Giới trẻ nói về kiểm soát blog (phần 4)

Bàn về việc nhà nước gia tăng quản lý nhật ký cá nhân, tức những trang blog, liên tục những tuần gần đây, các vị khách mời tham gia Diễn Đàn đã thẳng thắn trao đổi những ý kiến phản đối của mình.
Trà Mi, phóng viên RFA
2009.01.19

Nhung, ở Hà Nội : Trong thế giới thông tin thì phải chấp nhận có những ý kiến đa chiều. Nhà nước không thể áp đặt cho người dân, nhà nước không có quyền ngăn chn những luồng thông tin khác vì như vậy là xâm phạm tới quyền tự do ngôn luận và quyền thông tin của người dân.

Ngọc, từ Nghệ An : Người dân, người ta muốn nói lên ý kiến của mình, những cái gì mà người ta thao thức, người ta thấy chưa đúng sự thật thì người ta phải nói. Bây giờ mhà nước bịt nó lại thì không được.

Phương, quê Nghệ An : Nhà nước quản lý, khoá chặt không cho phát biểu lên thì hạn chế mất cái quyền cá nhân, cũng hạn chế đi bớt các tư tưởng tốt, hạn chế bớt đi cái thông tin trao đổi mà cái quyền tối thiểu của con người, đó là quyền trao đổi thông tin.

Thường, cũng là người Nghệ An : Việc mà nhà nước can thiệp vào cái blog cá nhân thì đây là một động thái thực sự vi phạm đến nhân quyền và đây chlà một cái điển hình thôi trong rất nhiều những cái khác thuộc về cá nhân mà nhà nước đều can thiệp vào. Tôi hoàn toàn là không đồng ý.

Bắc, từ Hà Tây : Mình thì cũng không đồng ý với cách quản lý này. Mình thắc mắc tại sao nhà nước mình lại cứ phải quản lý những cái này. Mình không đồng ý với cách làm ấy.

Vì theo các bạn, những bloggers trẻ tại Việt Nam, thì : Mình có quyền tự do ngôn luận, mình có quyền tự do phát biểu ý kiến. Tthế nên bây giờ quản lý là bắt anh không được viết thì đó rất là vô lý.

Tâm tư giới trẻ

Trước khi chia tay với các bạn để kết thúc chủ đề thảo luận này, chúng ta hãy cùng nghe những tâm tư, nguyện vọng mà ngừơi trẻ  muốn gửi gắm đến giới hữu trách liên quan đến vấn đề quản lý blog.

Bắc : Tôi là Bắc. Thực tế tôi nghĩ nhà nước cần phải có một cách gọi là cách nhìn nhận vấn đề nó tốt hơn nữa, cần tiếp thu ý kiến người dân nhiều hơn nữa, thêm vào đó là cần phải đưa nhiều thông tin trung thực chứ không phải là sử dụng mọi hình thức để cấm đoán.Cấm đoán cái nhu cầu phát triển tự nhiên đó thì không thể nào quản lý tốt được, thậm chí nó gây ra rất nhiều mặt hại cho xã hội.

Trà Mi : Đó là nguyện vọng của anh Bắc, thế các anh chị khác? Nếu như có dịp bày tỏ yêu cầu của mình, bày tỏ nguyện vọng cuả mình với những người chức trách thì các bạn sẽ nói gì?

Phương : Nguyện vọng của Phương thì nên để blog phát triển một cách tự do vì nếu mà không phát triển thì người ta không bày tỏ được ý kiến của mình, những cái quan điểm của mình lên. Bởi vì ở Việt Nam chỉ có một chính đảng thôi, một chính đảng cầm quyền mà không có ai để mà góp ý, không có ai để mà cùng hỗ trợ vào việc xây dựng đất nước, trong khi tất cả mọi công dân đều có quyền đựơc xây dựng và phát biểu để tránh những cái xấu và làm những cái tốt.

Như ở Mỹ em thấy người ta đa đảng, người ta góp ý lẫn nhau, người ta phát triển được. Ở đây chỉ có một đảng mà lại cấm, chỉ có thông tin một chiều của đảng mà thôi, và dân không được góp ý vào thì nó sinh ra bộ phận điều hành công tác, công việc của đảng sẽ bảo thủ và như vậy đất nước sẽ không phát triển một cách toàn vẹn được.

Trà Mi : Cảm ơn ý kiến của anh Phương. Xin mời anh Ngọc, anh Thường và Nhung.

Ngọc : Tôi thì tôi nghĩ rằng blog là cái xu hướng chung của phát triển trên thế giới cho nên ở Việt Nam bây gìơ cái blog đó đã trở thành cái phổ quát rồi và bất cứ ai cũng thừa nhận việc đó rồi, bây giờ Việt Nam cấm nó thì rõ ràng ai cũng hiểu ngay rằng đó là vì một mục đích riêng, đấy là cái chính trị, là mục tiêu riêng của nhà cầm quyền.

Mình nghĩ bây giờ nếu mà cấm thì không biết có cấm được hay không nhưng mà tôi nghĩ rằng người ta sẽ hiểu ngay là điều đấy là nhà nước Việt Nam làm vì mục đích riêng của mình. Cho nên tôi nghĩ rằng đây không phải là cách tốt mà nhà nước nên xem lại cách làm của mình, cách điều hành của mình. Chứ còn bây giờ nếu mà mình cấm blog thì tôi nghĩ rằng không tốt lắm, đúng là người ta sẽ phản ứng rất nhiều, sẽ phản ứng rất lớn.

