Bệnh sùng bái lãnh tụ trong XHVN hiện đại (Phần 2)
2015.11.04
Trong xã hội Việt Nam hiện nay, một bộ phận lớn dân chúng vẫn tin tưởng vào chủ thuyết Marx-Lenin, tuyệt đối tin tưởng rằng ông Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ sáng suốt, không bao giờ phạm sai lầm. Phần nhiều trong số họ nghĩ chính sách của đảng cộng sản và ông Hồ là đúng đắn, chỉ do những người thực hiện làm sai, nên đất nước mới kém phát triển và nhiều tiêu cực. Nói cách khác, có thể nói động chạm đến quan tham, đến tiêu cực trong chính quyền và kể cả đảng cộng sản, nhưng không được động chạm đến vị lãnh tụ của họ là ông Hồ Chí Minh. Đó cũng là chủ đề mà Diễn Đàn Bạn Trẻ đã gởi đến quý vị phần 1 vào tuần qua, sau đây là phần 2 của cuộc trao đổi này.
Chân Như: Trên mạng xã hội có nhiều luồng thông tin trái chiều về đời tư, quá trình làm việc của các lãnh tụ cộng sản, trong đó có nhiều thông tin trái ngược với đảng cộng sản và bộ máy tuyên truyền khẳng định. Các bạn có cho rằng điều này có thể “giải thiêng” của các lãnh tụ?
Khải Tường: Đối với em chắc giải thiêng được. Thứ nhất trong 12 năm học ngay cả đến những phút mặc niệm của những buổi họp đoàn thanh niên cộng sản HCM, đến nỗi tưởng niệm về HCM và những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì một nước VN tự do và hòa bình, đều làm em phải khóc luôn. Em nghĩ đối với em chắc chắn là giải thiêng đúng rồi tại vì những luồng thông tin làm cho em phải đắn đo và chính sự đắn đo đem đến cho em sự tìm hiểu và em nhận ra rất nhiều điều. Đúng là họ đang tuyên truyền và đang cố nhồi nhét vào đầu óc và tư tưởng chúng ta về một con người như một vị thánh. Khi em tìm hiểu so sánh giữa những gì họ nói và những gì họ đang làm ngày hôm nay thì em nghĩ chắc có một thế lực nào đó tạo ra những bản sao hoàn hảo đồng loạt đều nghĩ người đó là một vị thánh. Thậm chí một vài năm gần đây em thấy một số ngôi chùa còn đưa tượng HCM lên làm tượng bồ tát nữa. Em nghĩ họ đang sa đà quá, trong khi đó ngay chính ông Hồ theo học thuyết vô thần. Em được chính ba em kể sau năm 1975 cộng sản Bắc Việt mang danh vào “giải phóng miền Nam” nhưng họ sẵn sàng vào đình chùa vứt hết tất cả những tượng thần, tượng thánh rồi thậm chí là tượng phật ra ngoài con đê làng. Khi em tổng hợp những thông tin đó lại thì em thấy tại sao một mặt họ vô thần nhưng trong hiện đại bây giờ thì họ suy tôn một con người lên làm ở hàng bồ tát, hàng thánh? Vấn đề đó đáng để giới trẻ phải cân nhắc. Em cũng được biết là một khi một học thuyết mà càng ngày càng thể hiện để lộ rõ điểm yếu thì càng thể hiện việc họ đang cố tình bấu víu một cái gì đó giống như một phao cứu tinh, họ hải càng cố gắng giữ gìn. Bây giờ với những thế hệ tiếp theo, em nghĩ họ sẽ thông minh hơn, có một đầu óc tỉnh táo hơn, như em thì em cũng đã phân định từ từ rồi.
Thomas Võ: Các bạn nói đúng.Thực trạng kinh tế xã hội hiện tại nó có rất nhiều vấn đề. Bản thân mình được học ở nhà trường rồi va chạm thực tế, mình tâm đắc nhất ở câu là văn hoá xã hội chủ nghĩa là nền văn hóa có tính định hướng. Nó định hướng cho con người ta tới điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống đến chân thiện mỹ. Về bác Hồ, mình không thần thánh bác nhưng mình tôn trọng bác. Những điều mình được học ở nhà trường thì mình thấy điều đó rất là hữu dụng đối với bản thân Thomas, đối với những con người ở VN. Mình nghĩ là tại sao một con người có một tư tưởng hướng con người ta đến những điều tốt đẹp cơ bản như vậy tại sao mình không dành cho nó một sự tôn trọng nhất định đúng không anh Chân Như. Cái thứ hai là vấn đề giải thiêng thì em nghĩ phải trả lời thẳng thắn là đúng tại vì mình biết báo chí là mang tính quyền lực mềm từ những thông tin đa chiều ở thời buổi hiện tại và nó sẽ làm cho mình có những cái suy nghĩ đắn đo về một con người nào đó. Riêng bản thân Thomas thì không care (quan tâm) đến những vấn đề đời tư của HCM, thật hay không thật và không chỉ mình Thomas đâu mà rất nhiều bạn trẻ VN nếu mà được khách quan chút xíu thì cũng không care đâu. Nói chung là bây giờ mình chỉ tập trung vào những điều tốt đẹp nhất mình đã được định hướng và mình cần phải đạt đến.
