Nghề làm móng của người Việt ở Mỹ


2015.03.29
000_APW2002020731765.jpg Một phụ nữ đang làm móng tay cho khách.
AFP photo

Kể từ những năm cuối của thập niên 70, với sự giúp đỡ của một minh tinh Hollywood, nhiều phụ nữ Việt Nam tại Hoa Kỳ bước chân vào ngành công nghiệp làm đẹp giúp nuôi sống gia đình, đưa con cái họ đi học trở thành kỹ sư, bác sĩ… suốt bốn thập niên qua.

Trong một cửa hàng làm móng một buổi chiều thứ năm tại thủ đô Washington D.C. Chị Trang, 50 tuổi, đang sửa sang móng tay cho một người khách trẻ trong khi một người khách khác đang chờ sẵn chị ở một góc xa.

Trước đó, một cựu binh Việt Nam khác cũng yêu cầu chị làm riêng cho ông. Ông này còn khoe với chị Trang rằng đã mua vé máy bay tới Đà Nẵng, nơi ông từng đóng quân hồi chiến tranh.

Chị Trang: Ông hỏi chị quê ở đâu. Chị bảo ở Sài Gòn mà.

Chị Trang cho biết thời tiết ấm dần khiến khách cũng đến nhiều hơn. Thứ năm cũng thường là ngày đông khách nhất ở các tiệm làm móng.

Chị bắt đầu bước chân vào nghề này kể từ 5 năm trước đây khi bị hãng xưởng photocopy sa thải trong dịp suy thoái kinh tế năm 2009. Nhờ công việc làm móng này mà chị nuôi sống được cả gia đình gồm một người chồng và ba đứa con còn đang tuổi ăn tuổi lớn.

Chị Trang là một trong cả trăm nghìn phụ nữ Việt Nam làm công việc này trên khắp nước Mỹ. Họ là những người mẹ, người vợ chăm lo cho cuộc sống gia đình, vợ của du học sinh, những du học sinh người Việt hay những người mới di cư còn chưa biết nói một câu tiếng Anh tử tế. Nhiều người trong số họ có bằng hành nghề tuy nhiên đa số là không hề qua một trường lớp đào tạo bài bản, mà thường nhìn chị nhìn em mà làm theo.

Những ngày đầu tiên

Nước Mỹ là một hợp chủng quốc gồm nhiều nhóm di dân khác nhau. Mỗi nhóm lại có một nghề đặc thù riêng. Chẳng hạn người Hàn Quốc thường sở hữu các cửa hàng giặt là, sấy khô, người Ấn Độ thường là chủ các cửa hàng tạp hoá. Khi đi taxi, nếu bạn hỏi người lái xe về quê quán của họ, phần lớn câu trả lời sẽ là: tôi đến từ Ethiopia. Người Việt thì có nghề làm móng.

Người có công giúp người Việt bước chân vào nghề này lại là một minh tinh tóc vàng của Hollywood, bà Tippi Hedren, năm nay đã 85 tuổi. Vào những năm 60, bà nổi tiếng với những vai trong phim của đạo diễn Alfred Hitchcock. Khi không xuất hiện trên màn ảnh, bà Hedren là một nhà điều phối viện trợ nhân đạo quốc tế với tổ chức Food for the Hungry.

Sau khi Sài Gòn sụp đổ và nhiều người Việt được đưa đến Hoa Kỳ sinh sống, bà đến gặp một nhóm phụ nữ Việt Nam trong một trại tị nạn ở gần Sacramento, bang California. Bà kể với phóng viên của RFA như sau:

Những người phụ nữ trẻ ấy rất thích móng tay của tôi, họ cứ ngắm nghía và trầm trồ khen đẹp mãi. Thế là tôi nảy ra ý tưởng là tại sao mình không giúp họ trở thành những người làm móng tay chuyên nghiệp nhỉ. Bây giờ nghĩ lại tôi thật lấy làm hãnh diện về những phụ nữ Việt Nam ấy, họ làm nghề móng tay mà nuôi cả gia đình, đưa các con của họ vào đại học. Con của họ ra  kỹ sư, ra bác sĩ, dược sĩ … những nghề được trọng vọng trong xã hội…

Sau cuộc gặp gỡ định mệnh đó, bà đề nghị người thợ làm móng của bà khi đó là Dusty tới gặp những phụ nữ ở trại tị nạn. Dusty đồng ý. Kể từ đó, Hedren hỗ trợ tiền máy bay, đưa Dusty tới Trại tị nạn Hy vọng mỗi cuối tuần để dạy nghề cho 20 phụ nữ này.

Một trong 20 phụ nữ đầu tiên này là bà Thuận. Bà kể về những ngày đầu tiên cho phóng viên của RFA như sau:

Hai chục người đi học móng tay tại trường học đàng hoàng. Mỗi buổi sáng có một người tình nguyện vô chở hai mươi người đi học, chiều chở về. Buổi tối ăn xong thì họp nhau lại, dịch bài dịch câu hỏi, giúp nhau những câu nói chuyện  bằng tiếng Anh. Lúc học thì phải thực tập trên khách, phải biết nói  tiếng Anh. Tối nào mấy chị em ngồi họp với nhau, dịch bài ra học. Sau khi  học xong chính bà Tippi đã dẫn tụi này ra State Board để thi, cũng may mắn là đậu hết.

Bà Thuận kiếm được công việc gần như ngay lập tức sau khi có bằng. May mắn là bà có việc tại thời điểm quan trọng khi mà chồng bà, một cựu phi công lái máy bay chiến đấu, vẫn đang phải tìm việc và gia đình đang rất cần tiền.

