghệ sĩ tài danh ở Việt Nam xuất ngoại thì mình mời họ hát tăng cường, như vậy thì ta có thể lập một gánh hát cải lương ở Mỹ này được không?
Nguyễn Phương: Thưa ông Sáu, Ông vừa hỏi “Ta” có thể lập gánh hát cải lương ở Hoa Kỳ không? Theo ông Sáu nói thì “Ta” là ai đây? Là ông Sáu muốn lập gánh hát? Hay là một nhà mạnh thường quân nào đó hay là ông Sáu muốn nói đến các ông bà bầu Thúy Uyển, Thanh Tùng, Thành Được, hay Phượng Liên …?
Ông Trương Văn Sáu: Ồ!…Tôi không hề muốn và cũng không thể làm bầu gánh hát…Tôi chỉ là một khán giả ái mộ cải lương, thấy cải lương ở trong nước bị sa sút đến độ như sẽ bị tàn lụi đi như sân khấu hát bội, bởi vậy tôi nghĩ là một người nào đó có tiền, có lòng với nền nghệ thuật sân khấu của dân tộc, trong điều kiện có nhiều nghệ sĩ tài danh như vậy thì có thể đứng ra lập một đoàn hát cải lương được không?
Nguyễn Phương: Nguyễn Phương xin nhân danh cá nhân mình và nhân danh các bạn nghệ sĩ cải lương cám ơn ông Sáu có lòng quan tâm đến bộ môn nghệ thuật sân khấu mà chúng tôi đã phụng sự suốt đời.
Thưa quý thính giả, thưa ông Sáu, Quy tụ nghệ sĩ, tập một vài trích đoạn hay một vở tuồng nào đó, hát trong một vài suất hát rồi giải tán thì nếu như có người chịu xuất ra một số tiền lớn và có người hiểu biết nghề hát giúp thì có thể làm được. Nhưng muốn thành lập một gánh hát đầy đủ các bộ môn và gánh hát đó hoạt động, tồn tại được lâu năm như các gánh hát hồi xưa ở Việt Nam thì không phải là chỉ có tiền nhiều và có nghệ sĩ thì thực hiện được ngay.
Ngay như ở trong nước Việt Nam hiện tại, có tiền nhiều và có nhiều nghệ sĩ tài danh cũng không thể thành lập một đoàn hát cải lương giống như hồi xưa.
Trước khi nói đến những điều kiện cần phải có để thành lập một đoàn hát cải lương ở hải ngoại, tôi xin nói qua về ý kiến của ông Sáu là ông muốn tập trung một số nghệ sĩ đang định cư, tăng cường thêm vài nghệ sĩ tài danh ở Việt Nam xuất ngoại theo diện du lịch để thành lập một đoàn hát.
Thưa quý thính giả, thưa ông Sáu, hát tăng cường nghệ sĩ ngôi sao thì có thể thu hút thêm nhiều khán giả, nhưng nếu sau đó không có nghệ sĩ ngôi sao tăng cường thì đoàn hát sẽ thất thu ngay.
Trong thời gian vừa qua, nhiều nghệ sĩ cải lương tài danh ở Việt Nam qua hát trích đoạn cải lương hoặc nguyên tuồng ở các rạp hát và nhà hàng ở miền Nam Cali, ở San José. Đến khi các nghệ sĩ đó rút về nước thì sân khấu cải lương hải ngoại tiêu điều, các nghệ sĩ định cư ở hải ngoại khó có thể hoạt động hữu hiệu như trước khi các nghệ sĩ tài danh ở Việt Nam ồ ạt qua Hoa Kỳ.
Những nghệ sĩ ở Việt Nam qua, vừa trẻ đẹp, giọng ca hay, có nhiều trích đoạn và tuồng cải lương, cộng với y trang tranh cảnh đẹp, dàn nhạc tân, cổ đầy đủ hơn những gì đã có của các nghệ sĩ định cư ở hải ngoại, khán giả được thưởng thức một bữa tiệc văn nghệ thật là thịnh soạn, tất nhiên họ sẽ so sánh, kén chọn và không thích nếu những chương trình văn nghệ khác có nghệ sĩ tài danh ít hơn, tranh cảnh và y trang mũ mãng ít đẹp hơn.
