Nhìn lại chuyến thăm VN của Ngoại trưởng John Kerry

0:00 / 0:00

Kính thưa quý vị, sau một thời gian vắng bóng, Diễn đàn bạn trẻ lại được hân hạnh tái ngộ cùng quý vị. Diễn đàn có mục đích nối kết tất cả những người Việt Nam trẻ tuổi khắp nơi trên thế giới để cùng nhau bàn luận về những vấn đề liên quan đến đất nước Việt Nam trong hiện tại, nêu lên ý kiến của những người trẻ tuổi về tương lai của một nước Việt Nam mà mọi người đều mong muốn rằng phát triển trong dân chủ và thịnh vượng.

Vấn đề nhân quyền

Kính Hòa: Kính Hòa xin chào tất cả các bạn. Hôm nay chúng ta có ba bạn tham gia diễn đàn, Phương Dung, sinh viên tại Sài Gòn, Thùy Lan sinh viên tại Virginia và Như Ý quê ở Nghệ An và học Đại học tại Bắc Kinh.

Vừa rồi các bạn biết là ông John Kerry, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam, và công luận cũng bàn đến việc này rất nhiều. Xin tóm tắt: Ông Kerry có đề cập đến vấn đề nhân quyền với Việt Nam, chuyện thứ hai là ông mang đến một gói viện trợ cho các nước Đông Nam Á, mà trong đó phần cho Việt Nam là lớn nhất với 18 triệu đô la để mua năm chiếc tàu cao tốc, chuyện thứ ba là viện trợ an ninh hàng hải như vậy trong lúc sức mạnh của Trung quốc đang lên tức là muốn kèm chế Trung Quốc, mặt dù ông ta không nói ra điều đó. Phương Dung nghĩ như thế nào với tư cách một người trẻ Việt nam sống ở Sài Gòn?

Phương Dung: Cũng như mọi người ở trên mạng, như cộng đồng mạng nhận định thì ông Kerry đến Việt Nam vì Hoa kỳ đang muốn xoay trục sáng châu Á Thái Bình Dương. Về cái gói viện trợ của ông ấy cho Việt Nam bảo vệ biển Đông là vì Hoa kỳ đang muốn Việt Nam hướng về phương Tây, hỗ trợ cho Việt Nam chống mưu đồ thôn tính của Trung quốc đối với Việt nam. Nhân quyền của Việt Nam thì quá tệ, nhưng theo em nghĩ thì vì Hoa Kỳ muốn xoay trục sang Việt Nam nên Hoa Kỳ cũng yêu cầu Việt Nam cải thiện về mặt nhân quyền nhưng mà họ sẽ nhẹ nhàng hơn, sẽ không quá khắt khe, ôn hòa hơn, những điều kiện mà yêu cầu Việt Nam phải, phải…

Cái vấn đề cấp bách nhất hiện nay là an ninh hàng hải. Mặt dù ông Kerry không có dùng lời lẽ đao to búa lớn, nhưng chắc là người ta có thỏa thuận riêng. <br/> -Như Ý

Kính Hòa: Tức là Phương Dung muốn nói Hoa Kỳ khắt khe với các nước khác, nhưng mà vì cần Việt Nam trong cuộc đối đầu với Trung Quốc nên họ sẽ nhẹ nhàng hơn?

Phương Dung: Dạ đúng ạ.

Kính Hòa: Là một người Việt sống ở hải ngoại, Thùy Lan thấy thế nào?

Thùy Lan: Dạ đối với em thì là một công dân Hoa Kỳ thì em nghĩ rằng những nhà ngoại giao Hoa Kỳ cũng phải quan tâm đến những chuyện mà người Việt Nam ở hải ngoại cần. Chúng em ở bên đây, lớn lên ở hải ngoại nhưng cũng rất quan tâm đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Chúng em nghĩ là khi chính quyền cho người dân lên tiếng thì đất nước mới tiến tới được. Nếu muốn Việt Nam trở nên một nước mạnh hơn thì chúng ta phải để cho người dân trong nước quyền tự do phát biểu, đóng góp để xây dựng đất nươc ngày càng mạnh hơn.

Kính Hòa: Nhưng mà Thùy Lan thấy thế nào về nhận định vừa rồi của Phương Dung rằng do Mỹ cần Việt Nam hiện nay nên sẽ nhẹ hơn trong vấn đề nhân quyền. Điều đó đúng không?

