Blog và vấn đề quản lý blog (phần cuối)

Bàn về việc nhà nước sắp quản lý blog để định hứơng thông tin trong xã hội, các bloggers trong và ngoài nước tham gia Diễn Đàn trong những tuần qua đại diện hai luồng quan điểm khác nhau.

Một bên thì không phản đối như bạn Jimmy ở Sài Gòn, một bên thì tỏ ra bất bình vì cho là việc này hạn chế quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm của công dân, như ý kiến tranh luận của các bạn Trang ở Miền Nam, Dũng tại Hà Nội, và Đoàn Kết từ Pháp.
Thế nhưng, ý kiến nào đựơc đa số ủng hộ? Những bloggers nào không muốn bị quản lý, có thể làm gì để thể hiện quan điểm của mình, để giải toả những sự hạn chế, kèm kẹp, hầu đảm bảo quyền tự do cá nhân trên những trang nhật ký điện tử cá nhân?

Đó cũng là nội dung phần kết loạt thảo luận nhiều kỳ ghi nhận cảm nghĩ giới trẻ trước việc nhà nước sẽ quản lý blog. Mời quý vị theo dõi.

Trưng cầu dân ý

<strong>Trà Mi :</strong> Ở Việt Nam không có trưng cầu dân ý hoặc là không có một cuộc biểu quyết hay là không có luật về trưng cầu dân ý thành ra rất khó để quyết định được đâu là ý kiến của số đông và đâu là sự quyết định đơn thuần của nhà nước.

<strong>Trang :</strong> À, em thấy là nếu nói trưng cầu dân ý thì chỉ là nói trong sách vở thôi chị Trà Mi ạ.

<strong>&lt;strong&gt;Jimmy :&lt;/strong&gt;</strong> Đúng là ở Việt nam hiện nay thì không có trưng cầu dân ý và cũng không có trang thông tin nào họ đứng ra thống kê như là sự kiện đó có bao nhiêu người đồng ý, bao nhiêu người không đồng ý, bao nhiêu người không có ý kiến gì cả cũng không có. Nhưng mà mỗi người đều có quyền tự do ngôn luận mà chị, nếu như không đồng ý thì họ sẽ nói.

Nếu như đa số tất cả mọi người ví dụ như bây giờ chúng ta có 6 triệu blogger và 5 triệu blogger đã không đồng ý mà nhà nước vẫn tiến hành quản lý thì không thể nào 5 triệu blogger kia họ chịu để yên đâu. Chác chắn là như vậy. Sẽ có một động thái nào đó, bởi vì chúng ta là một số đông và không thể nào một số đông lại để cho quyền lợi của mình bị kẹt, bị chìm xuồng cả.

<strong>Trà Mi :</strong> Nếu như mà họ không chịu để yên, theo như ý của Jimmy nói đó, thì sẽ phải làm gì? Có thể làm gì?

<strong>Jimmy :</strong> Em không có một định hướng rõ ràng nhưng mà thời điểm đó sẽ có một ý kiến gì đó và chắc chắn tới một thời điểm mà mọi người đều phản ánh, tức là tôi cảm thấy điều này nó gò bó quá, nó đè nén quá, thì chắc chắn là một số thông tin đại chúng họ sẽ không bỏ qua đâu chị.

<strong>Kết :</strong> Nếu thực sự có một cuộc trưng cầu dân ý về việc quản lý blog thì Jimmy sẽ nói là đông ý hay là không đồng ý với việc quản lý blog? Tức là đây mình muốn hỏi quan điểm cá nhân của Jimmy.

<strong>Jimmy :</strong> Em nghĩ muốn quản lý thì quản lý tức là không sao bởi vì nó không ảnh hưởng đến em nhiều.

