Đài phát thanh và những danh ca không hề thấy mặt

Ngành Mai, thông tín viên RFA
2014.04.26
Danh ca Thành Công được mời về Đài phát thanh Quốc Gia làm trưởng ban Thành Công và  là danh ca Đài phát thanh Sài Gòn suốt mấy thập niên... Danh ca Thành Công được mời về Đài phát thanh Quốc Gia làm trưởng ban Thành Công và là danh ca Đài phát thanh Sài Gòn suốt mấy thập niên...
Files photos

Nghe bài này

Khi xưa, thời thập niên 1940 có nhiều danh ca cổ nhạc lẫn tân nhạc, chuyên ca đài phát thanh, được thính giả biết tên, nghe tiếng ca là biết ca sĩ nào. Thế nhưng, hiếm ai thấy được những ca sĩ này, mà chỉ hình dung một cách tưởng tượng.

Sở dĩ người ta không thấy mặt mà lại biết tên là do đài phát thanh đã đưa tiếng hát của các ca sĩ vào tận vùng thôn quê, là nơi mà người dân ít có dịp đi ra tỉnh thành. Riêng tôi từng nghe không biết bao nhiêu lần những giọng ca cổ nhạc của các danh ca Thành Công, Chín Sớm, Sáu Thoàng, Bạch Huệ v.v... Vậy mà cho tới giờ này cũng chưa một lần thấy mặt các ca sĩ chuyên môn ca đài nói trên.

Còn về phần tân nhạc thì ở miền Nam những năm đầu thập niên 1940, đại đa số người dân thôn quê chẳng hề biết tân nhạc là chi, dù rằng loại nhạc này đã xuất hiện ở miền Bắc từ những năm trước đó, đồng thời người ta cũng chẳng biết cái radio là gì nữa. Thiên hạ chỉ biết thưởng thức cổ nhạc qua các buổi sinh hoạt đờn ca tài tử, và nghe “đờn thổi” tức dàn nhạc ở các đám ma, vừa có kèn thổi vừa có đờn. Mãi đến khoảng 1946 người ta mới bắt đầu biết đến tân nhạc (lúc bấy giờ gọi là “nhạc mới” chứ chưa có danh từ tân nhạc như sau này. Đó là thời kỳ sau ngày quân đội Đồng Minh giải giới quân đôi Nhựt, Pháp trở lại Đông Dương thành lập Đài phát thanh Pháp Á ở đường Boulevard de La Somme, Sài Gòn (đường Hàm Nghi sau này). Đài phát thanh Pháp Á hằng ngày ngoài việc phát đi những bài ca cổ nhạc, cũng đồng thời phát thanh những bản tân nhạc, chừng đó người ta mới bắt đầu thưởng thức giọng ca của những Giáng Hương, Tâm Vấn, Khánh Ngọc, Minh Nguyệt, Minh Tân, Mỹ Hoa, Hoàng Yến v.v...

Nhưng rồi thính giả cũng ít khi thấy mặt những ca sĩ này, trừ phi vài người họ có hình lên báo. Riêng Khánh Ngọc thì về sau nhờ làm tài tử đóng vai chính trong cuốn phim Ánh Sáng Miền Nam nên người ta mới biết nhiều. Lúc bấy giờ có những người ở tận Bà Chiểu, Hóc Môn, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Lợi đã đi xe ngựa đến Đài phát thanh Pháp Á để chờ xem dung nhan thần tượng của mình mập hay ốm, cao hay thấp, mặt mày có tươi sáng, đẹp đẽ, hoặc hình dạng có đẩy đà, cân đối...

Cuối thập niên 1940, bộ dĩa đầu tiên được thu thanh là “Bóng Người Kỵ Sĩ” do chính danh ca Thành Công  sáng tác
Cuối thập niên 1940, bộ dĩa đầu tiên được thu thanh là “Bóng Người Kỵ Sĩ” do chính danh ca Thành Công sáng tác
Files photos

Đây cũng là một thiệt thòi cho những ca sĩ thời ấy, đã không có dịp trình diện dung nhan của mình trước khán giả như sau này khi có truyền hình. Trong số những danh ca cổ nhạc không biết mặt ấy có danh ca Thành Công, với bài vọng cổ “Ngân Bình Sơn cúc rũ thu tàn”. Thật ra thì bài vọng cổ ấy do danh ca Thành Công trình bày được thu thanh trong dĩa hát Asia vào năm 1948 có tên là “Bóng Người Kỵ Sĩ”, nhưng do bởi rất nhiều người trong giới đờn ca tài tử đã lấy câu hát mở đầu Ngân Bình Sơn cúc rũ thu tàn, để gọi là bài Ngân Bình Sơn, rồi dần dà mang tên ấy luôn, thậm chí có nhiều người họ còn không biết bài ca có tên “Bóng Người Kỵ Sĩ.”

