Giới trẻ VN phản ứng trước những lấn lướt của Trung Quốc (phần 3)

Kể từ khi bước sang chủ đề "Nếu bạn là nhà chức trách của Việt Nam, bạn sẽ phản ứng như thế nào trước những hành động lấn lướt của Trung Quốc?" trong hai tuần nay, không khí trên Diễn Đàn lại trở nên sôi nổi hẳn lên.

Diễn đàn Bạn trẻ không chỉ sôi động do sự tranh luận nóng bỏng giữa hai chiều quan điểm của các bạn tham gia, mà còn nhờ vào sự góp tiếng của thính giả khắp nơi tham luận qua thư từ gửi về đài.

Chắc rằng trong suốt tuần qua, qúy vị cũng đang nóng lòng chờ đợi xem cuộc tranh luận giữa các bạn trẻ của chúng ta diễn biến như thế nào?

Liệu cô sinh viên tên Kim ở Sài Gòn, người ủng hộ phản ứng yếu ớt của chính phủ Việt Nam trước Trung Quốc, có giải đáp đựơc các câu hỏi phản biện mà các bạn Tùng, Quỳnh ở Hà Nội, Duy tại Sài Gòn, Hoa và Huy ở Châu Âu và Mỹ nêu ra để bảo vệ ý kiến của mình hay không?

Và những thắc mắc của Kim sẽ đựơc các bạn trả lời như thế nào? Tới đây thì Trà Mi phải nhường lời cho các bạn trẻ của chúng ta rồi.

Chính phủ Việt Nam đã làm gì?

Kim: Mình ủng hộ cái cách chính phủ Việt Nam đối với lại chính phủ Trung Quốc trong việc Hoàng Sa và Trường Sa, giữ thái độ ôn hoà.

Tùng: Có rất nhiều cách để biểu hiện thái độ, thì mình cũng ủng hộ thái độ ôn hoà, nhưng mình phải thấy cái sự hiệu quả trong cái biện pháp đó.

Trà Mi: Đối với thái độ ôn hoà của chính phủ Việt Nam hiện nay thì các bạn có nhìn thấy cái hiệu quả nào chưa? Nhất là Kim, Kim ủng hộ thì Kim có thấy hiệu quả nào mà bạn hài lòng?

Kim: Thì Việt Nam đã đạt được những gì từ chính sách ôn hoà đó, đó là Việt Nam đã khiến cho cộng đồng quốc tế đồng tình với mình. Các bạn có nghe cái câu là "ba đánh một không chột cũng què" không?

Tại sao mình phải tự đánh Trung Quốc trong khi nếu như mình làm theo con đường ôn hoà như vậy, làm theo con đường gọi là quân tử như vậy, thì rất là nhiều nước trên thế giới ủng hộ mình. Vì cái việc mà chính phủ Trung Quốc đối với Việt Nam như vậy mà Việt Nam đối xử lại rất là quân tử như vậy thì các nước khác tẩy chay Trung Quốc.

Hoa : Em thấy Việt Nam mình rất là ôn hoà, nhưng mà Trung Quốc có ôn hoà lại với Việt Nam mình không?

Duy : Bạn Kim thân mến này, thế bạn nói rằng "ba đánh một không chột cũng què" vậy chính phủ Việt Nam đã đưa vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa lên Liên Hiệp Quốc để xem xét chưa? Hay là vẫn chưa hề nói?

Bạn nói rằng chính phủ Việt Nam đã để cho bạn bè quốc tế thấy, nhưng cụ thể là vấn đề Trung Quốc nó o ép mình, mình thì không nói, chỉ có truyền thông để nói mà truyền thông lại không được nói.

Còn vấn đề chính phủ, vấn đề ngoại giao thì Việt Nam không đưa vấn đề này ra Liên Hiệp Quốc xem xét, vậy bạn nói là Việt Nam liên hệ với thế giới bằng phương tiện nào?

Tùng: Mình cũng muốn hỏi bạn Kim này, vậy vấn đề những ngư dân Việt Nam mình bị bắn thì chúng ta có nên lên tiếng không?

Hoa : Em cũng có câu hỏi cho chị Kim là Hoàng Sa và Trường Sa đang bị Trung Quốc xâm chiếm và chị thấy đảng có lên tiếng là Trung Quốc đang xâm chiếm lãnh thổ của Việt Nam không?

Cả thế giới đều biết, trừ báo chí VN?

