Blog và vấn đề quản lý blog (phần 3)

Diễn Đàn tuần này, Trà Mi mời quý vị đến với phần hội luận tiếp theo của 4 bloggers trẻ tại Việt Nam và Pháp bàn về việc nhà nứơc dự định quản lý các trang blog nhật ký cá nhân, một phương tiện để chia sẻ ý kiến cá nhân và phổ biến tin tức đựơc đông đảo người trẻ ưa chuộng hiện nay.

0:00 / 0:00

Trong khi các bạn Trang từ Sài Gòn, Dũng ở Hà Nội và Đoàn Kết đang du học tại Pháp bày tỏ sự phản đối và bất bình về kế hoạch này và cho đó là giới hạn sự tự do của công dân, thì quan điểm của anh bạn tên Jimmy ở Sài Gòn lại ủng hộ tôn chỉ của chính quyền rằng "sự tự do đó phải trong khuôn khổ nhà nước cho phép."

Quan điểm này đã gặp sự phản hồi của các bạn còn lại ra sao? Bên nào sẽ đưa ra nhiều lý lẽ có cơ sở và sức thuyết phục hơn? Mời quý vị theo dõi trong chương trình hôm nay.

Tự do trong khuôn khổ?


Jimmy:

Nếu như mà trong thời điểm hoạt động quản lý thì đối với bản thân em thôi thì cái sự quản lý đó chẳng có ảnh hưởng gì đến em cả. Cái vấn đề đơn giản thôi là họ cấm đó nhưng mà mình không làm cái điều bị cấm thì chẳng có việc gì mình phải sợ cả.

Thì vấn đề anh muốn quản lý thì OK tôi sẽ cho anh quản lý, vấn đề là tôi không vi phạm thì tôi không sợ, bởi vì cái chuyện đó rất là bình thường thôi, cũng giống như ở trong một địa phận đó chịu sự quản lý của một người nào đó cũng không có gì quan trọng lắm.

Trà Mi: Các bạn khác nghĩ như thế nào về quan điểm của Jimmy?

Trang: Em có ý kiến với bạn Jimmy một tí. Nói chung là suy nghĩ của Jimmy thì nó hơi đơn giản một chút, nó phù hợp với tuổi teen có những trang blog đơn thuần là những tâm tư tình cảm, như những bài thơ hay những bài văn nhẹ. Nhưng với một số người, người ta đi làm, người ta tiếp xúc ngoài đời nhiều, người ta có những nỗi bức xúc xã hội.
Khi người ta biết nhiều chuyện, tức là khi người ta đọc rộng, đọc những thông tin nhiều, người ta thấy bức xúc nhiều trong lòng họ mà họ không thể nào lên tiếng, họ không thể nào nói ra trước cơ quan chức năng về nỗi bức xúc về vấn đề đó, bởi vì khi họ nói ra thì họ luôn luôn bị bắt bớ và có những cái không hay đến với họ.
Vì vậy họ cảm thấy họ viết lên blog để giải toả, hoặc để cho những người khác chia sẻ với họ, thì cái vấn đề đó mà bị quản lý thì quả là việc hết sức đáng buồn phải không?
Bởi vì họ không gây hại cho những người khác mà họ chỉ nói lên những gì họ suy nghĩ, những gì họ thấy hiện thực ngoài đời, họ nhận thức ngoài đời. Em nghĩ nếu như viết ra mà bị người ta cấm cản, không cho viết những điều mà mình nghĩ thì cảm thấy là mình rất là bực bội.

Theo em nghĩ, blog là một cái trang rất là hay cho chúng ta. Hầu như là giới trẻ hiện nay thường sử dụng blog để ghi lại những tâm tư, suy nghĩ của mình, những bài viết của mình, hoặc tìm những bài viết mới-lạ và đẹp-hay vào trang blog của mình, và chính vì vậy em thấy những trang blog rất là hay, nó có ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư cá nhân của mỗi người.

Trang, Sài Gòn

Trà Mi: Các bạn khác có ý kiến gì không?

