Mong ước có con của phụ nữ
2010.02.02
Có con không dễ
Đã vài tháng nay, vợ chồng chị Trần Thị Lan ở Hà nội bận rộn tíu tít với cậu con trai mới sinh được 5 tháng kháu khỉnh, đứa con mà vợ chồng chị đã phải chờ đợi gần 11 năm trời.
Lấy chồng từ khi còn khá trẻ, lúc mới 24 tuổi lại thấy
khoẻ mạnh bình thường, vợ chồng chị Lan cứ nghĩ chuyện có con cái là dễ dàng. Họ
kế hoạch năm đầu để lo làm ăn. Nhưng đến hai năm sau đó, khi cả hai đều mong chờ
đưa con đầu lòng thì lại không đậu. Đi khám, bác sĩ bảo chị kinh nguyệt không đều
nên thụ thai khó.
Hồi đầu mình chữa chậm, thấy bạn bè có hết rồi mà mình chưa có, lắm khi về có hai vợ chồng nghĩ cũng buồn. Sau thì bảo bây giờ mình cũng đã cố gắng hết rồi thì chả biết làm sao, chấp nhận số phận.
Chị Lan
Theo bác sĩ Nguyễn Việt Tiến, Giám đốc bệnh viện phụ sản trung ương thì mỗi năm trung bình bệnh viện tiếp nhận khoảng 5,000 cặp vợ chồng đến điều trị vô sinh. Các điều tra cho thấy tỷ lệ vô sinh trong độ tuổi sinh đẻ của Việt nam là vào khoảng từ 13% đến 15%. Trong số các cặp vô sinh thì tỷ lệ vô sinh do vợ chiếm khoảng 40%.
Thế nhưng, đối với đa phần các cặp vợ chồng bị mắc chứng vô sinh, sức ép tâm lý là rất lớn, cả từ trong gia đình lẫn ngoài xã hội. Chị Lan kể diễn tiến tâm lý mà chị phải trải qua suốt 11 năm như sau: “Hồi đầu mình chữa chậm, thấy bạn bè có hết rồi mà mình chưa có, lắm khi về có hai vợ chồng nghĩ cũng buồn.
Sau thì bảo bây giờ mình cũng đã cố gắng hết rồi thì chả biết làm sao, chấp nhận số phận. Hồi xưa mọi người hỏi thì hay ngại. Cách đây vài năm mọi người hỏi thì mặt trơ ra, bảo là bao giờ cháu xây được nhà 10 tầng thì cháu đẻ.”
Có người thì chọn cách nói dối, như chị Nguyễn Phương Dung, 34 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh, người đã 10 năm chạy chữa mà chưa có con: “Nói chung tâm lý của em nhiều lúc đi ra ngoài đường, mình biết mình không có con, mình cũng buồn.
Nhiều lúc ra ngoài đường, người ta cứ hỏi là có mấy con, mình khó chịu lắm. Tầm này tuổi đầu mà chưa có con thì rất là kỳ, nên cứ phải nói dối là cháu có đứa 10 tuổi hay gì gì đó.
Bây giờ bạn bè nó hỏi nhiều lắm. Nhiều lúc em ra Hà nội, bạn bè con đàn cháu đống, một đống luôn, nhiều lúc người ta hỏi mình không biết trả lời sao.”
Trên thực tế, có không ít chị sau khi phát hiện vô sinh, chạy chữa nhiều năm mà chưa có con, phải chấp nhận bỏ chồng. Có người do thương chồng vì mình mà không có con. Có người thì do sức ép từ gia đình nhà chồng muốn có cháu nỗi dõi tông đường, mà phải ly dị.
Có đến các phòng khám chữa vô sinh mới thấy nhiều hoàn cảnh khác nhau. Chị Lan kể: “Nhiều người buồn lắm, nhiều hoàn cảnh lắm. Người ta quyết tâm cực kỳ, có chị 40, 50 tuổi vẫn chữa. Chữa bình thường nhưng không được, họ dằn vặt kinh khủng. Tóm lại mình cân bằng được, chứ nhiều người không cân bằng được thì suy nghĩ nặng nề.
Thứ hai nữa là tác động tâm lý gia đình hai bên. Ví dụ nhà chồng căng thẳng thì hai người không ở được với nhau. Nhiều khi vợ chồng vẫn yêu nhau, nhưng bố mẹ, anh em chồng không động viên giúp đỡ mà lại cứ kiểu phá ngang bảo chồng phải đi lấy vợ 2 thì người ta khó khăn.
Đi các nơi, chữa các loại mánh khoé. Họ bảo gì làm nấy. Ai mách gì làm thế. Tại vì kinh tế trung bình nên mình không thể làm kiểu cao siêu cỡ đi nước ngoài chữa, tốn tiền lắm.
