Nhân dịp này, "Diễn Đàn Bạn Trẻ" mời quý vị cùng tham gia thảo luận và tìm hiểu về lợi ích của việc trao đổi ý kiến giữa nhà nước và người dân, với sự góp mặt của 3 thanh niên từ Huế, Sài Gòn, Hà Nội là Quang, Tuấn, Thắng, và 1 bạn gái đang du học tại Pháp là Bảo Trâm.
Tuấn : Mình tên là Lương Tuấn ở Sài Gòn.
Trâm : Trâm tên Bảo Trâm, một du học sinh đang ở Pháp.
Thắng : Mình tên là Thắng ở Hà Nội.
Quang : Mình tên là Quang, hiện đang ở Huế.
Bộ Giáo dục Đào tạo đi tiên phong
Trà Mi: Cảm ơn tất cả các bạn đã dành thời gian tham gia chương trình ngày hôm nay. Chắc hẳn các bạn đã biết là cách đây mấy ngày thôi, Bộ Giáo Dục & Đào Tạo có kêu gọi người dân đóng góp ý kiến và đưa ra những thay đổi cụ thể đối với chương tình học cũng như sách giáo khoa, thì không biết là cảm nghĩ của các bạn trước thông tin này như thế nào? Các bạn có ngạc nhiên hay không và các bạn có kỳ vọng gì qua các thông tin này không? Xin mời các bạn cho biết ý kiến.
Thắng : Mình cho rằng cái việc trưng cầu dân ý đấy thì chỉ là một cái động tác mang tính chất tượng trưng là nhiều thôi. Chẳng hạn như trong rất nhiều trường hợp người ta đưa ra rất nhiều lần trưng cầu dân ý về sửa đổi luật này, về sửa đổi những cái nghị định này, nhưng có lần nào người ta làm cho đúng cái người ta đã chỉ định đâu.
Thậm chí trong lần trước người ta hỏi rằng là có nên thi đại học và thi tốt nghiệp trung học vào cũng một thời điểm hay không. Nhưng sau khi rất nhiều lần và nhiều người nói rất là sát và hỏi rất nhiều lần, cuối cùng người ta có nghe đâu.
Hay là như lần trước với việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, người dân Hà Nội người ta không đồng ý nhưng người ta đã quyết rồi người ta mới đưa ra và người ta vẫn nói rằng là đã trưng cầu dân ý, bắt tất cả phải làm theo ý kiến của đảng. Như thế cái việc trưng cầu dân ý đâu có nghĩa gì nữa!
Từ hồi trước đến giờ trong bất kỳ lãnh vực nào, ý kiến của người dân đưa ra rất nhiều nhưng không lắng nghe mà chỉ đưa ra hô hào chứ không có một cách nào trả lời những cái thắc mắc của người dân đấy là do ai đảm nhiệm.
Trâm, du học ở Pháp
Trà Mi: Ý kiến của anh Thắng là trước cái thông tin mà Trà Mi vừa trình bày với các bạn thì anh Thắng không ngạc nhiên mà cũng không có kỳ vọng gì, phải không ạ?
Thắng : Vâng. Không hy vọng gì.
Trà Mi: Các bạn còn lại thì sao ạ? Anh Tuấn ở Miền Nam cũng như anh Quang ở Miền Trung?
Tuấn : Nói tới trưng cầu dân ý thì nói tới vấn đề dân chủ. Cái đặc trưng chính trị ở Việt Nam là duy nhứt một đảng cầm quyền thì cái trưng cầu dân ý với người dân trước giờ thì đúng là một cái hoạt động xa lạ, nó mang tính hình thức.
Đó là nói về cái chung, còn riêng về vấn đề Bộ Giáo Dục trưng cầu dân ý thì tôi nghĩ rằng có lẽ Bộ nên dừng lại đi, tại vì thực ra trong thời gian vừa qua ngay cả những người đầu ngành trong giáo dục như là Giáo sư Hoàng Tuỵ có những góp ý rất là thẳng thắn và chân tình, và góp ý từ 3 năm nay rồi, nhưng cho đến bây giờ thì bản góp ý của Giáo sư Hoàng Tuỵ cũng chẳng có ai lắng nghe cả.

Đó là nói về một người gọi là có uy tín và đức độ trong xã hội mà góp ý, mà hình như cái góp ý đó vẫn chưa được thực thi thì nói chi đến người dân như tui, như anh Thắng, hay là anh Quang.
