Giới trẻ và Quốc Hội
2014.11.12
Hà Nội hiện đang diễn ra kỳ họp thứ 8, Quốc Hội khóa 13 của đảng cộng sản Việt Nam. Nhân sự kiện này, chúng ta thử tìm hiểu xem người trẻ Việt Nam quan tâm thế nào đến các hoạt động của Quốc Hội, cũng như họ có những suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng gì gửi tới Quốc Hội. Và đây sẽ là chủ đề cho diễn đàn bạn trẻ kỳ này, cùng với sự tham gia thảo luận với 3 bạn Katy Trần, Tiến Từ Từ và Trường Sơn.
Vai trò và trách nhiệm của QH
Chân Như: Là những người đã từng là các cử tri đi bầu Quốc Hội, vậy theo các bạn vai trò trách nhiệm của Quốc Hội là gì?
Katy Trần: Là một người đã từng đi bầu cử tri Quốc Hội thì em thấy Quốc Hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quốc Hội thường có quyền lập hiến, có quyền lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao hầu hết các hoạt động của nhà nước.
Vai trò và trách nhiệm của một Quốc Hội cũng như đại biểu Quốc Hội là lắng nghe ý kiến, thu thập ý kiến của nhân dân, tìm hiểu nguyện vọng của người dân.
-Trường Sơn
Trường Sơn: Theo em thì vai trò và trách nhiệm của một Quốc Hội cũng như đại biểu Quốc Hội là lắng nghe ý kiến, thu thập ý kiến của nhân dân, tìm hiểu nguyện vọng của người dân và sau đó là người trực tiếp giám sát truyền đạt lại ý kiến cho cơ quan hành pháp là chính phủ. Cùng với hoạt động đó là giám sát sự hoạt động của họ trong khuôn khổ của pháp luật. Thứ hai, theo lý thuyết của nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Quốc Hội là cơ quan quyền lực nhất thì Quốc Hội là một cơ quan lập pháp, tạo ra hiến pháp -khế ước xã hội đó là bộ luật trong xã hội nhằm điều chỉnh mối quan hệ giữa chính phủ và người dân và mối quan hệ giữa người dân với nhau. Theo em đó là hai vai trò chính của Quốc Hội.
Tiến Từ Từ: Vai trò trách nhiệm của Quốc Hội trong việc nhà nước thì có hai điều cơ bản. Thứ nhất nó là cơ quan lập pháp, cụ thể hóa những ý nguyện của người dân thành những điều khoản của pháp luật. Vai trò thứ hai của Quốc Hội đó là giám sát các cơ quan hành pháp và hiến pháp giám sát các bộ phận còn lại trong nhà nước. Và theo mô hình của nhà nước cộng hòa, Quốc Hội luôn luôn là cơ quan quyền lực cao nhất gần như có quyền giám sát và can thiệp vào tất cả các sự án khác nhau của nhà nước.
Chân Như: Ở Việt Nam, cử tri phải bỏ phiếu với hệ thống “đảng cử, dân bầu” cho phù hợp với “qui hoạch cán bộ nguồn” “cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc Hội”. Với mô hình bầu cử không bảo đảm được tính dân chủ này, theo các bạn, có ảnh hưởng gì đến hiệu quả của Quốc Hội?
Trường Sơn: Theo em thì ảnh hưởng lớn nhất đó là tính độc lập giữa các cơ quan như hành pháp, lập pháp và tư pháp, theo thuyết tam quyền phân lập. Quốc Hội Việt Nam theo hệ thống bầu cử “đảng cử dân bầu”. Đảng cử là đúng thật nhưng dân bầu lại là không đúng bởi vì người dân Việt Nam có đi bầu cử Quốc Hội thế nhưng là phiếu của họ chỉ là những lá phiếu tượng trưng mà thôi. Tất cả những đại biểu Quốc Hội hiện nay đều không phải được bầu với người dân mà được chọn bởi các cơ quan chính quyền. Một vấn đề nữa đó là phải đến 99 % số nghị sĩ trong Quốc Hội Việt Nam đều là đảng viên. Đây là một trong những vấn đề lớn nhất ảnh hưởng đến hiệu quả của Quốc Hội. Các nghị sĩ này được chọn, được bầu lên bởi đảng Cộng sản Việt Nam hoặc bởi chính quyền thì bản thân của họ không giữ được tính trung lập, cũng như không đảm bảo được tư duy trí tuệ, trí thức và sự nhiệt thành của họ đối với nhân dân. Do vậy, ở Việt Nam hầu hết người ta có câu là “đảng chỉ tay thì Quốc Hội chỉ biết giơ tay thôi” chứ họ không có ý kiến gì cả. Đấy là ý kiến của em.
