Giới trẻ phản đối những quy định mới cho người sử dụng xe gắn máy-phần 2

Bản quy định tiêu chuẩn sức khoẻ đối với người điều khiển xe gắn máy do Bộ Y Tế ban hành hồi cuối Tháng Chín, ngay khi được công bố đã gặp phải làn sóng bất bình, phản đối, thậm chí là mỉa mai và chỉ trích mạnh mẽ từ công luận.

0:00 / 0:00

Bộ Y Tế rút bỏ phân nửa điều khoản

Nhiều báo chí nước ngoài cũng đăng tải các bài viết về những quy định được nhiều người gọi là "có một không hai" này.

Đến Ngày 27 Tháng Mười, Bộ Y Tế tuyên bố rút bỏ phân nửa điều khoản trong bản quy định, và chỉ hai ngày sau đó, Bộ phải chính thức đề nghị chính phủ ngưng thực hiện tất cả nội dung của 83 điều vừa ban hành.

Vậy là chưa tròn một tháng, chính "cha đẻ" của những quy định này đã phải lên tiếng "khai tử" chúng. Nhiều người cho rằng những tiêu chuẩn phi lý, phi nhân bản, và thiếu cơ sở khoa học không chỉ dẫn đến "cái chết yểu" của quy định mới, mà còn thể hiện sự "yếu kém" của những nhà quản lý cấp Bộ.

Diễn Đàn tuần trước đã có cuộc thảo luận với thanh niên trong nước để ghi nhận quan điểm người trẻ về đề tài này. Trong khi chờ đợi ý kiến chính thức từ chính phủ về việc huỷ bỏ các tiêu chuẩn gây tranh cãi, các bạn trẻ của chúng ta có ý kiến đóng góp như thế nào? Mời quý vị theo dõi trong phần cuối cuộc hội luận giữa ba bạn Hùng, Huy, và Linh từ Sài Gòn.

Quy định bất lợi và “vô lý” sẽ sinh hối lộ và tham nhũng

Hùng : Ở Việt Nam từ xưa tới giờ thì quy định rất là nhiều, nhưng mà quy định ra xong rồi rốt cuộc người lao động vẫn phải giải quyết bằng tiền, rồi sau đó nó lại đi vào quên lãng. Mà những người đưa ra các quy định, những kẻ đánh trống bỏ dùi đó, họ thích thì họ đưa ra, xong rồi từ từ nó đi vào quên lãng bằng cách này hay cách khác. Mặt trái mà mình có thể nhìn thấy được, nếu như nó được thực thi thì người dân vẫn phải dùng đến tiền để hối lộ.

Trà Mi : Ý của anh Hùng nói rằng nếu như những quy định bất lợi như vậy mà vẫn đi vào thực tế thì sẽ có những cách đối phó từ phía người dân?

Hùng : Đúng! Mà cái đó là cách gây khó dễ cho người dân từ các cấp đưa ra các quy định này. Nói chung là chỉ làm khó dễ cho người dân và sinh ra thêm tham những và hối lộ mà thôi. Theo tôi là như vậy. Thẳng thắn thôi.

Trà Mi : Thế đối với các bạn thì những yếu tố cần thiết nhứt để mà giúp cho an toàn giao thông được cải thiện ở Việt Nam, nếu như các bạn phản đối những quy định này thì theo các bạn là những yếu tố nào mới là những yếu tố cần thiết cần phải để ý, cần phải tăng cường hơn?

Linh : Theo em thì cái yếu tố đầu tiên là ý thức của người dân, thì cái đó là dĩ nhiên rồi. Nếu mà mình lưu thông mà mình có ý thức, mỗi người có ý thức của mình thì chắc chắn là tuân thủ luật lệ, thì chắc chắn là không xảy ra tai nạn giao thông. Thứ hai là về cơ sở hạ tấng, thì tất nhiên là muốn lưu thông tốt thì nói thẳng ra là mặt đường phải tốt, tức là không bị chướng ngại như những "lô-cốt" này nọ, thì sẽ không dẫn đến tại nạn giao thông. Đó là sự hợp tác giữa người dân và chính phủ. Thì em nghĩ là muốn để giao thông ở Việt Nam tốt thì đó là sự phối hợp giữa người dân và chính phủ phải biết lắng nghe. Chính phủ phải biết lắng nghe người dân muốn gì; và người dân thì cũng phải biết tuân thủ luật lệ nếu như luật lệ đó phải hợp lý hợp tình. Đó là ý của em.

Trà Mi : Cảm ơn Linh. Hồi nãy anh Huy muốn góp ý phải không ạ?

Huy : Tôi thì cũng đồng ý và muốn nói là để giải quyết vấn đề tai nạn giao thông tại Việt Nam thì vấn đề cần quan tâm nhứt là cái cơ sở hạ tầng của mặt bằng về giao thông ở Việt nam. Tại vì cái tỷ lệ về mặt bằng mà diện tích của một mét vuông đường dành cho xe gắn máy rất là nhỏ và ngay cả những dự án đưa ra làm với vốn ODA về cầu đường thì chị cũng thấy rồi đó, bao nhiêu vụ án xảy ra, bao nhiêu cái làm bê-tông cọc tre tùm lum tà la đó. Thì coi như không biết tới khi nào mà cái cơ sở hạ tầng của Việt Nam mình nó mới được bằng những nước phát triển. Nếu mà không dẹp được nạn tham nhũng! Tham những ở Việt Nam mình thực sự bây giờ, qua cái vụ hai nhà báo thì tôi nghĩ cũng chẳng ai mà dám chống nữa!