Những người yêu mến cổ nhạc thuộc lớp tuổi trung niên trở lên, chắc chẳng một ai mà không nghe qua làn hơi ca vọng cổ rặt lối ca tài tử của Thành Công. Làn hơi ca được hàng vạn người mến mộ, nhưng Thành Công chỉ ca đài phát thanh và thu thanh dĩa hát, chớ không có lên sân khấu, do đó mà dù rằng tiếng ca nổi tiếng lẫy lừng, lại rất ít ai thấy được con người bằng xương bằng thịt của Thành Công, kể cả hình ảnh của ông cũng hiếm khi phổ biến trên bao chí nên rất ít người thấy. Riêng tôi, tham gia nhiều nhóm đờn ca tài tử từ năm 1955, đã thuộc lòng bài “Bóng Người Kỵ Sĩ” và từng đi ca ở các đám tiệc, cũng chưa một lần gặp mặt hay nhìn thấy danh ca Thành Công. Cũng nhờ sưu tầm nên có được duy nhứt một tấm hình của ông chụp vào thập niên 1950, và tôi đăng trong mục cổ nhạc nhựt báo Người Việt. Danh ca Thành Công tên thật là Phạm Thành Công, sinh năm 1923, người gốc ở Phong Điền, Cần Thơ. Vốn là một công tử ở miền sông nước Hậu Giang, và cũng như trăm ngàn cậu công tử thời bình ôm mớ chữ nghĩa để chuyên đờn ca làm thú tiêu khiển.

Chiến tranh nổi lên, dân tình loạn lạc, Thành Công lìa bỏ Cần Thơ lên Sài Gòn và sống những ngày khổ cực nhứt đời giữa Hòn Ngọc Viễn Đông. Sau đó thì đi ca hát và bắt đầu nổi tiếng từ khi Việt Nam có đài phát thanh Pháp Á. Tiếng ca mùi rệu của Thành Công đã thu hút hằng bao thính giả nghe đài này vào mỗi buổi trưa. Lúc bấy giờ nhà có radio rất hiếm, nên bà con cư ngụ quanh khu vực chợ Bến Thành, họ thường đổ ra bùng binh trước chợ, ngồi trên băng đá nghe tiếng ca Thành Công phát ra từ chiếc loa gắn trên tàn cây của công viên quanh bùng binh. Làn hơi ca ấy đã cuốn hát bao phái nữ đổ lệ, làm xao xuyến lòng người, lời ca tựa hồ lời than vản của một tâm hồn đa tình vướng khổ lụy. Về sau đài Pháp Á không còn, danh ca Thành Công được mời về Đài phát thanh Quốc Gia làm trưởng ban Thành Công và nghiễm nhiên là danh ca Đài phát thanh Sài Gòn suốt mấy thập niên.

Ca sĩ Khánh Ngọc tài tử đóng vai chính trong cuốn phim Ánh Sáng Miền Nam. Files photos
Ca sĩ Khánh Ngọc tài tử đóng vai chính trong cuốn phim Ánh Sáng Miền Nam. Files photos
Files photos

Khoàng 1957 – 1958 tờ báo Tiếng Dội mở cuộc bầu chọn và Thành Công được bầu “đệ nhứt danh ca đài phát thanh.” Khác với Út Trà Ôn đệ nhứt danh ca, do thiên hạ gọi riết rồi thành danh chớ không có bầu chọn. Thành Công nổi tiếng một phần lớn là do thu dĩa hát, cuối thập niên 1940 nhạc sĩ Hai Long giới thiệu Thành Công với ông Năm Mạnh, giám đốc hãng dĩa Asia ở đường mé sông Chợ Quán, Và bộ dĩa đầu tiên được thu thanh là “Bóng Người Kỵ Sĩ” do chính danh ca sáng tác. Cũng trong bộ dĩa này Thành công đề nghị cắt bớt bài vọng cổ từ 20 câu còn 16 câu... Bộ dĩa “Bóng Người Kỵ Sĩ” ra đời được phổ biến khắp cùng ba miền đất nước, người ta sang Nam Vang bên đất Miên cũng nghe, lên Vạn Tượng trên Lào cũng nghe.

