Nghị quyết 1325 được coi là văn bản pháp lý và chính thức đầu tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc yêu cầu các bên tham gia xung đột tại các quốc gia phải tôn trọng quyền của phụ nữ và ủng hộ sự tham gia của phụ nữ vào các cuộc đàm phán hòa bình, tái thiết sau xung đột.
Nhân dịp này, tạp chí phụ nữ đã có bài phỏng vấn với bà Anne Marie Goetz, Cố vấn trưởng Quỹ Phát triển của Phụ nữ thuộc Liên Hiệp Quốc, đồng thời là Cố vấn trưởng cho chương trình hòa bình và an ninh của Liên Hiệp Quốc.
Chưa đạt được mục tiêu
Việt Hà: Thưa bà, tháng 10 năm nay, Liên Hiệp Quốc kỷ niệm 10 năm nghị quyết 1325 về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh. Nhìn lại quá trình 10 năm qua, theo bà nghị quyết đã làm được những gì cho phụ nữ và còn điều gì vẫn chưa làm được?
Anne Marie Goetz: Nếu chúng ta hỏi nghị quyết này đã làm được gì cho phụ nữ trong các cuộc xung đột thì chúng ta nhận thấy rằng nó đã không đạt được những mục đích đặt ra lúc đầu là cải thiện sự bảo vệ cho phụ nữ, nhất là trẻ em trong các trường hợp bạo lực, đặt biệt là bạo lực tình dục và giúp phụ nữ trở thành những nhà lãnh đạo trong việc xây dựng hòa bình. Tôi lo là những mục tiêu này vẫn còn xa như là khi nghị quyết này mới được thông qua.
Tuy nhiên, chúng ta cũng đạt được những thành công nhỏ như hiện tại, bạo lực tình dục được coi là một phần của bạo lực từ chiến tranh và từ đó đã có những quy định phản ứng an ninh và chính trị bắt buộc, có nghĩa là đây không còn là vấn đề dành riêng cho phụ nữ. Lực lượng bảo vệ hòa bình đang thay đổi, đã có nhiều phụ nữ là cảnh sát và tham gia vào quân đội và đã có thêm nhiều cách để nhận thấy được dấu hiệu của bạo lực tình dục.
Con số phụ nữ trong các cuộc đàm thoại về hòa bình không tăng trong 10 năm qua và đây là một điều đáng buồn trong nghị quyết 1325. Dù rằng số phụ nữ ngồi trong bàn đàm phán hòa bình không tăng nhưng số người đấu tranh và sự ảnh hưởng của quyền phụ nữ tăng một cách rõ rệt. Trong các cuộc đàm phán về hòa bình, phụ nữ có tiếng nói, đã có sự quan tâm và cấu trúc đáng để lắng nghe.
Việt Hà: Theo bà lý do nào đã khiến nghị quyết này vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra?
Các tổ chức phụ nữ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm được nguồn tài trợ để đấu tranh tại các nước có xung đột.
Anne Marie Goetz
Anne Marie Goetz: Có một số lý do tại sao nghị quyết này chưa thật sự đạt được những mục tiêu đưa ra nhằm mục đích đưa tiếng nói của phụ nữ và sự có mặt của phụ nữ trong việc thiết lập hòa bình. Một số lý do có liên quan đến chiến tranh và các xung đột thường được xem là việc của đàn ông. Thêm vào đó, việc giả định chiến tranh là do đàn ông chiến đấu bởi những người lính nam giới hiện không còn áp dụng được nữa.
Phụ nữ nắm một con số rất lớn trong các chiến dịch liên quan đến chiến tranh. Các cuộc đối thoại hòa bình được xem là chỉ dành cho đàn ông vì giả định là chỉ có đàn ông mới là người đứng đầu của một đảng phái nào đó thì mới có thể có ý kiến về vấn đề hòa bình. Đây là một khó khăn lớn cho việc thành lập hòa bình. Và các thể chế quốc tế ủng hộ nghị quyết về xung đột và xây dựng hòa bình cũng rất “đàn ông tính” dù đang có thay đổi.
Để UN gởi lực lượng gìn giữ hòa bình có phụ nữ tham gia thì chúng ta cần các quốc gia phải có thêm nhiều cảnh sát nữ cũng như phụ nữ trong quân đội. Trong khi tại nhiều quốc gia, chúng ta thấy không có phụ nữ trong quân đội và một số khác có rất ít các nữ quân nhân. Để phụ nữ có ảnh hưởng trong việc bảo vệ, giữ gìn hòa bình thì họ phải có những nhà lãnh đạo giỏi, phải có tổ chức vững vàng.
