Các chuyên gia của LHQ kêu gọi chính phủ các nước đảm bảo quyền lợi về kinh tế, luật pháp và sự tham gia vào chính trị của phụ nữ để có thể cải thiện tình trạng mất bình đẳng giới trong khu vực.
Tạp chí phụ nữ tuần này xin gửi tới quý vị cuộc phỏng vấn với bà Anurandha Rajivan, trưởng nhóm và là đồng tác giả của bản nghiên cứu này của LHQ.
Quyền lực, tiếng nói, và quyền lợi
Việt Hà: Thưa bà, với tên gọi của bản báo cáo lần này của Liên Hiệp Quốc là quyền lực, tiếng nói, và quyền lợi, bước ngoặt cho bình đẳng giới, những người làm báo cáo muốn nói đến điều gì trong việc cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới tại Nam Á Thái Bình Dương?
Anurandha Rajivan: Các nước châu Á Thái Bình Dương muốn có một báo cáo về vấn đề giới. Vấn đề giới thì bao gồm nhiều nhân tố mà chúng tôi không muốn làm một báo cáo bao gồm như vậy, chúng tôi quyết định chọn ba thay đổi chính là quyền lực kinh tế, tiếng nói chính trị và quyền về luật pháp.
Ba yếu tố này có thể dẫn đến những thay đổi lớn trong vấn đề bình đẳng giới. Ba yếu tố này có thể có ảnh hưởng đến sự mất bình đẳng giới, và chúng có những mối liên hệ với nhau, quyền lực kinh tế có thể dẫn đến việc có tiếng nói chính trị, và nếu có quyền luật pháp thì có thể dẫn tới quyền lực kinh tế ...vân vân.
Việt Hà: Vậy thực tế của bất bình đẳng giới tại các nước Nam Á Thái Bình dương theo đánh giá trong bản báo cáo này ra sao?
Anurandha Rajivan: Thực tế các nước Nam Á và Thái Bình Dương có các chỉ số con người thấp hơn cả một số các nước ở vùng hạ Sahara, ví dụ như có nhiều phụ nữ tử vong khi sinh hơn, 500 trên số 100,000 ca, nếu nhìn vào tỷ lệ trai gái khi sinh chúng ta cũng thấy có điểm đáng chú ý, con số thống kê năm 2007 cho thấy trẻ gái chết do các nguyên nhân phân biệt giới tính, hay bị bệnh mà không được chăm sóc đúng mức, trẻ gái bị bỏ đi ngay cả trước khi sinh ra tức là nạo phá thai, con số thống kê là vào khoảng 100 triệu trong khoảng 7 nước, trong đó có 4 nước Nam Á là Ấn độ, Pakistan, Nepal, Bangladesh.
Vấn đề giới thì bao gồm nhiều nhân tố mà chúng tôi không muốn làm một báo cáo bao gồm như vậy, chúng tôi quyết định chọn ba thay đổi chính là quyền lực kinh tế, tiếng nói chính trị và quyền về luật pháp.
Anurandha Rajivan
Việc nạo phá thai do lựa chọn giới tính đã dẫn đến sự mất cân bằng giới tính khi sinh, trên thế giới ta có 107 trẻ trai thì có 100 trẻ gái, còn ở các nước châu Á tỷ lệ này là 110 trẻ trai trên 100 trẻ gái, các nước Đông Á như Trung quốc tỷ lệ này là 119 trẻ trai trên 100 trẻ gái. Rõ ràng là khi có quá nhiều trẻ trai sinh hơn so với trẻ gái chúng ta biết có điều gì đó không hay đã xảy ra.
Nếu nhìn vào tuổi thọ của phụ nữ thì phụ nữ các nước Đông Á có tuổi thọ khá cao, 74 tuổi là độ tuổi trung bình, nhưng tại các nước Nam Á, tuổi thọ này ít hơn 8 năm. Nếu nhìn vào giáo dục, các nước Đông Á cũng tốt hơn Nam Á, trên thực tế các nước Nam Á gần tương đương như các nước vùng hạ Sahara trong lĩnh vực này, tức là còn tệ hơn các nước Ả Rập.
Việt Hà: Có một điểm đáng chú ý là nhiều nước ở khu vực Nam Á Thái Bình Dương có tốc độ phát triển kinh tế khá cao, vậy tại sao bình đẳng giới lại vẫn có nhiều vấn đề đến vậy?
