Những người phụ nữ Việt Nam thầm lặng
2010.01.05
Công bằng và nhân ái
Nhiều người hẳn vẫn không quên hình ảnh cô luật sư trẻ xinh đẹp Lê Thị Công Nhân, thành viên Đảng Thăng tiến bị chính quyền kết án 4 năm tù và 3 năm quản chế. Không ít người khâm phục cô về khí phách, và lòng dũng cảm của cô với câu nói nổi tiếng ‘sống thế nào thì sống vẫn phải giữ lòng tự trọng và lương tâm của mình. Chỉ có lương tâm và lòng tự trọng của tôi nói với tôi rằng: không bao giờ đầu hàng’.
Tất nhiên, đối với chính quyền thì cô bị coi là ngoan cố khi
kiên quyết không thừa nhận tội gán cho mình là ‘hoạt động tuyên truyền chống
phá nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt nam’. Vậy điều gì đã tạo nên một Lê Thị Công
Nhân như vậy? câu trả lời nằm ở người mẹ của cô, bà Trần Thị Lệ.
Là người chứng kiến những thăng trầm của đất nước dưới cả hai chế độ, nếm trải mọi vui buồn, bà luôn ước ao được sống dưới một xã hội công bằng và nhân ái, và đó chính là nguồn gốc của cái tên Công Nhân.
Bà Lệ sinh ra và lớn lên ở Sài gòn, nay gọi là thành phố Hồ Chí Minh. Bà kể tuổi thơ của bà không giàu có gì nhưng khá êm đềm cho đến ngày 30 tháng 4 khi cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc chấm dứt. Những thay đổi trong cuộc sống xã hội và kinh tế đã khiến gia đình bà trở nên nghèo khó. Tiền tử tuất của người cha làm việc trong ngành cứu hỏa của chính quyền trước giờ bị chính quyền mới cắt bỏ.
Người mẹ phải tần tảo bươn trải nuôi các con. Bà Lệ phải giúp mẹ từ sớm để gánh vác gia đình. Cả nhà phải chuyển về Gò Công để sinh sống. Và cũng chính tại đây bà sinh Công Nhân vào năm 1979. Là người chứng kiến những thăng trầm của đất nước dưới cả hai chế độ, nếm trải mọi vui buồn, bà luôn ước ao được sống dưới một xã hội công bằng và nhân ái, và đó chính là nguồn gốc của cái tên Công Nhân.
Trần Thị Lệ:“Trong một chế độ người ta gọi là lý lịch trị, cái gì người ta cũng dựa vào lý lịch để xem người này thuộc phần nào, họ gọi là đấu tranh không giai cấp mà phân biệt giai cấp kinh khủng. Những điều trong xã hội phải có những yếu tố để xã hội công bình và nhân ái thì tôi không thấy có điều ấy.
Đó là điều tôi ước mơ có trong xã hội. Người Việt mình làm gì cũng phải có lý, tình đó là sự nhân ái và lý là công bằng. Nên tôi mang ước vọng đó để đặt tên cho Công Nhân là viết tắt của công bằng và nhân ái.”
Bà Lệ cho rằng cái tên này cũng như là số mệnh định trước của Công Nhân trên con đường đi tìm công bằng trong xã hội. Những định hình trong suy nghĩ của Công Nhân phần nào cũng chịu ảnh hưởng từ những điều mà người mẹ cô dạy.
Trần Thị Lệ: “Bản thân tôi là người sống cũng hơn 20 năm dưới chế độ Việt Nam cộng hòa, và sau này là dưới chế độ này nên mình cũng biết và so sánh. Rồi mình có học trong nhà trường những vấn đề lịch sử. Bây giờ khi mà dạy Công Nhân học thì cũng có sự khác biệt vì thế mà tôi hay bàn luận và nói thêm với Công Nhân.
Tôi cũng có một quan niệm là dạy con thì để con có sự tự do trong tư duy của mình chứ không ép buộc. Tôi đưa ra vấn đề thôi còn Công Nhân tự mình hiểu.”
Rồi đến khi Công Nhân quyết định dấn thân vào con đường đấu tranh cho dân chủ, cô đã tâm sự với bà Lệ, vì với cô, bà cũng như là một người bạn lớn. Bà Lệ hiểu được những điều mà Công Nhân ấp ủ vì từ nhỏ cô luôn là người muốn đấu tranh cho sự công bằng. Nhưng bà cũng hiểu rằng đó là con đường khó khăn vô cùng, nhất là đối với một cô gái trẻ mới chưa đầy 30 tuổi. Là một người mẹ, bà lo lắng cho hạnh phúc gia đình của Công Nhân sau này và còn lo lắng hơn nữa khi nghĩ cô bị tù tội hoặc bị thủ tiêu.