Trà Mi: Ý kiến của anh Thắng và anh Tuấn thì không mấy tin tưởng vào cái việc nhà nước tạo điều kiện cho người dân góp ý và lắng nghe ý kiến của người dân, thế còn anh Quang ở Miền Trung, anh có ý kiến gì bổ sung thêm không?
Quang: Hiện tại em đang học ở Đai Học Huế, một thầy giáo rất là tâm huyết với nghề giáo của mình và đã đóng góp rât nhiều ý kiến cho Bộ. Ông cũng đã có một công trình nghiên cứu nhưng mà đưa ra Bộ mình thì không có gì cả, cho nên ông mới đưa qua Viện Pasteur của Pháp để kiểm nghiệm, trong lúc đó thì Việt Nam chúng ta cũng chẳng biết đó là cái chương trình gì và nó phục vụ lợi ích cho đất nước như thế nào. Trưng cầu dân ý như mấy anh đã nói thì đúng là mang tính hình thức đó, không mang tính thực thi đâu.
Trà Mi: Cảm ơn ý kiến của anh Quang. Thế còn bây giờ, một cái nhìn từ người du học sinh ở nước ngoài: Bảo Trâm đang ở Pháp.
Trâm : Dạ vâng. Trâm góp ý là hiện tại nó chỉ là một hình thức bởi vì từ hồi trước đến giờ trong bất kỳ lãnh vực nào, ý kiến của người dân đưa ra rất nhiều nhưng không lắng nghe (mà) chỉ đưa ra hô hào chứ không có một cách nào trả lời những cái thắc mắc của người dân đấy là do ai đảm nhiệm.
Từ Hình thức đến Thực tế
Trà Mi: Như vậy là ý kiến của tất cả các bạn ở đây đều cho rằng cái việc nhà nước cho phép người dân góp ý kiến và lắng nghe ý kiến của người dân ở Việt Nam là đã có nhưng mà nó dựa trên cơ sở là hình thức và thiếu cái tính thực tế. Nhưng mà...
Thắng: Thắng xin có một ý kiến nữa.
Trà Mi: Mời anh.
Thắng : Mình sống ở vùng thôn quê Việt Nam. Có rất nhiều những vùng, tức là cái sự dân chủ bắt nguồn từ cơ sở, chẳng hạn bây giờ ở các thôn, các làng, khi mà cái việc bầu cử trưởng bản, trưởng thôn được tiến hành thì việc bầu cử diễn ra thực sự dân chủ thì tôi tin là cái người được bầu sẽ là những người mà người dân trong khu vực đấy đã yêu cầu, và tôi hy vọng việc này được tíên hành ở cấp độ cao hơn.
Tuấn : Nhưng mà nói đến trưng cầu dân ý thì phải nói đến cái đánh giá và nghiên cứu xã hội thì mới tiến hành trưng cầu dân ý trong một lãnh vực nào đó, thì trước khi anh nhà nước đưa vấn đề trưng cầu dân ý ra người dân thì ảnh phải nghiên cứu trên các giai tầng xã hội cái vấn đề nó tác động như thế nào.
Trong năm vừa rồi 15 người giáo sư đầu ngành ở Việt Nam họ đệ đơn lên họ xin phép nhà nước lập ra một cái gọi là Viện Nghiên Cứu và Phản Biện Xã Hội. Vai trò của Viện này hỗ trợ một mảng rất là lớn cho việc trưng cầu dân ý, thì khi mà những người như là ông Lê Đăng Doanh, ông Chu Hảo, ông Dương Trung Quốc, ông Nguyễn Quang A và một số vị giáo sư-tiến sĩ khác có tài và có tâm với đất nước thì họ trình lên chính phủ nhưng chính phủ không cho phép làm.
Như vậy thì rõ ràng rằng là cái viện nghiên cứu phản biện xã hội - cái viện này không được thành lập, thì có nghĩa là bây giờ bản thân nhà nước cũng còn xem nhẹ cái việc trưng cầu dân ý đó.
Trà Mi: Cảm ơn thông tin mà anh Tuấn vừa chia sẻ. Nói về cái việc nhà nước cho phép dân đóng góp ý kiến, hồi nãy anh Thắng có nói là ở Việt Nam thỉnh thoảng cũng có thấy điều này xảy ra nhưng mà theo ghi nhận của các bạn thì nhà nước có tạo điều kiện cho người dân góp ý trong mọi lãnh vực, trong mọi vấn đề của đất nước hay chưa?
