Vấn đề bất bình đẳng giới

Diễn đàn Kinh tế thế giới vừa công bố bản báo cáo về sự cách biệt giới năm 2010. Báo cáo so sánh những số liệu về cách biệt giới tại các nước trong suốt năm năm qua.

0:00 / 0:00

Bản báo cáo lần này cho thấy đã có những tiến bộ rõ nét tại nhiều nước nhưng đồng thời cũng cho thấy sự tụt dốc ở một số nước khác thể hiện sự bất bình đẳng giới.

Việt Nam cũng là một trong 134 nước nằm trong bảng xếp hạng năm nay.

Tạp chí Phụ nữ tuần này xin được giới thiệu với quý thính giả về những kết quả đáng chú ý của báo cáo năm nay.

Vẫn còn cách biệt lớn

Người ta thường nói phụ nữ chiếm hơn một nửa bầu trời để chỉ ra tầm quan trọng của người phụ nữ. Trong thế giới ngày nay, vai trò của người phụ nữ đang ngày càng được khẳng định không chỉ bó hẹp ở trong gia đình mà cả ngoài xã hội. Trong khi những bất bình đẳng giới tại nhiều nơi trên thế giới này đang dần dần được thu hẹp, thì người ta cũng thấy những cơ hội được phân chia giữa nam và nữ tại một số nước vẫn có một cách biệt khá lớn thể hiện sự bất bình đẳng giới.

Ông Klaus Schawb, Chủ tịch của Diễn đàn kinh tế thế giới nói rằng ‘những cách biệt về giới nhỏ dẫn đến khả năng cạnh tranh kinh tế cao. Phụ nữ và các em gái cần phải được đối xử công bằng nếu quốc gia muốn thịnh vượng’.

Để đánh giá sự bình đẳng giới trên toàn cầu, bản báo cáo về cách biệt giới 2010 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đo lường sự phân chia cơ hội học tập, chăm sóc y tế, tham gia vào các ngành kinh tế và hệ thống chính trị giữa nam và nữ tại 134 nước, không phân biệt đó là nước giàu hay nghèo, phát triển hay kém phát triển.

Những cách biệt về giới nhỏ dẫn đến khả năng cạnh tranh kinh tế cao. Phụ nữ và các em gái cần phải được đối xử công bằng nếu quốc gia muốn thịnh vượng.

Ông Klaus Schawb

Bản báo cáo năm nay cho thấy đã có một số tiến bộ đáng kể trong suốt 5 năm qua. Những khoảng cách về cơ hội được học tập được tiếp cận dịch vụ y tế đã được dần thu hẹp tại nhiều nơi. Tuy nhiên, khoảng cách về cơ hội được tham gia vào các ngành kinh tế, được tham gia vào hệ thống chính trị vẫn chưa có nhiều cải thiện.

Bà Saadia Zahidi, Phụ trách chương trình Diễn đàn các nhà lãnh đạo nữ và chương trình bình đẳng giới, đồng tác giả của bản báo cáo cho biết:

"Nhìn vào các dữ liệu của bản báo cáo năm nay, chúng tôi thấy có một số điểm đáng chú ý. Đó là sự cách biệt về cơ hội tiếp cận với giáo dục và dịch vụ y tế đang dần được khép lại. Tuy nhiên sự cách biệt về cơ hội được tham gia vào các ngành kinh tế mới chỉ đóng được 59%, và tham gia vào hệ thống chính trị chỉ đóng được 19%."

Điểm đáng chú ý trong bản báo cáo năm nay là những tiến bộ không chỉ có ở các nước vốn luôn đứng đầu bảng xếp hạng về bình đẳng giới, mà còn ở các nước vốn bị xếp ở gần cuối bảng.

Bà Zahidi nói tiếp:

"Trong số các nước đã khép lại được sự cách biệt, chúng tôi tìm thấy một số điểm khích lệ. Đó là không chỉ những nước đứng đầu bảng đã có những thay đổi lớn. Không chỉ có Iceland, Phần Lan hay Nauy, mà còn cả những nước ở gần cuối bảng cũng có những thay đổi lớn. Ví dụ điển hình là 2 nước Ả rập Saudi và các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Ả rập Saudi đã khép lại được cách biệt về giáo dục. Còn các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất đã khép lại được cách biệt về kinh tế."

Theo bà Zahidi, trong khi có đến 86% số nước đã và đang đóng lại một cách đáng kể những cách biệt giới, thì vẫn có đến 14% các nước sự cách biệt này lại mở rộng hơn. Điển hình là Mali ở châu Phi và Elsavador tại Nam Mỹ.

Tại châu Á, sự khác biệt giữa các nước là rất lớn. Trong báo cáo lần này, Philippine được xếp vào 1 trong 15 nước đầu bảng cùng với các nước Bắc Âu khác. Thế nhưng, cũng tại châu Á, những nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc lại bị xếp hạng rất thấp, thậm chí còn thấp hơn cả Việt Nam.