Thùy Lan: Mấy vấn đề đó đi chung với nhau chứ không thể tách ra được. Tại vì muốn bảo vệ biển Đông thì cần sức mạnh của toàn nước chứ không phải chỉ của chính quyền nào đó. Nếu một nhóm người cai trị Việt Nam mà không muốn nghe những ý kiến mới lạ, những ý kiến xây dựng đất nước thì họ cũng sẽ không bảo vệ được biển Đông. Vấn đề nhân quyền, bảo vệ biển Đông phải đi chung với nhau chứ không tách rời ra được.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại ​​lễ ký kết hợp đồng giữa tập đoàn GE và Công ty Công Lý của Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 14 tháng 12 năm 2013.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại ​​lễ ký kết hợp đồng giữa tập đoàn GE và Công ty Công Lý của Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 14 tháng 12 năm 2013. (AFP PHOTO/GE Vietnam)

Kính Hòa: Như Ý thấy thế nào?

Như Ý: Theo mình là trong chuyến thăm này ông Kerry rất ít nhắc đến chuyện nhân quyền. Tất nhiên đó là mặt ngoài, cũng giống như là từ trước đến nay Hoa Kỳ nói rằng Trung Quốc vừa là đối thủ cạnh tranh mà vừa là đối tác, ngoài mặt thì người ta nói là không, chúng tôi chả làm gì anh cả, nhưng thực tế thì Hoa Kỳ dùng chiến thuật lôi kéo và bao vây Trung Quốc. Việt Nam và Philippines là cái mắt xích quan trọng ở trong đấy, tất nhiên là nó không quá quan trọng để mà Hoa Kỳ hy sinh lợi ích. Cái vấn đề cấp bách nhất hiện nay là an ninh hàng hải. Mặt dù ông Kerry không có dùng lời lẽ đao to búa lớn, nhưng chắc là người ta có thỏa thuận riêng…

Kính Hòa: Thế còn cái ý lúc nãy của Phương Dung rằng Hoa Kỳ đang cần Việt Nam…

Như Ý: Cũng không hẳn là Hoa Kỳ cần Việt Nam mà có thể là một động tác lôi kéo, người ta có thể là đưa ra nhiều lọi ích để cho nếu như anh thực sự có thành ý thì sẽ dần dần cải thiện. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng chính quyền Việt Nam người ta cũng biết chuyện này nên người ta đàn áp mạnh hơn như một lá bài để đưa ra mặc cả, tôi nghĩ vậy.

Kính Hòa: Như vậy là ý của bạn Như Ý trùng với một luật sư từ Canada, rằng Hoa Kỳ không nên hy sinh những giá trị nhân quyền của mình cho cái lợi trước mắt là dùng Việt Nam như một con bài chống Trung Quốc. Phương Dung thấy thế nào?

Phương Dung: Em thấy là giữa hai nhà nước thì thế nào em không biết, nhưng nếu mà chuyện ấy là thật thì em nghĩ là nhà cầm quyền Việt Nam đã gia nhập hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc thì họ phải thực thi những lời hứa của mình, không thể hứa suông được nữa. Bây giờ mọi thứ đều công khai và minh bạch, Hoa Kỳ nên kêu gọi Việt Nam cải thiện nhân quyền cho người dân.

Ưu tiên chống Trung Quốc?

Kính Hòa: Xin đặt câu hỏi cho bạn Thùy Lan, nếu như nhận định của vị luật sư từ Canada và bạn như Ý là đúng là Hoa Kỳ sẽ không quan tâm lắm những giá trị nhân quyền vì ưu tiên của họ bây giờ là chống Trung Quốc. Nếu điều đó là đúng thì với tư cách là một công dân Mỹ, và là một người Việt, bạn có phê phán gì không?

Với cái góc độ là người dân Hoa Kỳ thì em không ủng hộ cái quyết định đó của Hoa Kỳ, chúng em có quyền đòi hỏi Hoa Kỳ phải nêu lên các vấn đề nhân quyền của Việt Nam. <br/> -Thùy Lan

Thùy Lan: Với cái góc độ là người dân Hoa Kỳ thì em không ủng hộ cái quyết định đó của Hoa Kỳ, chúng em có quyền đòi hỏi Hoa Kỳ phải nêu lên các vấn đề nhân quyền của Việt Nam. Em nghĩ là nhân quyền là quan trọng để đất nước tiến tới. Việt Nam phải tôn trọng những nhân tài trong đất nước, chứ không nên bịt miệng những tiếng nói, vì đó là độc tài, khi mà độc tài rồi thì không nghe những tiếng nói khác, không biết là mình làm sai, thì đất nước không thể tiến tới được. Em nghĩ là tất cả những sinh viên Việt Nam ở Hoa Kỳ có quan tâm đến đất nước đều nghĩ như vậy.

Kính Hòa: Như Ý!

Như Ý: Theo tôi thì …cũng như các bạn tôi và rất nhiều thanh niên Việt Nam bây giờ, thì người ta sẽ không quan tấm lắm đến việc thực thi nhân quyền như thế nào vì người ta lớn lên trong cái môi trường như ở Việt Nam nên người ta không nhận thức được đầy đủ về phương diện này. Mấy năm gần đây báo chí Việt Nam có tường thuật chi tiếc các vụ bạo động liên quan đến đảng phái như ở Thái Lan hay Ucraina thì có nhiều người cũng nghĩ rằng khi trình độ dân trí ở Việt Nam chưa đạt được ở cái mức là nhận thức được đầy đủ về cái quyền của mình, thì tôi cho rằng chuyện nhân quyền cũng không được thực tế cho lắm.

