Liên danh Hà Triều – Hoa Phượng tan rã do đâu?

Ngành Mai, thông tín viên RFA
2015.12.26
ha-trieu-hoa-phuong-622.jpg Soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng.
Courtesy photo

“Khi Hoa Anh Đào Nở”

Những ai theo dõi, am tường hoạt động sân khấu cải lương cũng đều biết hai soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng bắt đầu nổi tiếng qua vở hát “Khi Hoa Anh Đào Nở”, được ra mắt khán giả trên sân khấu Thúy Nga vào khoảng 1957.

Nhờ xuất hiện ở thời gian này nên Hà Triều – Hoa Phượng được hưởng quyền lợi 5 phần trăm tổng số thu, có nghĩa tuồng được hát thì được lãnh phần trăm đều đều hằng đêm. Chẳng hạn như tuồng “Nửa Đời Hương Phấn” hát liên tục cả tháng trời, mà đêm nào khán giả cũng nghẹt rạp, thì dĩ nhiên soạn giả vừa được lãnh tiền nhiều do con số khán giả quá cao, mà lại kéo dài suốt cả tháng, không khá sao được.

Nếu như ngược thời gian trở về trước thì người ta sẽ thấy soạn cũng chẳng khá gì, dù rằng tuồng hay, khán giả đông đảo. Ngày xưa, ở mỗi gánh hát, đều có một ông “thầy tuồng” được ăn lương tháng. Thầy tuồng có nghĩa là vừa viết tuồng vừa làm đạo diễn, mà phần đông là bạn thân thiết của chủ gánh, và thời ấy chưa có lệ tiền bản quyền.

Mãi đến khoảng 1925 – 1926, bầu gánh Tân Thinh là thầy Ba Thông mới bày ra chuyện mua một vở tuồng với giá là 80 đồng (tiền Đông Dương thời này khá lớn). Điều ấy có nghĩa là sau khi bán rồi thì soạn giả chẳng còn gì nữa, tuồng có hát bao nhiêu lâu cũng thế, bầu gánh hưởng trọn do bởi mua đứt rồi.

Rồi đến khoảng năm 1928 – 1932, các gánh Thầy Năm Tú, Trần Đắc rất biệt đãi các soạn giả tài giỏi như: Tư Chơi, Năm Châu, Trần Hữu Trang nên trả tiền mỗi vở tuồng là 150 đồng, có làm giấy tờ bán đàng hoàng.

Số tiền đó kể như khá cao, vào thời buổi ấy, bởi có nhiều gánh như Phụng Hảo chỉ trả 120 đồng cho một tuồng như vở hát Đời Cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt của soạn giả Tư Trang. Và nếu tập luôn cho diễn viên sẽ được trả thêm 30 đồng, tức 150 đồng. Tuy vậy không một vở nào hoàn thành mà soạn giả khỏi thiếu nợ bầu gánh, mặc dù số tiền 150 đồng hồi ấy kể cũng nhiều lắm. Nhưng do viết một vở tuồng trên một tháng rưỡi, rồi nghỉ không có lương để tập dợt trên 2, 3 tháng thì lấy tiền đâu mà ăn, không mượn nợ chủ gánh? Bởi vậy tiền nợ cứ chồng chất, dù tuồng hát đi hát lại nhiều lần, thầy tuồng vẫn thiếu hụt là chuyện thường...

Tình trạng gánh Năm Phỉ lúc đó, chỉ đặc biệt soạn giả Tư Trang là được trả 120 đồng cho mỗi vở hát, như tuồng Mộng Hoa Vương, tuồng Lan và Điệp, do bởi mấy tuồng này ăn khách. Còn các soạn giả khác không được trả đồng đều, khi thì 80 đồng, lúc thì 60 đồng. Giá cả rất phức tạp, có thầy tuồng làm giao kèo viết mướn hằng năm, mỗi tháng một tuồng lãnh 60 đồng. Càng đi sâu vào vấn đề, càng thấy phức tạp vì soạn giả ta rất nhiều hạng, hoàn cảnh sinh sống khác nhau, rất ít soạn giả chuyên nghiệp.

Có người phải lệ thuộc chủ gánh, bị bóc lột trắng trợn mà không dám nói ra. Có soạn giả ở ngoài, không thấu đáo rõ rệt phương tiện của mỗi sân khấu, nên phải bán giá thật rẻ, để cho chủ gánh toàn quyền sửa chữa tác phẩm của mình!