<strong>Kết :</strong> Còn việc trưng cầu dân ý thì thực sự ra nó chỉ tồn tại trong những xã hội thật sự dân chủ mà thôi. Chứ ở Việt Nam từ trước tới giờ , theo mình biết thì chưa bao giờ có một cái dự luật nào được đặt ra sau một cuộc trưng cầu dân ý cả và luôn luôn luật là áp đặt từ trên xuống dưới và sau khi nhân dân hoặc là những tổ chức phản đối rất là kịch liệt thì sau đấy chúng ta lại sửa hoặc là chúng ta lại rút ra lại rút vào và lúc ấy thì nó đã gây ra khá nhiều thiệt hại rồi. Tất nhiên ai cũng muốn được nói lên ý kiến của mình qua những cuộc trưng cầu dân ý nhưng mà thực sự ra cái cơ chế đấy chưa được sử dụng ở Việt Nam.

<strong>Trang :</strong> Nghe cái từ "trưng cầu dân ý" thì chị hơi buồn cười một chút thôi bởi vì từ trước tới giờ họ tự quyết định, họ áp đặt những người như chúng ta phải làm những cái mà chúng ta không thể nào chấp nhận được, nhưng tại sao những người như chúng ta lại im lặng?

Bởi vì những người như chúng ta cảm thấy dù có nói lên gì đi chăng nữa thì cũng không thể nào thoát khỏi những cái mà họ đã áp đặt. Những vụ biểu tình xảy ra ở Việt Nam cũng có chứ không phải là không có nhưng đều bị đè nén xuống, bị dìm đi, và những thông tin đó không được lọt ra ngoài, thì lấy gì mà em (Jimmy) có thể lên tiếng được. Đâu có trưng cầu dân ý! Em không có ý kiến đó. Họ bắt thế và em phải chịu; nhiều khi em uất ức nhưng mà không nói được, quả thực là một điều đáng buồn, đúng không Jimmy?

<strong>Jimmy :</strong> Nếu như gọi là nhà nước tự suy nghĩ ra những điều đó rồi họ áp đặt xuống thì cũng oan, bởi vì thực chất, ví dụ như là những cuộc họp quốc hội luôn luôn có tường thuật trực tiếp trên tivi, những đại biểu từ từng địa phương đến, có người đồng ý với điều được nêu ra, cũng có đại biểu không đồng ý với điều được nêu ra, và họ sẽ cân nhắc lại là giữa những người đồng ý và những người không đồng ý cái nào có lợi nhuận hơn. Những người đó họ đại diện cho chính mình và mình đã bầu họ lên, không phải là nhà nước tự họ sinh ra họ là nhà nước, họ là những người xuất phát từ người dân và chính chúng ta bầu họ cơ mà.

<strong>Kết :</strong> Thế cho mình hỏi là Jimmy đã đi bầu cử đại biểu quốc gội bao giờ chưa?

BlogCoGaiDoLong200.jpg
Trang blog Cô Gái Đồ Long.

<strong>Trang :</strong> Em cũng tính hỏi câu đó (cười).

<strong>Kết :</strong> Những người đấy bạn có thực sự biết họ thực ra là ai không? Người ta đến từ đâu để cho Jimmy bầu cử? (Trang và Kết cùng cười). Jimmy còn quá ít tuổi để chúng ta tranh luận bởi vì chúng ta tranh luận ở đây không phải là vấn đề về lý luận, thực ra đấy là vấn đề về thực tiễn. Nếu mà Jimmy có thêm một chút kinh nghiệm về cuộc sống nữa thì có lẽ chúng ta tranh luận sẽ dễ hơn, chứ bây giờ chúng ta nói vấn đề thuộc về lý thuyết đấy thì chúng ta có cãi nhau đến sáng mai cũng không giải quyết được vấn đề gì.

<strong>Trang :</strong> Em cũng đồng ý là có cãi nhau đến sáng mai cũng không đi đến đâu cả. (Cười).

Nên hay không quản lý

<strong>Jimmy :</strong> Khi mà em nhận được lời mời của chị Trà Mi thì chị Trà Mi có nói là hôm nay chúng ta nói về việc có nên hay không việc quản lý thì em cũng chỉ nghĩ là vấn đề đó đơn giản thôi, em không nghĩ là nó lại rắc rối như vậy.

<strong>Trang :</strong> Jimmy rất là dễ thương.

<strong>Trà Mi :</strong> Cuộc nói chuyện của chúng ta đã đi quá xa với chủ đề ban đầu, phải không Jimmy?