Kết: Em là Đoàn Kết, xin phép có ý kiến. Em hoàn toàn đồng ý với cả ý kiến của bạn Trang và em cũng xin nói một chút về ý kiến của bạn Jimmy là thật sự ý kiến của bạn đúng như bạn Trang nói là nó quá đơn giản. Bởi vì trước hết cái đầu tiên chúng ta phải hiểu là quyền tự do - đó là cái quyền thiêng liêng nhất của con người.
Đồng ý là tự do trong khuôn khổ, nhưng mà khuôn khổ ở đây có nghĩa là không động chạm tới tự do của người khác, ảnh hướng đến lợi ích xã hội. Còn lại không ai có quyền cho ai quyền tự do cả. Quyền tự do là quyền căn bản và sinh ra là mỗi con người đều có quyền tự do.
Không ai có quyền cho ai quyền tự do, đấy là cái ý mà em muốn nhấn mạnh. Và không phải là nhà nước được đặt ra để cho người dân cái này hay cái kia, đây là cái tư tưởng đã phổ biến ở Việt Nam khá lâu rồi, và em nghĩ nên làm thế nào để bỏ qua cái tư tưởng ấy.
Không phải nhà nước được người dân bầu ra để cho người dân quyền này hay quyền kia, mà nhà nước được bầu ra chỉ để phục vụ nhân dân và làm theo nguyện vọng của nhân dân. Còn chính nhân dân mới là chủ thể của xã hội và chủ thể của đất nước, chứ không phải là nhà nước. Mọi đạo luật, mọi dự luật, tất cả mọi chính sách của nhà nước đặt ra là để phục vụ lợi ích của nhân dân.
Vậy thì tại sao chúng ta không đặt ngược lại vấn đề là tại sao nhà nước không tiếp thu những ý kiến trên blog, những ý kiến gọi là "trái chiều"? Đấy chính là những tâm tư nguyện vọng của người dân. Em ví dụ những người dân nghèo đi khiếu kiện có những blog trợ giúp pháp lý cho người dân nghèo đi khiếu kiện.
Cái mà em muốn ví dụ lớn nhất về tác dụng của blog, đấy chính là cuộc biểu tình ngày 9-12-2007 và ngày 16 và ngày 22-12-2007, đấy chính là tác dụng lớn nhất của blog, nó nói lên được tiếng nói yêu nước của thanh niên trong nước cũng như hải ngoại. Đấy chính là tác dụng của blog với cả nhận thức và dư luận xã hội.

Các quan điểm trái chiều

Trà Mi:

Jimmy có ý kiến phản biện không?


Jimmy: Anh Dũng có ý kiến gì không ạ?

Trà Mi: Mời anh Dũng.

Dũng: Dạ vâng ạ. Chúng ta đang xoay quanh vấn đề là blog đưa ra quan điểm trái chiều mà nhà nước quản lý thì chúng ta sẽ có cái suy nghĩ như thế nào, đúng không ạ?

Trà Mi: Vâng ạ.

Dũng: Thật ra quan điểm trái với quan điểm chính thống của nhà nước thì nó không phải là đồng nhất với việc vi phạm pháp luật. Hai cái đó hoàn toàn khác nhau, bởi vì quan điểm của nhà nước chỉ là quan điểm mà thôi, và mỗi người đều có quyền đưa ra quan điểm của mình.
Thế khi chủ nhân một blog mà đưa ra ý kiến riêng của mình trên blog thì đơn thuần chỉ là suy nghĩ của một cá nhân, quan điểm của một cá nhân thì do đó theo HIến Pháp và pháp luật thì hoàn toàn phải được tôn trọng. Thực ra phát biểu thì chỉ là ý kiến riêng của cá nhân, còn người đọc thì ai cũng hiểu như vậy, nó khác với việc kêu gọi.
Chuyện đưa quan điểm trái chiều lên blog thì nó có hai cấp bậc. Cấp bậc thứ nhất thì chỉ đơn thuần là tôi nghĩ như vậy và tôi mong muốn như vậy. Cấp bậc thứ hai là tôi kêu gọi mọi người hãy làm cái gì đó. Chúng ta phải phân biệt rõ ràng hai vấn đề đó.
Thế còn chũng ta không nên nghĩ rằng nói trái với quan điểm nhà nước thì tức là vi phạm pháp luật. Hai cái đó hoàn toàn khác nhau. Bởi vì quan điểm của nhà nước là gì? Là quan điểm của một số các vị ãnh đạo. Thế đến thời sau các vị lãnh đạo khác thì quan điểm lại khác, chứ không thể là pháp luật được.

Trà Mi: Dạ. Cảm ơn ý kiến anh Dũng. Các bạn khác đồng tình hay phản đối?

Kết: Em xin phép có ý kiến. Tức là chúng ta phải hiểu một chút về khái niệm. Nhà nước chỉ là phần hành pháp mà thôi. Mình vẫn có cái quan niệm nhà nước tức là pháp luật, mà thực ra không phải như vậy. Nhà nước chỉ là hành pháp và hoàn toàn độc lập với cả tư pháp và lập pháp.
Cái lập pháp, tức là những nhà làm luật là phía bên quốc hội, bên thượng viện, hạ viện như các nước tư bản và mình là quốc hội. Thế thì kể cả nhà nước cũng không có quyền đứng cao hơn pháp luật. Mình vẫn lẫn lộn giữa nhà nước và pháp luật gần như coi hai bên là một.