Về sau soạn giả Năm Châu đề nghị với bầu gánh Tám Bang cho các soạn giả hưởng huê hồng 5 phần trăm số thu cho 50 lần diễn đầu và từ đó trở đi thì 3 phần trăm. Vấn đề chỉ được áp dụng chỉ một đoàn hát của Năm Châu cộng tác mà thôi, các đoàn khác không có, bầu gánh muốn trả bao nhiêu tùy ý.

Vở Con gái chị Hằng của soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng, với Tám Vân - Thanh Nga - Hữu Phước.
Vở Con gái chị Hằng của soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng, với Tám Vân - Thanh Nga - Hữu Phước.
Photo courtesy of conhacvietnam.com

Mãi đến năm 1956 xã hội sang qua thời Đệ Nhứt Cộng Hòa, các ngành nghề lao động được thành lập nghiệp đoàn, thuộc hệ thống Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam, và nghiệp đoàn nghệ sĩ sân khấu được thành lập. Sau đó thì phân bộ soạn giả trong nghiệp đoàn có nhiều phiên họp tại trụ sở Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu, để quy định mức tối thiểu về tiền bản quyền cho cho soạn giả của tất cả các đoàn hát đang hoạt động là 5 phần trăm. Nhờ đó mà Hà Triều – Hoa Phượng mới được hưởng quyền lợi từ mỗi đêm hát, và bắt đầu làm ăn khá luôn song song với sự nổi tiếng. Chớ nếu như cặp soạn giả này mà xuất hiện trước vài ba năm thì quyền lợi được hưởng cũng chẳng là bao nhiêu.

Cặp soạn giả tài danh Hà Triều – Hoa Phượng sau gần một thập niên viết chung, tên hai người luôn luôn đi đôi, do đó mà cũng có nhiều người tưởng đâu rằng hai người là một. Tuy vậy người ta cũng không thắc mắc làm chi, miễn tuồng hay là được, và thời ấy khán thính giả chỉ chú trọng đến các nhân vật trong tuồng mà thôi!

Nhưng rồi, đến khoảng 1965 thì Hoa Phượng tách ra cùng với Ngọc Điệp viết tuồng Tuyệt Tình Ca, tức Ông Cò Quận 9, và đến lúc nầy thì thiên hạ biết rõ Hà Triều – Hoa Phượng là hai người, chứ không phải một người như đã lầm tưởng trước kia.

Tiểu sử

Hà Triều tên thật là Đặng Ngươn Chúc, quê quán ở làng Vĩnh Tuy, quận Gò Quao, tỉnh Rạch Giá. Còn Hoa Phượng thì tên thật là Lương Kế Nghiệp, sinh trưởng ở vùng Núi Sập, An Giang, nơi có dòng kinh xáng Long Xuyên – Rạch Giá chảy ngang qua. Thời chiến tranh Việt – Pháp cả hai ông đều đi kháng chiến từ lúc còn thư sinh. Hà Triều gia nhập phong trào Thanh Niên Tiền Phong vào những năm đầu kháng chiến ở vùng U Minh Thượng và U Minh Hạ. Còn Hoa Phượng cũng đi kháng chiến ở đất Long Xuyên, Châu Đốc.

Năm 1954 chiến tranh Việt – Pháp chấm dứt, hòa bình lập lại trên đất nước, sự đi lại dễ dàng, Hoa Phượng và Hà Triều rời khỏi bưng biền từ miền Tây lưu lạc lên Sài Gòn tìm sự sống. Hai cậu thanh niên hàn vi áo vải trước Sài Gòn huy hoàng tráng lệ, họ đã không chán nản mà cố gắng vượt qua mọi khó khăn trong buổi đầu để hòa nhập vào, và về sau trở thành soạn giả tên tuổi. Họ gặp nhau khi ở trọ nhà của thi sĩ Kiên Giang ở Chợ Quán, chớ trước đó 2 người không hề biết nhau.

Kiên Giang đùm bọc khuyến khích hai người viết tuồng cải lương, và kể từ đó cả hai có tiền bản quyền bỏ túi xài thoải mái hơn trước đó, bởi nếu không mỗi đêm thì cũng vài ba đêm tuồng được hát là có tiền. Thi sĩ Kiên Giang từng nói rằng Hà Triều – Hoa Phượng như hai dòng chảy hợp lưu thành con sông lớn.