Tuy thế bà đã không ngăn cô theo đuổi con đường mà mình đã chọn, bà ủng hộ cô tham gia đấu tranh bất bạo động để kêu gọi dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Bà nhìn thấy ở Công Nhân, giấc mơ tranh đấu cho một xã hội công bằng đang được thực hiện.
Trần Thị Lệ: “Tôi rất tự hào vì những gì Công Nhân làm. Công Nhân đấu tranh bất bạo động là điều cần thiết để xã hội tiến lên chứ không thể mãi thế này được. Tôi chỉ biết là khi mình không làm được gì là do tầm của mình, năng lực của mình không có. Tâm có mà năng lực thì không, nên tôi đành sống theo mọi người trong xã hội này.
Nhưng tôi mơ mộng xã hội hoàn toàn khác. Tôi chỉ dám mơ thôi. Ở Việt Nam làm cái gì là chết. Bây giờ Công Nhân làm chuyện này, tôi nghĩ chả nhẽ sông mãi thế này sao? Không thể sống mãi thế này, phải thay đổi. Công Nhân tham gia đấu tranh thì tôi nghĩ là nhà nước này phải thay đổi thôi. Cái gì là chân lý thì vẫn là chân lý.”
Cuộc sống trong gia đình bà đã gặp không ít khó khăn do Công Nhân bị công an theo dõi, rồi bị bắt và xét xử. Hàng xóm láng giềng sống trong cùng một khu phố tránh mặt bà khi tình cờ gặp bà ở cầu thang. Thậm chí việc dạy tiếng Anh của bà để kiếm thêm thu nhập hàng tháng cho đồng lương công chức ít ỏi cũng bị ảnh hưởng.
Một số phụ huynh đã từ chối để con mình theo học tiếng Anh do bà dạy, lấy lý do phải học ở trường. Nhưng bà hiểu và chấp nhận điều đó vì theo bà mỗi người có những nỗi lo riêng cho cuộc sống gia đình của họ. Giờ đây bà chỉ biết sống vì con vì cháu.
Bà vẫn đi thăm Công Nhân hàng tháng và mong chờ ngày cô mãn hạn tù vào ngày 6 tháng 3 tới.
Vẫn tin vào công lý
Một người phụ nữ khác mà tạp chí phụ nữ kỳ này muốn nói đến là chị Nguyễn Thị Thơm ở Thái Bình, vợ cựu trung tá Trần Anh Kim, người vừa bị kết án 3 năm 6 tháng tù và 3 năm quản chế. Chị là người dám lên tiếng mạnh mẽ bênh vực cho chồng mình khi bị bắt và kể cả sau phiên tòa xét xử.
Nhiều người bảo với chị là cuộc chiến của chồng chị không khác gì trứng chọi với đá, nhưng chị vẫn tin vào những việc chồng mình làm, tự hào về ông và ủng hộ ông hết mình.
Chị Thơm lập gia đình với ông Kim năm 2004. Trước khi quyết định kết hôn, chị cũng có nhiều người tìm hiểu. Bản thân chị cũng hiểu được hoàn cảnh của ông Kim lúc đó là người tham gia phong trào đấu tranh dân chủ. Gia đình và bạn bè, có người ủng hộ chị vì cho rằng ông Kim là người tốt, đã được tôi luyện trong quân đội. Nhưng cũng có người không đồng ý vì lo lắng cho cuộc sống gian truân mà chị sẽ có khi sống chung với ông.
Nguyễn Thị Thơm: “Khi em lấy anh Kim thì em biết lý lịch và con người anh Kim. Anh trưởng thành trong quân đội Việt nam. Bạn bè và gia đình bảo là, khi một con người được huấn luyện trong quân đội thì họ phải trải qua bao khó khăn, thăng trầm, mà người ta tiến lên được và rèn luyện được như thế thì là người tốt thôi. Bạn bè đánh giá như thế, và bản thân em cũng đánh giá thế.
Nhưng cũng có nhiều người trong gia đình, bạn bè thì không đồng ý, người ta nói thứ nhất tuổi tác chênh nhau, thứ hai là điều kiện khó khăn như thế thì lấy nhau không được thuận lắm cho cuộc sống và sẽ vất vả. Người ta cũng e ngại và không muốn đồng ý, cả bạn bè anh Kim cũng thế, nhưng chúng em vẫn quyết định lấy nhau.”
Những khó khăn đầu tiên mà chị Thơm gặp phải đó là thu nhập trong gia đình rất eo hẹp. Ông Kim dù là cựu trung tá nhưng không đồng ý nhận mức lương sai lệch mà chính quyền cấp cho ông. Cả nhà chỉ trông chờ vào mức lương công nhân ít ỏi của chị ở nhà máy may xuất khẩu và khoản 550,000 đồng tiền thương binh hàng tháng của ông.
