Phụ nữ với thể thao mạo hiểm

Phụ nữ chơi thể thao ngày nay không có gì là lạ, nhưng có một số môn thể thao bị coi là quá mạo hiểm hay không phù hợp cho nữ giới, nhất là những người phụ nữ châu Á vốn bé nhỏ, nhẹ nhàng.
Việt Hà, phóng viên RFA
2011.07.19
000_Del435820-305.jpg Một người với môn thể thao dù lượn ở Ấn Độ, ảnh minh họa.
AFP photo

Trong tạp chí phụ nữ tuần này, Việt Hà xin gửi tới quý thính giả câu chuyện của những người phụ nữ chơi môn thể thao nhảy dù và dù lượn ở Việt Nam.

Môn thể thao mạo hiểm

Cho đến bây giờ, Tâm vẫn không thể quên được cái cảm giác đầu tiên nhảy ra khỏi cửa máy bay, rơi tự do lơ lửng trên không. Cái cảm giác sợ hãi rồi tiếp theo là thích thú khi dù bật ra và được bay như chim trong một khoảng không tĩnh lặng. Đó là lần nhảy dù đầu tiên cách đây 2 năm của Tâm, cô gái trẻ có vóc người bé nhỏ vốn chả mấy khi chơi thể thao chứ đừng nói gì đến những môn thể thao có tính mạo hiểm như nhảy dù.

Ở Việt Nam, những môn thể thao như nhảy dù hay còn gọi là dù tròn và môn thể thao dù lượn là những môn còn tương đối mới mẻ. Đây là những môn thể thao bị coi là mạo hiểm và thường dành cho những người thích tìm cảm giác mạnh. Có lẽ cũng bởi vậy mà những người tham gia các môn thể thao này phần lớn là nam giới. Những phụ nữ dám mạo hiểm chơi cả hai môn dù tròn và dù lượn như Tâm thì lại càng hiếm. Tâm chia sẻ:

"Khi mình nói mình nhảy dù thì mọi người xung quanh đã nhìn mắt tròn mắt dẹt rồi, mà thậm chí làm nam giới đi nữa thì người ta cũng rất là ngạc nhiên, người ta nghĩ là món đó không thể người bình thường chơi được, người ta nghĩ phải là người qua trường qua lớp đàng hoàng, hoặc phải là quân đội, nhưng khi mình nói mình chơi thì họ ngạc nhiên lắm. Thông thường em thấy mọi người rất ngạc nhiên, và có phần hơi thán phục một chút vì mọi người thường nghĩ chuyện đó nam giới làm được còn phụ nữ không làm được nhưng giờ phụ nữ làm được thì rất ngạc nhiên và thán phục."

Tâm tham gia khóa học dù tròn kéo dài 2 tháng của câu lạc bộ hàng không miền Nam vào năm 2009 trong một lớp học mà theo cô nói là toàn bộ là nam chỉ có duy nhất cô là nữ. Cô cho biết nguyên nhân cô quyết định đi học môn thể thao này như sau:

"Hồi đó dù tròn có đăng thông tin lớp dù tròn đang tuyển sinh trên báo thì em thấy môn này lạ lạ, khác mà em cũng hiếm khi thấy có họat động bay nhảy dù trên trời mà được quảng bá cho quần chúng nên em thấy lạ muốn thử sức xem thế nào, em cũng là người sợ độ cao nên em muốn tham gia cái đó để mình không sợ nữa, vượt qua nỗi sợ của mình. Đó là một lý do đầu tiên em muốn tham gia họat động."

Từ đó đến nay, Tâm vẫn luôn tham gia rất tích cực vào các họat động nhảy dù của câu lạc bộ và là một trong một số ít người có tần suất nhảy khá cao của câu lạc bộ hàng không miền Nam.

Chưa dừng ở đó, vào năm 2010, khi nghe tin câu lạc bộ có lớp dạy dù lượn, Tâm đã tham gia đăng ký học. Đến giờ cô đã có vài giờ bay dù lượn sau khi tốt nghiệp khóa học kéo dài 4 tuần ở câu lạc bộ. Và cũng giống như ở bộ môn dù tròn, nam giới cũng chiếm phần đa số trong các hoạt động dù lượn mà Tâm tham gia.

Bất lợi về hình thể

Theo những người đã từng theo học môn dù lượn thì việc tham gia bay dù lượn đối với phụ nữ có một số điểm bất lợi so với nam giới. Chị Phương, một người đã từng nhiều lần bay dù lượn cho biết:

050_ONLY_0020748-200.jpg
Dù lượn, ảnh minh họa. AFP photo
Dù lượn, ảnh minh họa. AFP photo
"Thực ra khó là khó cho phụ nữ châu Á vì phụ nữ châu Á nhỏ xíu, mà quy định dù cỡ XS thì khoảng 50 ký chẳng hạn, mà phụ nữ châu Á thì nhỏ bé nên phải độn thêm nhiều để sử dụng cái dù nhỏ nhất."

Theo anh Hà, một huấn luyện viên dù lượn của câu lạc bộ hàng không miền Nam thì cỡ dù lượn nhỏ nhất là XXS có thể tải được tổng cộng tối thiểu là 55 cân. Tức là nếu một người nặng 45 cân cộng thêm khoảng 15 cân dù và túi thì cũng mới chỉ 50 cân. Chị Phương chỉ nặng có 40 kg nên khi bay chị thường phải độn thêm cát và nước để đủ trọng lượng, đảm bảo an toàn bay. Theo chị thì có khá nhiều phụ nữ tham gia bay dù lượn với chị cũng gặp tình trạng tương tự.

Một khó khăn nữa mà những người phụ nữ gặp phải khi học bay dù lượn là sức khỏe. Để có thể bay dù họ phải vác dù và ba lô lên những núi rất cao để có thể từ đó chạy lấy đà xuống dưới và bay ra xa. Chị Phương nói:

"Ví dụ như vác dù lên núi… vác dù có khi 15 hay 20 ký mà nó to cồng kềnh, trông như vác theo một con bò trên lưng. Mà mang lên núi thì không phải núi nào cũng có cát leo lên, có núi cát, có núi đá, mà phải có độ cao nhất định mới nhảy được. Tùy sức, có người đi 15 20 phút còn mình yếu thì phải đi nửa tiếng."

Tâm lý sợ độ cao của nữ giới cộng với việc phải phơi nắng gió làm ảnh hưởng tới da mặt cũng là những điểm khiến môn thể thao dù lượn bị coi là không phù hợp cho nữ giới. Anh Hà giải thích:

"Đặc biệt phụ nữ châu Á thì người ta nói là có rất nhiều người sợ độ cao, cái thứ hai là những bộ môn thể thao mạo hiểm thường không dành cho phụ nữ. Đây là tư tưởng thôi là phụ nữ châu Á là thùy mị, mà bộ môn chơi này mạo hiểm là một chuyện mà lại sương gió, nắng nữa mà làn da phụ nữ ra ngoài nhiều khi đen thì người ta không muốn. thậm chí gia đình cấm cản không cho, vì môn này cho nam giới thôi, nữ không được chơi."

Tuy nhiên, theo anh Hà thì phụ nữ lại có một số ưu điểm nhất định khi học các môn dù này. Anh cho biết:

"Điểm khác nhau ở phái mạnh và phái yếu thì phụ nữ luôn luôn chơi với một cách kiểm soát tốt hơn, người ta không dám mạo hiểm nhiều như nam giới. Họ không làm các động tác họ chưa an tâm. Họ chơi chu đáo tỉ mỉ. Thực sự anh thấy cũng không có khó khăn gì mấy vì bộ môn này không những đòi hỏi tố chất thể lực, mà còn phải tỉ mỉ, kỹ, mà trong nữ công gia chánh người ta gọi là khéo tay. Bộ môn dù lượn này cũng là bộ môn mà mình có năng khiếu khéo tay trong đó thì mình điều khiển dù tốt hơn."