Nếu như sự đời trôi chảy bình thường thì liên danh Hà Triều – Hoa Phượng chắc còn tiếp tục cho ra đời thêm nhiều tuồng cải lương giá trị, mới lạ nữa. Nhưng đến khoảng 1964 – 1965 thì đã xảy ra sự bất đồng giữa hai người, để rồi kết cuộc đưa đến tan rã một liên danh soạn giả một thời làm mưa làm gió ở địa hạt cải lương.

Thế nhưng, thiên hạ cũng không ai biết được cái nguyên nhân mà hai người không còn hợp soạn, do bởi hai ông chẳng hề chính thức tuyên bố lý do. Báo chí có hỏi thì hai anh chỉ cười nói rằng tại vì muốn như vậy thôi!

Nếu như ngược thời gian trở về những năm giữa thập niên 1950 thì Hà Triều – Hoa Phượng còn nghèo, cả hai chưa thấy đam mê thứ gì cả. Nhưng từ lúc nổi tiếng, cộng thêm có nhiều tiền thì mỗi người lại có một tật riêng. Trong khi Hoa Phượng có nhiều vợ thì Hà Triều lại sống độc thân, anh ta không thích đàn bà con gái, mà lại thích ngựa đua, và thích nhậu nhẹt.

Tuy rằng là dân Rạch Giá, Nam Kỳ rặt, nhưng Hà Triều lại rất thích “hạ cờ tây”. Quán cầy tơ ở đầu đường Bùi Chu gần ngã ba Bùi Chu – Hồng Thập Tự là nơi Hà Triều chiếu cố nhiều nhứt, ông thường rủ nghệ sĩ Kim Nguyên đến đây nhậu (nghệ sĩ Kim Nguyên hiện ở San Jose).

Có lẽ do đó mà mà thiên hạ đồn đãi rằng do nhậu cầy tơ nên Hoa Phượng chia tay với Hà Triều chảng. Rồi người ta cũng nói thêm Hoa Phượng có thờ vị Thánh nào đó, mà đối với thánh thần thì rất kỵ nên Hoa Phượng không còn hợp tác soạn tuồng với Hà Triều. Đó là thiên hạ chỉ suy đoán rồi nói với nhau thôi, chớ chưa một ai dám bảo đảm rằng mình biết chính xác. Rồi cũng có người nói hay là do chia chác tiền bản quyền nhiều ít gì đó, hoặc là do một nguyên nhân sâu xa nào mà cả hai chẳng nói ra.

Khoảng 1972 thời kỳ cải lương khủng hoảng trầm trọng, đa số đoàn hát đã rã gánh, thì người ta lại thấy Hà Triều – Hoa Phượng hợp tác làm ăn bằng cách điều động trông nom kỹ thuật cho một đoàn hát nhỏ ở ngoài Trung. Khán giả trông chờ cặp soạn giả nầy cho ra đời tuồng mới, nhưng chờ mãi vẫn không thấy tuồng mới nào của hai ông được ra mắt. Do bởi hai người chỉ hợp tác làm ăn chớ không hợp soạn như ngày nào. Nói rõ hơn là chỉ làm ăn với một hình thức khác, chớ không phải hợp soạn tuồng.

Sau 1975 Hoa Phượng cộng tác với đoàn cải lương Tây Ninh, với chức vụ gì không rõ. Còn Hà Triều năm 1976 là cán bộ của Sở Văn Hóa Thông Tin, tham gia trại sáng tác Vũng Tàu.

Những năm sau cùng của cuộc đời, Hà Triều sống đơn độc ở căn phòng tại chung cư Hưng Đạo. Hà Triều vĩnh viễn ra đi năm 2003, và Hoa Phượng thì qua đời 9 năm trước đó (1994).

Tóm lại việc tan rã liên danh Hà Triều – Hoa Phượng, trong suốt nhiều năm sau người ta cũng không rõ được là do đâu. Hiện nay cả hai đã về với Tổ nghiệp, và mang theo luôn cái nguyên do chia tay của hai anh. Người đời, nhứt là giới mộ điệu cải lương có muốn rõ biết cũng đành chịu thôi!

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.