UNICEF báo động tình trạng ngày càng ít trẻ được bú sữa mẹ
Việt Hà, phóng viên RFA, Bangkok
2012.05.07
2012.05.07

Thời gian nghỉ thai sản ngắn
Có mang đứa con thứ hai được 4 tháng, Phượng, 27 tuổi, công nhân tại một khu công nghiệp ở Hà Nội, đang rất lo lắng không biết cô có thể cho con bú sữa mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu. Lý do mà cô lo lắng là bởi vì chế độ nghỉ thai sản của Việt Nam hiện tại chỉ cho phép cô ở nhà với con tối đa 4 tháng mà thôi. Cô cho biết nhiều đồng nghiệp, bạn bè cô tại khu công nghiệp cũng đang gặp phải khó khăn tương tự và bắt buộc phải cho con ăn sữa ngoài hoặc ăn dặm từ rất sớm:
"Đa số mọi người thì 1 hay 2 tháng là đã phải cho uống sữa ngoài hoặc tập ăn dặm rồi vì bây giờ mẹ ở nhà có 4 tháng thì con còn rất bé, nên phải tập ăn dặm từ bé để đến lúc mình đi làm thì con mình quen dần với ăn dặm."
Đa số mọi người thì 1 hay 2 tháng là đã phải cho uống sữa ngoài hoặc tập ăn dặm rồi vì bây giờ mẹ ở nhà có 4 tháng thì con còn rất bé, nên phải tập ăn dặm từ bé để đến lúc mình đi làm thì con mình quen dần với ăn dặm.
Cô Phượng
Tình trạng các bà mẹ không cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu hoặc thậm chí ngừng cho con bú hoàn toàn từ trước 6 tháng đang ngày càng trở nên phổ biến tại nhiều nước Đông Á. Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc mới đây đã phải lên tiếng cảnh báo về tình trạng tỷ lệ trẻ được bú sữa mẹ đang giảm sút tại khu vực. Theo thống kê của tổ chức này, tỷ lệ mẹ cho con bú ở Thái Lan hiện tại là 5%, tỷ lệ này ở Việt Nam là 10%, trong khi ở Trung Quốc chỉ có 28% số trẻ được bú sữa mẹ.
Bà France Begin, Chuyên gia dinh dưỡng của UNICEF khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:
"Có một vài yếu tố giải thích vì sao một số nước tỷ lệ mẹ cho con bú hoàn toàn sữa mẹ lại thấp như vậy. Ví dụ như tại Thái Lan thì vẫn chưa áp dụng quy định quốc tế trong các quảng cáo về sữa thay thế sữa mẹ. Tại Việt Nam và Trung Quốc các bà mẹ phải đi làm. Họ đi làm sớm hơn trước cho nên cũng làm giảm thời gian cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ. Họ không có môi trường giúp họ có thể cho con bú tại chỗ làm nên họ phải sử dụng sữa bột. Trong khi đó tại một số nước thì thời gian nghỉ thai sản ngắn cũng làm giảm tỷ lệ cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu."
Việc cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu từ lâu đã được các nhà khoa học chứng minh là có lợi cho sức khỏe của trẻ. Các nghiên cứu cho thấy việc cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu sẽ giúp tăng sức đề kháng cho trẻ, giảm nguy cơ các bệnh béo phì hay tiểu đường sau này.
Các chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ định nghĩa bú sữa mẹ hoàn toàn có nghĩa là không cho trẻ uống nước, hay ăn bất cứ một thứ gì khác ngoài sữa mẹ.

Tại Việt Nam và Trung Quốc các bà mẹ phải đi làm. Họ đi làm sớm hơn trước cho nên cũng làm giảm thời gian cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ. Họ không có môi trường giúp họ có thể cho con bú tại chỗ làm nên họ phải sử dụng sữa bột.
Bà France Begin
"Em cho con bú đa số bằng sữa mẹ. Còn nước thì đương nhiên rồi. Cũng như mình uống sữa thì mình phải tráng miệng, mình tráng miệng đánh răng cho miệng bé không bị hôi."
Không phải chỉ có mình Phượng có suy nghĩ này. Quế Hương, 30 tuổi, một bà mẹ có con hơn 3 tuổi cũng chia sẻ kinh nghiệm về việc cho trẻ uống nước như thế này:
"Em thấy bảo là vẫn cần phải cung cấp nước cho cơ thể khi nó đòi. Lúc đấy mình thấy có cảm giác môi nó khô, nó khát thì mình cho nó uống thêm tí nước. Em cho nó uống nước ngay từ đầu, thỉnh thoảng em vẫn cho nó uống nước."
Quế Hương cho biết cô học được kinh nghiệm này từ mẹ đẻ và mẹ chồng, những người đã giúp cô trông con ngay từ sau khi sinh.
Trong khi đó, các bác sĩ nhi khoa thì giải thích rằng, trong sữa mẹ đã có một lượng nước nhất định nên trẻ không cần uống thêm nước bên ngoài nếu đã uống đủ sữa mẹ. Thêm vào đó việc cho trẻ uống nước từ quá sớm có thể gây ảnh hưởng đến thận của trẻ sau này.
Việc cho trẻ uống nước từ quá sớm kết hợp với sữa mẹ cũng đã rất phổ biến tại Campuchia. Tuy nhiên với sự tuyên truyền tích cực chính phủ, tỷ lệ trẻ được bú hoàn toàn sữa mẹ đã tăng đáng kể tại một số vùng tại nước này trong thời gian qua. Bà France Begin cho biết:
"Campuchia là một ví dụ điển hình. Khi nhìn vào thực tế chúng ta thấy các bà mẹ cho con uống rất nhiều nước vì nghĩ đó là cần thiết. Campuchia đã có một chương trình truyền thông tại các cộng đồng khuyến khích các bà mẹ cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ và đã nâng tỷ lệ này từ 20% trẻ bú hoàn toàn sữa mẹ lên 74%."
Sữa bột được quảng cáo quá mức