Trà Mi: Vâng. Bây giờ các bạn từ từ, đừng đặt nhiều câu hỏi quá làm Kim bối rối. Bây giờ đối với câu hỏi đầu tiên đó thì (mọi người) muốn nghe cái hồi đáp của Kim là Việt Nam liên hệ với quốc tế bằng cách nào để lợi dụng ảnh hưởng của quốc tế đối chọi lại với Trung Quốc một cách ôn hoà?

Kim : Nếu như mà các bạn có theo dõi thông tấn xã AP đó thì các bạn cũng biết là AP đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam rồi.

Duy : Tôi cũng đồng ý với bạn là rất nhiều cộng đồng thế giới ủng hộ Việt Nam. Tôi biết điều đó. Nhưng cụ thể đấy là cái việc họ lo ngại vấn đề Trung Quốc bành trướng chứ không phải là Việt Nam lên tiếng.

Bây giờ nếu họ có tình cảm với bạn mà bạn nói là "Ừ, tôi sống chung thuỷ với chồng tôi. Tôi không có vấn đề gì. Các anh đừng có vào", thì chắc chắn là tôi cũng như các bạn ở đây không thể giúp bạn vấn đề gia đình của bạn được. Đúng không?

Tùng : Ý anh Duy muốn nói là khi chúng ta tận dụng cái sự lên tiếng, sự ủng hộ của quốc tế thế nào, đúng không?

Quỳnh : Đúng rồi. Con không khóc làm sao mẹ cho bú được? Cả thế giới đều quan tâm đến Việt Nam và thấy rằng Trung Quốc đang o ép Việt Nam, nhưng ngược lại, Việt Nam thì "Không, chúng tôi không sao cả"! (Hoa: Việt Nam lại không có nói gì cả). Chúng tôi không có bị sao hết. Dân chúng tôi không có thằng nào chết hết." Đúng không? (Tùng: Đúng).

Còn sinh viên, tuổi trẻ trong nước, họ không có biểu tình gì hết, họ ủng hộ chúng tôi và họ thấy việc đó là việc bình thường?!”, thì làm sao có ai giúp bạn được! Đúng không?

Thứ nhất là báo chí Việt Nam không có lên tiếng. Thứ hai là chính phủ Việt Nam không liên hệ với quốc tế. Rõ ràng bạn bảo là chính phủ Việt Nam đã làm tốt vấn đề kêu gọi quốc tế ủng hộ, nhưng bạn lại không đưa được ra bằng chứng là chính phủ Việt Nam đã kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế như thế nào.

Kim: Mình nói rằng chính phủ Việt Nam được nhiều thông tin báo chí ủng hộ. (Nhiều người cùng cười)

Tùng: Ý bạn Kim nói chúng ta đang có được sự hậu thuẫn khá là tốt, như vậy thì chúng ta sử dụng sự hậu thuẫn ấy như thế nào? Bạn ủng hộ phưong pháp đó thì bạn hiểu phía Việt Nam đưa ra phương pháp nào để làm sao tận dụng cái sự ủng hộ của quốc tế?

Kim: Bạn hỏi về thực tế hay là hỏi về ý kiến của Kim?

VnProtestChinaTruongSaHoangSa200.jpg
Hàng trăm sinh viên thanh niên Việt Nam tập trung biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa Trường Sa. RFA file photo. (RFA file photo.)

Trà Mi: Tức là thực tế Kim đã thấy Việt Nam tận dụng cái sự ủng hộ, hậu thuẫn của quốc tế một cách hiệu quả hay chưa?

Quỳnh: Đúng là như vậy đó. Bạn nói chính sách nào để Việt Nam tận dụng vấn đề ủng hộ của quốc tế? Bạn phải làm rõ vấn đề đấy.

(Kim im lặng không trả lời)

Câu hỏi của Kim

Trà Mi: Bây giờ Kim không có câu trả lời cho các bạn thì mời các bạn trả lời câu hỏi của Kim. Nếu như Việt Nam không mềm dẻo thì phải làm như thế nào? Cần phải làm gì giữa cái tình thế là so với Trung Quốc thì Việt Nam là một nước yếu thế hơn về quân sự, về kinh tế, mà chưa kể là Việt Nam còn phải nương tựa người anh hùng mạnh này để vững bền về nhiều mặt, trong đó đặc biệt là về chính trị. Nếu không mềm dẻo, nếu không ôn hoà thì Việt Nam phải làm gì?

Hoa : Mình không cần phải dùng đến bạo lực mà mình chỉ cần, nếu mà đảng tạo một cái niềm tin cho người dân thì đảng cùng nhân dân trong nước cũng như ngoài nước gộp lại và lên tiếng và nhờ quốc tế lên tiếng hộ sẽ rất là dễ và mình không cần phải dùng đến bạo lực gì cả.