Kính Hòa: Phương Dung thấy thế nào?

Phương Dung: Hoa Kỳ thì luôn quan tâm đến nhân quyền trên toàn thế giới, nhưng hiện trong chính sách xoay trục thì họ sẽ tiếp cận ôn hòa hơn. Các nhà đấu tranh nhân quyền ở Việt Nam cũng như người Việt ở Mỹ nên lên tiếng để Quốc hội Mỹ, các nghị sĩ Mỹ quan tâm nhiều hơn đến nhân quyền ở Việt Nam.

Hôm 14/12, tại Sài Gòn ngoại trưởng John Kerry đến tham dự thánh lễ tại Nhà thờ Đức Bà ở trung tâm Sài Gòn. AFP PHOTO.
Hôm 14/12, tại Sài Gòn ngoại trưởng John Kerry đến tham dự thánh lễ tại Nhà thờ Đức Bà ở trung tâm Sài Gòn. AFP PHOTO.

Kính Hòa: Xin đặt cho các bạn câu hỏi cuối. Trong quá khứ của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 thì có người nói rằng Hoa Kỳ đã bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa khi Trung Quốc tấn công quần đảo Hoàng Sa, vì Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có thỏa thuận với nhau. Thế thì trong tương lai khi Việt Nam liên kết với Mỹ, thậm chí trở thành đồng minh của Mỹ thì liệu vấn đề đó có đặt ra nữa hay không?

Thùy Lan: Trong lịch sử chúng ta đã thấy Việt Nam cuối cùng cũng phải đứng một mình, dù có sự hỗ trợ của nước ngoài hay là không. Thì chúng ta trở lại vấn đề nhân quyền, nhân quyền rất quan trọng cho Việt Nam dù có sự ủng hộ của Mỹ hay những nước khác hay không, vì nếu mà chính quyền họ tôn trọng những nhân tài, những ý kiến mới để xây dựng đất nước thì đất nước sẽ mạnh để đứng một mình…

Như Ý: Theo mình nghĩ thì chúng ta có thể quay lại thời kỳ lịch sử đấy, là vào năm 1972 chuyến thăm của Nixon đã đặt nền móng cho quan hệ Trung Quốc và Hoa Kỳ. Thực ra nếu một nước nhỏ đứng giữa hai nước lớn bắt tay rồi thì khó có thể đem cái gì ra mà đánh đổi được.

Ở Việt nam thì có câu đi với Mỹ thì mất đảng mà với Trung Quốc thì mất nước, mà hiện người ta đang lo ngại sự tồn vong của đảng cầm quyền hơn…

Kính Hòa: Thùy Lan nói rằng nước mình cần nhân quyền để mạnh lên mà đứng một mình trên đôi chân của nó, có Hoa Kỳ hay không có Hoa Kỳ, bị Hoa Kỳ bỏ rơi thì cũng không sao cả…

Như Ý: Anh là nước bé mà anh không có bạn đồng minh thì hoàn toàn sai lầm. Thực ra nhân quyền hay không nhân quyền thì cũng không quan trọng bằng cái dân trí, nền tảng cơ bản để anh nâng cao thực lực…

Thùy Lan: Dân trí và nhân quyền cũng đi đôi với nhau vậy!

Như Ý: Đúng, đúng là như thế nhưng đầu tiên phải là dân trí để người ta nâng cao nhận thức nhân quyền là cái gì…

Thùy Lan: Nhưng nếu không cho người ta có nhân quyền thì người ta không có cơ hội để học hỏi thêm.

Kính Hòa: Câu chuyện rất thú vị nhưng chúng ta phải tạm dừng ở đây. Cám ơn các bạn Thùy Lan, Như Ý và Phương Dung đã tham gia Diễn đàn bạn trẻ ngày hôm nay.

Kính Hòa rất vui mừng đón nhận mọi bạn trẻ Việt Nam từ khắp năm châu tham gia Diễn đàn bạn trẻ. Các bạn có thể gửi yêu cầu tham gia Diễn đàn cùng với địa chỉ email, số điện thoại liên lạc đến kinhhoa@rfa.org hoặc vietweb@rfa.org hay có thể gọi vào hộp thư thoại tại số: 202-530-7775. Kính Hòa sẽ liên lạc ngay với các bạn.

Tạp chí Diễn Đàn bạn trẻ xin tạm dừng nơi đây. Hẹn gặp lại các bạn vào tuần sau. Kính Hòa chào tạm biệt.