Khi gánh hát xưa di chuyển bằng đường sông

Ngành Mai, thông tín viên RFA
2014.07.12
185801-leThuy-4-305.jpg Nghệ sĩ Trọng Hữu - Lệ Thủy cùng các đồng nghiệp di chuyển đường sông đi hát ở miền Tây.
Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai

 

Ở đất Nam Kỳ vùng châu thổ sông Cửu Long với sông ngòi chằng chịch, nên khi xưa mọi sự di chuyển chủ yếu là đường thủy, người ta dùng ghe thuyền làm phương tiện đi đó đi đây.

Phương tiện rẻ tiền

Thời bấy giờ cũng có đường bộ, nhưng cứ vài cây số lại phải cách khoảng bởi chiếc cầu, mà phần lớn là cầu nhỏ hẹp, xe cộ không thể qua được, đôi khi chỉ vừa cho một người đi, thành thử ra thiên hạ dùng đường sông. Và dĩ nhiên gánh hát cải lương cũng thế thôi, lưu diễn từ nơi nầy đến nơi nọ phải có ghe thuyền, tuy chậm chạp nhưng lại là phương tiện rẻ tiền.

Năm 1917 gánh hát Thầy Năm Tú ra đời bên con sông Tiền Giang, và chỉ hát ở Mỹ Tho chớ không lưu diễn các tỉnh ở miền Tây như nhiều gánh hát sau này. Gánh hát Thầy Năm Tú chỉ thỉnh thoảng dọn lên hát ở rạp Moderne Sài Gòn, và đi bằng xe lửa, bởi lúc bấy giờ từ Mỹ Tho lên Sài Gòn đã có xe lửa đi nhanh, thay vì khi xưa thiên hạ phải đi đường song hoặc xe ngựa.

Vài năm sau đó thì gánh “Tân Đồng Ban” cũng ra đời ở Mỹ Tho, đã có một chiếc ghe bầu vận chuyển toàn bộ gánh hát trên đường sông qua Vĩnh Long, và lần lượt lưu diễn khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh. Lúc gần đến bãi hát, trên ghe dùng loa cầm tay quảng cáo chương trình biểu diễn của gánh hát.

Giữa thập niên 1920, gánh hát Huỳnh Kỳ – Phùng Há của Bạch Công Tử và Má Bảy, cũng dùng 2 chiếc ghe chài làm phương tiện đi lưu diễn. Bạch Công Tử có tên là Phước George, là con quan phủ ở Mỹ Tho, từng du học bên Pháp về. Vì quá mê mệt cô đào Phùng Há nên lập gánh hát và câu chuyện nếu kể ra đây thì rất dài.

Khoảng cuối thập niên 1940, Bạch Công Tử vĩnh viễn ra đi trong cảnh nghèo. Lúc ấy chiến tranh đang diễn ra nên người nhà không đi theo chôn, mà giao cho đạo tỳ đem an táng trong một vườn cây dừa ở Chợ Gạo, Mỹ Tho, ngôi mộ nằm sâu bên trong cách xa con đường Tỉnh Lộ 24 khoảng một cây số. Tôi đã có một lần đến thăm ngôi mộ của ông nhưng quên là ở xã nào, hình như ở xã An Thạnh Thủy thì phải.

Thời kỳ 20 tỉnh Nam Kỳ là thuộc địa Pháp, ông Bầu Lư là bầu cải lương rất nổi tiếng, và người ta không biết ông đã có công trạng gì với chính quyền Pháp mà được ân thưởng cho sợi dây Tam Tài, tức dây đeo huy chương có màu cờ tam sắc, xanh trắng đỏ (cờ Pháp). Bầu Lư nhờ có dây Tam Tài này mà ghe hát của ông đi tới đâu cũng được làng xã địa phương tận tình giúp đỡ.

Gánh hát Bầu Lư chẳng cần có tiền đạo, hay quản lý để chuyên trách việc xin phép, thuê rạp trước khi cho gánh dọn đến. Nhiều khi ghe di chuyển đến một nơi xa lạ mà tất cả người trên ghe, kể cả Bầu Lư cũng chẳng hề biết ở đó là đâu, là làng xã nào, chỉ đoán chừng mà ghé vào thôi.