Không những thế ông Kim thường xuyên bị công an bao vây, triệu tập, rồi bắt bỏ tù. Cuộc sống vợ chồng giờ đây lại chịu cảnh xa cách. Từ ngày ông Kim bị bắt vào tháng 6 năm ngoái đến nay, chị chỉ được gặp ông một lần ngắn ngủi ở trại giam và một lần khác tại phiên tòa hồi cuối tháng trước. Nhiều người nói với chị, ‘chị lấy anh Kim là khổ rồi’ thì chị bảo ‘Cuộc sống nó như thế, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà một cảnh. Và mỗi người có một chí hướng khác nhau’.
Tất nhiên, cũng có lúc chị chạnh lòng khi nhìn những gia đình xung quanh có vợ chồng sum họp. Chị nói, “Tất nhiên em cũng suy nghĩ khi nhìn những cảnh gia đình người ta được sum họp bình an. Người ta vui vẻ và sướng hơn mình. Em nghĩ về gia đình em gặp những cái không bình thường, cuộc sống thì bị chia ly, xa cách nhau thế này.”
Nhưng rồi chị lại nghĩ, “Mà mình hiểu đựơc chồng mình, mình đã chấp nhận lấy chồng mình thì mình phải vượt qua và phải gánh chịu những hậu quả, khó khăn đến với mình. Nhưng mà trong lòng em cũng có lúc buồn vì em thương chồng em là chính.
Chồng em là người tốt mà bây giờ ở chốn lao tù như thế khi tuổi đã cao rồi, em rất thương anh, thương nhiều lắm. Em nghĩ về khó khăn của mình và gia đình mình thì em cũng thấy bình thường, vì chồng mình, và vì các lẽ chồng mình đi đòi chính đáng nên em chẳng có gì mà ân hận và buồn. Chỉ thương chồng mình nhiều lắm thôi.”
Khi ông Kim bị bắt và xét xử kết tội âm mưu lật đổ chính quyền, báo chí trong nước gọi ông là kẻ phản động, thì chị vẫn một mực tin chồng mình là người đấu tranh cho công lý, công bằng, và nhân quyền. Nhiều người bảo với chị là cuộc chiến của chồng chị không khác gì trứng chọi với đá, nhưng chị vẫn tin vào những việc chồng mình làm, tự hào về ông và ủng hộ ông hết mình.
Mơ ước cho năm mới
Năm mới đã đến với mọi nhà, mang đến những hy vọng mới và mong ước. Bà Lệ và chị Thơm cũng có nhưng kế hoạch và mong ước cho một năm mới đối với những người thân yêu của mình còn trong chốn lao tù.
Trần Thị Lệ: “Còn vài tháng nữa thì Công Nhân ra tù. Chỉ còn 2 tháng nữa, ước vọng thì nhiều lắm, nhưng tôi chỉ muốn nói là khi Công Nhân về thì sẽ gặp nhiều khó khăn của 3 năm quản chế, 3 năm như tù giam tại gia, sẽ có nhiều khó khăn cho gia đình. Đi đâu hay làm gì cũng khó, và như thế thì Công Nhân sẽ đấu tranh ở mức độ nào đó mà tôi nghĩ là phù hợp, và gia đình tiếp tục đối phó với những khó khăn sắp đến.
Bây giờ tôi sống vì con vì cháu nhiều nên kế hoạch tôi chả có gì, chỉ có kế hoạch đầu tiên là chữa bệnh cho Công Nhân. Tìm bác sĩ và bệnh viện chữa bệnh mà Công Nhân có trước khi đi tù và trong thời gian ở tù.”
Được biết Công Nhân bị bệnh viêm mũi dị ứng, khớp và mắt. Do điều kiện trong tù không được thăm khám đầy đủ nên có bệnh nặng thêm. Nhưng theo bà Lệ thì sức khỏe của Công Nhân tương đối ổn định.
Còn chị Thơm, trong năm mới, chị cũng mong ước, “Mong muốn đối với gia đình em thì em muốn có đủ nghị lực và tự an ủi bản thân mình để vượt lên mọi khó khăn trong cuộc sống, để mình không làm được những việc giúp đỡ chồng mình trong việc chính trị, cất lên tiếng nói, thì cũng giúp được tinh thần, động viên và hiểu được chồng mình là con người tốt và an ủi chồng mình trong giai đoạn chồng mình đang gặp khó khăn này.”
Còn rất nhiều những người mẹ, người vợ của những nhà đấu tranh dân chủ khác vẫn đã và đang là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho những người thân yêu của mình trong chốn lao tù hay dấn thân tranh đấu vì lý tưởng của họ. Trong khuôn khổ giới hạn của tạp chí, chúng tôi xin phép chỉ được giới thiệu hai trong số họ nhân dịp này. Xin chúc các mẹ, các chị một năm mới nhiều nghị lực và sức mạnh để vượt qua những khó khăn trước mắt.