Chị Lan
Cuộc sống vợ chồng đôi lúc không tránh khỏi lục đục, giận hờn. Việc không có con cái thỉnh thoảng cũng khiến những xích mích giữa hai người thêm nặng nề, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
Chị Nguyễn Phương Dung lấy chồng là người nước ngoài. Chị nói, chị may mắn vì chồng chị không quá đặt nặng vấn đề chị phải có con. Thế nhưng, đôi lúc chị vẫn cảm thấy nếu có con thì tình cảm hai người sẽ gắn bó hơn.
Chị tâm sự: “Chồng em thì có con cũng được, mà không có cũng được, ông ấy là người nước ngoài nó khác. Chứ còn người Việt Nam thì nó cho em về nhà em từ lâu lắm rồi chứ không chờ đến bây giờ. Thường người ta lấy nhau thì phải có con. Có con nó mới ràng buộc, hạnh phúc hơn, ấm cúng hơn.
Không có con thì lúc nào trong nhà cũng lạnh lẽo. Có con giảm được nhiều cái hơn. Nhiều lúc hai vợ chồng cãi nhau, thì ông chồng bảo vợ thôi mày cuốn về Hà nội với bố mẹ đi, còn tao về Singapore, nghe nó xót ruột lắm.”
Chạy chữa bằng mọi cách
Giờ đây khoa học phát triển. Những cặp vợ chồng vô sinh giờ đã có thêm nhiều hy vọng có con nhờ thụ tinh nhân tạo, rồi thụ tinh ống nghiệm. Theo bác sĩ Nguyễn Việt Tiến, chỉ riêng bệnh Viện phụ sản Trung ương mỗi năm làm khoảng từ 1,500 đến 2,000 cặp thụ tinh trong ống nghiệm. Hiện ở Việt Nam có khá nhiều bệnh viện đã làm các dịch vụ này, đặc biệt là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Bản thân chị Lan cho biết, chị cũng đã làm đến 4 lần thụ tinh nhân tạo và một lần thụ tinh ống nghiệm nhưng đều không thành. Tiền bạc đi không biết bao nhiêu mà tính. Cũng may còn có gia đình hai bên giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần.
Tây y không thành, hai vợ chồng chị quay sang đông y, theo kiểu có bệnh thì vái tứ phương. Chị kể:
“Đi các nơi, chữa các loại mánh khoé. Họ bảo gì làm nấy. Họ cho uống thuốc bắc đến béo ị người. Xong rồi xuống tận Hà Bắc, nó đặt những thuốc khỉ ho cò gáy gì vào người đủ thứ. Ai mách gì làm thế. Tại vì kinh tế trung bình nên mình không thể làm kiểu cao siêu cỡ đi nước ngoài chữa, tốn tiền lắm. Thế thành ra chỉ trong nước, loanh quanh vậy thôi.”
Thậm chí có người bảo chị nhận con nuôi để lấy may cho dễ thụ thai. Có người thì bảo chị bỏ chồng lấy người khác, biết đâu có con thì sao. Tất cả giải pháp đưa ra, chị đều không muốn theo.
Chị Lan tiếp, “Nhiều người khuyên mình nhận con nuôi thì sẽ đẻ được. Nhưng nghĩ bụng nhận thì phải yêu thương nó như con đẻ mình, thì mình mới nhận, mình không thể nhận về để đẻ đứa con thì mình không thể làm vậy được. Trường hợp thứ hai là bỏ nhau đi lấy người khác để đẻ thì tôi bảo chả việc gì phải có con cả. Phải đẻ đứa con với người mình yêu, với chồng mình chứ đẻ với người khác thì nói làm gì.”
Việc chữa chạy vô sinh hết sức tốn kém. Bản thân chị Dung cho biết mỗi lần làm thụ tinh nhân tạo, tiền công, thuốc men các loại phải tốn đến vài chục triệu đồng. Có những cặp phải làm đến lần thứ 6 mới đậu. Thậm chí, có những cặp vợ chồng chấp nhận bán cả nhà để chữa chạy mà không thành.
Sau 10 năm trời, chị Dung giờ chấp nhận việc không có con. Chị đang tính đến chuyện nhận con nuôi. Nhưng lại lo ngại thủ tục rườm rà vì chồng chị là người nước ngoài mà Việt Nam hiện đã dừng chương trình con nuôi cho người nước ngoài.
Còn vợ chồng chị Lan, sau gần 11 năm trời chữa chạy, giờ đã có một bé được thụ thai tự nhiên. Vợ chồng chị rất vui vì cuối cùng những nỗ lực và mong mỏi của họ đã thành hiện thực. Nhìn đứa bé trên tay chị nói, “Thở phào nhẹ nhõm, mà bận túi bụi. Hai vợ chồng tâm lý cũng nhẹ nhõm. Chả giàu sang gì nhưng mà thôi thế thì cũng đầy đủ rồi.
Trang phụ nữ kỳ này xin dừng tại đây. Việt Hà xin chúc các cặp vợ chồng đang mong chờ em bé sẽ sớm toại nguyện.