Do cách biệt văn hóa

Saadia_Zahidi-commons.org-200.jpg
Bà Saadia Zahidi, phụ trách chương trình Diễn đàn các nhà lãnh đạo nữ và chương trình bình đẳng giới. Photo courtesy of commons.org (Bà Saadia Zahidi, phụ trách chương trình Diễn đàn các nhà lãnh đạo nữ và chương trình bình đẳng giới. Photo courtesy of commons.org)

Trong bảng xếp hạng năm nay, Việt Nam xếp hạng thứ 72 trong 134 nước, thấp hơn 1 bậc so với năm 2009 và 4 bậc so với năm 2008. Nguyên nhân một phần là do số lượng nước được xem xét năm nay tăng lên, và một phần là sự tụt dốc của một vài các yếu tố khác liên quan đến giáo dục và kinh tế.
Nhật Bản năm nay xếp hạng thứ 94. Thứ hạng của nước này vào năm ngoái là 101. Theo bà Zahidi, những nguyên nhân khiến Nhật Bản và Việt Nam bị xếp hạng thấp trong báo cáo lần này là hoàn toàn khác nhau.

"Vấn đề với Nhật Bản là mặc dù cách biệt về phần y tế và giáo dục đã khép lại từ nhiều năm về trước nhưng việc tham gia vào các ngành kinh tế của phụ nữ vẫn còn rất thấp. Còn ở Việt Nam thì hầu như là ngược lại. Cách biệt về giáo dục tại Việt Nam vẫn chưa thực sự được đóng lại. Nói ví dụ ở giáo dục tiểu học, tỷ lệ các em nữ đi học là 90% còn nam là 95%. Tỷ lệ này so với thế giới là khá lớn. Chính vì thế Việt Nam xếp hạng 86 trong lĩnh vực này. Trong khi đó việc tham gia vào các ngành kinh tế của phụ nữ Việt Nam lại khá tốt. tỷ lệ này ở nữ là 74% và nam là 81%."

Nghiên cứu này phần nào cũng phản ánh kết quả trong một nghiên cứu hồi đầu năm nay của GlobeWomen về số phụ nữ tham gia vào ban lãnh đạo của các công ty.

Theo bản báo cáo 2010 của GlobeWomen, rất nhiều các công ty tại châu Á không có giám đốc nữ hoặc có tỷ lệ giám đốc nữ rất thấp, đặc biệt là tại các nước như Nhật bản và Hàn Quốc. Bà Irene Natividad, Chủ tịch GlobeWomen giải thích nguyên nhân là do vấn đề văn hóa. Bà nói:

"Một phần là do nguyên nhân văn hóa. Ví dụ ở Nhật Bản, người ta thường có xu hướng lấy người từ những lãnh đạo cao cấp từ ban giám đốc và có rất ít người giữ chức vụ này tại Nhật Bản. Họ có nhiều phụ nữ làm việc trong nhà máy, ở các cấp lãnh đạo tầm trung nhưng không phải ở mức cao hơn và điều này cần phải thay đổi."

Bà Natividad ca ngợi Việt Nam vì tỷ lệ nữ tham gia vào hàng ngũ lãnh đạo của các công ty và bộ máy chính trị.

"Việt Nam là một trường hợp đặc biệt. Họ có các nghiên cứu về các công ty về sự đa dạng hóa trong ban điều hành công ty. Họ có Phó Chủ tịch nước là phụ nữ."

Trong khi đó, theo báo cáo năm nay của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, mặc dù cơ hội tham gia vào các ngành kinh tế và hệ thống chính trị của Việt Nam luôn là điểm mạnh trong các năm nhưng lại không có những bước tiến rõ rệt nếu so sánh số liệu trong 5 năm từ 2006 đến 2010. Bà Zahidi giải thích:

"Khi chúng ta nhìn vào số liệu 5 năm qua, ta thấy tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các ngành kinh tế vẫn là điểm mạnh của Việt nam so với thế giới, nhưng năm nay yếu tố này có một sự tụt dốc nhỏ. Nếu nhìn vào bình đẳng lương, yếu tố này cũng đang tụt dốc, cá biệt về lương giữa nam và nữ cũng đang mở rộng. Yếu tố phụ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo trong suốt 5 năm qua tại Việt Nam cũng không thấy có sự tiến bộ nào."

Nếu nhìn vào bình đẳng lương, yếu tố này cũng đang tụt dốc, cá biệt về lương giữa nam và nữ cũng đang mở rộng.

Bà Saadia Zahidi

Năm 1980, Việt Nam là một trong 6 quốc gia đầu tiên trên thế giới ký công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (gọi tắt là CEDAW). Theo bà Vương Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ, Giáo dục và Nâng cao Năng lực Phụ nữ cho biết hiện Việt Nam chuẩn bị xây dựng chiến lược quốc gia về bình đẳng giới cho đến năm 2020.

Thông điệp mà các tác giả của bản báo cáo năm nay muốn gửi tới chính phủ đó là phải tăng cường hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của bình đẳng giới, vì đảm bảo bình đẳng giới cũng chính là đảm bảo quyền cơ bản nhất của con người. Các tác giả cũng mong muốn những thành công ở các nước được nhắc tới trong bản báo cáo năm nay sẽ được các nước khác tiếp thu trong quá trình xóa bỏ dần những cách biệt giới trong quốc gia mình.

Theo dòng thời sự: