Trẻ mê game online - trách nhiệm thuộc về ai?
2010.08.10
Trong đó có nhiều bà mẹ khổ tâm không kém khi thấy con mình ngay cả bữa cơm cũng không muốn ăn vì để dành thời gian chơi game.
Trách nhiệm chung
Vào ngày 28 tháng 7 vừa qua, Bộ Thông Tin Truyền Thông Việt Nam vừa ra chỉ thị ngưng cấp phép cho game online trong thời gian chờ qui chế mới về mặt quản lý. Đồng thời, cũng yêu cầu các nhà cung ứng dịch vụ internet ngưng cấp đường truyền đến các đại lý từ 11 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Thực ra, chuyện trẻ mê game online đã được những người quan tâm và có trách nhiệm đến giới trẻ lên tiếng báo động từ lâu. Nhiều nhà tâm lý đã có những lời cảnh báo về tình trạng này. Các báo chí trong nước cũng có nhiều bài báo nói về ảnh hưởng và tác hại của game online. Thế nhưng, mọi kết quả khả quan dường như rất hạn chế.
Theo các nhà tâm lý thì chơi game online không phải bao giờ cũng mang lại những hệ quả xấu nếu các em biết sắp xếp thời gian và tự kiềm chế bản thân. Thế nhưng làm thế nào để các em biết tự kiềm chế mình và sắp xếp thời gian cho hợp lý là vấn đề cần nói.
Hơn nữa, vào thời buổi kinh tế thị trường, cha mẹ nào cũng bận rộn với công ăn việc làm, thế nên, đa số hy vọng đưa con đến trường và gửi gấm hết cho thầy cô. Có ý kiến cho rằng, trách nhiệm của nhà trường là phải hướng dẫn cho các em tai hại của game online. Nhưng, theo lời cô giáo Nhân, hiện đang dạy tại một trường phổ thông cơ sở ở quận 5, TPHCM thì trách nhiệm này phải là của gia đình, cô nói:
Tôi nghĩ là do gia đình nhiều hơn vì thời
gian chúng nó học ở trên lớp, hay đến lớp không thuộc bài, không tiếp thu bài
được, hỏi ra thì chúng nó ở nhà chơi điện tử, không học. Ở nhà thì có người quản
lý con em mình, có người lại không quản lý, bận rộn, mải làm nên không quản lý,
cứ để chúng nó ra quán ngồi chơi, đương nhiên là bị thu hút nên không chịu học.
Phụ huynh thì bao giờ đưa con tới trường cũng bán cái cho thầy cô nhưng như vậy không được, vì giáo dục thì phải hai chiều chứ không thể một chiều.
Cô Nhân, GV ở quận 5
Đến trường thì giáo viên vẫn cứ phải nhắc nhở, không được chơi game quá mức, ảnh hưởng đến việc học, có khi nó làm cho mình không còn học được. Giáo viên nào cũng giáo dục cho các em phải tránh chơi nhiều. Cũng chơi, nhưng chỉ giải trí, ví dụ như một tuần một tiếng vào ngày chủ nhật mà thôi, chứ không cấm, vì cấm cũng không được.
Phụ huynh thì bao giờ đưa con tới trường cũng bán cái cho thầy cô nhưng như vậy không được, vì giáo dục thì phải hai chiều chứ không thể một chiều. Nhiều đứa trốn học chơi, chẳng học hành gì cả. Thường những đứa học nhiều thì giỏi, chơi ít, còn những đứa học dốt, dở thì lại hay chơi nhiều.
Vào thời gian nghỉ hè, các tiệm net với game online lại càng đông khách hơn bao giờ hết. Lý do đơn giản là các em không phải đến trường, không bài vở nhiều, có nhiều thời gian hơn. Phần đông, cha mẹ cũng chẳng có điều kiện để đưa con đi nghỉ hè hay giải trí bổ ích. Chị Trâm, một phụ huynh ở Tân Bình than thở rằng:
Hiện tại bây giờ là mùa hè, cho nên thời gian rảnh nhiều, mà bố mẹ thì cứ phải làm việc giống như mọi ngày nên thời gian để đi sát với con cái thì ít lắm, nên cũng không có cách nào giải trí ngoài việc ngồi chơi game. Do đó, một phần trách nhiệm cũng tại bố mẹ là nhiều, nhưng bây giờ biết làm sao, bố mẹ thì cũng phải làm ăn, đưa con đi nghỉ mát, giải trí thì không có điều kiện, nên nghỉ hè ở nhà thì chỉ còn biết chơi với cái tivi, chơi game.
Quản lý chứ không thể cấm
Theo lời của anh Hùng, một chủ nhân tiệm net, nay đã bỏ nghề, bên cạnh các khó khăn của phụ huynh như lời chị Trâm vừa kể, còn phải nói đến sự ỷ lại và coi thường game online của cha mẹ. Anh nói:
Nếu nói về trách nhiệm thì phải nói về gia đình trước, rồi mới đến xã hội sau. Gia đình thì bố mẹ mải làm quá hay là chểnh mảng coi sóc con em trong việc học hành hay sinh hoạt của nó. Cái tâm lý là thấy con mình ngồi một chỗ, chơi vi tính, vì không biết, nên thấy như vậy thì an tâm, thay vì nó đi ra ngoài đua xe, trộm cắp, phá làng phá xóm…
Ngoài ra, anh cũng cho rằng, môi trường, hoàn cảnh của xã hội cũng tác động nhiều đến các em, nhất là với lứa tuổi thơ ấu. Những trò chơi dân gian hầu như đã biến mất khiến phụ huynh cũng khó lòng tìm cách nào cho các em có các trò giải trí khác để tránh chơi game online. Anh nói:
Vì tính chất đô thị hóa, cho nên những trò chơi cho con gái như nhảy dây, rải ranh mà khi chưa có game điện tử này thì ai cũng biết, mà bây giờ thì chúng nó hoàn toàn mù tịt. Cho nên, đúng nghĩa là bây giờ thì không còn gì để cho chúng nó chơi, không lẽ suốt ngày chỉ cứ đi siêu thị, nhà sách, nhưng chơi phải có giờ giấc, phải lựa chọn game phù hợp cho chúng nó, phải có sự áp đặt của người lớn, quản lý giờ giấc của chúng nó đàng hoàng, học hành xong rồi mới chơi. Chơi thì cũng không được sa đà quá, ví dụ chơi nửa tiếng thôi, và các nội dung game chơi thì phải phù hợp.
Mới đây, theo trả lời các báo chí về việc trách nhiệm với trẻ em chơi game online, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, phó chủ nhiệm Ủy Ban Văn Hóa, Giáo Dục Thanh Thiếu Niên và Nhi Đồng của Quốc Hội, thì vai trò của gia đình trong việc ngăn chận trẻ em chơi game online là quan trọng hơn cả, vì game online giống như không khí để thở, không ai có thể ngăn chận nó. Vậy, trong bối cảnh toàn xã hội như thế, những bà mẹ là những người gần gũi con cái hơn cả, thì nên làm như thế nào? Một bà mẹ ở Hà Nội cho rằng:
Cơ bản vẫn là mình chứ chị, mình phải quản
lý được nó, phải nói được nó, môi trường như thế thì phải có cách. Thí dụ, cách
trường có mấy chục mét thì có cửa hàng internet rồi, em có con gái thì cũng dễ
hơn, nói con dễ hơn. Nhưng cái đó thì cũng khó vì người ta kiếm sống,
mình khó có thể nói được người ta. Mỗi đứa một tính, trẻ con hay người lớn
cũng thế thì mình phải liệu làm sao đấy, có thể là mua một cái máy tính về nhà,
hay hướng cho nó cái giải trí khác mà nó có thể không còn đam mê game
online.
... nhưng chơi phải có giờ giấc, phải lựa chọn game phù hợp cho chúng nó, phải có sự áp đặt của người lớn, quản lý giờ giấc của chúng nó đàng hoàng ...
Anh Hùng, một chủ tiệm net
Còn chị Trâm ở TPHCM thì phát biểu rằng, nếu cho các con tiếp xúc với game ngay từ khi còn nhỏ thì chắc chắn là chúng nó sẽ mê game. Hiện tại thì đọc sách, coi ti vi chúng nó cũng không thích bằng mê game.
Riêng với chị Nhân, vừa là mẹ, vừa là nhà giáo, cũng đồng tình:
Trước mắt là gia đình. Cái này trách nhiệm cũng ở nhiều phía, nhưng gia đình là chủ yếu. Bố mẹ phải quan tâm đến con cái của mình và phải có giới hạn nào đó cho nó. Còn bố mẹ bận công việc, để cho nó muốn làm gì thì làm, đành để nó muốn đi đâu thì đi, thì cũng khó. Gia đình phải có điều kiện, phải có ý thức tự giác, thì mới được, chứ còn bố mẹ đi làm hết thì ai quản lý? Làm sao bố mẹ phải giáo dục cho con cái có ý thức tự giác học tập thì có thể được.
Về phía nhà nước
Có thể nói ai ai cũng thừa nhận rằng game online hiện nay đã trở thành một vấn nạn cho xã hội. Bên cạnh trách nhiệm của gia đình, thì trách nhiệm của nhà nước trong khâu quản lý cũng không nhỏ. Theo giới thạo chơi game online, về nguyên tắc, các nhà phát hành vẫn chỉ cho chơi 2, 3 tiếng, nhưng trên thực tế, thì họ lại chế ra cả hack farm để vượt qua kẽ hở đó, và đổ thừa cho “hacker”. Đó là chưa kể có các quán đóng cửa 11 giờ đêm theo qui định nhưng bên trong thì khách vẫn ngồi chơi thoải mái tới sáng. Điều này, được anh Hùng khẳng định:
Họ kinh doanh, game nào họ cũng tung ra, mặc dù cũng có qui định này nọ, nhưng quản lý không xuể. Chủ tiệm net mở tiệm để kinh doanh lấy tiền, đứa bé vào tiệm 1000 cũng là tiền, đứa lớn vào tiệm 100 ngàn cũng là tiền. Với những người chủ tiệm net thì có những người lợi dụng những đứa bé, những người chơi game, vì trong game hay có những trò có thưởng, những đồ vật ảo.
Ở Việt Nam có những người máu me cờ bạc đến nỗi có thể bỏ ra hàng chục triệu để mua những đồ vật ảo đó, thí dụ con ngựa, chiêu võ độc đáo, hay bang chủ của một bang phái nào đó trong game, từ ảo thành thật. Thành ra có những người chủ tiệm net, họ nuôi luôn những người chơi, bao ăn và có lương luôn, rồi luyện cho người ta có những con vật, đồ vật ảo đó để người ta bán vì có nhu cầu mua.
Về mặt nhà nước thì đang có ý tưởng cúp
hết serve game sau 23 giờ, đó cũng là một ý tưởng hay nhưng nó lại ảnh hưởng đến
các trang web khác. Đó là một ý kiến mà người ta gọi là không quản lý được thì
cấm. Nói tóm lại, về trách nhiệm thì trước hết là gia đình, kế đến là xã hội.
Trong xã hội thì có những người chủ tiệm net và chủ trương chính sách của nhà
nước phải hỗ trợ nhịp nhàng.
Nói tóm lại, về trách nhiệm thì trước hết là gia đình, kế đến là xã hội. Trong xã hội thì có những người chủ tiệm net và chủ trương chính sách của nhà nước phải hỗ trợ nhịp nhàng.
Anh Hùng, chủ tiệm net
Hiện tại, điều đáng mừng là chuyện trẻ mê game online đã được các giới hữu trách quan tâm nhiều hơn. Nhưng, đối với chị em phụ nữ, là các bà mẹ đóng vai trò chủ yếu trong gia đình, thì trách nhiệm ngăn chận trẻ không mê game online là quan trọng hơn cả. Và, có lẽ cũng đến lúc phải dành thời gian để quan tâm đến chúng nhiều hơn, như lời chị Trâm phát biểu:
Em thấy chơi game nguy hiểm quá nên bây giờ đành phải bớt thời gian, bớt làm ăn lại để đưa chúng nó đi chơi, đi nhà sách, giải trí…để hạn chế lại. Em nghĩ nhà nước nên hạn chế lại hay cấm những nơi cho thuê game. Nhà nước làm thì được thôi nhưng mà tại người ta không làm.
Trang Phụ Nữ xin ngừng nơi đây. Hẹn gặp quí vị và các bạn vào kỳ sau.