Rèn luyện thể chất và tinh thần

Theo anh Hà thì những người phụ nữ chơi môn dù lượn hay dù tròn đều là những người có phụ nữ có cá tính mạnh và có lẽ đó cũng là một điểm hấp dẫn với nam giới thời nay.

033_RIA10-619594_1402-200.jpg
Một khách du lịch nhảy dù ở Thái Lan. AFP photo
Một khách du lịch nhảy dù ở Thái Lan. AFP photo
Những phụ nữ đã tham gia các môn thể thao dù lượn và dù tròn như chị Tâm và Phương hầu hết đều có chung một nhận xét rằng hai môn thể thao này giúp rèn luyện thể chất và tinh thần rất tốt. Tâm cho rằng mặc dù bay dù có làm da cô đen đi chút xíu nhưng những gì cô thu được lại đáng giá nhiều lần. Cô nói:

"Hồi bọn em đi học dù lượn, mặt mũi đen tóp lại nhìn cứ như vận động viên bơi lội chuyên nghiệp. Nhưng em nghĩ cái gì nó cũng có cái bù đắp lại là mình có những trải nghiệm khác với những người bình thường xung quanh, nó giúp mình xả stress rất tốt, nhất là với cuộc sống hàng ngày hơi tẻ nhạt.

Khi tham gia họat động dù lượn này thì em học được nhiều, học cẩn thận trước khi bay vì đó là tính mạng của mình, học được cách tương tác với các bạn đi cùng với đội bay của mình, học cách sống trong tập thể. Đó là giá trị mà em học môn này, nó bù đắp được cái chuyện mình đen một chút hay xấu một chút. Nhưng mà lúc nào mình không đi bay thì từ từ nó cũng xinh xắn trở lại nên cũng không sao."

Phần lớn những người phụ nữ tham gia học hai môn dù tròn và dù lượn là những người còn trẻ. Phần đông đã có công việc ổn định và thu nhập tương đối. Ở môn dù tròn, một người phải trả khoảng 4 triệu tiền học và mỗi lần nhảy chỉ mất khoảng 1 triệu đồng. Đối với dù lượn, chi phí cho một khóa học 1 tháng khoảng 5 triệu đồng. Những người bay dù lượn có hai lựa chọn, hoặc thuê dù cho mỗi lần bay với chi phí khoảng 500 ngàn đồng một lần, hoặc mua dù thì có thể mất từ 2000 đến 3000 đô la hoặc hơn cho một bộ dù.

Ngoài ra để có thể tham gia bay thường xuyên, người chơi cũng phải có thời gian rảnh. Điều này dường như rất khó đối với những người đã có gia đình và con cái. Rất nhiều người bạn chơi dù cùng Tâm đã phải bỏ môn thể thao mà họ yêu thích sau khi lập gia đình. Nhưng điều này không làm Tâm nản lòng, cô nói:

Khi tham gia hoạt động dù lượn này thì em học được nhiều, học cẩn thận trước khi bay vì đó là tính mạng của mình, học được cách tương tác với các bạn đi cùng với đội bay của mình, học cách sống trong tập thể.

Chị Tâm

"Rất nhiều người nói với em là có nhiều chị đang chơi dù lượn đến lúc có chồng thì không được bay nữa. Em nghĩ nếu mình đã bỏ bao công sức học để tới lúc mình biết bay và bay rồi mà khi mình quen bạn mà không được nữa thì sẽ rất tiếc nên em nghĩ tới lúc đó em sẽ thuyết phục bạn em chơi luôn, cả hai cùng chơi và cùng biết nó hay thế nào thì sẽ tốt cho em."

Hiện giờ mới 30 tuổi, Tâm vẫn chưa nghĩ đến chuyện lấy chồng, nhưng cô nói nếu cô có chồng và có con, thì cả hai vợ chồng sẽ cùng nhau gánh vác chuyện gia đình, con cái để cả hai đều có thể tham gia môn thể thao mà mình ưa thích.

Mọi thư từ đóng góp ý kiến cho chương trình, xin quý vị gửi về www.facebook/VietHaRFA hoặc email về địa chỉ vietha@rfa.org

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.