Nỗi khổ của nghiệp làm bầu gánh hát cải lương

Ngành Mai, thông tín viên RFA
2016.07.09
nguyen-huynh-622.jpg Soạn giả Nguyễn Huỳnh
File photo

3 năm bầu cải lương bằng 10 năm khổ sai

Soạn giả Nguyễn Huỳnh trước khi vào nghiệp cải lương, ông là sĩ quan ở Nha Cảnh Sát Đô Thành, ông thường nói: Nếu tôi làm chánh phủ, thay vì với một phạm nhân nào đó đáng lãnh án 10 năm khổ sai, tôi chỉ bắt nó làm bầu gánh hát ba năm thôi cũng đủ đền tội rồi! Đó là câu nói nửa đùa nửa thật. Nói đùa là để dọa những ai chập rộp muốn làm bầu. Nói thật là tại chính ông cũng đã từng làm bầu năm bảy năm gánh Hoài Dung – Hoài Mỹ, và là soạn giả vở hát Tướng Cướp Bạch Hải Đường, nên đã thắm thía với trách vụ đó.

Thành thật mà nói, ở mỗi đầu óc một đào kép chánh nào lúc làm công cho người cũng đều có nuôi mộng làm bầu. Làm bầu để được tự chủ, làm bầu cho thỏa chí bình sinh, và làm bầu cũng để... dễ vay những món nợ lớn, mà họ cho rằng có phước làm quan có gan làm giàu. Nhưng sự thật thì những đào kép từng một phen làm bầu đã ra sao? Nữ nghệ sĩ tiền phong Bảy Nam vang bóng một thời, bà là thân mẫu của kỳ nữ Kim Cương, và là em của nữ nghệ sĩ Năm Phỉ lừng danh tên tuổi thời thập niên 1930. Nghệ sĩ Bảy Nam từng được mời tham gia ban tuyển chọn giải Thanh Tâm giải Diễn Viên Xuất Sắc, là một trong những thành viên giám khảo từng chấm giải diễn viên xuất sắc cho nghệ sĩ Thành Được, Thanh Nga, Bạch Tuyết, Lệ Thủy... và câu chuyện dưới đây do bà kể lại vào khoảng giữa thập niên 1960, hôm ấy nhằm bữa ban tuyển chọn giải Thanh Tâm họp để chấm điểm hằng năm.

19 tuổi lập gánh hát

Bà bầu cải lương Bảy Nam cùng con gái Kim Cương tại lễ mừng thọ bà 90 tuổi. Courtesy photo.
Bà bầu cải lương Bảy Nam cùng con gái Kim Cương tại lễ mừng thọ bà 90 tuổi. Courtesy photo.

Vào nghiệp cầm ca từ năm 1926, nghệ sĩ Bảy Nam phục vụ sân khấu cải lương suốt bốn thập niên, và trong cuộc đời nghệ thuật, những năm đầu thập 1930 đã làm bầu gánh hát và cũng gian nan vinh nhục với nghiệp làm bầu. Theo bà kể lại thì năm mới 19 tuổi đã dám đứng ra lập gánh hát, dành dụm bao nhiêu vốn liếng đều trút ra để lập gánh, thiếu thốn tới đâu vay nợ tới đó, nữ trang, vật dụng trong nhà có thứ nào cầm thế được là cầm ráo hết.

Trước ngày khai trương là gởi thiệp mời tứ tung, lựa mấy hàng ghế thật tốt mời chính quyền, mời nhà báo, thân bằng quyến thuộc, mời chủ nợ và cả mấy chủ tiệm cầm đồ. Phải mời để rộng đường giao thiệp, mời để đền ơn trả nghĩa, nhứt là để có đông khán giả mới hăng hái trổ hết tài năng, bởi danh dự và được hát là trên hết.

Tin ở tài năng của mình, bà bao gồm hết mọi việc, không phân công cho ai cả, vì ai làm bà cũng không vừa ý, tuồng nào bà cũng lãnh vai chánh, sợ người khác sẽ không đóng vai trò được như mình. Thế mà gánh hát càng ngày càng xuống dốc, khán giả dần dần thưa thớt, thậm chí đến những giấy mời cũng chỉ thấy mấy chị giúp việc nhà, hoặc trẻ nhỏ lên ghế danh dự ngồi coi. Nhiều đêm vắng khách muốn trả vé, nhưng danh dự của gánh hát và của cá nhân, biết ăn nói làm sao đây? Bà nói giá lúc đó mà trời đổ mưa xuống thì khỏe biết mấy! Tình trạng hát ế ẩm ấy làm cho bà mất hết tinh thần, tiền bạc chạy không ra, hát thì không ai coi. Thử hỏi làm sao gánh hát sống được!

Một trường hợp làm bầu khác, đó là hai anh Việt Hùng – Minh Chí, hai chàng này cũng là danh tài một thời làm mưa gió trên các sân khấu lớn. Và cảm thấy đôi bên hát với nhau rất “ăn rơ” cho nên họ cùng ngoéo tay nhau ra trước bàn tổ thề lập gánh, ăn đồng chia đủ, sống chết có nhau.

Ban đầu thì bảng hiệu để Việt Hùng trước, Minh Chí sau. Phen ấy chỉ có hát hai vở rồi không thèm tập tuồng mới nữa nên hết vốn. Đến phen sau bảng hiệu để Minh Chí trước, Việt Hùng sau, cũng chỉ tập vài ba vở rồi mạnh ai nấy xả hơi chơi, khiến cho gánh ngày càng lụn bại.

Thế rồi cái chuyện “cắt tiết ăn thề” của Việt Hùng Minh Chí không có giá trị gì cả. Hai chàng rã hùn và ít khi nhìn nhau. Và cũng từ đó cả hai đàng ta xuống dốc ngó thấy. Lập gánh để mất đoàn kết, và lập gánh để chết luôn tên tuổi là trường hợp của hai anh Việt Hùng, Minh Chí này vậy.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.