Phụ nữ dân tộc ở Ha Giang tham gia các dịch vụ du lịch

Hoài Vũ, phóng viên RFA
2014.11.02
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp
 bà Vàng Thị Mai biểu diễn bên khung cửi cho khách xem Bà Vàng Thị Mai biểu diễn bên khung cửi cho khách xem
Photo TK/thanhnien.com.vn

Du lịch tới Hà Giang bắt đầu khởi sắc trong vài năm gần đây. Nhiều phụ nữ dân tộc Dao, Mông thiểu số ở một huyện nghèo ở Hà Giang cũng bắt tay vào kinh doanh du lịch với sự giúp đỡ của nhiều tổ chức phi chính phủ. Tạp chí phụ nữ lần này xin gửi đến quý thính giả bài viết về những phụ nữ giỏi giang này.

“Tôi tên là Lê Thị Ơn, 46 tuổi, [kinh doanh du lịch cộng đồng này] được ba năm nay rồi”.

Đó là câu trả lời bằng tiếng Kinh còn chưa sõi của chị Lê Thị Ơn, ở thôn Nậm Đằm, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

Chị Ơn và chồng chị đã biến căn nhà của họ thành một “khách sạn thu nhỏ” để đón du khách tới trải nghiệm lối sống của người dân tộc ở Hà Giang. Năm nay, lượng khách đến nhà anh chị nhiều hơn trước. Mỗi tuần cũng có khoảng từ năm tới sáu đoàn đến trú ngụ. Đoàn thì hai người, đoàn thì bốn người.

Những du khách này được tiếp đón, ăn uống, thậm chí nếu muốn họ có thể giúp đỡ anh chị làm việc nhà. Chồng chị Ơn cho hay mỗi khi nhà có khách, anh sẽ phụ trách việc nấu nướng còn chị sẽ bày cơm, lau chén, quét nhà.

Hà Giang là một vùng hoang sơ, với đồi núi trập trùng. Thiên nhiên nơi đây còn vẻ tinh khôi còn người dân thì thật thà, giản dị. Đó chính là điểm thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài. Huyện Quản Bạ được cho là một trong 62 huyện nghèo nhất của Việt Nam. Trong vài năm gần đây, các tổ chức quốc tế bắt đầu lên khu vực này, giúp bà con tìm kế cải thiện cuộc sống.

Ở cùng huyện Quản Bạ còn có bà Vàng Thị Mai, 51 tuổi, chủ một hợp tác xã dệt may thổ cẩm. Bà cho biết có tới 70% khách của bà là người nước ngoài.

Khi khách người ta đến, chúng tôi trình diễn từ A đến Z, thành những gai, thành vỏ gai thành sợi khô, sợi xanh, sợi trắng thành vải, dệt vải. dệt được vải sau đó rồi nhuộm, rồi ngâm rồi mang đi phơi, sau đó quay lại nhuộm, nhuộm các đầu cây

Bà Vàng Thị Mai

Vàng Thị Mai: Khi khách người ta đến, chúng tôi trình diễn từ A đến Z, thành những gai, thành vỏ gai thành sợi khô, sợi xanh, sợi trắng thành vải, dệt vải. dệt được vải sau đó rồi nhuộm, rồi ngâm rồi mang đi phơi, sau đó quay lại nhuộm, nhuộm các đầu cây.

Bà Mai cho hay khách phương Tây rất thích thú khi chứng kiến tận mắt công việc làm của các nghệ nhân dệt thổ cẩm. Bà nói:

Vàng Thị Mai: Khi mà mắt nhìn thấy, tay thì sờ thì họ thấy những việc mình làm rất là đáng trân trọng, thì họ sẽ không mặc cả về giá cả, giá ở đấy là bao nhiêu thì họ trả bấy nhiêu. Những khách họ quan tâm, họ rất là thương thì họ có họ tặng hàng 50 USD cho hợp tác xã mua kim, mua chỉ. Đó là những khách mà người ta rất là sang trọng và người ta làm thấy những việc mình làm mà quá tỉ mỉ, tò mò và sự thật việc thật.