Huy: Mình thì nghĩ là dù có quốc tế ủng hộ thì cũng không thể lấy lại được. Một cái ví dụ cụ thể là thời Pol Pot dù là giết rất nhiều người và quốc tế rất là tức giận, nhưng mà do cái sự bảo trợ của Trung Quốc nên cái ghế của Campuchea tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (vẫn còn), ngay cả sau khi Việt Nam tiến vào (Campuchea) thì vẫn là ghế của phe Pol Pot.

Trà Mi: Như vậy thì với cái nội lực của Việt Nam hiện nay, nếu như các bạn là những người có thẩm quyền thì các bạn sẽ làm gì?

Tùng: Quan điểm của mình, thứ nhất là phải phát huy được sức mạnh của tất cả người Việt Nam trên thế giới; thứ hai là chúng ta phải phát huy đựoc sự ủng hộ của quốc tế khi mà Việt Nam đã là uỷ viên không thường trực của Liên Hiệp Quốc, cũng như chúng ta đã vào WTO, chúng ta là thành viên của liên minh ASEAN, hay APEC; thứ ba nữa là chúng ta nên hình thành những mối liên minh với một số nước có hoàn cảnh tương đồng như chúng ta.

Ví dụ như là Ấn Độ chẳng hạn, họ cũng đang bị cái chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc xâm hại đến lãnh thổ của họ. Cho nên chúng ta có thể nghĩ đến những nước mà có những điểm tương đồng với chúng ta để chúng ta liên minh.

Hoa : Em thấy vụ ở Tây Tạng cũng không khác gì ở Việt Nam. Những người Tây Tạng họ đứng lên họ biểu tình chống Trung Quốc xâm chiếm cả đất nước của họ thì mọi người cũng thấy là cả thế giới đang đấu tranh cho Tây Tạng. Họ đều...

Tùng : Đúng. Và những người Tây Tạng trên khắp thế giới họ cũng tham gia cuộc biểu tình chổng rước đuốc...

Hoa : Và nếu Việt Nam cũng thế thì chắc chắn cả thế giới cũng ủng hộ cho Việt Nam mình.

Quỳnh : Mình thì mình lại nghĩ là chính phủ Việt Nam nên trưng cầu ý của người dân. Mình rất ủng hộ cái ý kiến là chính phủ rất nên lắng nghe ý kiến của người dân. Nên trưng cầu dân ý và đưa vấn đề lên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

PoliceHoangSaTruongSaProtest200.jpg
Nhiều người tham gia biểu tình chống Trung Quốc bị công an bắt lên xe đưa đi. RFA file photo (RFA file photo)

Kim: Mình cũng đồng ý với bạn.

Trà Mi: Các bạn khác có ý kiến nào khác không?

Duy: Phải có biện pháp ngay để tận dụng những sự hậu thuẫn của thế giới. Cái thứ hai là trưng cầu dân ý.

Cần phải hành xử như thế nào với TQ?

Trà Mi: Cái "biện pháp ngay" mà bạn đang nói đó là những biện pháp nào khả thi?

Duy : Thứ nhất là thay đổi con đường ngoại giao. Tránh dựa lưng vào Trung Quốc. Tìm ngay một số điểm tựa khác. Tất nhiên một nước nhược tiểu như Việt Nam, hay Nhật Bản họ cũng vậy, họ cũng phát triển nhưng họ tìm đựoc điểm tựa đúng của họ. Việt Nam cũng vậy thôi.

Đất nước chúng ta cũng cần phải tìm điểm tựa khác. Muốn thay đổi đựoc điểm tựa đấy để thoát khỏi sự đeo bám Trung Quốc thì phải thay đổi con đường ngoại giao, cũng như là cơ cấu của chính phủ, điều này là điều tiên quyết.

Tùng: Về việc thay đổi điểm tựa thì mình có ý kiến là chúng ta thay đổi điểm tựa này và chuyển sang điểm tựa khác thì đó cũng là điều không hay lắm. Mình muốn nói đến vấn đề chúng ta hãy hình thành liên minh của những nước tương đồng để chúng ta tạo một cái thế, sau đó chúng ta hãy liên minh với một nước lớn hơn thì chúng ta sẽ có cái vị thế tốt hơn so với bây giờ.