Sự thật thì rất nhiều quốc gia trên thế giới có các nhà lãnh đạo nữ giỏi, có tổ chức nhưng xung đột có thể gây chia rẽ các tổ chức này, thêm một điều nữa là vấn đề tài chánh. Các tổ chức phụ nữ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm được nguồn tài trợ để đấu tranh tại các nước có xung đột.
Quyền phụ nữ

Việt Hà: Có một vấn đề thường được đề cập tới mỗi khi chúng ta nói về tôn trọng quyền của phụ nữ, đó là rào cản về văn hóa và tôn giáo. Tại các nước như Afghanistan chẳng hạn, phụ nữ vẫn tiếp tục phải chịu những tra tấn, đối xử tàn bạo mà các quy định của Liên Hiệp Quốc dường như không có ảnh hưởng mấy đến tình cảnh của những phụ nữ ở đây. Chúng ta cần phải làm gì đối với những rào cản này tại các nước đang bị xung đột như Afghanistan?
Anne Marie Goetz: Đây là một câu hỏi rất hay, chúng ta đang thật sự phải đối dầu với nhiều quốc gia bảo thủ hay có một nền văn hóa khép kín như Afghanistan và họ cho rằng khi chúng ta ủng hộ quyền phụ nữ, chúng ta lại là những người gây ra xung đột trong chính những quốc gia này. Để trả lời cho câu hỏi hay mối quan tâm này, chúng ta phải hỏi rằng phụ nữ đang muốn gì?
Quyền phụ nữ không phải là một điều gì đó quá mới mẻ. Nếu bạn hỏi cô gái không thể đến trường vì bị tạt acid vào mặt hay một phụ nữ không thể rời khỏi người chồng bạo hành đã cắt chiếc mũi của cô. Bạn hỏi những người phụ nữ đó thì họ sẽ cho biết là một điều rất không công bằng và họ rất muốn có quyền phụ nữ, họ muốn thấy sự công bằng và cuộc sống tốt hơn cho chính họ và con cái họ.
Văn hóa thường hay được dùng để bào chữa cho một vấn đề xã hội và chúng ta phải nghĩ đến là phụ nữ muốn gì. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã ký vào bản tự do nhân quyền nên các quốc gia này phải có trách nhiệm thực hiện những nghĩa vụ đó.
Việt Hà: Đã có 23 nước tham gia ký ủng hộ nghị quyết này, nhưng Liên Hiệp Quốc làm thế nào để có thể giám sát, đánh giá các nước trong việc đảm bảo quyền của phụ nữ như Nghị quyết đã đề ra?
Anne Marie Goetz: Tôi nghĩ là chúng ta có thể hỏi về tinh thần trách nhiệm đối với các nước đã ký nghị quyết 1325. Trong 10 năm mà nghị quyết này có mặt chúng ta thấy được sự lớn mạnh trong con số các nước tham gia. Bây giờ có 23 quốc gia cho các chương trình cấp quốc gia để thực hiện nghị quyết này.
Chương trình cấp quốc gia là các cấp bộ, ban, ngành có liên quan sẽ làm việc chung để đáp ứng được những điều khoản phải thực hiện như đã được ghi trong nghị quyết 1325 như bảo vệ phụ nữ, có các chương trình luyện tập bảo vệ phụ nữ tránh khỏi bạo lực tình dục.
Dù rằng chúng ta thấy là có nhiều nước tham gia nhưng không có chương trình nào quy trách nhiệm cả nếu như các quốc gia này không thực thi các điều trong bản nghị quyết, đây là lý do tại sao Hội đồng Bảo An lần này đã đưa ra các chỉ dẫn. Những chỉ dẫn này sẽ giúp kiểm soát xem các quốc gia có thực thi đúng chức năng của họ không.
Văn hóa thường hay được dùng để bào chữa cho một vấn đề xã hội và chúng ta phải nghĩ đến là phụ nữ muốn gì.
Anne Marie Goetz
Việt Hà: Xin bà có thể giải thích cụ thể hơn về những chỉ dẫn này?
Anne Marie Goetz: Những chỉ dẫn đó có nghĩa là một hệ thống kiểm tra xem nghị quyết có được thực hành theo đúng nghĩa của nó không. Có tổng cộng 26 chỉ dẫn, chúng được dùng để đo lường nhiều mặt của 1325; ví dụ như tại các cuộc đối thoại về hòa bình, có bao nhiêu phụ nữ hiện diện, bao nhiêu phụ nữ có mặt tại các chức vụ cao cấp trong lĩnh vực ngoại giao, quốc gia, tính hiệu quả của các chương trình chống lại tội phạm đối với phụ nữ, bao nhiêu ngân khoản được dành cho chương trình bồi thường cho phụ nữ.