<strong>Trang :</strong> Nó đi quá xa mà lại vừa thú vị cho nên là chị Trà Mi phải (cười)

<strong>Kết :</strong> Em xin phép chị Trà Mi một chút. Em rất cảm ơn về cuộc nói chuyện ngày hôm nay bởi vì em thấy rất là mừng bởi vì vẫn còn những người bạn trẻ trong nước có tâm với đất nước giống như bạn Trang, và những người như Jimmy nếu mà tìm hiểu thêm thì sẽ là những người rất có ích cho xã hội. Đấy là cái mà em thấy sẽ là những cái động lực thúc đẩy cho việc phát triển cải nền dân chủ cho dân tộc Việt Nam. Em cảm ơn.

<strong>Trang :</strong> Cảm ơn anh Đoàn Kết quá khen.

<strong>Trà Mi :</strong> Trước khi mình chia tay với nhau thì Trà Mi mời các bạn trở lại với chủ đề để mình đưa ra một cái gút thắt nói về cái việc quản lý blog, thì một cái nguyên nhân đưa ra tức là nhà nước đã khẳng định là không được phép đưa ra những thông tin chống lại nhà nước thì cái điều này nó có hợp với quan điểm, với sự cảm thụ của các bạn hay không?

<strong>Kết :</strong> Xin tóm tắt quan điểm của em. Đối với em, nhà nước không đồng nghĩa với cả nhân dân mà chỉ có quyền lợi của nhân dân là cao hơn hết, nhà nước chỉ là một chủ thể phục vụ nhân dân mà thôi. Nếu như quan điểm đưa ra mà phục vụ cho lợi ích của nhân dân và chống lại lợi ích của nhà nước thì em nghĩ đấy là chuyện bình thường, bởi vì nhà nước không phải là một cái gì bất biến và không bao giờ thay đổi được. Chỉ có nhân dân, quyền lợi của nhân mới là cái tối cao, bất di bất dịch. Còn lại nhà nước thì có thể chuyển từ hình thái này sang hình thái kia, hay từ chế độ này sang chế độ khác. Quan trọng nhất vẫn chỉ là lợi ích của nhân dân mà thôi, lợi ích của dân tộc, lợi ích của đất nước.

<strong>Trà Mi :</strong> Riêng về khía cạnh không được phép đưa những thông tin chống nhà nước thì có sự khác biệt nào không giữa Việt Nam với lại một nước tiên tiến hơn mà Đoàn Kết đang ở, tức là ở Pháp?

<strong>&lt;strong&gt;Kết :&lt;/strong&gt;</strong> Ở đây là một đất nước tự do và tất cả mọi người được quyền nói lên ý kiến của mình, thành ra em nghĩ nếu mà so sánh thì thực sự nó quá khập khiễng. Ở một xã hội dân chủ nếu mình không đưa những thông tin ảnh hưởng đến quyền lợi quốc gia, quyền lợi của nhân dân, thì nhà nước không phải là cái chủ thể có thể cấm được mình là không được nói xấu nhà nước hay là thế này thế khác. Cái này nó rất là khác giữa hai chế độ ở Việt Nam và ở Pháp. Đưa ra những cái khuyết tật, đưa ra những cái khuyết điểm, đưa ra những cái hoạt động không hiệu quả thì em nghĩ đấy là cái việc mà bất kỳ một người nào có thể đưa ra được.

So với các nước khác

<strong>Trà Mi :</strong> Các bạn Trang và Jimmy có ý kiến nào khác trước khi mình chia tay với nhau không?

<strong>Trang :</strong> Nói chung nếu mà so sánh giữa Việt Nam với các nước tự do thì quả thực là một sự khập khiễng rất lớn, một sự chênh lệch quá lớn, bởi vì Việt Nam mình có một sự áp đặt lớn mà mình không đựoc vượt qua giới hạn mà họ đã quy định, giới hạn mà họ cho phép. Chính vì vậy mà nó còn ức chế rất nhiều, dẫn đến sự hạn hẹp và dẫn đến sự kềm chế sự phát triển của con người ở Việt Nam.

<strong>Trà Mi :</strong> Vì những sự khập khiễng đó cho nên có sự thiệt thòi?

<strong>Trang :</strong> Rất là thiệt thòi.