Tiến Từ Từ: Theo em thì hệ thống “đảng cử dân bầu” nó nảy sinh ra vấn đề đó là sẽ loại bỏ rất nhiều những cá nhân mà họ thật sự đại diện cho ý nguyện của người dân. Vì những người bị loại ra như thế nên Quốc Hội sẽ không đảm bảo được vai trò là một cơ quan giám sát cho nhà nước nữa. Nếu còn duy trì cơ chế này thì Quốc Hội Việt Nam sẽ không phải là Quốc Hội, chỉ là một cơ quan như bạn Sơn vừa nói, đó là chỉ đảm bảo được nguyện vọng của đảng Cộng sản chứ không phải nguyện vọng của người dân.
Katy Trần: Ở Việt Nam, nói “đảng cử dân bầu” cũng đúng bởi vì hiện tại Việt Nam chỉ có một đảng thôi. Thật sự thì cũng có dân chủ nhưng mà để đảm bảo được dân chủ thì yếu tố này vẫn chưa đủ. Bởi trong cuốn sách Dân Chủ Vẫn Chưa Đủ, tác giả có đề cập đến những mô hình độc tài nhưng trá hình dân chủ như hiện nay ở Nga. Đảng của ông Putin tuy là nói đa đảng nhưng thật sự luôn nắm quyền, tuy cho dân đi bầu nhưng thực chất tất cả đều có sự sắp đặt của một cơ chế, một thể chế cơ cấu. Bên cạnh đó, cũng có những nhân tài có tâm, có nhiệt huyết với xã hội nhưng không ai biết đến họ vì không có sự vận động dân chủ công khai; Vì chỉ có những thể chế cha truyền con nối “con ông cháu cha” thì hầu hết ai cũng biết. Quốc Hội, xã hội thì ai cũng mong muốn có sự thay đổi nhưng thực tiễn hôm nay hoàn toàn chưa đáp ứng được nhu cầu đó. Cụ thề là trình độ dân trí có hiểu được vấn đề cấp bách của xã hội hay không? Những người “con ông cháu cha” có lợi thế sẽ ra cử dễ hơn với những người tuy có học thức, tuy có trình độ cao nhưng mà không có được sự hậu thuẫn. Nhìn vô là có thể thấy rõ được điều đó.
Chất lượng đại biểu QH?
Chân Như: Các đại biểu Quốc Hội của Việt Nam thường có những phát ngôn, thái độ gây “shock” trong dư luận. Nhận định của các bạn?
Katy Trần: Quốc Hội Việt Nam thường có những phát ngôn gây “shock” đã có từ rất lâu rồi chứ không phải bây giờ nhưng đến hôm nay trên thông báo chí mới thật sự có tác dụng. Những phát ngôn của một đại biểu Quốc Hội thường mang tính chất cục bộ chủ quan của mỗi ý kiến cá nhân thôi. Mặt tiêu cực thì ai cũng thấy nhưng vẫn có thể phát biểu “shock”. Đại biểu Quốc Hội chỉ nhìn trên cái mặt lý thuyết thôi chứ họ không nhìn vào mặt thực tiễn nên thường có những phát ngôn mình hay nói “rồ”. Họ là đại biểu của nhân dân nhưng hầu như chưa bao giờ đứng trên cương vị của một người dân để hiểu được những tâm tư, nguyện vọng của người dân là gì cả.
Trường Sơn: Theo em đây là chuyện không hiếm. Trong bất cứ một kỳ họp Quốc Hội nào cũng đều có những vị đại biểu khiến người dân phải phì cười trước những phát ngôn hoặc thái độ của họ. Như ví dụ của anh vừa rồi là của một vị đại biểu đến từ đoàn Quảng Ninh, Thích Ánh Quyết gì đó, phát ngôn rằng Việt Nam chúng ta cần phải có quân đội giống như Bắc Hàn. Nhận định của em nguyên nhân có những vị đại biểu Quốc Hội này thực chất bởi vì sao? Vì họ không được bầu lên bởi nhân dân không ai biết được tri thức của họ, cái tầm của họ, cũng như là cái tâm của họ ở mức nào cả; bởi vì họ là người được chọn. Bản thân họ có thể không cần phải phấn đấu một cái gì hết bởi vì bản thân họ được cơ cấu làm đại biểu Quốc Hội rồi. Những con người này quan trọng nhất vì không có ai giám sát được, kiểm tra được trình độ tri thức, cũng như là nhận thức của họ nên việc có những phát ngôn hoặc thái độ gây shock là hoàn toàn dễ hiểu thôi. Theo em nghĩ, Quốc Hội Việt Nam họ muốn đảm bảo được một sự nghe lời của Quốc Hội để trong một Quốc Hội chỉ có tung hô và đồng ý nhiệt liệt và chào mừng chứ không có phản biện không có bới móc, không có chỉ trích. Với em điều quan trọng nhất là cái nguồn để sinh ra những vị đại biểu quái đản này vẫn là so cơ chế “đảng cử dân bầu”.
