Nghề đồng nát

Có một nghề rất cực nhọc và dường như chỉ dành cho phụ nữ, đó là nghề đồng nát.
Việt Hà, phóng viên RFA
2012.03.13
000_Hkg4833428-305.jpg Một phụ nữ buôn bán ve chai ở Hà Nội
AFP photo

Những người làm nghề này từ xưa đến nay chủ yếu là các chị em phụ nữ ở mọi lứa tuổi. Họ bôn ba khắp nơi, từ thành thị cho đến các xóm làng để mua những đồ mà họ gọi là phế liệu, còn những người bán coi là rác. Tạp chí phụ nữ tuần này xin mời quý thính giả cùng tìm hiểu về cuộc sống của những người phụ nữ này và nghề đồng nát ở Việt Nam.

Thu nhập bấp bênh

Tiếng rao đồng nát đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân Hà Nội trong cuộc sống hàng ngày, quá quen đến mức nhiều khi người ta cũng không để ý đến ai là những người đã cất lên tiếng rao nghe như tiếng hát lẻ loi giữa những phố nhỏ, ngõ nhỏ ở cái thành phố đang rùng mình phát triển này.

Họ là những người phụ nữ ở mọi lứa tuổi đến từ những vùng quê phía bắc. Có người đạp xe, những chiếc xe đã cũ lắm rồi, ì ạch chở những đống đồ đạc lỉnh kỉnh đủ loại phía sau. Có người mang quang gánh với hàng chồng giấy vụn, sắt thép, đủ thứ trên vai. Họ đi khắp nơi, đến các khu tập thể, các ngõ phố của Hà Nội, cất tiếng rao nghe như những điệp khúc không ngừng. Chị Sinh, 36 tuổi, một người làm nghề đồng nát đến từ tỉnh Nam Định cho biết:

"Chị đi bộ, đa số đi bộ. Đi từ sáng 8 giờ đến 12 giờ trưa về. Chiều từ 2 giờ đến 6 giờ tối về. Cứ đi quanh quẩn khu phố nhà thôi. Cứ đi rồi lại…. đi rồi cũng quen. Không nghỉ ngày nào, đi thì phải đi suốt, trừ về quê mới nghỉ thôi."

Chị Sinh cứ đi như vậy quanh các dãy nhà ở khu tập thể Kim Liên suốt hơn 3 năm nay. Chị không tính nổi chính xác một ngày mình đi hết bao nhiêu cây số nhưng chị gánh rất nhiều. Có ngày chị gánh đến hơn 100 cân giấy báo, sắt vụn các loại trên vai. Cứ gánh xong vài chục cân chị lại đến những điểm thu mua phế liệu sỉ gần khu tập thể để bán lại.

Mọi thứ được mua và bán theo cân. Cứ mỗi cân giấy báo vụn, chị mua vào từ 3 đến 4 ngàn đồng. Mỗi cân sắt thép vụn được mua với giá từ 5 đến 6 ngàn. Chị cho biết tiền lãi của những cân báo, sắt thép này chẳng đáng là bao, chủ yếu chỉ lấy công làm lãi. Vất vả là vậy, nhưng thu nhập từ nghề đồng nát cũng chả đáng là bao:

"Có ngày thu nhập được vài ba trăm ngàn, có ngày dăm trăm, có ngày không có đồng nào, cái nghề đồng nát nó không chắc."

Có ngày thu nhập được vài ba trăm ngàn, có ngày dăm trăm, có ngày không có đồng nào, cái nghề đồng nát nó không chắc.