Bởi vậy khi ghe hát rời bến này để đi đến bến khác, nghệ sĩ và công nhân sân khấu cũng chưa biết rằng mình sẽ đi đâu. Có nhiều khi địa điểm sắp đến xa đến 2, 3 chục cây số, các tay chèo quá mỏi mệt rồi mới lên tiếng hỏi ông bầu, rằng gánh mình sẽ tới hát ở đâu, thì Bầu Lư mới chợt nhớ ra mà rằng: “Ờ, ờ... thì tụi bây cứ thấy ở đâu có cây dương là ghé vào hát vậy, ở đó thiên hạ đang chờ ghe hát mình đến để coi hát”.

Sở dĩ bầu Lư nói như vậy, bởi vì xưa kia ở đất Nam Kỳ Lục Tỉnh nơi nào có đình, miễu là nơi đó có trồng cây dương chung quanh, hoặc nhiều hoặc ít. Tức nhiên ghé nơi có cây dương là ghé chỗ có đình, có miễu rồi, không thể nào hiểu khác hơn được. Rồi thì khi nghe hát cập bến, Bầu Lư mặc áo dài, chích khăn đống, mang dây Tam Tài trước ngực, đến thẳng nhà làng kêu Ban Hội Tề phải gọi dân làng mượn ngựa, mượn ván kê sân khấu cho gánh của ông hát. Và lạ thay Ban Hội Tề tuân lời ông răm rắp. Có lẽ là họ thấy dây Tam Tài đeo trước ngực của ông, mà nghĩ rằng ông có uy thế với nhà nước Pháp. Và cứ như vậy, bầu Lư đi hát tới đâu cũng chẳng thèm xin phép tắt của ai cả.

Nghệ sĩ Út Bạch Lan và Nghệ sĩ Thành Được trong vở Nửa Đời Hương Phấn, ảnh chụp năm 1959.
Nghệ sĩ Út Bạch Lan và Nghệ sĩ Thành Được trong vở Nửa Đời Hương Phấn, ảnh chụp năm 1959.
Courtesy diendancailuongso

Có điều cũng cần nói thêm, Bầu Lư là thân phụ tay đua xe đạp Lê Thành Các (tay đua nổi tiếng khắp Đông Dương, từng được mệnh danh “con phượng hoàng Lê Thành Các”). Cô đào Thanh Hoàng (lúc nhỏ có tên Bo Bo Hoàng) từng trúng giải Thanh Tâm 1965, là con của Lê Thành Cát và đào Ngọc Tín, cả hai từng làm bầu gánh hát. Như vậy đào Thanh Hoàng đã có 3 đời theo nghề hát vậy.

Khoảng 1970 tự nhiên rộ lên phong trào nuôi cút, khiến cho hằng bao nhiêu người tiêu tan tài sản, mang nợ cũng vì nuôi cút. Lúc ấy Lê Thành Cát bị rã gánh hát, thấy thiên hạ chạy theo phong trào nuôi cút, nên đã gom góp vốn liếng và vay thêm nợ để nuôi rất nhiều cút, với hy vọng làm giàu nhanh chóng. Thế nhưng, nào ai học được chữ “ngờ”! Khi cút đẻ trứng thì chẳng có ma nào mua, dù rằng hạ giá gấp chục lần. Vợ chồng Lê Thành Cát vớt vát bằng cách ra Vũng Tàu thuê căn nhà gần rạp Duy Tân mở quán hủ tiếu trứng cút.

Các gánh cải lương ra diễn ở Vũng Tàu, nghệ sĩ gặp ông hỏi thăm vấn đề, thì ông than thở: Cút nó hại tui!

Khó khăn vận chuyển trên sông

Trở lại vấn đề gánh hát di chuyển đường sông, không phải chỉ khi xưa mới có, mà sau 1975 các gánh cải lương ở miền Tây cũng đi lưu diễn bằng ghe thuyền. Hầu hết đoàn cải lương ở miền Tây đều phải trải qua bước đường lưu diễn trên sông nước, không chỉ vận chuyển mà nhiều đoàn đã tận dụng xuồng, ghe đi quảng cáo chương trình mỗi chiều.