Chúng tôi thấy các công ty quảng cáo sữa khắp nơi trên TV, trên radio, áp phích. Họ quảng cáo là sữa bột làm trẻ thông minh hơn, cao hơn. Quy định quốc tế quảng cáo quá mức như vậy phải bị cấm, vì nếu không sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của các bà mẹ.
Bà France Begin
"Đây là một vấn đề chúng tôi thấy tại một số nước nơi vẫn chưa áp dụng quy định quốc tế về quảng cáo sữa. Chúng tôi thấy các công ty quảng cáo sữa khắp nơi trên TV, trên radio, áp phích. Họ quảng cáo là sữa bột làm trẻ thông minh hơn, cao hơn. Quy định quốc tế quảng cáo quá mức như vậy phải bị cấm, vì nếu không sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của các bà mẹ. Một nghiên cứu tại Philippines vài năm trước cho thấy việc quảng cáo quá mạnh của các loại sữa bột cộng thêm sự khuyến khích của các bác sĩ, y tá những người khuyến khích các bà mẹ cho trẻ dùng sữa bột thay sữa mẹ đã thuyết phục được các bà mẹ."
Tại Việt Nam, việc quảng cáo sữa bột cũng rất phổ biến. Mặc dù theo quy định của chính phủ, sau mỗi một đoạn quảng cáo sữa, các công ty đều phải có câu sữa mẹ là quan trọng nhất cho sự phát triển của trẻ, nhưng dường như câu nói này không có ảnh hưởng mấy đến nhận thức đúng đắn về sữa của các bà mẹ.
Quế Hương cho biết, cô đã cho con uống sữa bột kết hợp với sữa mẹ từ khi con cô mới 1 tháng tuổi. Cô thực sự tin sữa bột có nhiều chất mà sữa mẹ không có:
Mình chỉ nghe quảng cáo, chủ yếu các bà mẹ nghĩ là chất DHA và các chất tăng trưởng chiều cao, và tăng trí thông minh cho trẻ thì các bà mẹ a dua mua các sữa đấy. Em thì em cũng thích sữa xách tay. Em mua sữa từ Đức cho con vì nghĩ sữa ngoại tốt hơn sữa ở Việt Nam.
Cô Quế Hương
"Em nghĩ kết hợp thì tốt. Sữa mẹ thì không thể tổng hợp hết các chất như là sữa bột được."
Với niềm tin này, Quế Hương đã phải chi trung bình từ 1 triệu rưỡi đến 2 triệu đồng một tháng để mua sữa bột cho con. Cô thừa nhận mình bị ảnh hưởng bởi các quảng cáo sữa, tuy nhiên vì cẩn thận, cô mua sữa ngoại xách tay, thay vì mua sữa sản xuất nội địa hoặc nhập khẩu bằng đường chính ngạch. Cô giải thích:
"Em thấy sữa đấy thì thực ra nghe quảng cáo nhiều chứ mình cũng không thể biết hết được các chất trong đó và cũng không thể kiểm chứng được. Mình chỉ nghe quảng cáo, chủ yếu các bà mẹ nghĩ là chất DHA và các chất tăng trưởng chiều cao, và tăng trí thông minh cho trẻ thì các bà mẹ a dua mua các sữa đấy. Em thì em cũng thích sữa xách tay. Em mua sữa từ Đức cho con vì nghĩ sữa ngoại tốt hơn sữa ở Việt Nam."
UNICEF kêu gọi các nước Đông Á nhanh chóng áp dụng quy định quốc tế về quảng cáo sữa bột, đồng thời phải thực hiện các chương trình tuyên truyền từ cộng đồng về tác dụng của sữa mẹ. Bà France Begin cho biết việc nâng cao tỷ lệ trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu đồng thời cũng giúp các nước giảm được chi phí y tế sau này do việc giảm tỷ lệ trẻ mắc các bệnh không lây nhiễm như béo phì hay tiểu đường. Đây cũng là các bệnh đang có chiều hướng gia tăng tại các nước Đông Á trong thời gian qua.
version=3&hl=en_US">