Cộng đồng blogger gọi là cộng đồng khi mà mỗi blogger riêng lẻ có sợi dây liên hệ với nhau, kết dính lẫn nhau, kết bạn với nhau chẳng hạn, hoặc là cái việc thanh niên tham gia biểu tình để chống lại cái quyết định của Trung Quốc khi thành lập cái huyện đảo Tam Sa của họ. Chính cái hoạt động như vậy mà nó tạo nên sức mạnh rất lớn, cái cộng đồng blogger nó thể hiện ở chỗ đó.

Dũng, Ha Nội

Ở những nước tư bản thì hai cái đấy hoàn toàn khác nhau. Nhà nước không được quyền đứng cao hơn pháp luật. Chúng ta có thể thấy là những tổng thống, những thủ tướng vẫn cứ phải ra toà điều trần, nếu có vấn đề gì vẫn cứ phải ra toà trả lời câu hỏi của các quan toà.
Và ví dụ như em ở nước Pháp chẳng hạn, nếu nhà nước làm một điều gì đấy, đại diện là các cơ quan chính quyênd địa phương làm một điều gì đấy vi phạm pháp luật, người dân vẫn có thể kiện những cơ quan đấy ra trước toà án và nhà nước vẫn cứ phải đền tiền bồi thường thiệt hại hay là xin lỗi người dân đấy.
Tức là chúng ta phải hiểu, không phải ý kiến của nhà nước bảo là người này trái pháp luật thì là người đấy trái pháp luật. Nhà nước không có quyền bảo là người này làm cái này trái pháp luật còn người kia làm cái kia đúng pháp luật. Mà tất cả mọi chuyện, cái đặt cao nhất vẫn là quyết định của pháp luật.
Mình vẫn hay quen kiểu suy nghĩ là bây giờ nhà nước bảo cái này là trái pháp luật thì là trái pháp luật. Nhà nước không có quyền hành trong vấn đề trái pháp luật hay đúng pháp luật, đấy là việc của cơ quan lập pháp và tư pháp.

Trà Mi: Sau khi nghe các ý kiến phản biện của anh Dũng và Đoàn Kết thì Jimmy có ý kiến nào không?

Jimmy: Em có ý kiến thế này. Giống như chị Trang nhận xét hồi nãy thì đúng là ý kiến của am mang tính chất mà em gọi cho đúng từ thì "trẻ con" quá, bởi vì ở mỗi mức độ tuổi khác nhau, có chỗ đứng khác nhau trong xã hội thì các nhìn nhận của mỗi người có một suy nghĩ khác nhau.
Em thì nói lên quan điểm bản thân em thôi. Thì ví dụ như gần đây nhứt là cấm xe ba gác thì sau khi công bố lệnh cấm rồi thì được ý kiến phản hồi từ phía người dân ngược lại thì bây giờ họ cũng đã ngừng lại cái lệnh cấm đó lại và dời lại.
Thì em nghĩ ví dụ như cái vấn đề quản lý blog thì trong một thời điểm họ phải công bố là chúng tôi sẽ tiến hành quản lý như thế nào, quản lý bắt đầu từ ngày tháng năm nào, thì khi đó sẽ có một số lượng, thí dụ như ở đây đa số cqác anh các chị là không tán đồng việc quản lý blog.
Ví dụ như em thì ý kiến có vẻ trẻ con thì đối với em thì thế nào cũng được, bởi vì nó không ảnh hưởng gì đến em, thì em đồng ý. Em nghĩ tới thời điểm đó thì còn tuỳ vào số lượng phản ảnh từ phía mọi người dân nữa, phải làm theo ý kiến của người dân mà.
Tới thời điểrm đó chắc chắn là những người gọi là blogger họ sẽ lên tiếng và chắc chắn là nhà nước họ cũng phải cân nhắc lại và họ sẽ làm sao cho nó tương đối hơn, hoặc thậm chí là gỡ bỏ việc quản lý.

Quản lý blog ở Việt Nam


Trà Mi: Với niềm tin của Jimmy thì Trà Mi có một ví dụ điển hình là đối với việc quản lý điện thoại di động mới đây, thì khi đã đưa ra dự luật này thì đã gặp ý kiến phản hồi của dân chúng rất là nhiều, nhưng mà cuối cùng việc áp dụng quản lý đối với điện thoại di động vẫn được tiến hành, thì Jimmy thấy sao? Cái sự phản ứng của công luận nó có thực sự có một chút hiệu quả nào, có một chút ảnh hưởng nào đối với những cái quy định hay là những cái quan điểm của nhà nước đưa ra hay không? Mời Jimmy.

Jimmy: Em nghĩ là cứ để cho anh Dũng nói trước đi.

Kết: Em là Đoàn Kết, xin phép có ý kiến ạ.

Trà Mi: Mời Kết.