Liệu có cấm được?

Trà Mi : Vâng. Như ý kiến của anh vừa nói là không biết việc cấm này sẽ thành công hay không. Nói về hiệu quả của việc cấm, việc quản lý, việc kiểm soát blog, thì các bạn ở đây, theo ý kiến cá nhân các bạn, thì các bạn thấy có khả dĩ không? Liệu sẽ thành công hiệu quả không?

Ngọc : Tôi thì tôi nghĩ rằng rất khó thành công bởi  vì người ta ý thức được rõ điều này rồi. Bây giờ mình cấm họ thì người ta không còn cách này thì người ta tìm cách khác và lúc đâý thì chưa biết sẽ có những hậu quả nào khác xảy ra. Tôi nghĩ rằng sẽnhữnghậu quả chắc chắn bởi vì chân lý bao giờ nó cũng tồn tại, mình không thể bẻ cong nó được, mình cũng không thể bịt mãi nó lại được. Đó không phải là cách tốt và chắc chắn sẽ không mang lại thành công.

Trà Mi : Dạ vâng. Xin cảm ơn ý kiến của anh. Bây giờ xin được nghe đề nghị của anh Thường.

Thường : Vâng. Quan điểm của tôi thì tôi cũng hy vọng rằng nhà nước sẽ có những quyết định rất là sáng suốt về cái việc cấm blog bởi vì cái này thật ra thì nó thuộc về nhân quyền của con người. Một nhà nước vì dân thì cần phải quan tâm đến quyền của người dân.

Cho nên tôi hy vọng rằng nhà  nước Việt Nam sẽ có những quyết định rất là sáng suốt về cái việc này. Dù sao, theo dự đoán của tôi, nhà nước mà cấm blog thì chắc chắn là sẽ không thành công bởi vì cái đó nó vi phạm đến nhân quyền của con người mà người dân vốn đã mất rất nhiều cái quyền.

Như có một bạn vừa trao đổi tức là ở đây chỉ có một đảng mà thôi, không có đảng đối lập, không NGO (tổ chức phi chính phủ) như những nước khác, thế cho nên chỉ có một kênh thông tin thì chắc  chắn không phải là cách tốt nhất cho người dân, không có những thông tin trung thực cho người dân.

Trà Mi : Bạn Nhung, bạn có nguyện vọng gì muốn bộc bạch?

Nhung :  Về diện rộng thì việc quản lý sẽ không thành công. Tuy nhiên nếu để nhằm vào một số blogger là những người bất đồng chính kiến hoặc là các nhà báo thì hoàn toàn là việc nằm trong tầm tay của nhà nước và nhà nước có thể quản lý được.

Nếu như việc quản lý này sẽ dẫn tới những hình phạt nào đó đối với các blogger thì tôi nghĩ rằng sẽ gây ra những phản ứng mạnh trong cộng đồng mạng.

Trà Mi : Vâng. Như chúng ta cũng thấy trường hợp của anh Điếu Cày là một blogger nổi tiếng và khi mà anh chịu bản án tù với lý do nhà nước đưa ra thì hầu hết là cộng đồng dân cư mạng không mấy đồng ý với lý do đó.

Nhung: Vâng.

Trà Mi: Nhưng mà cuối cùng rồi thì cái sự không đồng ý, cái sự bất bình đó có đem lại cái hiệu quả gì gọi là thiết thực, cụ thể hay không trong tình hình Việt Nam hiện nay?

Nhung : Hiệu quả trước mắt đối với nhà nước là có thế bắt giam một số nhà bất đồng chính kiến và hạn chế họ hoạt động trong vòng một thời gian là khoảng thời gian họ vào tù. Tuy nhiên, họ đã mất đi niềm tin, đối với những người biết rõ sự thực, và đó là điều tai hại đối với nhà cầm quyền.

Trà Mi : Một lần nữa xin chân thành cảm ơn tất cả các bạn đã dành thời gian cũng như những chia sẻ rất là hữu ích. Cuộc thảo luận của chúng ta cũng đã khá dài thì Trà Mi xin tạm chấm dứt ở đây và mong đợi ý kiến đóng góp thêm của quý thính giả.

Mong gặp lại tất cả các bạn trong những chủ đề sau của Diễn Đàn Bạn Trẻ. Trà Mi xin chân thành cảm ơn tất cả các bạn và xin chào tạm biết tất cả các bạn.

Qúy thính giả cũng có thể nói lên quan điểm của mình qua địa chỉ email vietweb@rfa.org, hoặc để lại lời nhắn trong hộp thư thoại 001- (202) 530 7775. Quý vị muốn trực tiếp tham gia thảo luận trên Diễn Đàn Bạn Trẻ, xin vui lòng để lại số phone để chúng tôi tiện liên lạc.

Ngoài ra, quý vị cũng có thể trao đổi ý kiến trên trang blog của Ban Việt Ngữ RFA ở địa chỉ  http://www.rfavietnam.com/trami.

Trà Mi xin kính chào tạm biệt quý thính giả tại đây và hẹn tái ngộ vào tối Thứ Hai tuần sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.