Anurandha Rajivan: Mặc dù các nước Nam Á Thái Bình Dương có tốc độ phát triển kinh tế cao nhưng ta lại thấy sự mất bình đẳng giới rất lớn ví dụ như trong việc phân chia, hay thừa kế tài sản, tại nhiều nước, con gái không được thừa hưởng tài sản của cha mẹ, mà chỉ có con trai chẳng hạn, có rất ít phụ nữ là chủ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Nếu nhìn vào nông nghiệp ta có thể thấy đến hơn 60% là phụ nữ làm công việc đồng áng, nhưng chỉ có 7% phụ nữ là chủ của trang trại, cánh đồng. Cho nên phụ nữ làm các lao động chân tay nhiều nhưng lại không được sở hữu đất đai. Cho nên phụ nữ đóng góp vào phát triển kinh tế nhưng lại không được chia sẻ các quyền lợi kinh tế.
Tạo cơ hội cho phụ nữ
Việt Hà: Liên quan đến sự tham gia của phụ nữ vào chính trường, bà có đánh giá thế nào?

Anurandha Rajivan: Về tiếng nói chính trị, Nam Á và Đông Á không có khác biệt mấy so với các nước khác trên thế giới và về mặt này phụ nữ còn thiệt thòi. Nếu nhìn vào đại diện phụ nữ trong quốc hội, hay đại diện phụ nữ là các nhà ngoại giao, hay các cơ quan đưa ra quyết định thì phụ nữ vẫn chưa có đại diện đáng kể và đó là hiện trạng tại nhiều nước trên thế giới hiện nay, chứ không riêng Nam Á và Đông Á.
Trên thực tế các nước Đông Á có rất ít đại diện nữ trong quốc hội, chỉ chiếm 10%, đó là các nước Nhật bản, và Nam Hàn. Trong khi đó các nước vừa qua xung đột như Nepal thì lại có nhiều đại diện nữ hơn trong nhánh lập pháp, tức là đưa ra quyết định, bởi họ đang trong giai đoạn xây dựng lại đất nước.
Ví dụ như tại Nepal với phong trào Maoist, phụ nữ tham gia tích cực không kém gì nam giới trong phong trào này. Điều tương tự cũng xảy ra với Timor les. Chúng ta có đến 33% số ghế quốc hội của Nepal là nữ giới,và 30% tại Timo les. Cho nên trên thực tế các xung đột đã tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào chính trị.
Việt Hà: Bất bình đẳng giới trong khu vực có ảnh hưởng thế nào đối với sự tăng trưởng kinh tế và chương trình xóa đói giảm nghèo của các nước?
Anurandha Rajivan: Với việc không sử dụng hiệu quả nguồn lực con người, thì giá trị GDP sẽ bị thấp hơn, và khi tính thành tiền, ta thấy giá trị thấp hơn khả năng mà nước đó có thể đạt được nếu sử dụng có hiệu quả các nguồn lực con người của mình. Và khi sự đóng góp về kinh tế của người phụ nữ không được tính đến thì chúng ta có thể mất từ 3 đến 4% GDP.
Việt Hà: Chính phủ các nước trong khu vực nhìn nhận vấn đề này ra sao và hiệu quả của các biện pháp mà họ đưa ra được đánh giá thế nào?
Anurandha Rajivan: Theo tôi, sự hiểu biết về bình quyền đã tăng lên, tại nhiều nước người ta không còn công nhận việc ủng hộ mất bình quyền một cách công khai, các chính trị gia không ủng hộ việc bất bình đẳng giới, nhiều nước đã tham gia vào công ước Cedaw, tức là công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, nhiều nước đã và đang tuân thủ công ước này, điều này giúp các nước trong khu vực tiến dần tới tiêu chuẩn quốc tế.
Các nước cũng chú tâm đến các chính sách kinh tế để tạo cơ hội việc làm công bằng hơn, điều kiện làm việc tốt hơn cho phụ nữ, để phụ nữ tham gia tích cực hơn vào các họat động kinh tế, bao gồm cả quyền đối với tài sản.
Anurandha Rajivan
Các nước cũng chú tâm đến các chính sách kinh tế để tạo cơ hội việc làm công bằng hơn, điều kiện làm việc tốt hơn cho phụ nữ, để phụ nữ tham gia tích cực hơn vào các họat động kinh tế, bao gồm cả quyền đối với tài sản. Liên quan đến giáo dục, nhiều nước bao gồm Ấn độ và Bangladesh đã có chính sách tốt hơn cho các em gái đi học ví dụ đơn giản như đảm bảo ở trường các em học có nhà vệ sinh nữ phù hợp, hoặc an toàn giao thông, trên xe buýt để các em gái có thể đến trường an toàn.