<strong>Trà Mi :</strong> Mình nói riêng việc quản lý blog thì những công dân blog ở Việt Nam sẽ thiệt thòi hơn những công dân blog ở các nước khác?

<strong>Trang :</strong> Dạ. Đúng rồi.

<strong>Trà Mi :</strong> Bây giờ cộng đồng blog ở Việt Nam, các bạn là những blogger, các bạn làm gì để tự bảo vệ quyền lợi cho mình?

<strong>Trang :</strong> Tới khi họ ra quyết định mới tính chứ bây giờ nói trước cũng không biết làm gì (cười).

Phản ứng của blogger

<strong>Trà Mi :</strong> Bây giờ các bạn có nghĩ là những phản ứng của blogger, những phản ứng của công luận có thể giúp thay đổi tình thế hay không?

<strong>Kết :</strong> Em thì em nghĩ là vấn đề văn hoá tư tưởng là vấn đề rất là nhạy cảm của chính quyền Việt Nam bây giờ, kể cả cộng đồng blogger có phản đối mà nếu nhà nước Việt Nam có thể làm được thì chắc chắn là nười ta vẫn muốn quản lý. Nhưng mà quản lý được hay không thì lại là chuyện khác, bởi vì việc các blogger đưa thông tin trái chiều, đấy tức là phản ứng của người ta đối với cái việc tồn tại thông tin chỉ có một chiều hiện nay. Em không tin là người ta lại có thể ngồi yên để cho nhà nước áp đặt như thế nào cũng được. Bây giờ có rất nhiều phần mềm, ví dụ như là phần mềm quá giang chẳng hạn, thì mình có thể ngồi ở nhà truy cập vào NET với một ID giả trên Internet thì không ai có thể truy ra mình đang ở đâu.

<strong>Trà Mi :</strong> Cái phần mềm quá giang đó Trà Mi biết là có một cái kêu là TEOR đó.

<strong>Kết :</strong> Trên Internet có rất nhiều. Mình chỉ cần đánh từ khoá, ví dụ như là giấu ID chẳng hạn, viết bằng tiếng Việt thôi, hoặc trên các diễn đàn của các bạn trẻ có rất nhiều cái phần đấy. Hoặc vào Google mình có thể tìm được rất nhiều cái phần mềm giúp cho mình có để giấu được ID. Người ta không bao giờ có thể truy ra được là mình đang ngồi ở đâu và mình thực chất là ai.

Cái thứ hai là nếu mà thử chặn bằng firewall chẳng hạn thì có rất nhiều cách để giúp người sử dụng vượt được firewall. Các cái này trên diễn đàn rất nhiều cách, chỉ cần gõ chứ "vượt tường lửa" vào trong Google thì sẽ hiện ra rất nhiều cách để giúp các bạn có thể vượt được tường lửa để vào các trang bạn muốn đọc.

Em nghĩ là cái việc quản lý ở trên Internet bây giờ nó là thời đại công nghệ thông tin, nó không còn đơn giản như là quản lý báo chí chính thống như ngày xưa, bởi vì những người đang ngồi viết blog người ta không chịu sự quản lý của bất kỳ ai, của cơ quan, của đoàn thể, của đảng uỷ hay của tổng biên tập, hay phó tổng biên tập, hay thư ký toà soạn, hay cao nhất là Ban Tư Tưởng Văn Hoá Trung Ương sẽ rất khó phản ứng.

Đây là một cái xã hội rất tốt cho những bạn trẻ muốn nói lên ý kiến của mình, bởi vì nó là một sân chơi của chính các bạn, để cho các bạn nói lên tâm tư nguyện vọng đối với đất nước.

SampleBlog200.jpg
Sample Blog

<strong>Trà Mi :</strong> Với cái trò chơi mèo đuổi chuột này thì những chú chuột nào mà không muốn bị quản lý, không muốn bị chú mèo đặt trong cái khuôn khổ thì có quyền tìm cho mình một ngõ ngách nào đó để mà linh hoạt, để mà có thể vẫn được tự do bày tỏ ý kiến của mình. Những chú mèo thì luôn luôn có những nanh vuốt rất là nhọn, nhưng mà những chú chuột thì không kém phần tinh ranh, phải không các bạn?