Kết: Em đi xa cũng 4, 5 năm rồi nhưng em vẫn theo dõi thường xuyên tình hình ở Việt Nam. Tại sao nhà nước Việt Nam muốn đặt ra vấn đề quản lý blog? Không phải vì người ta sợ cái này, sợ cái kia, mà thực chất blog ở đây chúng ta có thể nói ví dụ như chị dùng cụm từ "nhà báo công dân", chúng ta có thể nói blog là hệ thống báo chí tư nhân, đối lập lại với cả hệ thống báo chí chính thống.
Ở Việt Nam có 600 tờ báo nhưng mà không có báo chí tư nhân. Và qua rất nhiều lần sửa đổi luật báo chí thì chưa bao giờ nhà nước Việt Nam cho phép có hệ thống báo chí tư nhân tồn tại song song. Và bây giờ có thể nói blog chình là hệ thống báo chí phi chính thống tồn tại song song và hoàn toàn độc lập.
Chính vì thế đây là cái lý do mà em nghĩ là nhà nước muốn đưa vào trong vòng chế tài quản lý. Bởi vì đây là một cái chưa hề bao giờ có tiền lệ ở Việt Nam là người dân được quyền nói lên những cái tâm tư, những cái nguyện vọng, những cái bức xúc của mình đối với xã hội.

Trang: Em hoàn toàn đồng ý vói anh Đoàn Kết.

Trà Mi: Jimmy? Những điều các anh chị đưa ra thì Jimmy thấy nó có căn cứ hay không, có thuyết phục hay không?

Jimmy: Thực chất thì nói chung là em cũng gọi là hơi bị trẻ con. Nói chung có một số các anh chị nói thì em không thể nào hiểu được cho lắm. Nói chung là em thấy các anh chị nói rất là hay, có căn cứ. Nói chung là với suy nghĩ của em thì em chỉ hiểu ở một mức độ nào đó mà thôi.

Kết: Em là Đoàn Kết, xin có ý kiến. Tức là theo em thì quản lý ở đây mình phải hiểu cho đúng nghĩa. Quản lý là đưa ra những cái chế tài để mà xử lý khi có vấn đề vi phạm pháp luật, chứ không phải quản lý là đón đầu người ta bảo là người ta không được đi bên phải hay phải đi bên trái hay là phải chui lên chui xuống như thế này.
Đấy là cái em không đồng ý. Nhưng pháp luật phải có những chế tài để có thể sẵn sàng xử lý được khi có vấn đề. Ví dụ như chuyện kiện về xúc phạm nhân phẩm hay là danh dự chẳng hạn, bây giờ nhà nước rất là lúng túng bởi vì chưa có chế tài để xử lý. Và em tin đấy là vấn đề mình cần phải làm, tức là mình cần những chế tài để xử lý.
Ví dụ khi anh vi phạm pháp luật, lừa đảo người khác, anh xúc phạm nhân phẩm - danh dự của người khác, hay anh đưa những nội dung không tốt, đồi truỵ lên mạng, những cái đấy là những hành động vi phạm pháp luật. Và chúng ta phải có những cái chế tài để xử lý những cái đấy.
Cái đấy là cái mình cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình, chứ không phải là hoàn thiện hệ thống phjáp luật để mà ngăn chận sự tự do cá nhân, ngăn chận tự do ngôn luận và tự do báo chí cũng như là để bắt mọi người phải làm theo cái ý kiến chính thống một chiều.

Trà Mi: Nhưng mà trái với quan điểm của Kết vừa đưa ra đó thì những nhà quản lý, nói một cách cụ thể là Thứ Trưởng Bộ Thông Tin và Trưyền Thông chẳng hạn, thì ông ta có nói rằng bất kể hoạt động gì trong xã hội đều phải được quản lý để định hướng. Các bạn nghĩ như thế nào?

Mời Bạn tham gia thảo luận trên Diễn Đàn Bạn Trẻ về các đề tài đang được dư luận quan tâm. Hãy liên lạc với chúng tôi qua địa chỉ email:

vietweb@rfa.org

Mời quý vị đón nghe phần trao đổi tiếp theo của các bạn trẻ trên làn sóng này, sáng Thứ Tư tuần sau.

Trước khi chia tay, Trà Mi cũng không quên mời quý thính giả khắp nơi cùng tham luận đề tài này qua địa chỉ email vietweb@rfa.org hoặc để lại lời nhắn qua hộp thư thoại (202) 530 -7775. Từ Việt Nam và các nước khác gọi vào Mỹ, xin bấm số 001 trứơc dãy số (202) 530-7775.

Quý vị muốn góp tiếng trên Diễn Đàn Bạn Trẻ, xin để lại số phone, chúng tôi sẽ liên lạc lại. Mong quý vị đừng quên giờ hẹn với Diễn Đàn sáng Thứ Tư tuần tới.

Trà Mi thân ái kính chào!