Bởi vì nếu chúng ta thay Trung Quốc bằng một điểm tựa khác, ví dụ như Mỹ chẳng hạn, chúng ta ít nhiều cũng phải phụ thuộc bởi vì các nước khác không ai tự nhiên người ta giúp mình cả.

Hoa : Việt Nam mình là một đất nước độc lập thì cần phải tự mình đứng lên chứ không thể nào phụ nước này tựa nước kia cả. Việt Nam mình theo cộng sản mà đi dựa bên Mỹ theo tư bản-dân chủ thì em nghĩ là không có chuyện đó đâu. Tại vì ở Việt nam mình đảng (cộng sản) dạy dân Việt Nam mình phải đố kỵ người dân...

Duy: Vấn đề đấy rất dài bạn Hoa ạ. Ý Duy cũng chỉ muốn dừng lại ở chỗ là thay đổi con đường ngoại giao vì thực tế ngoại giao Việt Nam từ trước tới nay vẫn dựa vào khối cộng sản quốc tế và sau khi Liên Xô sụp đổ thì chúng ta vịn ngay vào Trung Quốc. Điều đó...

Tùng : Chúng ta cần có sự quyết liệt hơn nhưng không phải đẩy vấn đề đi đến chiến tranh. Chúng ta vẫn đi theo chính sách đối thoại nhưng phải quyết liệt hơn và kiên quyết hơn.

Trà Mi: Nhưng mà thay đổi con đường ngoại giao bằng cách nào?

Duy: Nghĩa là mình phải thay đổi con đường ngoại giao. Thực ra nếu không dùng điểm tựa thì không đủ mạnh, nhưng nếu bạn dùng điểm tựa thì nó mất đi chủ quyền dân tộc. Nhưng nói một cách khác thì mình phải tìm một đối trọng và muốn làm được việc ấy thì thứ nhất là phải tự do báo chí và....

Tùng: Trước khi bạn tìm một điểm tựa thì bạn phải có nội lực, mình muốn nói đến việc phát huy sức mạnh của mọi người dân Việt Nam trên khắp thế giới. Lấy ví dụ vấn đề Tây Tạng chẳng hạn, tất cả mọi người Tây Tạng không hẹn mà lên vào khi ngọn đuốc (Olympic) đi qua Luân Đôn và Paris, họ đã đến và họ biểu tình.

Duy: Bạn nói đúng.

Tùng: Và có rất nhiều người Việt Nam trên thế giới cũng quan tâm đến vấn đề này.

Duy: Đúng.

Hoa : Nếu mà mình nói như thế, mình cần phải nhìn lại đảng cầm quyền ở Việt Nam mình họ có muốn đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa đó hay không. Họ có muốn thay đổi ngoại giao...

Trà Mi: Vấn đề mình đang đặt ở đây là nếu như mình là người có thẩm quyền thì mình sẽ làm gì, còn mình không đem vấn đề chỉ trích là nhà nuớc chưa làm đựoc cái này chưa làm được cái kia, cái điều đó thì tất cả mọi người ở đây chắc là cũng đã tự ghi nhận đựoc cho mình một sự hiểu biết là được hay chưa được, nhưng mà muốn ghi nhận ý kiến của các bạn đóng góp thêm là nên làm cái gì và nếu như là các bạn thì các bạn sẽ làm gì thôi. Thì xin mời ý kiến của các bạn khác.

Hoa : Em thấy thì chính phủ Việt Nam mình cần ngoại giao cùng với lại những nước khác, giống như là Mỹ đó thì nổi tiếng về nhân quyền và đòi quyền lợi cho mọi người, thì em thấy là cần ngoại giao với Mỹ hơn, chứ nếu mình vẫn cứ cắm cọc ở bên chính quyền Trung Quốc thì mãi mãi mình không có đòi lại được đất đai đã mất cho Trung Quốc.

Trà Mi: Mời quý vị trở lại với Diễn Đàn Bạn Trẻ vào tối Thứ Hai tuần sau để nghe giới trẻ tiếp tục phân tích những giải pháp, đề nghị với chính phủ nhằm phát huy nội lực và bảo vệ lãnh thổ quốc gia.

Quý thính giả muốn góp tiếng với chương trình "Diễn Đàn Bạn Trẻ", xin vui lòng email cho chúng tôi qua địa chỉ vietweb@rfa.org, hoặc để lại lời nhắn qua hộp thư thoại (202) 530 7775, kèm theo số phone, chúng tôi sẽ liên lạc lại. Từ Việt Nam và các nước khác, xin bấm số 001 trước dãy số (202) 530-7775.

Trà Mi kính chào.