Trong Quốc Hội Việt Nam, chất lượng đại biểu rất là kém. Nếu không may đến lượt phải phát biểu thì họ phát biểu đại một hai ý kiến nào đó. Và chất lượng của các cuộc tranh luận cũng rất thấp.
-Tiến Từ Từ
Tiến Từ Từ: Theo em, trong Quốc Hội Việt Nam, chất lượng đại biểu rất là kém. Nếu không may đến lượt phải phát biểu thì họ phát biểu đại một hai ý kiến nào đó. Và chất lượng của các cuộc tranh luận cũng rất thấp. Một lý do nữa, theo em, đó là những cái gây “shock” đôi khi được dùng để che đậy, nó là những lá bài để người ta gây dư luận chú ý đến một vấn đề nào đó.
Chân Như: Với tư cách là những công dân Việt Nam, các bạn mong muốn gởi gắm điều gì tới Quốc Hội Việt Nam hay cụ thể hơn các bạn mong muốn một Quốc Hội Việt Nam như thế nào cho cuộc bầu cử Quốc Hội sắp tới 2016?
Trường Sơn: Em có những suy tư như sau và mong muốn về những Quốc Hội Việt Nam trong khóa mới 2016. (Bởi vì cái mong muốn của mình thường xa vời với thực tế). Trong khi tình hình việt nam hiện tại, theo đánh giá của tôi, là không có sự thay đổi nào cả, thế nhưng tôi luôn mong muốn Việt Nam sẽ có một Quốc Hội đúng nghĩa và sẽ có những vị nghị sĩ đúng nghĩa. Cái mong mỏi lớn nhất đó là phổ thông đầu phiếu để cho mọi người dân được đi bầu và lá phiếu của họ phải được tôn trọng. Quốc Hội Việt Nam phải được bầu lên, được xây dựng nên bởi chính người dân Việt Nam chứ không phải bởi một tổ chức, đảng phái, cơ quan nào hết. Và những vị nghị sĩ này phải là những người được biết đến rộng rãi cũng như rõ ràng bởi người dân, chứ không có kiểu mập mờ như hiện nay. Bản thân các ứng viên phải có những cuộc chạy đua hoặc tranh luận để người dân được biết rõ hơn về những người mà họ yên tâm khi mà gửi gắm lá phiếu của mình cho.
Tất nhiên, đây là tham vọng của tôi thôi vì tôi không có mấy tin tưởng rằng cái viễn cảnh này sẽ xảy đến. Tiếp theo nữa tôi mong mỏi Quốc Hội Việt Nam khóa tới sẽ giữ được vị thế trung lập của mình không những đối với chính phủ, không những đối với tòa án, mà phải đối với đảng nữa. Vì sao? Vì ở Việt Nam, đảng Cộng sản trên lý thuyết họ là một đảng phải chính trị thường sẽ không được tham gia vào việc điều hành đất nước. Tôi mong mỏi càng nhiều vị nghị sĩ Quốc Hội khóa tới càng không phải là đảng viên thì càng tốt, để đưa ra được những phản biện suất sắc và sắc sảo đúng với những nguyện vọng của người dân. Đó là ý kiến của tôi.
Tiến Từ Từ: Theo em nguyện vọng đơn giản đối với các đại biểu Quốc Hội chứ không phải với Quốc Hội đó là họ phải đấu tranh cho quyền thực hiện đúng với chức trách của Quốc Hội; Đó là đảm bảo là cơ quan đại diện tiếng nói của người dân; Và thứ hai là trách nhiệm giám sát các cơ quan khác.
Katy Trần: Thật sự mong muốn thì ai cũng mong muốn, bản thân em cũng rất là mong muốn. Hầu hết những người đấu tranh cho Việt Nam cũng rất là mong muốn nhưng với thể chế này thì khó mà có mong muốn gì hơn nếu mà xã hội nó cứ quay vòng theo một vòng tròn như vậy. Thật sự là có thay đổi nhưng cái thay đổi đó nó không đáng kể. Nếu như cái tính ù lì, cái tính cam chịu của người dân Việt Nam cứ tiếp tục ngày này qua tháng nọ như vậy thì chắc chắn dù có họp bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng sẽ rất khó có những sự thay đổi.
Chân Như: Cám ơn Katy Trần, Trường Sơn và Tiến Từ Từ đã dành thời gian đến với chương trình tuần này.
Các bạn có thể gởi email về cho Chân Như qua địa chỉ email: hoangc@rfa.org hoặc theo dõi Chân Như qua facebook tại facebook.com/Channhu.rfa