Các chỉ dẫn cũng đo lường nhiều vấn đề khác và rộng hơn có liên quan đến phụ nữ. Những chỉ dẫn này giúp chúng ta biết được chúng ta làm việc như thế nào, nhưng cho đến hôm nay thì vẫn chưa có một hệ thống để đánh giá toàn bộ các số liệu.
Hạn chế vi phạm quyền phụ nữ
Việt Hà: Đối với những nước không đảm bảo được quyền của phụ nữ như Nghị quyết đã nêu thì liệu Liên Hiệp Quốc có xem xét các biện pháp trừng phạt nào hay không?

Anne Marie Goetz: Thật sự thì không có gì để ép buộc các quốc gia phải theo những điều đã buộc của nghị quyết này. Hội đồng Bảo an còn nhiều cách cũng như là có thể dùng biện pháp chế tài đối với các nước không thể phòng ngừa việc xâm phạm quyền phụ nữ, thậm chí là cả cấm vận đối với những nước không thể ngăn chặn những vi phạm quyền phụ nữ nghiêm trọng. Ví dụ như mặc dù chậm nhưng Ủy Ban Cấm vận của Hội đồng Bảo an đang nhắm đến việc áp dụng các cấm vận này cho các bạo lực tình dục đối với phụ nữ, hiện việc này vẫn chưa thành thực tế phổ biến nhưng đang có những bước đi chậm.
Hiện tại đó là biện pháp mạnh duy nhất đối với những vi phạm nghiệm trọng trong nghị quyết 1325. Nhưng tôi có thể nói là Hội đồng Bảo an đang trở nên năng động hơn đối với vấn đề này, hiểu vấn đề này hơn, và đã có nhiều hành động hơn để hỏi tại sao không có nhiều phụ nữ hơn trong các đàm phán hòa bình, tại sao không có biện pháp nào được thực hiện để ngăn chặn những vi phạm về quyền phụ nữ.
Ở một số nước có xung đột, hội đồng bảo an trong khả năng của mình có thể yêu cầu sự can thiệp của đội quân gìn giữ hòa bình, nếu quyền của phụ nữ bị vi phạm. Nhưng có một thực tế là đội quân gìn giữ hòa bình này không thể xảy ra nếu nước đó không chấp nhận sự có mặt của đội quân này. Và các nước có thể từ chối và họ vẫn đang làm vậy.
Ở một số nước có xung đột, hội đồng bảo an trong khả năng của mình có thể yêu cầu sự can thiệp của đội quân gìn giữ hòa bình, nếu quyền của phụ nữ bị vi phạm.
Anne Marie Goetz
Cho nên đây vẫn là một vấn đề cần phải giải quyết.
Việt Hà: Vậy Liên Hiệp Quốc có đề những mục tiêu cụ thể sẽ đạt được sắp tới trong vòng 5 hay 10 năm tới đối với quyền của phụ nữ và vai trò của họ trong các cuộc đàm phán hòa bình và tái thiết sau xung đột?
Anne Marie Goetz: Chắc chắn là có, trong vòng 5 năm chúng tôi hy vọng và rất tin tưởng là sẽ có nhiều phụ nữ được chỉ định là những người dàn xếp chính cho các cuộc đàm phán hòa bình, trong lịch sử của UN chưa từng bao giờ có một người như vậy là phụ nữ trong các cuộc đàm phán hòa bình, và đó là vấn đề lớn cần phải thay đổi. Chúng tôi trông đợi có nhiều phụ nữ hơn tham gia đội quân gìn giữ hòa bình trong tất cả mọi vị trí, cảnh sát, quân đội, và dân sự. Chúng tôi trông đợi những kỹ thuật tốt hơn trong việc phát hiện và ngăn chặn sự lan tràn của những bạo lực tình dục có hệ thống. Và trong 5 năm tới chúng tôi mong sự gia tăng đáng kể những truy tố đối với những bạo lực tình dục xảy ra do xung đột.
Trong 5 năm tôi chúng tôi mong là có một hệ thống tinh vi hơn để chi trả các chi phí và các khoản khác cho phụ nữ bị ảnh hưởng bởi những bạo lực trong xung đột. Cho nên chúng ta sẽ thấy có những thay đổi, mọi cái đều đang chuyển biến nhanh chóng và tôi muốn thấy sức mạnh tăng cường đối với phong trào hòa bình của phụ nữ trên tòan thế giới.
Việt Hà: Xin cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này