Châu Thi: Nghe bạn Thomas nói về chân thiện mỹ thì mình đang liên tưởng tới pháp luân công. Cái việc mà giải thiêng lãnh tụ đối với mình đó là một việc cần làm, tại vì như bạn Thomas nói bạn là một con người XHCN, mình thì 12 năm học
Thomas Võ: Mình chỉ nói đùa thôi chứ mình không nhận mình là XHCN đâu
Châu Thi: thì đó hồi trước cũng vậy, mình cũng là một người yêu đảng, yêu bác, mình còn là một bí thư chi đoàn lớp mà.
Thomas Võ: Wow
Châu Thi: Cũng như hồi trước mình được học ở dưới mái trường XHCN thì mình đều biết một điều đó là HCM không vợ, không con, cả cuộc đời cống hiến cho dân tộc, nhưng đến khi được tiếp cận với internet thì nó có những ý kiến trái chiều và mình không thể nào có thể kiểm chứng hết được. Tuy nhiên, nó giúp cho mình nhận ra một điều là ông HCM cũng là một con người thôi, ông vẫn có yêu thương, ông vẫn có những nhu cầu… thì việc tuyên truyền nói về một con người chỉ suốt đời cho dân tộc thôi là điều vô lý và cần phải nói thật nhiều, để cho mọi người họ biết. Quan điểm của mình là như vậy.
Chân Như: Để đánh giá về một nhân vật lịch sử, vai trò này thuộc về ai - giới học giả, nghiên cứu lịch sử hay là công việc của chính quyền và bộ máy tuyên truyền? Chúng ta cần có những điều kiện gì để có thể đánh giá trung thực và đa chiều về những nhân vật lịch sử?
Thomas Võ: Em nghĩ vấn đề đánh giá nếu mà khách quan không chỉ là các học giả lịch sử mà phải là nhân dân đồng thời thì bộ máy chính quyền. Ở quốc gia nào thì cũng phải có sự định hướng để đảm bảo tính tương đối chính xác về nhân vật lịch sử đó. Như bạn Châu Thi vừa chia sẻ thì bạn nói bạn từng là bí thư đoàn, nếu hiểu theo kiểu chia sẻ của bạn Châu Thi thì hơi buồn, không phải là buồn mà hơi tiếc cho giáo dục VN. Mình không muốn nói là bạn đúng hay sai tại vì nó còn phải phù thuộc vào cái góc nhìn của đối tượng mà mình phân tích và người mà mình đang nói đến nữa. Giáo dục VN chưa phát triển, chưa tốt và báo chí cũng đã thừa nhận vấn đề đó. Còn để đánh giá một nhân vật lịch sử thì mình nghĩ là cần tổng hợp nhiều yếu tố và như ở VN mình thì mình xin chia sẻ như mình đã nói văn hoá XHCN là phải văn hoá có định hướng, có thể là chính quyền sẽ có phần can thiệp nhiều hơn vào đánh giá về một nhân vật lịch sử. Đó là ý kiến riêng của Thomas.
Khải Tường: Em ngồi em rất là chăm chú nghe ý kiến của bạn Thomas. Vấn đề bạn nói là định hướng XHCN có định hướng văn hoá vậy một nhân vật lịch sử không lẽ họ muốn vẽ như thế nào thì họ sẽ vẽ được như thế đó? Để đánh giá một nhân vật lịch sử mình nghĩ là nó có một quá trình rất là lâu dài,thì dụ, ngoài những công trình nghiên cứu những nhà khảo cứu lịch sử rồi những tài liệu những văn thư để lại, từ tài liệu mật cho đến những văn thư của quốc tế, nó có nhiều vấn đề để đánh giá về một nhân vật lịch sử lắm . Do đó, khi để đánh giá thì cũng cần thông tin nhiều chiều. Có thể mình chưa bao giờ được tiếp xúc với họ, ví dụ như ông Hồ mình chưa tiếp xúc đâu nhưng mình nghe, có nghĩa là thông tin nghe, nghe phải nhiều hơn. Mà theo như bạn nói là XHCN là định hướng văn hoá, thì cái văn hoá cuả XHCN họ đang hướng người VN theo kiểu là nghe. Giống như ở VN mình cái gì nghe càng nhiều càng nhiều thì họ nghĩ đó càng tốt, chương trình gì quảng cáo càng nhiều là người VN mình nghĩ món đó đó tốt, cái tâm lý chung như vậy. Riêng về một nhân vật lịch sử thì giống như họ nghe, nghe riết cái quen mà họ quen với điều đó và họ nghĩ điều đó là đúng, điều đó là tốt. Tường không đồng ý để một thể chế chính trị nào được xen chân vào để đánh giá một con người kiểu như vậy. Là một người trẻ, mình cũng không nên để kiểu nghe nhiều để rồi nghĩ cái đó tốt. Thực trạng đó đáng lẽ ra không nên tồn tại ở xã hội hiện đại này.