Điều kiện
Ông Trương Văn Sáu: Vậy theo ông Nguyễn Phương thì cần có điều kiện gì để thành lập một đoàn hát ở hải ngoại?
Nguyễn Phương: Thưa quý thính giả, nếu muốn thành lập một đoàn hát cải lương và giữ cho đoàn hát được phát triển và tồn tại lâu dài, dù là ở trong nước Việt Nam hay ở hải ngoại, tôi thấy cần phải có 5 điều kiện như sau:
Điều thứ nhứt: Là phải có một người chủ bầu có khả năng tài chánh dồi dào, phải có khả năng tổ chức đoàn hát và khả năng kinh doanh nghệ thuật.
Điều thứ hai: Là phải có dàn nghệ sĩ đủ để trình diễn một tuồng hát, phải có nhạc sĩ cổ nhạc và tân nhạc, phải có soạn giả của đoàn hát, và phải có các bộ môn liên hệ như y trang, tranh cảnh, âm thanh, ánh sáng và cả những người lo phần quảng cáo, bán vé, chỉ ghế…
Điều thứ ba: Và là một điều quan trọng sinh tử của một đoàn hát là rạp hát, nơi đoàn hát trình diễn các vở tuồng. Rạp hát lớn thì chi phí rất lớn, điều kiện về âm thanh, ánh sáng, trang trí tranh cảnh cũng sẽ là một vấn đề phức tạp khó khăn. Tuy nhiên gánh hát muốn hát trọn tuồng thì không thể hát trên những sân khấu nhỏ của các restaurant. Sân khấu ở trong một rạp hát hiện đại giúp cho nghệ thuật sân khấu có cơ hội để phát triển hơn nhưng chi phí lớn cũng là một trở lực khó vượt qua.
Nếu hát cải lương trong các restaurant, chương trình xem hát cải lương có ẩm thực thì thực khách là khán giả, ngồi 10 người quanh một cái bàn, họ vừa ăn uống, chuyện trò tư riêng thì cải lương hát trong các restaurant chỉ là những chương trình ca lẻ, một vài trích đoạn cải lương ngắn, đa số là lấy trong các tuồng cũ mà mọi người đã có nghe hoặc xem hát nhiều lần rồi.
Điều kiện thứ tư: Là khán giả, ở nước ngoài người ta đi làm nhiều giờ nên khi giải trí, xem hát họ cũng không thể coi hát mỗi đêm như ở Việt Nam. Thành ra một tuần thì chỉ có thể hát một suất vào tối thứ bảy và ngay trong tối thứ bảy, họ cũng không có thể xem một tuồng hát dài hơn hai, ba tiếng đồng hồ.
Đó là chưa kể đến cái khó khăn là tuồng tích được các nghệ sĩ hát hiện nay toàn là tuồng cũ thời trước 1975, sau 1975, khán giả ở hải ngoại không thấy có tuồng nào thích hợp. Mà tuồng mới thì không có soạn giả nào sáng tác.
Điều kiện thứ năm: Là phải phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của địa phương. Hoàn cảnh về khí hậu như ở Canada thì những tháng mùa đông có nhiều tuyết, không thể hát được. Ở hải ngoại nơi có đông người Việt định cư tập trung chỉ có ở một số tiểu bang, ở cách nhau cũng quá xa, phải di chuyển bằng phi cơ, tiền di chuyển một đoàn hát quá tốn kém chớ không như ở Việt Nam. Riêng ở Việt Nam thì điều kiện quan trọng nhất là tư nhân phải được Sở Văn Hóa chấp thuận mới có thể là trưởng đoàn hát, về kinh doanh thì có thể lời ăn lổ chịu nhưng về nội dung thì tuồng hát phải theo định hướng chính trị của chánh phủ. Rạp hát cũng là của chánh phủ quản lý nên không phải đoàn hát muốn hát ở đâu cũng được.
Thưa quý thính giả, chương trình cổ nhạc kết thúc, Nguyễn Phương xin hẹn tái ngộ vào giờ này tuần sau.