<strong>Kết :</strong> Vâng. Vâng.

<strong>Trà Mi :</strong> Bây giờ đã đến giờ mình nói lời chia tay với nhau. Jimmy có lời nào muốn chia xẻ thêm không Jimmy?

<strong>Jimmy :</strong> Bản thân em nhận ra là em rất là trẻ con bởi vì những ý tưởng của em, những ý kiến em đưa ra thì rõ ràng là một cái gì được trang bị, nhưng mà được nghe những ý kiến của các anh chị thì đó là những ý kiến rất là mới lạ, có những cái em chưa nghe bao giờ, có thể làm mất thời gian của các anh chị thì em xin lỗi, nhưng mà thực sự có một số ý kiến em thấy cũng rất là sai đó chứ. Bây giờ chúng ta chia tay nhau và chúng ta sẽ chờ cho tới ngày công bố họ sẽ quản lý như thế nào và để cho lợi ích như thế nào mà thôi chứ chẳng biết nói gì.

<strong>Trang :</strong> Em nối lời Jimmy được không chị Trà Mi ?

<strong>Trà Mi :</strong> Mời Trang.

<strong>Trang :</strong> Em (Jimmy) nói từ xin lỗi làm chị hơi buồn đó, bởi vì chúng ta đang thảo luận với nhau. Nói chung Jimmy là một người rất dễ thương. Em chưa ra trận nhiều thì cũng đừng nghĩ đó là một cái gì đó làm cho rất buồn. Thực ra nói chuyện với em cũng có sự thú vị.

<strong>Kết :</strong> Em rất là cảm ơn chị Trà Mi và RFA về buổi nói chuyện thú vị ngày hôm nay. Được nói chuyện với những bạn trẻ như là bạn Trang và Jimmy, em hy vọng là sẽ có nhiều dịp để có thể nói chuyện trong tương lai. Còn với Jimmy, kiến thức của Jimmy chưa có nhiều cho nên không có gì quan trọng cả, bởi vì Jimmy còn rất là trẻ và hôm nay Jimmy đã nhìn ra được là có nhiều nguồn thông tin mới mà Jimmy chưa biết, đấy là điểu rất quan trọng.

Và Jimmy hãy tìm hiểu những thông tin để cho mình có nhiều kiến thức hơn, để cho mình hiểu biết về xã hội và về đất nước mình nhiều hơn và mình có thể làm được nhiều điều cho đất nước hơn. Cái đấy mới là cái quan trọng, thành ra không cần phải nói là còn ít tuổi hay là còn trẻ con hay là chưa có nhiều kiến thức. Ý muốn của Jimmy hôm nay là Jimmy đã học được nhiều cái mới, gặp được nhiều người mới, và cái đấy là cái quan trọng nhất. Chúc Jimmy sẽ tìm được nhiêù thông tin trong tương lai để có thể trở thành công dân có ích cho đất nước.

<strong>Trà Mi :</strong> Những gì mà Đoàn Kết vừa nói thì cũng thay lời mà Trà Mi muốn nói. Và Trà Mi rất mong là được tái ngộ với Jimmy trong những chủ đề thảo luận kế tiếp sau này về những lãnh vực khác nhau trong xã hội mà Jimmy có quan tâm thì cũng mong là bạn góp tiếng để cùng nhau trao đổi ý kiến và học hỏi lẫn nhau.

<strong>Jimmy :</strong> Dạ.

<strong>Trà Mi :</strong> Một lần nữa Trà Mi xin cảm ơn tất cả các bạn rất nhiều.

<strong>Trang :</strong> Dạ. Chào chị.

<strong>Jimmy :</strong> Chào anh chị.

<strong>Kết :</strong> Chào tất cả mọi người.

<strong>Jimmy :</strong> Chào tất cả mọi người.

<strong>Trà Mi :</strong> Chủ đề thảo luận trên Diễn Đàn sáng Thứ Tư tuần sau nói về "Thái độ của giới trẻ Việt Nam đối với Olympic Bắc Kinh 2008". Mong quý vị nhớ đón nghe. Trà Mi kính chào.