Hợp tác xã của bà Mai giúp công việc cho khoảng 130 chị em phụ nữ ở huyện Quản Bạ. Trung bình mỗi phụ nữ này thu được khoảng một triệu đồng một tháng. Có nghệ nhân thì bỏ túi được bốn, năm triệu đồng một tháng.

Học nghề du lịch

Một số phụ nữ trẻ hơn thì được các tổ chức phi chính phủ của nước ngoài giúp cho đi học nghề khách sạn. Đây là trường hợp của chị Lý Thị Hịp, 24 tuổi. Hịp được tạo điều kiện cho đi học ở Hà Nội về dọn dẹp phòng khách sạn và đang thực tập ở một khách sạn trong phố cổ. Chị Hịp cho biết.

Lý Thị Hịp: Bọn em cũng học về cách làm phòng. Bọn em cũng học được hai tuần tiếng Anh. Sau này em về em làm về buồng phòng bên dự án của bọn em.

Bọn em cũng học về cách làm phòng. Bọn em cũng học được hai tuần tiếng Anh. Sau này em về em làm về buồng phòng bên dự án của bọn em

Lý Thị Hịp

Chị Hịp cho biết chị đã có hai con. Đi học xa nhà dù rất nhớ con nhưng chị cố gắng quyết tâm đi học được cái bằng rồi mới về huyện.

Cũng tầm tuổi chị Hịp là chị Lý Thị Thím. Hiện Lý Thị Thím, 26 tuổi, đang học ngành bấm huyệt, sau đó Thím muốn đi học ngành lễ tân vào năm tới để làm việc cho khách sạn sắp mở.

Trước đó, Thím là một trong 17 phụ nữ trong nhóm làm nghề thủ công để bán cho du khách. Họ làm những món nhỏ như túi đựng điện thoại, hàng lưu niệm cho người nước ngoài. Tính cả năm ngoái, tiền lãi của nhóm này thu về cũng được một triệu đồng. Chị Thím nói:

Lý Thị Thím: … ví dụ như thêu trang phục, thêu áo, chăn, mũ, túi, tất cả các loại trang phục của dân tộc em, các đồ lưu niệm nữa. Đồ lưu niệm như túi đựng điện thoại, ví đựng tiền, túi đeo. Túi đeo có hai loại. Có loại thêu hoa văn, có loại đơn giản. Khách du lịch không phải ngày nào cũng có, mà họ về họ cũng không phải là mua suốt cái này, có người họ về họ chỉ xem qua thôi chứ không mua. Mình thành lập một câu lạc bộ mình làm tập trung, còn cái làm riêng mình vẫn lấy đi treo ở đấy, mình bán, mình sẽ làm riêng một số.

Cuộc sống thay đổi

Bà Vàng Thị Mai kể từ khi hợp tác xã của bà mới bắt đầu, nhiều người đàn ông không đồng ý cho vợ đi làm việc với bà và phản đối rất gay gắt. Bà nói:

Bà Vàng Thị Mai: Lúc ban đầu là nhiều bà, nhiều ông phản đối mang những sợi lanh từ đống sợi lanh ra ngoài đường để vứt đi. “À, vợ tôi suốt ngày đi ngồi với bà Mai, tôi mang đống lanh này ra vứt ở ngoài đường cho họ xem”. Đấy là một vấn đề. Thực sự khi làm thì làm tập trung ở nhà chị, có đàn ông người ta rượu, người ta đến người ta đánh phụ nữ luôn trước mặt chị.