Vận chuyển trên sông thật vất vả, nhứt là lên xuống đồ đạc thì anh em công nhân dàn cảnh quá khổ cực, có những bãi diễn xa bến sông, ghe đậu cách cả trăm thước. Rồi có những đêm diễn xong, gặp lúc nước song ròng cạn, đưa đồ đạc xuống là cả vấn đề khó khăn, có khi đến 2, 3 giờ khuya ghe mới nhổ neo rời bến. Và khi đến bến mới thì trời gần sáng, diễn viên, công nhân vì quá mệt mỏi sau đêm diễn và chuyển bến, nên chưa đến nơi họ đã ngủ trên ghe thả hồn theo sông nước. Trường hợp này năm 1996, đoàn cải lương Tháp Mười từ Châu Đốc xuống Cà Mau, trên đường di chuyển, đoàn cho ghe ghé lại một bến, tạm nghỉ, đoàn mệt lã nên ai cũng tìm giấc ngủ, trên nóc ghe chỉ để một ngọn đèn dầu làm hiệu thôi. Sóng nước làm chiếc ghe tròng trành, đèn đổ dầu phựt cháy, khi mọi người hay được chỉ còn biết tìm cách thoát thân, ngọn lửa cháy mạnh cho đến khi ghe từ từ chìm lỉm giữa lòng sông. Tài sản của đoàn thiệt hại gần 95 phần trăm.

Đoàn Bến Tre khoảng năm 1993 phục vụ trong tỉnh nhà, chuyển bến từ Bình Đại đi Chợ Lách vào buổi trưa, gân đến nơi ghe bị sóng lớn ập vào làm mất thăng bằng, nước tràn ngập ghe, phần thì chở nặng nên ghe nhanh chóng chìm giữa lòng sông. Những người bơi giỏi cứu người không biết bơi, tất cả được thoát chết, rồi cùng chính quyền và bà con địa phương trục vớt đồ đạc, âm thanh, phong màn đem lên bờ phơi và sửa chữa. Đến hôm sau thì đoàn lại kéo màn trình diễn và khán giả đến xem ủng hộ rất đông nên cũng đỡ khổ. Cũng không ít những đoàn đã gặp tương tự như Bến Tre.

Có những năm kép Trọng Hữu và đào Lệ Thủy kết hợp đi tăng cường cho các đoàn hát ở miền Tây kiếm khá nhiều tiền (gần 20 đoàn giành giựt để có Lệ Thủy). Do bởi đồng bào ở vùng sông nước xa xôi hiếm khi có dịp thấy tận mắt đôi nghệ sĩ nói trên. Họ thu xếp mọi công việc làm cho ổn, chuẩn bị một số tiền khả dĩ để coi hát, có nhà phải đi vay nợ hoặc bán nông sản dự phòng để lấy tiền đi xem nghệ sĩ tài danh biểu diễn.

Từ chiều, nếu cả gia đình muốn đi coi hát thì phải lo nấu cơm sớm, ăn không kịp thì gói lại mang đến bãi hát tranh thủ kiếm chỗ cho cả gia đình. Đó là chưa kể chuyện mưa nắng hay phải đứng chen chúc, nhón gót cả tiếng đồng hồ để coi hát... Có người ở xa điểm diễn hàng chục cây số phải chèo xuồng đi từ xế để mong kiếm chỗ ngồi tốt. Ở nhiều vùng sông nước, trong đêm diễn ghe, xuồng chiếm dầy đặc cả một khúc sông, với đủ loại ánh sáng tự có được tỏa sáng cả một vùng. Sông nước thôn quê bỗng nhiên rực sáng, huyên náo như ngày hội, mà thật ngày hội cũng chưa chắc đông vui và có sức hút kỳ diệu như thế.

Nói chung dù gặp những khó khăn vận chuyển trên sông, lũ lụt, mưa bão anh chị em nghệ sĩ vẫn cùng sát cánh bên nhau khắc phục hoàn cảnh thiên nhiên để đem đến món ăn tinh thần cho khán giả ở những vùng xa xôi hẻo lánh đó. Bù lại là niềm vui trên sông nước, khi ghe vận chuyển vào ban ngày thì mát mẻ, thỏa thích ngắm cảnh đẹp của những dòng song quê hương vậy.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.