Song song với dĩa hát, cuốn bài ca “Bóng Người Kỵ Sĩ” được phát hành bán khắp các chợ ở thôn quê, thành thử ra dân đờn ca tài tử thời ấy rất nhiều người đã thuộc lòng và đi ca ở các nơi đình đám. Sau bộ dĩa nói trên, Thành Công tiếp tục vô nhiều bộ dĩa khác như: Thoại Khanh Châu Tuấn, Tuyệt Vọng, Tình Ghen Đảo Chúa... và bộ dĩa mà các nhà có giàn máy hát quay dây thiều được bà con yêu cầu hát nhiều lần là bộ dĩa có nhãn tròn màu đỏ mang tên Nguyệt Thu Nga. Người ta rất khó quên đoạn cuối bản Giang Tô do nữ danh ca Ngọc Ánh ca gối đầu để Thành Công vô vọng cổ: Vào nghiệp cầm ca, danh ca Thành Công đã đóng góp cho kho tang cổ nhạc nước nhà những bài vọng cổ quí giá, để đời. Sau 1975 có lẽ do già yếu người ta không nghe thấy Thành Công hoạt động ca hát gì cả. Và ông qua đời năm 1992 tại Sài Gòn.

Những phút còn lại của chương trình tôi nói thêm về tình hình cuốn “100 Năm Cải Lương Việt Nam” vừa phát hành.

Hôm Thứ Bảy tuần trước nhựt báo Người Việt loan tin chính thức phát hành “100 Năm Cải Lương Việt Nam”. Đồng thời cũng chiều ngày hôm ấy ở miền Nam California, người ta nghe được đài Á Châu Tự Do phát đi từ Washington D.C. do các đài địa phương thu rồi phát lại. Tạp chí cổ nhạc đã nói về quyển sách 100 năm cải lương Việt Nam do nhà xuất bản Người Việt vừa phát hành. Do cả hai cơ sở truyền thông có nhiều người nghe, người đọc cùng lúc loan tin nên rất nhiều người biết, và không ít người đã đến các tiệm sách hỏi mua. Một nữ độc giả ở vùng Orange County xem báo thấy hình nữ nghệ sĩ Thanh Nga, bà khen đẹp quá (bức hình này có in trên bìa quyển sách). Bà liền đi ngay vào tiệm sách hỏi mua, thì người trong tiệm lắc đầu: Ở đây chưa có cuốn sách đó! Bà đi đến tiệm sách khác cũng được trả lời như vậy.

Đường Hàm Nghi - Sài Gòn 1967 - Photo by Donald Jellema
Đường Hàm Nghi - Sài Gòn 1967 - Photo by Donald Jellema
Photo by Donald Jellema

Theo lời cô chủ nhà sách thì mấy ngày qua khá nhiều người vào tiệm hỏi mua quyển “100 Năm Cải Lương Việt Nam” nhưng đâu có sách để mà bán. Quyển sách nói trên do nhà xuất bản Người Việt phát hành, nhưng về phần in ấn là do hệ thống Amazon với kỹ thuật tân kỳ của Mỹ. Nhà xuất bản Người Việt nhận sách từ Amazon, do đó mà việc phân phối sách chậm mất gần một tuần. Và hôm nay thì quyển sách “100 Năm Cải Lương Việt Nam” đã có tại tòa soạn nhựt báo Người Việt. Cũng do xưa giờ chưa có cuốn sách nào nói về lịch sử cải lương, giờ đây sách cải lương xuất bản nên mới có hiện tượng bà con đi mua trước khi sách có ở tiệm.

Do đâu mà cả 100 năm không có người viết về lịch sử cải lương? Đó là do bởi cải lương hoạt động cùng khắp, ba miền đất nước từ thành thị đến thôn quê đâu đâu cũng có, nước ngoài cũng có, và cả trong khu kháng chiến cũng có cải lương. Nếu như không theo dõi cải lương hoạt động khắp nơi, thì lấy gì để viết. Mà tập trung hằng bao sự kiện thì vô cùng khó khăn, thành thử ra không có người viết về lịch sử cải lương là vậy.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.