Liên quan đến chính trị, người ta cũng đã xem xét việc đưa ra quota để phụ nữ tham gia vào các cơ quan nhà nước. Mặc dù vậy, trong các đảng phái chính trị, người ta vẫn không muốn để phụ nữ là các ứng cử viên tranh cử vì cho rằng những ứng cử viên nữ tranh cử với nam ứng cử viên mạnh thì thường dễ bị thua. Ngoài ra thì việc thiếu tiền, tài chính cũng hạn chế phụ nữ tham gia vào chính trị vì họ không có tiền để làm các cuộc vận động. Liên quan đến việc thu thập dữ liệu, nhiều nước đã cập nhận các dữ liệu liên quan đến quyền sở hữu đất đai cho biết là người chủ đất là nam hay nữ, điều này cho thấy có cải thiện.
Bình đẳng giới tại VN
Việt Hà: Các chuyên gia đánh giá thế nào về bình đẳng giới tại Việt Nam?

Anurandha Rajivan: Việt nam có thể coi là một câu chuyện thành công mặc dù tôi không thể nói là chương trình Việt Nam đưa ra đã được thực hiện đầy đủ. Điều mà Việt Nam đã đạt được là Việt Nam đã vượt qua các nước khác bao gồm cả các nước Đông Á về một số mặt. Xét về chính sách, chính phủ đã nhìn nhận vấn đề công bằng giới một cách nghiêm túc. Nếu xét về tỷ lệ sinh giữa nam và nữ, Việt Nam cũng tốt hơn so với một số nước ở Đông Á, ví dụ tỷ lệ này ở Việt Nam là 112/100 so với 119/100 ở một số nước Đông Á. Chỉ số về bình đẳng giới của Việt Nam khá gần với Malaysia, tốt hơn so với Thái lan, Philippines, tốt hơn Trung Quốc và Indonesia. 65% phụ nữ tham gia vào thị trường lao động, trong khi tỷ lệ này trên thế giới là 53%.
Tất nhiên là tỷ lệ này vẫn thấp hơn nam giới, ở Việt Nam tỷ lệ này trong nam giới là 74%. Việt Nam cũng có vấn đề liên quan đến việc phụ nữ làm các công việc không chính thức, không được trả lương như đàn ông. Nhưng số phụ nữ tham gia thị trường lao động và được trả lương thì vẫn cao hơn các nước khác trong khu vực.
Luật lao động của Việt Nam cũng đề cập đến việc nam và nữ phải được trả lương như nhau, nhưng trên thực tế thì vẫn còn sự khác biệt. Ở thành thị thì điều kiện công việc cho nữ giới vẫn tốt hơn so với ở nông thôn. Nếu xét về chính trị, Việt Nam có khoảng 25% nữ trong quốc hội nhưng lại không có nhiều đại diện nữ trong đảng cầm quyền, hoặc chính phủ. Trong lần thống kê gần đây nhất của LHQ, chúng tôi chỉ thấy có một nữ là bộ trưởng.
Việt Hà: Việc thực hiện chính sách bình đẳng giới tại Việt Nam được đánh giá thế nào thưa bà?
Anurandha Rajivan: Liên quan đến công ước Cedaw, Việt Nam cũng gần đạt được những đòi hỏi được đưa ra trong công ước, Việt Nam đã đạt được 83 trong số 113 chỉ số, và đây là một con số khá cao so với các nước tại châu Á. Nhưng vẫn còn những cách biệt, ví dụ như việc thực hiện luật, vẫn còn những phân biệt đối xử trong công việc đối với phụ nữ, phụ nữ bị cấm làm một số việc mà những nhà làm chính sách cho rằng để bảo vệ phụ nữ nhưng xét về một khía cạnh nào đó thì lại là phân biệt đối xử.
Nhìn chung là về mặt chính sách Việt Nam đã có những tiến bộ nhưng về mặt thực tế thì vẫn còn cách biệt và đó là điều họ phải có cải thiện.
Anurandha Rajivan
Không có luật liên quan đến việc quấy rối tình dục tại chỗ làm, nạn bạo lực gia đình tại Việt Nam còn khá phổ biến. Nhìn chung là về mặt chính sách Việt Nam đã có những tiến bộ nhưng về mặt thực tế thì vẫn còn cách biệt và đó là điều họ phải có cải thiện.
Việt Hà: Cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.
Quý thính giả muốn góp ý cho chương trình tạp chí phụ nữ xin liên hệ với Việt Hà ở địa chỉ www.facebook.com/VietHaRFA . Tạp chí phụ nữ xin hẹn gặp lại quý thính giả vào thứ ba tuần tới.