Chị Sinh, Nam Định

Thu nhập không nhiều nhưng những người phụ nữ như chị Sinh vẫn hàng ngày cặm cụi làm công việc của mình bởi vì đối với họ, thu nhập từ nghề này cũng còn gấp hơn nhiều lần thu nhập từ nghề làm ruộng ở dưới quê. Chẳng vậy mà ở tỉnh Nam Định, có những làng, xã, người dân cứ lũ lượt đi làm nghề đồng nát trên thành phố. Chị Sinh cho biết:

"Ở nhà làm ruộng hết thời vụ, bây giờ đây không làm gì hết, chưa cấy, chưa gặt, nếu như có cầy xới thì một sào ruộng từ sáng đến tối cũng cầy xới được một sào mà một sào được có mấy chục nghìn thôi, thì họ phải khoán trâu khoán máy hết để đi làm chứ."

Chị Sinh bỏ lại dưới quê bốn con nhỏ cho ông bà nội, ngoại chăm sóc. Còn chị lên thành phố thu mua phế liệu. Chồng chị cũng lên thành phố làm thợ xây. Họ chỉ về nhà vào dịp tết hoặc mùa cấy, gặt một năm hai lần mà thôi. Phải xa con, bù lại thu nhập từ nghề đồng nát cũng giúp vợ chồng chị xây được căn nhà cấp 4, có thêm chút tiền trang trải chi phí ăn học cho các con:

"Ở quê cháu đi học thì có khi còn thiếu tiền phải đi vay chứ sao… mình đi như thế này thì có đồng thu nhập cho con. Mình cũng yên tâm."

Nghề truyền thống

Một trong các tỉnh có nhiều người làm nghề đồng nát nhất ở phía bắc phải kể đến là tỉnh Nam Định. Cái duyên khiến nhiều chị em Nam Định chọn nghề đồng nát còn đến từ cái nghề truyền thống ở tỉnh này, nghề đúc đồng. Chị Tuyết, một người đã làm nghề đồng nát nhiều năm trong tỉnh cho biết:

000_HKG2005102588813-200.jpg
Một lao động nhập cư với gánh hàng rong trên đường phố Hà Nội. AFP
Một lao động nhập cư với gánh hàng rong trên đường phố Hà Nội. AFP
"Cái nghề này cũng lâu đời rồi. Trước kia các cụ đi bán xoong bán nồi. Các cụ đúc nồi nấu cơm, rồi sau này đúc xoong gang. Khi tôi lớn lên đã có nghề này rồi. Nghề làm ruộng thì vẫn cứ làm. Ngày mùa vẫn nghỉ để làm. Cày cấy xong, dăm bữa nửa tháng thì lại đi đồng nát tiếp".

Cha mẹ chị Tuyết đã làm nghề này suốt cuộc đời họ. Đến khi chị 15 tuổi, mới học xong lớp 9, chị cũng theo nghề của cha mẹ mình. Chị gánh quang gánh theo bạn bè đi hết làng xa, xóm gần để mua đồ phế liệu:

"Tôi đi buôn đồng nát từ khi còn ở nhà với bố mẹ. Tôi chỉ học hết lớp 9 rồi nghỉ học theo nghề đồng nát với bố mẹ. Tôi xây dựng gia đình, xong mấy năm đầu vẫn đi đồng nát, sinh đến cháu thứ hai vẫn đi đồng nát. Nghề đồng nát vất vả quá, một ngày chỉ kiếm được mấy chục nghìn chỉ đủ mua rau thôi. Một ngày đạp xe hàng mấy chục cây số mà cũng không kiếm đủ tiền, con cái thì nheo nhóc."

Đó là vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Sau vài năm lao động vất vả, chị Tuyết đã tích cóp chút tiền, cộng thêm vay vốn và mở cơ sở đúc đồng tại nhà. Chị bỏ nghề đồng nát.

Nhưng không phải ai cũng may mắn như chị Tuyết. Rất nhiều người phụ nữ khác vẫn còn phải tiếp tục theo nghề đồng nát vất vả. Để kiếm thêm tiền họ nhận làm các việc phụ khác trên thành phố, từ trông người ốm đến quét dọn nhà cửa, giặt quần áo. Nếu may mắn, gặp được gia đình tốt, họ cũng kiếm thêm được chút tiền. Chị Sinh ví cái nghề của mình như nghề đi câu:

"Nhiều người đi thế này thì cũng như đi câu. Phúc ai tài lộc người ấy. Mình mua được của nhà dễ dãi thì họ bảo là thôi thì mày dọn dẹp nhà cho tao thì tao cho hết mày thứ này."