Thomas Võ: Thật ra bạn nói đúng đó chứ, mình nghe nhiều thì mình sẽ bị ảnh hưởng tư tưởng, mà không chỉ ở tại VN mà tất cả các nước trên thế giới không chỉ là về chính trị mà cả về kinh tế và tất cả các mặt. Thu nhỏ vấn đề về HCM thì mình đang giữ lập trường khách quan, không chỉ tại VN thôi đâu đã có nhiều công trình nghiên cứu về HCM ở nước ngoài và đặc biệt là ở Châu Âu và Nam Mỹ. Còn về đánh giá nhiều chiều mình nghĩ bạn nói cũng đúng nhưng thật ra cái suy nghĩ của mình đang bị mâu thuẫn ở hai mô hình xã hội, một mô hình xã hội tư bản phương tây và mô hình theo kiểu XHCN của VN mình. Báo chí phương tây thì hiện tại có sức ảnh hưởng trên toàn thế giới và thậm chí mình biết có rất nhiều bạn trẻ VN xung quanh mình không thích xem thời sự VN. Mình không có nói là mình bị tác động xấu hay tốt mà phải thừa nhận một điều là mình đang bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ và văn hoá báo chí tây phương. Như bạn nói hiện tại nó có tính đa chiều mình chỉ nghiêng về cái khác biệt về mô hình kinh tế xã hội cũng như suy nghĩ của mỗi người mà thôi. Riêng Thomas và nhiều bạn trẻ nhất là những người bạn xung quanh Thomas thì thích những thông tin có tính định hướng, hướng người ta tới những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống, đơn giản thế thôi.
Châu Thi: Thomas mới nói thì mình cũng nói luôn, việc bạn của bạn thích những thông tin có tính định hướng hay gì mình cũng không hiểu tại sao lại như vậy, tại vì mình là con người tự do thích khám phá những gì tự do mà mình thích
Thomas Võ: Châu Thi ơi định hướng ở đây là mời người ta tới cái tốt cái đẹp những điều mình cần vươn đến trong cuộc sống, cần đạt được trong cuộc sống, chứ ở đây mình không muốn nói đến định hướng về tính chính trị.
Thomas Võ: Nhưng mà nói đến định hướng cho cuộc sống, thì mình cũng có thể nói về những tôn giáo giống như Phật Giáo hay Thiên Chúa Giáo cũng tốt và ngay cả, người ta cũng nói Hồi Giáo là một tôn giáo tốt, cũng đưa người ta tới chân thiện mỹ. Không có tôn giáo nào là tôn giáo xấu hết.
Thì ngay cả chế độ tự do cũng hướng con người ta tới cái tốt. Theo như những người bạn (của thi) mới vừa đi Thụy Điển về thì họ có kể cho mình biết là khi qua đó họ thấy người dân dắt chó đi dạo, thì con chó đi tới đâu người ta đi theo nó tới đó chứ họ không có chủ đích ghì con chó lại, để thấy xã hội tự do họ rất là tôn trọng những điều chân thiện mỹ, những điều tốt đẹp ngay cả quyền của một con thú cũng được tôn trọng.
Trở lại câu hỏi của anh Chân Như đó là đánh giá một nhân vật lịch sử thì vai trò của ai, theo mình đó là vai trò của người dân thôi hoặc là những người học giả nghiên cứu còn công việc của bộ máy tuyên truyền thì mình thấy nó can thiệp vô sâu quá, giống như một sự định hướng độc tài.
Chân Như: Sự sùng bái cá nhân, theo các bạn, có lợi hay có hại cho một xã hội dân chủ ngày nay? Vì sao?