Trà Mi : Ý của các bạn có thể nó một cách tóm tắt là các bạn nghĩ rằng nên chỉnh sửa những khiếm khuyết trong chính sách của những người có trách nhiệm chứ không phải là chỉnh sửa những khiếm khuyết đối với từng người tham gia giao thông để mà giải quyết vấn đề một cách tối ưu nhứt, phải không ạ?

Linh : Dạ đúng rồi.

Hãy chú ý đến hệ thống giao thông trước

Hùng : Cái giao thông nó phải đồng bộ. Tức là như bạn Linh và bạn Huy nói thì ngoài cơ sở hạ tầng, ngoài ý thức người dân, thì người dân họ cũng chả có muốn làm cái gì cũng phái xách xe đi đâu, nhưng làm gì thì làm cũng phải có một hệ thống giao thông công cộng tốt, thì từ lúc đó nó không còn kẹt xe. Ở Việt Nam thì hầu như không có một cái gì gọi là đồng bộ hết, cái này giẫm lên cái kia, đường mới làm thì cấp nước đào, đào xong lấp đi thì điện đào. Hầu như chẳng bao giờ một con đường được bình yên thì làm sao mà người tham gia giao thông được bình yên! Đó, thì cái đầu tiên là phải các cơ quan quản lý phải đồng bộ với nhau làm việc, kể cả ra những quy định cũng phải được đồng bộ chứ không phải cứ ra những quy định đó rồi để cho người dân gánh, thì cái đó thấy là nó không tốt mà chỉ sinh ra thêm tiêu cực, tham nhũng thôi. Theo mình là như vậy.

Trà Mi : Tức là đưa ra những cái quy định là một cách dồn người ta đến chỗ khó khăn bất lợi hơn chứ không phải phải là giải quyết được vấn đề. Vâng! Như vậy thì nếu có cơ hội mà các bạn nói lên được tiếng nói cũng như đề nghị của mình đối với những người chức trách thì các bạn sẽ đề xuất những gì?

Hùng : Em thì đề xuất một điều là ở cấp quản lý làm gì thì làm cũng phải thăm dò ý kiến của người dân, và thăm dò ý kiến người dân thì làm theo những gì mà đa số người dân mong muốn, chứ không phải là làm theo sự chủ quan duy ý chí của mình.

Trà Mi : Nói về cái phê phán đối với chính sách thì một bài báo trên Vietnamnet phân tích nói rằng là "không phải là sợ người lùn tham gia giao thông thì sẽ gây ra tai nạn, không phải là do người ta lùn mà do chính sách lùn".

Hùng : Đúng! Chính xác là như vậy!

Hãy ngồi vào vị trí người dân chứ đừng ở bàn giấy

Trà Mi : Tức là cái khiếm khuyết không phải ở người tham gia giao thông mà là cái khiếm khuyết ở những người đưa ra chính sách!

Hùng : Và cái chính sách đó hiện giờ nó đâng đổ lên đầu người dân, bất cứ cái gì vì hầu như không phải là về giao thông nữa mà nó còn về nhiều lãnh vực khác trong xã hội, ví dụ như là xe ba bánh, ví dụ như vấn đề hàng rong này nọ. Hầu như những cái đó họ ngồi ở bàn giấy để họ đưa ra, họ không tự đặt họ vào vị trí của người dân, cho nên họ thích thì họ đưa ra, còn người dân sống sao mặc bây, chết mặc bây, họ chỉ biết là họ đưa ra như vậy và người dân phải gánh, chẳng hạn như là về các phí giao thông này nọ, cái gì cũng vậy hết .

Trà Mi : Thế vừa rồi là những ý kiến của các bạn đóng góp với nhà nước. Nếu như các bạn có dịp cất lên tiếng nói của mình và các bạn cũng mong mỏi tiếng nói của mình được lắng nghe thì chúng tôi cũng mong là có một cơ hội này để tạo điều kiện cho những tiếng nói của những người trẻ ở trong nước được lắng nghe. Cảm ơn các bạn rất là nhiều đã dành thời gian cho chương trình này và dành những ý kiến đóng góp rất là thiêt thực, rất là xác thực với tình hình thực tế ở Việt Nam, và mong là sẽ tái ngộ các bạn trong những chủ đề khác của những chương trình sau. Cảm ơn anh Hùng, anh Huy và Linh rất là nhiều.

Hùng, Huy : Dạ. Chào chị Trà Mi ạ.

Linh : Dạ. Chào chị ạ.

Ý kiến tham luận với "Diễn Đàn Bạn Trẻ" xin email về địa chỉ vietweb@rfa.org, hoặc để lại lời nhắn trong hộp thư thoại 001- (202) 530 7775. Quý vị muốn trực tiếp góp tiếng trên chương trình, xin vui lòng để lại số phone, chúng tôi sẽ liên lạc mời quý vị tham gia.

"Diễn Đàn Bạn Trẻ" xin chia tay với quý vị tại đây và hẹn tái ngộ vào giờ này, tối Thứ Hai tuần sau. Trà Mi kính chào tạm biệt quý thính giả.