Có những khi chị giặt đồ cho chủ nhà, nhặt được tiền và đồ vật quý để quên trong túi, chị cũng đem trả lại.

Đối với các bà nội trợ ở thành phố, đội ngũ những người làm nghề đồng nát đỡ đần họ rất nhiều trong việc gia đình, nhất là khi dịch vụ giúp việc theo giờ ở Việt Nam còn chưa phổ biến. Chị Phương, một người ở dân ở Hà Nội cho biết:

"Ngày xưa mình chưa có dịch vụ giúp việc theo giờ thì mình cũng hay gọi đồng nát vào dọn nhà dọn cửa vào các dịp cuối năm gì đó. Mình dọn nhà thì có đồ nào dư mình cũng hay gọi người ta vào mua, nhờ người ta dọn thêm rồi cho thêm ít tiền. Cộng đồng này cũng có cái hay là ví dụ như người đó ngày nào cũng đi ở khu vực đó, thì hầu như một tuần thì mình cũng gặp họ một lần."

Để tiết kiệm tiền, các chị em làm nghề đồng nát trên thành phố thường chung nhau thuê các căn nhà nhỏ để ở. Các căn nhà này thường nằm ở các khu vực có đông dân cư.

Tôi đi buôn đồng nát từ khi còn ở nhà với bố mẹ. Tôi chỉ học hết lớp 9 rồi nghỉ học theo nghề đồng nát với bố mẹ. Tôi xây dựng gia đình, xong mấy năm đầu vẫn đi đồng nát, sinh đến cháu thứ hai vẫn đi đồng nát.

Chị Tuyết, Nam Định

Ở Hà Nội, khu Hoàng Cầu, quận Đống đa nơi sinh sống của nhiều chị em làm nghề đồng nát. Chị Sinh cũng thuê một căn nhà nhỏ rộng khoảng hơn 10 mét vuông ở đây. Gọi là căn nhà nhưng nói đúng hơn là một căn phòng. Có tất cả 5 người cùng sống chung ở đây. Diện tích ở của mỗi người là một cái phản gỗ. Phản của người này nằm sát cạnh phản của người kia, không có bất cứ đồ đạc nào ngăn cách. Dọc tường nhà, trên trần là các dây mắc áo chằng chịt những áo quần giặt đang phơi. Phía sau nhà là một cái bếp đun bằng than tổ ong và một phòng tắm chung.

Căn nhà có giá thuê là 2 triệu đồng một tháng chưa kể điện nước. Mỗi tháng, chị sinh trả khoảng 400 ngàn đồng cho chỗ ở khiêm tốn này của mình. Các chị bảo ở chật chội vậy mà vui vì những người đồng cảnh ngộ xa quê, đùm bọc chia sẻ với nhau cũng đỡ nhớ nhà, nhớ con.

Không ai biết cái nghề đồng nát xuất hiện từ bao giờ, cũng không ai biết có bao nhiêu chị em làm nghề đồng nát ở Hà Nội (Có người ước tính phải đến cả ngàn). Người ta cũng không thể biết nghề này sẽ còn tồn tại bao lâu nữa. Nhưng chừng nào các gia đình còn đồ đạc hỏng, giấy vụn vứt đi thì chị Sinh và nhiều chị em khác sẽ vẫn còn tiếp tục cái nghề thu mua đồng nát.

Mọi thư từ đóng góp ý kiến cho chương trình, xin quý vị gửi về www.facebook/VietHaRFA hoặc email về địa chỉ vietha@rfa.org

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.