Mình cũng phải gọi ông ấy sang để ông ấy đếm tiền không vợ mang đi đến nhà ông ấy lại đánh tiếp, bắt ông ấy ra nhận tiền ở hợp tác xã, ông ấy ra nhận tiền ông ấy run cầm cập. Từ hồi ấy, những đàn ông mà như thế thì lại rất là tốt, vẫn phụ vợ làm cái này, cái nọ, lúc đầu không hiểu thì đánh vợ

Bà Vàng Thị Mai

Sau đó, bà Vàng Thị Mai phải nhờ đến chính quyền can thiệp. Kết quả là những người chồng đánh vợ vì đi làm dệt may thổ cẩm bị đưa đi dọn vệ sinh, đi khênh đá, khênh củi. Sau này, khi đã làm ăn thành công, bà Mai còn đến tận nhà để đưa tiền lương của người phụ nữ này cho ông chồng đếm. Bà kể:

Vàng Thị Mai: Ông ấy sợ, nhưng mình cũng phải gọi ông ấy sang để ông ấy đếm tiền không vợ mang đi đến nhà ông ấy lại đánh tiếp, bắt ông ấy ra nhận tiền ở hợp tác xã, ông ấy ra nhận tiền ông ấy run cầm cập. Từ hồi ấy, những đàn ông mà như thế thì lại rất là tốt, vẫn phụ vợ làm cái này, cái nọ, lúc đầu không hiểu thì đánh vợ. Mang lanh vứt ra ngoài đường quảng cáo.

Bà Mai bắt đầu công việc dệt may vào năm 1999, khi đó mới chỉ có 10 người tất cả. Đa số dân chúng ở huyện Quản Bạ làm nghề nông nghiệp. Tuy nhiên, do tính chất thời tiết và ở vùng núi xa xôi, người dân ở đây chỉ có thể canh tác được một mùa vụ trong một năm. Sau một năm làm dệt may thổ cẩm, bà Mai cho biết sản phẩm tính ra có giá trị gấp hai, gấp ba lần với ngô. Vậy nên, công việc kinh doanh của bà mở rộng ngày càng lớn.

Bà Mai tâm sự khó khăn ban đầu là “vô cùng, vô biên”. Bà cho biết chỉ có thể duy trì được đến ngày nay vì yêu ngành thủ công truyền thống của dân tộc.

Hàng dệt may của bà Mai được du khách nước ngoài ưa chuộng, và thi nhau tìm đến. Bà cho biết một ngày có thể có mười mấy xe khách chở 20-30 chục khách mỗi lượt tới đây. Tiền thu về mỗi ngày từ việc bán cho du khách cũng lên tới 20 triệu đồng.

Kể từ khi du khách bắt đầu vào Hà Giang, cuộc sống ở đây cũng khác hơn trước. Các con đường ở đây cũng được chính quyền chăm sóc cho hơn. Bà Mai nói:

Vàng Thị Mai: Từ năm 2001 đến giây phút này thay đổi liên tục. Ngày xưa đặc biệt là không có một cái xe đạp đâu, bây giờ là xe máy, ô tô, đường, trường, trạm, nhà xay đều có hết, phát triển rất là tốt.

Quay trở lại chuyện anh Thắng, chị Ơn. Anh chị chuẩn bị đón một đoàn khách du lịch chiều hôm đó sau khi trả lời phỏng vấn của Hoài Vũ. Anh cho biết có khách anh chị cảm thấy vui hơn, thấy khác hẳn những năm trước dù rằng anh chị không hề biết nói tiếng Anh.

Anh chị có hai con, một con đi làm, một con còn đang học ở trường đại học Thái Nguyên. Anh chị hy vọng có thể kinh doanh như thế này dài lâu.

Tạp chí phụ nữ tuần này xin tạm dừng tại đây. Hoài Vũ xin cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Những đóng góp cho chuyên mục phụ nữ xin mời quý thính giả thư về địa chỉ email hoaivu@rfa.org hoặc tới trang Facebook của Hoài Vũ tại www.facebook.com/hoaivurfa.

Hoài Vũ xin chào tạm biệt quý thính giả và hẹn gặp lại quý vị vào sáng thứ hai tuần sau. Chúc quý thính giả một tuần mới làm việc vui vẻ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.