Tuấn : Thực ra thì nó cũng chỉ thu hẹp trong đời sống xã hội của người dân thôi, còn những lãnh vực được coi là nhạy cảm hay được coi là vùng cấm thì từ trước đến giờ vẫn chưa tiến hành trưng cầu dân ý.
Trà Mi: Thế ý kiến anh Tuấn vừa đưa ra thì các bạn còn lại có ủng hộ hay không? Các bạn có điều gì cảm thấy là không đồng quan điểm không?
Thắng : Mình nghĩ là cái việc bàn cãi ở đây không nói đến vấn đề liên quan tới chính trị, không nói đến chủ trương hay cái lý tưởng của một xã hội mà hiện nay người ta đang tôn thờ. Mình có đọc về bài Tự Do, trong đây ông John Stuart Mill có nói rằng là trong một xã hội khi mà đại bộ phận trí thức tích cực và ham hiểu biết nhất lại không dám nói ra cái gì mà mình nghĩ, mà chỉ dám nói ra những cái gì mà người khác muốn nghe, thì cái xã hội đấy đang đi dần đên sự đồi bại.
Và trong rất nhiều trường hợp ở đây, đại bộ phận trí thức ở mình bây giờ người ta không dám nói những điều có thể đụng chạm đến cái nền gọi là tư tưởng lý luận chính của đảng.
Có thể là trong ngành công an người ta vẫn có thể đưa ra những hòm thư góp ý đấy chứ; trong ngành quân đội có thể là có sự góp ý của trong ngành; và trong các ngành khác nhau có thể góp ý trong ngành của họ. Nhưng mà mình, mình không nhận thấy rằng sự góp ý ấy được chia sẻ.
Ví dụ như thế này nhé, người ta có hòm thư góp ý để ở chỗ mọi người đều có thể nhìn thấy nhưng lại không có người phụ trách cái khoá để mở hòm thư đấy; thậm chí có thể hòm thư đấy được đưa ra rồi nhưng mà không ai đọc.
Người dân có được lắng nghe?
Trà Mi: Anh Thắng nói đến cái hòm thư góp ý thì Trà Mi xin chia sẻ, tức là không nhất thiết cái hòm thư bị khoá là do không bao giờ người ta mở mà không mấy người để ý tới và cũng không mấy người bỏ thứ vào đó.
Tuấn: Tức là chẳng ai muốn góp ý cả!
Trà Mi: Người dân muốn góp ý với nhà nước thì có những phương cách nào khác cái hòm thư góp ý đó không?
Thắng : Có chứ. Người ta có thể biểu tình mà.
Tuấn : Việt Nam thì chưa có cho phép biểu tình, anh Thắng ạ.
Ngày trước tôi thường xuyên đi qua cổng nhà ông Trần Đức Lương, ngày nào tôi cũng thấy một nhóm người, ít nhất khoảng 10 đến 15 người, người ta tự động đến trước cửa người ta giương tấm biển ra. Tôi cho rằng đấy là một hình thức biểu tình.
Thắng, Hà Nội
Trà Mi: Vâng. Anh Thắng nói có thể là do anh nghĩ rằng người dân có quyền đó, phải không ạ?
Thắng : Trên thực tế thì vẫn có một số người vẫn làm. Nếu mà trong trường hợp ví dụ bình thường thì người ta cho rằng đấy là một cuộc tụ tập đông người, còn nếu đến độ người ta thấy không thể khống chế nổi thì người ta cho rằng đấy là một vụ gây rối loạn xã hội và người ta sẽ đem xử.
Chẳng hạn ngày trước tôi thường xuyên đi qua cổng nhà ông Trần Đức Lương, ngày nào tôi cũng thấy một nhóm người, ít nhất khoảng 10 đến 15 người, người ta tự động đến trước cửa người ta giương tấm biển ra. Tôi cho rằng đấy là một hình thức biểu tình.
Tuấn : Ở văn phòng các cơ quan nhà nước cũng có bộ phận tiếp dân nhưng mà thường những người đứng ra tiếp dân ở đó thì chả có chức vụ gì quan trọng cả. Có nghĩa là nghe ý kiến của người dân nói thì tôi ghi nhận, còn giải quyết ra sao thì chuyển cho lãnh đạo; còn lãnh đạo thì bận họp thành ra cũng ít khi nào giải quyết.