Khải Tường: Cám ơn một câu hỏi rất hay của anh. Em nghĩ, khi mình thần tượng một ai đó thì rất dẫn đến tiêu cực, mình sẽ cố tình bảo vệ người đó. Em lấy đơn cử như hiện tại ở VN đi, một nhóm fan thần tượng một cô ca sĩ này với một cô ca sĩ kia, họ sẵn sàng vì người thần tượng đó họ làm tất cả mọi điều để dìm người ca sĩ khác. Em nghĩ việc sùng bái một cái gì đó quá mãnh liệt, em cũng sẽ dễ bị cực đoan vì nó làm cho con người mình trở nên ích kỷ và đôi lúc là độc đoán. Với một xã hội dân chủ thì người ta cần một cái gì đó tự do, công bình và phải nói ra được những gì mà mình đang nghĩ. Do vậy, bây giờ chắc em sẽ không sùng bái một cái gì quá đáng đâu.
Thomas Võ: Em hoàn toàn đồng ý với ý kiến của bạn, đúng như bạn nói thì con người ta sẽ dễ đi tới bảo thủ, những ích kỷ và cực đoan. Bản thân Thomas và những bạn trẻ ở Việt Nam ít ra cũng đang được giáo dục và định hướng về cái gọi là không sa đà vào cái gọi là sùng bái cá nhân. Đối với những nhân vật lịch sử của VN thì Thomas luôn dung dưỡng được tinh thần khách quan và sự tôn trọng. Tôn trọng chứ không phải là sùng bái những điều hay, điều tốt ở họ.
Châu Thi: Sự sùng bái cá nhân này theo em nó có vài sự kiện xảy ra. Em theo dõi thông tin trên facebook thì em được biết giống như là người tên là Nguyễn Lân Thắng khi chụp hình với cái đĩa có hình ông Hồ ở trên đó thì anh nói là nếu như ngày xưa ông rửa bát bẩn ở trên tàu thì đất nước ngày nay đâu đến nỗi. Vài ngày sau đó anh bị những người tự xưng là dư luận viên tấn công. Đó là một việc theo mình rất tệ hại, tấn công một con người trong khi họ bày tỏ quan điểm cá nhân. Họ (nhóm DLV) kêu gọi lập ra những hội nhóm để tìm kiếm anh này (NLT) để tấn công, dùng vũ lực để bắt anh xin lỗi thì việc đó là việc rất không nên làm.
Thomas Võ: phải công nhận là các bạn DLV làm vậy đã là sai rồi anh. Đó là điều thực tế không được khuyến khích ở XHVN mình đâu . Thật ra anh (NLT) bày tỏ quan điểm cá nhân của anh nếu mà đối với một người sùng bái HCM hơi nhiều thì có thể xem vấn đề đó là hơi nhạy cảm, cảm thấy hơi khó chịu thôi, nhưng mà gọi là để một nhóm DLV tấn công người, thứ nhất là đã vô lý, thứ hai là đối với pháp luật VN hiện tại đã là phạm pháp tại vì đánh người.
Khải Tường: Nãy giờ em nghe bạn Châu Thi nói, bạn Thomas nói hình như em cảm giác nhóm DLV nó đang có một cái gì đó được sự dung dưỡng mà họ không tìm ra nguyên nhân nào, không giải quyết. Châu Thi nói là xã hội vô pháp chắc có lẽ là hơi cực đoan; Cũng có pháp đó nhưng mà người thực thi pháp luật đang dung dưỡng những thành phần này. Đây cũng là xuất phát từ việc tôn sùng cá nhân đó, họ đang bảo vệ vị thần tượng đó nên họ sẽ cùng nhau dung chứa những đối tượng đó về cùng một nhóm.
Thomas Võ: Đúng sùng bái cá nhân thì thực trạng trong xã hội không phải là ít và nó có nghiêm trọng hay không tùy thuộc vào cách giải quyết của con người ta đối với cái gọi là sùng bái cá nhân đó nó có triệt để hay không và đó chính là điều được phản ánh trong báo chí những năm gần đây. Thomas hy vọng rằng đối với những trường hợp này, các cấp chính quyền sẽ có câu trả lời xác đáng hơn cho người dân cũng như là có cách giải quyết triệt để hơn để mọi người có thể yên tâm hơn để không bị gọi là vô pháp ở VN. Hy vọng trong thời gian tới tình hình về vấn đề sùng bái cá nhân sẽ được hạn chế và xã hội con người ta sẽ phát triển hơn, hài hoà hơn, cũng như là ai đó đã từng nói là cuộc đời sẽ dịu yên biết mấy nếu con người ta biết đặt vào vị trí của nhau, đó là ý kiến chia sẻ của Thomas.
Rất cám ơn phần chia sẻ của các bạn Châu Thi, Khải Tường và Thomas Võ cho một đề tài rất đặc biệt trong hai kỳ vừa qua.