Nghề nhanh kiếm việc, dễ kiếm tiền

Những người như bà Thuận và 19 phụ nữ đầu tiên kể trên đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của ngành làm móng trên khắp nước Mỹ. Ngày nay, những cơ sở làm móng giá cả phải chăng gắn liền với người Việt tới mức, tạp chí của ngành này Nails Magazine có hẳn một phiên bản tiếng Việt.

Theo thống kê của Nails Magazine, trong năm 2014, trên khắp nước Mỹ có khoảng 380.000 thợ làm móng có bằng làm việc. Trong số này, 51% là người Việt Nam. Ở bang California, được coi là thủ phủ của người Việt tị nạn, con số này con lên tới 80%. Trung bình thu nhập hàng tuần của một thợ nail là 645 đôla. Nails Magazine cũng cho biết rất khó có thể đưa ra một con số đầy đủ về số người làm nail trên nước Mỹ. Lý do họ đưa ra là vì có nhiều người không có bằng làm việc nhưng vẫn được chủ cửa hàng nhận vào làm.

Thật sự nghề nail rất dễ kiếm tiền, không cần biết tiếng Anh nhiều, chỉ cần cù làm và khi mình làm với khách mình chăm chỉ mình chăm sóc cho họ, lo cho họ.
Chị Phan, New York

Chị Phan, chủ một tiệm nail ở bang New York, cho hay đây là một nghề dễ dàng cho phụ nữ Việt Nam. Họ không cần phải biết tiếng Anh, không cần phải học cao học rộng nhưng vẫn có thể kiếm được nhiều tiền một cách nhanh chóng và dễ dàng. Bản thân chị cũng từng tốt nghiệp đại học ngành kỹ thuật. Thế nhưng chị quyết định mở tiệm làm móng 18 năm trước đây vì khi đó thu nhập chị có được nhờ công việc này gấp 5-6 lần công việc kỹ sư. Chị kể:

Thật sự nghề nail rất dễ kiếm tiền, không cần biết tiếng Anh nhiều, chỉ cần cù làm và khi mình làm với khách mình chăm chỉ mình chăm sóc cho họ, lo cho họ. Dễ kiếm tiền nếu mình không có điều kiện để mà đi học.

Chị Phan cho biết thu nhập của những phụ nữ này dao động theo mùa và tuỳ từng khách. Chị nói:

Tháng mùa đông khoảng 2.500 đôla một tháng, mùa hè khoảng 3 ngàn mấy trở lên. Đấy là còn chưa kể tiền bo, tiền bo một tuần của họ có thể được trăm rưỡi, hai trăm rưỡi trở lên. Mười đô bo cũng là khá, trung bình hai lăm đồng, vài trường hợp họ bo năm đồng, một vài khách họ làm 3 chục, họ cho chị hai chục, hai mươi lăm cũng có, nhiều khách họ rộng rãi thương mình ấy em.

Liên Hoa, một sinh viên du học ở thành phố Baltimore, bang Maryland, cho biết cô cũng từng đi làm thêm ở một tiệm làm móng ở mùa hè. Trong gần hai tháng, Liên thu về được khoảng 2.000 đôla, đủ tiền đóng học cho kỳ mùa thu. Liên Hoa kể:

Em làm trong khoảng hai tháng từ tháng sáu tới giữa tháng 8. Người ta chia cho mình 40%, thì em làm được 5.000, người ta chia cho em khoảng 2.000. Em vừa làm vừa chơi bởi vì em không có bằng nên họ cũng không cho em làm mấy.

Những lo lắng

Theo nghiên cứu của Nails Magazine, 52% những người tham gia khảo sát tỏ ra lo lắng về sức khoẻ của họ. Chị Trang ở đầu bài viết cho biết hai bả vai, lưng, bắp tay và bàn tay của chị đã bắt đầu có triệu chứng đau đớn dù chị mới làm nghề này được 5 năm.

Chị Phan, chủ tiệm nail ở New York, giải thích:

Khi mà mình đông khách ấy, cái người cứ nhồi lên nhồi xuống, mình làm hoặc là ở dưới chân hoặc là ở trên tay chạy lên chạy xuống, điều khiển phường tiện. Đâu phải là mình được ăn trưa đúng giờ đâu. Mùa đắt khách bắt đầu từ khoảng tháng 4, tháng 5, bốn năm giờ chiều tụi chị mới được ăn trưa, thành ra sáng, khi mùa hè sáng cũng ăn miếng buổi sáng xong rồi đi làm.

Mùi thuốc cũng là một vấn đề khiến thợ lo lắng.

Mùa hè thì còn đỡ, tụi chị còn mở cửa ra được một chút nhà, mùa đông thì ngày lễ mà đắt khách á, tụi chị bắt buộc phải đóng cửa. Đúng là mùi giũa cũng ghê. Vào cái ngành này lúc đầu chị cũng giũa, cái đầu chị nhức, nó hơi ê ê.

Chị Phan nói khoảng một vài năm nữa khi con cái đã lớn, chị sẽ giải nghệ. Chị cũng không muốn con cái nối nghiệp mẹ.

Mọi ý kiến đóng góp về chủ đề hay bài viết trong trang tạp chí, xin mời quý vị gửi email về theo địa chỉ phamn@rfa.org hoặc gửi tới trang Facebook tại www.Facebook.com/haininhrfa.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.