Thứ hai là văn phòng Quốc Hội họ vẫn có bộ phận tiếp thu ý kiến của cử tri, cũng ghi nhận chớ còn thay đổi hay không thì tính sau. Đó, nói chung là nó cũng có rất nhiều chớ, có thể kể ra đây khoảng tám kênh, là qua góp ý của bà con khi mà họp tổ dân phố, nhưng cái ý của tôi nói ở đây là mọi việc nó chỉ mang tính hình thức.
Trà Mi: Anh có thể kể hết 8 cái kênh mà anh vừa nói để cho các bạn cùng chia sẻ, được không anh Tuấn?
Tuấn : Trước nhứ là 3 cái tôi vừa nói, cái thứ tư là người dân có thể gửi ngay trực tiếp đến website của chính phủ, rồi khi mà một bộ phận quần chúng có một chính sách gì đó nó tác động sâu rộng đến riêng cái quyền lợi của bộ phận đó thì họ có thể tụ tập đông người để họ đưa ý kiến.
Cái đó chúng ta có thể tạm gọi là kiến nghị tập thể. Rồi các chuyên viên, chuyên gia trong một lãnh vực nào đấy, trong một bộ ngành nào đấy, thì nó cũng là một hình thức trưng cầu dân ý. Thì đại loại có 7-8 hình thức như thế, nhưng cái quan trọng ở đây là sự khác biệt giữa thực chất và hình thức. Cái lắng nghe rồi và không xử lý!
Trà Mi: Những hình thức mà anh Tuấn vừa chia sẻ thì ở đây có bạn nào đã từng thử qua một trong những hình thức góp ý với nhà nước như vậy chưa, và đã thấy được hiệu quả như thế nào chưa?
Trâm : Trâm thì chưa, nhưng mà Trâm theo dõi thì Trâm thấy là về phần giáo dục chẳng hạn thì ngay cả bản ý kiến chung thì bản ấy gửi trực tiếp lên Bộ Giáo Dục nhưng mà Bộ Giáo Dục đâu có trả lời, cũng không có phản ánh lại.
Mời Các Bạn tham gia thảo luận trên Diễn Đàn Bạn Trẻ. Xin email về <a href="mailto:vietweb@rfa.org" target="_blank">vietweb@rfa.org</a>, hoặc để lại lời nhắn qua hộp thư thoại 202-530-7775.<br/>
Trà Mi: Trâm vừa góp ý thêm cho các bạn là một hình thức khác ngoài 8 hình thức mà anh Tuấn vừa nêu lên, là hình thức thư ngỏ gửi thẳng đến các ban bộ ngành.
Trâm : Vâng.
Trà Mi: Ngoài ra thì để mà nói sự đóng góp của người dân, Trà Mi cũng được biết là có nhiều phương pháp khác nữa, thí dụ như là những cuộc khảo sát, điều tra ý kiến người dân, có khi là phương tiện truyền thông đại chúng - những cơ quan độc lập đó, họ đến từng địa phương hoặc là khu vực nào đó mà họ muốn điều tra, khảo sát ý kiến của người dân, thì những cuộc điều tra ghi nhận như vậy ở Việt Nam các bạn có từng thấy qua chưa?
Tuấn : Chưa. Em chỉ thấy có khảo sát về dân số thôi.
Trâm : Trâm thì chưa bao giờ được hỏi ý kiến này hết nhưng mà bố mẹ Trâm thì được hỏi ý kiến, nhưng mà phần lớn bố mẹ Trâm không dám nói sự thật, bởi vì nỗi sợ, ngay cả khi nó không là nhạy cảm, nhưng mà cái sự đề phòng của người dân cũng lớn.
Tuấn : Cái việc bỏ phiếu lấy tín nhiệm các chức danh từ bộ trưởng trở lên đến thủ tướng thì ở Quốc Hội người ta cũng đã đề cập đến nhiều rồi mà bây giờ có ai làm đâu. Ngay cả những người ở Quốc Hội mà họ còn không làm được những cái đó thì nói chi là những người cử tri bình thường hay là công dân như chúng tôi.
Trà Mi : Vì thời lượng có hạn, chúng ta phải tạm chia tay tại đây. Và dĩ nhiên là chương trình cũng rất hoan nghênh ý kiến đóng góp của quý thính giả gần xa.
Quý vị và các bạn muốn góp ý tham luận với các bạn trẻ, xin email về vietweb@rfa.org, hoặc để lại lời nhắn qua hộp thư thoại 202-530-7775, kèm theo số phone, chúng tôi sẽ liên lạc lại.
Mong được đón tiếp quý thính giả vào tối Thứ Hai tuần sau với phần thảo luận tiếp theo.
Trà Mi kính chào.